Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

"Đã thu nhập thấp sao còn đòi mua nhà?"

Chính phủ không nên bỏ tiền cứu doanh nghiệp bất động sản, cứ để BĐS tự điều chỉnh theo cơ chế thị trường.

"Đã thu nhập thấp sao còn đòi mua nhà?"

Độc giả tiếp tục gửi ý kiến để giải cứu bất động sản, trong đó vẫn băn khoăn về vấn đề người thu nhập thấp làm sao để mua được nhà, Nhà cứu nên cứu hay để thị trường bất động sản tự điều chỉnh...?
Giải cứu bất động sản, chuyên gia nói gì?
Cứu bất động sản cần truy cứu trách nhiệm

"Lo cho con ăn học không đủ, tiền đâu mua nhà?"

Day dứt trước vấn đề người thu nhập thấp làm thế nào mua nổi nhà, bạn hang nguyen viết: Theo em nghĩ thì giá BĐS giờ quá cao, thời nay công nhân thì nhiều mà đại gia thì ít mà giá thì cứ nằm trên trời, sao người dân mua nổi bây giờ, chỉ có cách là giá hạ xuống để cho người có thu nhập thấp mua chứ cao quá tiền thuế cũng cao, nên đối với giai cấp công nhân thì không bao giờ với tới cái giá cao ngất ngưởng như vậy đâu... 

Lấy cái nhìn từ thực tế của mình, độc giả thai minh chia sẻ: Thu nhập của tôi 10 triệu đồng/tháng sinh hoạt lo cho con ăn học còn không đủ lấy gì để mà mua nhỉ? Cứ thế mà suy ra chứ có gì đâu. Quan trọng là người dân làm cái gì để có tiền mua được một m2 đất? Lúc này đang ăn với cho con đi học còn không đủ lấy gì dư ra để mà mua. Bởi vậy doanh nghiệp bất động sản chỉ có con đường phá sản thui, không có con đường nào để mà cứu hết.


Về vấn đề nhà thu nhập thấp, bạn Trịnh thẳng thắn đề đạt ý kiến: Theo tôi ngay cả cái gọi là dự án nhà cho người thu nhập thấp của TP. Hà Nội cũng có vấn đề khi chúng ta đã thấy người mua được nhà dự án này lại bán với giá cao. Đã là người có thu nhập thấp thì đừng nghĩ tới việc mua nhà mà nên thuê, Nhà nước cần có chính sách và qui hoạch hợp lý. Thu nhập thấp nếu muốn có nhà thì phải ở xa, rất xa nơi giá nhà rẻ hơn và đến thành phố bằng xe buýt hay phương tiện công cộng, Nhà nước có thể bao cấp phần này thôi để thành phố đỡ đông "người có thu nhập thấp". Họ ở xa chi phí cuộc sống chắc chắn rẻ hơn hy vọng mới có tiền tiết kiệm. Rõ ràng những người mua được nhà ở xã hội năm nay là người đủ "điều kiện là người có thu nhập thấp" nhưng họ có thu nhập cao, đã có nhà ở rồi nên mua rồi bán lại lấy lời. Tiêu chí "người có thu nhập thấp có vấn đề! Người thực sự có thu nhập thấp vì vậy không nên mua và không thể mua được nhà ở nội thành, hoặc thuê hoặc ra các TP vệ tinh thôi. Cũng với cách này mới phát triển được TP vệ tinh và xây dựng các phương tiện vận tải công công. 

Bạn Nguyễn Đình Nam cũng đưa ra quan điểm: Đã thu nhập thấp sao đòi mua nhà; xem ở các nước quanh ta hay những nước phát triển xem, người nghèo có mua được nhà không? Câu hỏi đặt ra là tại sao ta lại nằm trong diện thu nhập thấp. Phải chăng những người thông minh, những người chăm chỉ, siêng năng, giỏi giang là người có thu nhập thấp. Đòi hỏi người có thu nhập thấp phải mua được nhà là đòi hỏi của những cái đầu có tư duy cũ, phi thực tế và không thuộc bất cứ quy luật nào. Đóng thuế, phí... thì không muốn đóng; đóng góp cho xã hội chẳng bao nhiêu nhưng cứ kêu ca, đòi hưởng như người khác thì thật chẳng công bằng chút nào?

Người thu nhập thấp làm sao đủ tiền mua nhà

Muốn giải cứu, chỉ có cách hạ giá

Bàn về giải pháp cho thị trường BĐS hiện nay, nhiều độc giả đưa ra ý kiến,
nếu muốn sống, thì các doanh nghiệp bất động sản chỉ còn cách là hạ giá.

Độc giả Nguyễn Thị Hà phân tích: Chẳng có biện pháp nào hơn biện pháp chủ đầu tư phải giảm giá bán bất động sản, nếu giảm giá xuống 10 triệu và bán công khai không có trung gian ăn chênh lệch thì sẽ bán hết hàng thôi. Dự án Đại Thanh có hàng mấy chục kẻ trung gian hàng ngày ngồi ở khách sạn Mường Thanh ăn chênh lệch giá của người mua mấy chục triệu đấy sao, Bộ Xây dựng và các cấp chính quyền không giải quyết mà lại "lo cứu bất động sản" để người mua lại "khát"...

Chung quan điểm, bạn Hai yen viết: Chỉ có cách hạ giá về đúng giá thật thì sẽ giải cứu được ngay.

Đồng tình với những ý kiến trên, bạn nguyenhung chỉ ra: Các doanh nghiệp BĐS hãy tự cứu lấy mình, trời cũng không cứu nổi, hãy bán tháo càng nhanh càng tốt, đó là khôn ngoan nhất lúc này. Vào lúc này, không ngân hàng nào dám cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào vay để đầu cơ. Vậy người mua, chỉ có thể là người mua để ở, do vậy giá phải hợp lý, nghĩa là giá bán, người mua phải có tiền để mua. Thu nhập bình quân một người có bằng đại học tại Hà Nội, TP.HCM chỉ khoảng 5 triệu/ tháng, hai vợ chồng 10 triệu/tháng, một năm tiết kiệm được 30%, 1 năm tiết kiệm được 45 triệu, mỗi tháng tiết kiệm được 3 triệu. Nếu mua nhà chỉ 500 triệu, họ phải trả trong 10 năm, với lãi suất bằng 0, thế chấp bằng chính căn hộ. Nếu lãi suất cho vay 5% một năm, họ phải mất trên 20 năm trả cả gốc lẫn lãi. Nếu lãi suất cho vay 2,5% một năm, họ phải mất 15 năm trả cả gốc lẫn lại. Với điều kiện lãi suất luôn giữ 5% năm - 20 năm, lãi suất ổn định 2,5%-15 năm 

Bạn đọc Mai Xuân Thủy cũng thẳng thắn phân tích: Đã là kinh tế thị trường thì phải có lãi, có lỗ. Khi cầu nhiều hơn cung các nhà kinh doanh bất động sản lãi gấp hàng chục lần so với vốn bỏ ra thì chẳng ai kêu ca. Bây giờ cung vượt cầu thì ất phải chấp nhận lỗ chứ. Tại sao cứ giữ giá không chịu hạ giá, chấp nhận lỗ mà lại kêu ca nhiều thế, để Nhà nước phải bỏ tiền ra cứu trợ nhà giàu. Thật nực cười! 

Độc giả vannguyen đề xuất ý kiến: Chỉ khi nào BĐS trở về giá trị đích thực của nó thì tự động sẽ sống không cần phải cứu. Người có thu nhập trung bình còn rất nhiều đang phải đi ở trọ, nhà trọ luôn trong tình trạng "đắt như tôm tươi" vậy thì tại sao BĐS lại chết? Tôi thấy ở Bình Dương có những khu nhà tập thể liền kề rộng cũng khoảng 60m2 nhà cấp 4 nhưng rất thuận lợi và phù hợp với những gia đình có thu nhập trung bình thuê dài hạn. Hãy khảo sát và tìm hiểu nhu cầu thiết thực của đại bộ phận người dân, nhất là người có thu nhập trung bình. Đem tiền cho các đại gia vay tiếp tục xây những khu chung cư cao cấp thì trước sau rồi cũng chết nữa à! 

Cứ để BĐS tự điều chỉnh
Cứ để thị trường BĐS tự điều chỉnh

Đặt ra vấn đề BĐS cứu hay không cứu, một số độc giả độc giả thẳng thắn nêu quan điểm: Chính phủ không nên dốc tiền vào cứu doanh nghiệp bất động sản, mà hãy cứ để BĐS tự điều chỉnh theo cơ chế thị trường.

Bàn về vấn đề này, bạn le van hai nêu ý kiến: Cả năm nay mọi người cứ nói mãi về BĐS bao nhiêu hội thảo, nói hoài, mà chả giải quyết được việc gì. Cái qui luật kinh tế khá rõ là giá trị sử dụng đi đôi với giá trị thật của nó, hiện giờ hai cái đó quá vênh nhau. Đã là cơ chế thị trường thì cứ để nói tự điều chỉnh lấy, chứ cứu làm sao được. Cái không tốt, vi phạm qui luật sao lại cứu nó nhỉ? 

Chung suy nghĩ, bạn doan thi ly viết: Buôn bán phải theo đúng quy luật thị trường, tôi buôn bán ở chợ, hôm nào hàng bị ế buộc lòng phải hạ bằng vốn, thậm chí chịu lỗ. Cớ sao các đại gia một thời làm giá, đẩy giá BĐS lên nhanh thu lời bao nhiêu năm, rồi hiện nay bội thực không bán được, kêu phải cứu. Thậy vô lý.

Độc giả Đoàn Văn Quảng cũng đồng tình: BĐS phải do các nhà đầu tư tự cứu lấy mình bằng chính các đồng tiền lãi trong giai đoạn dài khi thị trường bất động sản sốt nóng mà nhà đầu tư tích lũy được do lãi ròng quá cao và lợi nhuận được sinh ra từ chính đồng lãi ấy trong cả một giai đoạn rất dài. Nhóm lợi ích được hưởng lợi ấy phải tự tìm cách cứu nhau, Nhà nước không nên can thiệp và tự để cho các doanh nghiệp điều chỉnh giá bán hợp lý để tự thoát khỏi tồn kho và tìm cách phát triển, nhất quyết không để các doanh nghiệp ỷ lại, khi mà các doanh nghiệp ỷ lại thì việc giải quyết tồn kho là khó xảy ra và người có nhu cầu thực sự về nhà ở vẫn chỉ là hy vọng, hãy để thị trường tự điều tiết và điều chỉnh luôn cả đạo đức kinh doanh cho các doanh nghiệp luôn thể. 

Bạn Trần Lâm thì phân tích: Nền kinh tế của VN có phải là nền kinh tế thị trường, có vì mục đích xã hội công bằng -dân chủ-văn minh,có phục vụ lợi ích của đa số người lao động hay là phục vụ lợi ích của một nhóm người? Ở các nước văn minh, người lao động bình thường nhất thì cũng chỉ tiết kiệm đến 20-25 năm là đã có ngôi nhà của mình bởi vì giá nhà đất là giá thực không bị bất cứ ai thao túng. Còn ở VN ta thì sao với mức lương người lao đông 3-4 triệu đồng thì có để ra được đồng nào mà tiết kiệm với giá cả vào loại đắt nhất thế giới (thật là vô lí) như thế này có đáng Nhà nước phải lấy tiền đóng thuế của người nghèo cứu bất động sản(cứu đại gia), hay là để nó về đúng giá trị thực để người lao động có khả năng mua nhà.

Cùng suy nghĩ, bạn Trần Đình Quân chỉ ra: Cần xiết chặt bất động sản để giá thành trở về giá trị thực. Không nên đổ tiền cứu bất động sản. Nếu đổ tiền cứu bất động sản chỉ làm lợi ích nhóm có chức có quyền. Phải để nó đổ vỡ không thể tay không bắt giặc. Nếu đổ tiền vào lạm phát lại tiếp tục tăng lên. Hai năm siết chặt tiền tệ mất tác dụng. Phải để nó đổ vỡ và nó cạnh tranh theo quy luật của thị trường. Doanh ngiệp nào nợ tiếp tục phát mại. Danh nghiệp nào đứng vững thì doanh ngiệp đó tồn tại. Không nên để các doanh nghiệp bú vào bầu sữa mẹ. Phải siết chặt tín dụng 

Đồng tình với những ý kiến trên, bạn Champhamvan thẳng thắng đề đạt: Tôi nghĩ chi chí tiêu cực về BĐs ở VN quá lớn, vì vậy vô tình đẩy giá thành lên cao, và đã làm giàu cho một nhóm lợi ích nào đó. Theo tôi cứ để cho nó tự chết, chết càng sớm càng tốt. Bây giờ Chính phủ nên tập trung cứu nền kinh tế, củng cố quốc phòng, còn lo cho dân thì Chính phủ đứng ra trực tiếp thành lập công ty xây dựng cho dân nghèo.

Trong khi đó, có bạn đọc lại cho rằng, cứu BĐS là việc cần thiết, Chính phủ nên hỗ trợ các doanh nghiệp BĐS.

Về vấn đề này bạn thu viết: Theo tôi, vực dậy BĐS là điều đáng làm. Nhà nước nên quan tâm hỗ trợ để các nhà đầu tư còn con đường sống. Nhà nước hỗ trợ cùng biện pháp quảng lý chặt chẽ như là: cho ra một định giá từng loại hình BĐS, từng khu vực. Để người có nhu cầu về nhà ở thật sự không phải đắng đo sợ mình bị hố, phải biết nhìn tới người thu nhập thấp mà thương yêu họ như anh em một nhà. Cấp trên phải xem xét thật kỹ khi cấp phép. Cấp xong rồi thì phải trông coi nó, giống như con mình, mình cho phép nó nhưng không biết nó đi đâu về đâu, để nó tự do thì lầm đường lạc lối, đến khi đó con dại cái mang. 

Bên cạnh đó, một số bạn đọc cũng chỉ ra những giả pháp nhằm vực dậy thị trường BĐS hiện nay.

Bạn nvht đề xuất ý kiến: Giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay như sau: - Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp chuyên xây lắp cho người có thu nhập thấp như Viglacera, Vinaconex Xuân Mai ... bằng các chính sách về vốn vay ưu đãi, thuế, tiền sử dụng đất ... và yêu cầu ngay lập tức các doanh nghiệp này phải xây dựng hàng loạt các chung cư diện tích từ 25-50m2 có giá khoảng 3-5 triệu/m2 theo những thiết kế mẫu sẵn có và công nghệ xây dựng mới đã được áp dụng thành công khi xây dựng nhà giá thấp ở Bình Dương (phải hoàn toàn sử dụng vật liệu trong nước để tiêu thụ hết lượng vật liệu xây dựng đang tồn kho trong nước và kích thích phát triển sản xuất vật liệu trong nước, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động) - Chính phủ hỗ trợ người lao động vay tiền với lãi suất thấp khoảng 5%/năm với giá trị vay tới 70% giá trị căn hộ trong vòng 15-20 năm để người lao động mua hoặc thuê nhà đã xây dựng ở trên. 

Độc giả Nguyễn Văn Minh cũng chỉ ra: Đối với khu vực không giao dịch hay giao dịch chậm cần tìm hiểu nguyên nhân chắc là khu vực đó không có đủ dịch vụ và phương tiện của người dân như trường học, bệnh viện, chợ, siêu thị, công việc làm ăn, sinh sống, giao thông... thiếu gì bổ sung cái đó thì mới thu hút người mua nhà tới sống. Mặt khác cần bán trả góp thời gian hàng chục năm.... 

Bạn nguyen than đề đạt: Chính phủ nên tạo điều kiện thủ tục đơn giản nhất cho bà con Việt kiều mua nhà ở Việt Nam, tôi thấy có lợi cho quốc gia trong thời buổi BĐS gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay.
Đâu là giải pháp hữu hiệu để phá băng thị trường BĐS hiện nay? Mời bạn đọc Vland cùng đưa ra những giải pháp giải cứu thị trường BĐS để hi vọng vực dậy thị trường vào năm mới, 2013. Bạn đọc cũng có thể gửi những ý kiến bình luận, những bài viết đưa ra ý kiến của mình trước những chính sách của Bộ xây dựng nhằm vực lại thị trường đầy khó khăn này.
 
 Những ý kiến góp ý xác đáng, có hiệu quả sẽ được đăng tải trên trang bất động sản Vland và được trả nhuận bút theo quy định. Các giải pháp hay, được độc giả bình chọn nhiều nhất sẽ nhận được những phần quà hấp dẫn của chuyên trang bất động sản Vland.
 
 Thời gian bắt đầu diễn đàn từ ngày 18/12/2012 và kết thúc vào 30/1/2013.
 
 Kính mời độc giả tham gia đóng góp ý kiến để những chính sách sắp tới Bộ xây dựng đưa ra sẽ được đông đảo phản hồi và sự đồng tình của người dân nhiều hơn.
 Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về email: vland@vietnamnet.vn


Thu Phương (Tổng hợp)


Lợi ích nhóm đang chi phối thị trường BĐS.
Đồng tình với quan điểm trên, bạn Nguyễn Tiến Thành mong muốn các doanh nghiệp hãy hạ giá, san đều lợi ích cho nhân dân: Gốc rễ là giá BĐS đang quá cao, hạ giá bằng cách nào? Nếu xem xét thành phần cấu trúc của giá BĐS thì tỷ trọng giá đất trong tổng thể chi phí là quá cao. Các chi phí về vật liệu xây dựng, nhân công, quản lý, thủ tục. v.v là không thể giảm được hoặc giảm rất ít. Hãy hạ giá đất đi. Đất là của nhân dân, tại sao không thể đưa giá đất về con số không xem giá có giảm hay không thay vì đổ tiền vào việc giảm thuế cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp thì hãy đưa giá đất thấp xuống, san đều lợi ích cho nhân dân.
Các doanh nghiệp bất động sản phải giảm giá để tự cứ chính mình

Nhiều độc giả cũng bày tỏ ý kiến các doanh nghiệp bất động sản phải giảm giá để tự cứ chính mình, chứ đừng ngồi đó mà trông chờ vào sự giải cứu của Chính phủ, ngân hàng hay cứ khăng khăng giữ giá.

Bạn đọc le hoang có ý kiến: Chính phủ không phải cứ chăm chăm giải cứu BĐS, mà BĐS phải tự giảm giá để cứu mình vì giá BĐS vẫn quá cao!

Bạn Nguyễn Thị Minh Nguyệt cũng thẳng thắn: Không có giải pháp nào để cứu bất động sản bằng tự mình cứu lấy mình, tức là không mong chờ vào 1 biện pháp nào dù là Nhà nước, ngân hàng có hạ lãi suất bao nhiêu đi nữa cũng không mang lại hiệu quả, nếu cứ chờ một phép lạ nào đấy thì 20 năm nữa cũng không giải cứu được thị trường BĐS. Một điều duy nhất là các chủ BĐS không quyết định giá bán mà người quyết định giá chính là người mua, giá mua không căn cứ vào một tiêu chuẩn nào cả mà là giá được người mua qui định, chỉ có như vậy mới gỡ được băng bất động sản, ngoài cách này đừng mong chờ vào một cách diệu kỳ nào cả.

Trong khi đó bạn Nguyễn Ngọc Sơn đưa cảnh báo không nên mua nhà lúc này: Xin mọi người chớ vay tiền mà mua nhà. Là nhân viên ngành tài chính, tôi khuyên mọi người chỉ mua nhà nếu mình đủ 90% tiền vì các lý do sau: 1. Dự định mức lãi suất ưu đãi mua nhà dù là 10% cũng rất cao so với các nước khác khoảng 6%. Trong khi thu nhập bình quân của ta thấp hơn họ kha khá. 2. Dù thời hạn tín dụng là 10 năm nhưng Hợp đồng tín dụng cho vay ở VN thường có điều khoản điều chỉnh lãi suất 6 tháng một lần, cùng lắm cố định trong 2 năm. Nếu sau thời điểm này, ngân hàng điều chỉnh tăng (cắt cổ đến 18%,20%) như thời kỳ vừa qua, chúng ta cũng sẽ không có tiền để thanh toán, vậy là phải chấp nhận mức điều chỉnh ngọt lẹm như trên. 3. Nếu không đủ điều kiện thì nên vô tư thuê nhà để ở, tiền dành dụm nên để đề phòng bệnh tật, đầu từ làm ăn, cho con cái học hành (sẽ đẻ tiếp ra tiền) các nước khác họ thường làm vậy. Chứ mua nhà mà kéo cày trả nợ thì chết nửa cuộc đời, không trả được bị ngân hàng tịch biên thì mất cả cuộc đời. 4. Sẽ nhanh chóng đưa BĐS về giá trị thực trong tầm với. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét