Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

XÂY DỰNG VÀ ĐÁNH GIÁ CÁC GIẢ THUYẾT

XÂY DỰNG VÀ ĐÁNH GIÁ CÁC GIẢ THUYẾT
Một vấn đề thường có nhiều cách tiếp cận và hướng giải quyết khác nhau tùy hoàn cảnh, độ phức tạp, quan điểm và kỹ năng của người giải quyết vấn đề. Quyết định được đưa ra trên cơ sở lựa chọn giữa các giả thuyết. Giả thuyết là những phương án suy luận giả định từ những ý tưởng nảy sinh có thể áp dụng để giải quyết vấn đề. Giả thuyết được hình thành trên cơ sở nhận diện vấn đề, tổng hợp và phân tích thông tin, đánh giá điều kiện chủ quan và khách quan cùng mức độ phù hợp với mục tiêu đề ra.

Việc đánh giá các giả thuyết dựa trên cơ sở phân tích các thông tin, chứng cứ, tính logic, lý lẽ với tầm nhìn mở, không thiên vị, thành kiến, không xem giả thuyết nào là hoàn hảo. Muốn vậy cần thu thập dữ liệu ủng hộ và chống lại giả thuyết từ những đối tượng có quan điểm khác nhau. Cân nhắc nhiều tình huống khác nhau, các tác động, tính khả thi, tính linh hoạt cả trong ngắn hạn và dài hạn. Ghi tất cả những điểm yếu của giải pháp và tìm cách giảm thiểu yếu điểm, những hậu quả xấu tiềm tàng để điều chỉnh giải pháp theo hướng tốt hơn. Xem xét phương án giải quyết vấn đề có ảnh hưởng những điều không được phép thay đổi không.

Việc đánh giá các giả thuyết cần dựa trên các tiêu chí xác định, rõ ràng, bao gồm:

- Tính chính xác: Chính xác điều đó là gì? Có thể hiểu cách nào khác không?

- Tính hợp lý: Điều đó có hợp lý không? Thích hợp hoàn cảnh nào, trước mắt, lâu dài? Làm sao kiểm tra xem có hợp lý không?

-Tính xác đáng: Những mối liên hệ xác định có thích đáng? Những mối liên hệ đó có ảnh hưởng thế nào? Khả năng được người khác chấp nhận, mức độ đồng tình? - Vì sao có ý kiến phản đối?

-Tính phức tạp: Tính phức tạp của vấn đề đã được cân nhắc thấu đáo chưa? Những yếu tố nào có ý nghĩa nhất? Yếu tố nào cần giải quyết trước nhất? Có tạo ra thêm vấn đề khác không?

-Tính bao quát: Những quan điểm nào khác cần xem xét? Có thể xem xét vấn đề theo cách khác không? Nếu xét vấn đề dưới gốc độ khác thì sao? Nếu quyết định thế này thì điều gì sẽ xảy ra? Kết quả tốt nhất và xấu nhất là gì? Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra thì sẽ đối phó thế nào?

-Tính logic: Điều đó thật sự có ý nghĩa không? Điều đó diễn ra có đúng như lập luận không? Nếu lập luận khác trước thì sao?

-Độ tin cậy: Có đáng tin cậy không? Niềm tin vào quyết định thế nào?

-Tính chính đáng: Đã cân nhắc ý kiến, quyền lợi của người khác một cách không thiên vị không? Sẽ có ảnh hưởng thế nào đối với người khác?

-Tính khả thi: Có phù hợp với thực tế và khả năng không? Mức độ phải thỏa hiệp và cái giá phải trả là gì? Có còn cách giải quyết nào tốt hơn không?

Triết gia, nhà tư vấn về phát triển giáo dục Peter Ferdinand Drucker nói về sức mạnh của việc đặt ra câu hỏi hợp lý như sau: “Công việc quan trọng và khó khăn không bao giờ là việc tìm được câu trả lời đúng mà là tìm ra câu hỏi đúng”. Để có câu trả lời đúng, trước tiên phải hỏi những câu hỏi đúng giúp chọn giả thuyết tốt nhất trong số các giả thuyết đã đề ra. Giải đáp thỏa đáng các câu hỏi sẽ giúp làm sáng tỏ vấn đề từ số lượng thông tin khổng lồ, phức tạp và có khi mâu thuẩn nhau.

Để kiểm tra các giả thuyết có thể dùng phương pháp “Thử và tìm cái sai – Trial & Error” bằng cách tuần tự phân tích các giải pháp giả định và tìm những cái sai trong mỗi giải pháp cho đến khi xác định được giải pháp thỏa đáng hoặc ít sai nhất. Sử dụng “nhóm trí tuệ” sẽ có tác dụng tốt cho việc đánh giá được khách quan, toàn diện và đáng tin cậy hơn. Trong trường hợp giả thuyết không đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí nói trên thì cần bổ sung các chứng cứ và lặp lại các bước đánh giá từ đầu.

Việc xác dịnh giải pháp không nhất thiết phải bao gồm tất cả các dự đoán về những yếu tố bất thường, vì quá chú trọng vào yếu tố bất thường sẽ dẫn đến giải pháp không phù hợp với điều bình thường, dễ sa lầy vào việc giải quyết nhiều tình huống không bình thường. Giải pháp phải dự tính đến năng lực cạnh tranh của đối thủ và tình huống thế giới không ngừng biến động và phát triển. Tuy nhiên sự dự phòng quá mức sẽ làm phân tán nguồn lực, thời gian.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét