Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

(3) Đọc Hồi Ký “Bên Nhau Trọn Đời” Của Bà Nguyễn Thụy Nga


Đọc Hồi Ký “Bên Nhau Trọn Đời”
Của Bà Nguyễn Thụy Nga
Nguyễn Hồng Trân
27-Jun-2012
PHẦN III
Con đường đi vào Nam của cô Nga thật gian nan nguy hiểm. Cô đi theo chuyến tàu bí mất không số. Nhớ lại chuyến đi này cô viết:
“Tôi xuống Hải Phòng ở trong một căn nhà mà bấy giờ tôi cũng không biết ở đâu nữa. Tôi cũng không cho Thành biết. Vào một đêm trời tối đen như mực, chú Đỗ Trình đưa tôi đi xe trên một đoạn đường rồi dừng lại. Đồng chí Đỗ Trình giao tôi cho đồng chí Tư Phước (trưởng bến) đưa tôi xuống tàu rồi đưa vào một cabin, chỉ cho tôi cái giường bên dưới. Đồng chí ấy nói:
-Cùng đi một chuyến với chị có 4 cán bộ sĩ quan cao cấp quân đội.
Tàu chạy tới sáng tôi mới nhân ra đồng chí năm gần phía ngang tôi là đại tá quân y Nguyễn Thiện Thành. Hai giường trên là đại tá Hoàng Thế Thiện chuyên làm chỉnh ủy quân đội và một bên nữa là đại ta Xuyên Khung “ông Thủy tổ đặc công”, một đại tá nữa năm bên ngoài (tôi quên tên) là chuyên gia về thông tin. Riêng anh Nguyễn Thiện Thành thì tôi biết trước. Vì khi chuẩn bị đi anh Ba có nói:
-Anh bác sĩ Thành theo lẽ thì anh ấy đi chuyến trước, nhưng anh xin giữ anh ấy lại đi chuyến này để chăm sóc giùm em.
Trời sáng hẳn tôi mới nhìn rõ mặt từng người.

Để đánh lạc hướng địch, lúc đầu tàu chạy về phía TQ… chiếc tàu như một chiếc lá trôi trên đại dương mênh mông.
Hành trình của con tàu là do TW chỉ đạo. Hễ phát hiện có Hạm đội 7 trên đường thì TW gọi trở lại.
Theo đúng lịch trình, tàu chạy 6 ngày đêm thì đến Mũi Cà Mau. Nhưng TW đã gọi lại 3 lần, có lần cập bến Hải Nam. Anh em hải quân TQ cho nhiều thứ bột mì, thịt các loại, rau quả, đường sữa… Một khối lượng lương thực dữ trữ rất lớn. Khi biển lặng thì tàu chạy êm ắng không chồng chềnh. Tôi đi xem bếp có lò nướng bánh và các dụng cụ khác. Tôi làm một bữa cho anh em ăn với nhiều món. Anh em trên tàu ăn một bữa no nê ngon miệng…
Con tàu không số trải qua mấy lần sóng gió. Biển động rồi lại êm. Anh em lại gọi tôi lên bong hóng gió. Lúc bấy giờ tàu chạy gần bờ Philipin. Máy của địch ở quần đảo đánh điện hỏi: “Tàu gì?”. Tôi thấy anh em trong tàu lôi ra một đống cờ, chọn một lá cờ kéo lên và đánh mooc trả lời: “Tàu đánh cá”. Nhưng tôi thấy các súng cao xạ giấu trong các giàn lưới ở dưới đạn đã lên nòng. Tất cả đều chuẩn bị chiến đấu. Anh em bảo tôi:
-Chị Ba ơi! Chỉ có tài liệu gì, hình ảnh gì của Miền Bắc thì giao cho tụi em thủ tiêu khi cần. Còn nếu đụng giáp trận thì chị xuống chiếc xuồng cao su này cùng với 4 anh em bơi vào bờ. Lúc đó tôi không nói ra lời nhưng tôi nghĩ bụng: “Bơi chưa vào bờ thì đã vo bụng cá rồi”…
Dọc bờ biển Miền Nam, quân ngụy cho tàu chạy kiểm tra hòng không cho tàu ta cập bến. Vì lúc tôi đi đã xẩy ra chuyện ở Vũng Rô rồi, cho nên địch đã biết đưa vũ khí vào Nam.
Một hôm tôi đang ngủ, trời cũng tối đen như hôm chúng tôi tàu, anh em lay lay gọi tôi: “Chị Ba ơi! Lên boong xem”. Tôi bò lên rồi đứng dậy nhìn thẳng ngay ra trước mặt mà không nhìn thấy ngón tay anh em chỉ chỗ ánh đèn chớp chớp và nói: “Ngọn hải đăng đó là Hòn Khoai đó chị!”
Hòn Khoai là nơi anh Nguyễn Ngọc Hiển khởi nghĩa năm 1940, cũng là nơi anh Ba tá túc lúc khó khăn. Giờ đây chuyến “tàu không số” lại lấy làm chuẩn để định hướng cho tàu cập bến. Khi anh em dùng đèn pin nháy nháy báo cho trên bờ biết tàu đến. Bởi vì ngày nào, lúc nào tàu đến thì TW đều điện cho Miền Nam biết để đón. Anh em trên bờ cũng đánh tín hiệu báo yên. Mọi người ôm nhau mừng vui. Tàu vào là vào Rạch Gốc của Cà Mau. Rạch Gốc rất hẹp chỉ vừa đủ thân tàu lọt vào. Rạch đã hẹp, bên trên những cành đước giao du nhau, nhìn không thấy luồng nước chảy. Khi chạy vào rạch, anh em dựa vào kinh nghiệm mà cho tàu chạy mà không bật đèn. Vô sâu độ 200 mét mới bật đèn gầm để chạy theo con rạch ngoằn ngoèo. Vậy mà tàu chạy được, tôi phục anh lái quá chừng! Đi sâu thêm 2 km thì tàu cập bến. Lúc đó anh em trên bờ và dưới tàu đều vô cùng mừng vui…
Anh em trên con “tàu không số” này được nghỉ ngơi hai ngày rồi ra khơi trở về Miền Bắc.
Họ bảo tôi: “ Chị có gửi thư cho anh Ba thì tụi em sẽ đem ra cho anh.
Đêm đó tôi thức viết thư cho anh Ba nói lên tâm tư của mình khi chia tay nhau. Sau cùng, tôi có làm một bài thơ họa đối lại bài thơ mà anh Ba đã tặng tôi trong ngày cưới.
Bài thơ của anh như sau:
“Hỡi cô con gái Đồng Nai,
Năm nay là mấy năm rồi cô yêu?
Hôm qua gió lạnh đìu hiu,
Lòng cô man mác trăm chiều nhớ thương.
Hôm nay trời tanh mây vương,
Gió xuân đằm ấm, mùi hương đậm đà.
Tơ tình ta lại với ta,
Say sưa bao xiết là ta với mình.
Cho hay là giống hữu tình,
Đố ai cắt được tơ mành làm đôi!”
Lê Duẩn
Khi trở về Miền Nam, tôi nhớ lại lần mới gặp gỡ, Tôi buồn lắm. Vì vậy mà bài thơ họa đối lại của tôi cũng đượm mùi cay đắng:
“Trở về trên bến Đồng Nai,
Cảnh xưa gợi nhớ, nhớ người ta yêu.
Nước sông, sông nước đìu hiu,
Lòng ta da diết trăm chiều nhớ thương.
Nhớ ngày trời tạnh mây vương,
Trúc mai quyện bóng, mùi hương đượm đà.
Bây giờ ta chỉ có ta,
Còn đâu chiếc bóng hình ta bên mình?
Trớ trêu chi lắm chữ tình?
Tơ mành nay đã dứt tình lìa đôi”.
Nguyễn Thụy Nga
Và cuối thư tôi lại gửi cho anh mấy câu thơ tâm sự:
“Trót đã yêu nhau, trót dãi dầu,
Vì đâu duyên nợ, bởi vì đâu?
Trăm năm gìn giữ ân tình cũ,
Một kiếp! Thôi đành hẹn kiếp sau...”
Anh em “Tàu không số” đưa thư của tôi ra Hải Phòng giao lại cho Bộ Tư lệnh hải quân. Sau này có một đồng chí sĩ quan hải quân đến thăm tôi và nói:
-Thư chị gửi ra cho anh Ba, tôi đem đến cho anh. Anh đọc thư trước mặt tôi mà nước mắt anh chảy xuống lá thư, làm tôi vô cùng xúc động.
Tôi nói tiếp đến chuyện tôi đến Rạch Gốc. Anh Tư Đức, trưởng bến đó, sau khi tiếp nhận và săn sóc chúng tôi 2 ngày, anh cho chạy máy đưa chúng tôi về giao cho Khu ủy Khu 9 đang đóng ở Tân Hòa. Khu ủy mở tiệc mừng chúng tôi đã vào Nam an toàn. Sau đó tổ chức phân chúng tôi về các nhà dân. Lúc đó tôi ở cùng một nhà với đồng chí Đại tá Xuyên Khung trong một thời gian rồi chúng tôi được điều về công tác ở Miền Tây. (Trích đoạn HK mục –CON TÀU KHÔNG SỐ, trang 97-105).
Cô Nga vào Nam được phân công về công tác miền Tây Nam Bộ. Thời kỳ này ở Miền Nam tình hình chính cuộc giữa địch và ta vẫn còn rất căng thẳng. Tuy Luật 10/59 của Ngô Đình Diệm đưa máy chém đi khắp nơi để uy hiếp dân chúng và cán bộ cách mạng, cũng đã qua rồi. Sự tàn ác ấy của Ngô Đình Diệm không ngăn nỗi được lòng dân yêu Tổ quốc và ủng hộ cách mạng. Cả nhà Ngô Đình Diệm phải đền tội, trả giá cho sự tàn ác của họ đối với dân tộc với đất nước.
 Nhân dân và cán bộ cách mạng miền Nam còn đối mặt với âm mưu  của địch hàng ngày thật là gian nan nguy hiểm. Nhưng đồng bào và cán bộ ta thì kìm chế, nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định đình chiến ở VN, còn kẻ địch thì cứ lấn tới hoài. Nhưng rồi “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn” dần dần chúng ta đã phá tan được mọi âm mưu xảo quyệt của chúng, nhưng ta cũng tổn thất nhiều trong cuộc chiến với quân Mỹ.
Trong HK của cô Nga đã phần nào nói lên điều ấy:
“Tôi về Miền Nam lúc vùng giải phóng đã mở rộng. Nhưng tôi nghe anh em kể lại lúc nó đi ruồng bố U Minh, nhiều cán bộ mình phải ngủ chui rúc trong các choại, trong rán khổ như thế nào. Có lần, hai đồng chí ta bị một thằng giặc bắt, nó đèo 2 người trên một chiếc xe máy. Người ngồi trước có súng, người ngồi sau có dao găm. Vậy mà kẹt vì chủ trương cấp trên của ta là tuân thủ hoà bình theo tinh thần hiệp định Geneve, không được manh động. Ai vi phạm thì bị khai trừ khỏi Đảng. Hai đồng chí này phải bó tay để cho nó chở về đồn và giết chết. Tôi nghe những chuyện như vậy, tôi rất ức. Có những thằng gián điệp nó giả vờ làm người buôn bán vải đi dò la trong ấp, xóm để tìm bắt cán bộ ta. Anh em thanh niên nghĩ ra cái mẹo là làm con nộm bằng thùng thiếc, đục trên miệng thùng có cạnh xéo như miệng nộm để rình chờ tụi do thám đi qua rồi chụp thùng thiếc lên đầu nó. Những cạnh thùng kẹp cổ nó, nó rút ra không được, la làng cũng không ai cứu, đành phải đội cái thùng nộm trên đầu mò mẫm về đồn. Từ đó chúng nó không giám đi dò la trong ấp xóm nữa.
Còn chuyện nữa, có một đồng chí cán bộ xã, cấp trên của ta chưa cho diệt ác ôn, tụi nó lộng hành quá trời. Đồng chí ấy tức quá. Khi bắt được nó, đồng chí bảo:
-Tao không giết mày được, nhưng tao phải trị cho mày nhớ đời cái tội độc ác hại dân, phản quốc. Đồng chí ấy cho nướng một tấm sắt đỏ có khắc hai chữ “Ác ôn” rồi in lên trán thằng đó. Về sau nó thất kinh và bỏ xứ trốn đi luôn.
Mấy lần tôi viết thư cho anh Ba, tôi cũng kể những chuyện ấm ức như thế trong lòng tôi cho anh nghe. Anh biên thư cho tôi, anh nói:
-Anh đọc thư em, anh buồn lắm. Lúc chuẩn bị đi tập kết anh đã chỉ đạo cho chôn giấu súng đạn, cho cán bộ quân sự giỏi để lại, vì anh biết thế nào cũng có ngày này. Vậy mà anh ra Miền Bắc trong 2 năm, anh đã bàn với TW mãi mà đến năm 1958 vẫn chưa ra được Nghị quyết cho Miền Nam đấu tranh chính trị và vũ trang kết hợp. Do đó làm thiệt hại cho cách mạng Miền Nam quá nhiều.
Trong các thư anh Ba gửi cho tôi, một phần là về tình cảm riêng tư, nhưng phần lớn là anh dặn dò tôi phải biết đấu tranh từng bước, giành thắng lợi từng phần như thế nào; phải xây dựng căn cứ địa cho cách mạng, phải tấn công địch để làm chủ; làm chủ để tấn công như thế nào,v.v…
Thư anh Ba gửi cho tôi, khi anh Tư Bình đưa lại thường là lá thư đã     nhàu nát. Tôi cũng biết là các đồng chí Thường vụ Khu ủy trao nhau đọc và nghiên cứu những ý kiến chỉ đạo của anh. Tôi rất vui lòng khi nhận được những bức thư nhàu nát đó…
Hồi đó tôi được Khu ủy phân công làm Phó Ban biên tập báo Giải phóng Miền Tây. Sau đó làm Phó Ban Tuyên huấn Khu. Đến năm 1972, tôi làm Phó Ban Phụ vận Khu và Khu ủy viên. Các cơ quan báo chí tuyên huấn báo cũng đóng gần Khu ủy. Các anh không giám cho tôi đi công tác xa, sợ tôi bị địch bắt, bị rúng ép, gây tác động tâm lý lo lắng cho anh Ba… Một hôm Khu ủy về họp ở rừng tràm, tôi cũng có mặt trong cuộc họp đó. Sáng ra các bà má bưng các thứ bánh và xôi đến cho anh chị em Khu ủy. Các đồng chí hỏi:
Sao các má biết tụi con về họp ở đây mà đem xôi bánh vào cho?
Các má nói: “Nghe thằng Tám vệ sĩ của bà Ba nói các con và bà Ba về họp ở đây nên mấy má thức đêm làm bánh, nấu xôi đưa về mời anh em và bà Ba ăn và hỏi thăm ông Ba…
Các ông Khu ủy nghe vậy hoảng quá, liền cho dời hội nghị ngay hôm đó bí mật sang nơi khác. Anh Tư Bình bảo tôi:
-Tụi nó dám hy sinh một tiểu đoàn để bắt chị lắm đấy. Tôi ngẫm nghĩ đến nỗi lo của các anh. Nhưng nghề của tôi là nghề làm báo, ngồi một chỗ thì tôi làm sao viết được? Thường trong Ban biên tập phân công tôi viết bài bình luận, xã luận. Đến gần Tết Mậu Thân (1968), địch đánh phá rất ác liệt, nhất là đánh vào cơ quan đầu não của Khu ủy. Đầu hôm thì pháo từ Hạm đội 7 bắn vào… Đến tối vừa lên đèn thì máy bay B57, bỏ bom tọa độ, rồi đến trực thăng từng bầy bay là là dọc theo kênh rạch bắn xối xả.
Muốn viết bài bình luận, xã luận, tôi phải dậy từ lúc 2 giờ đến 4,5 giờ sáng. Có một hôm, tôi viết gần cuối bài, chỉ còn một kết luận là xong. Tôi nghe tiếng máy bay bay ỳ ỳ từ xa, nhưng tôi muốn viết dứt câu chót kẻo để mai sợ quên. Chưa kịp viết hết câu thì bom từ B52 trút xuống ào ào. Cây đèn có tôi chưa kịp tắt thì hơi bom hắt nó tung xuống đất và tôi cũng bị hất luôn. Vừa hửng sáng, tôi ra cái xóm kề bên Khu ủy đóng, thấy nhà cửa đồng bào tan nát hết. Tôi nhìn vào một cái giường tre thấy 2 đứa bé ôm nhau, chân tay tròn trịa rất dễ thương nhưng đã bay mất hai cái đầu. Tôi lượm một cái gối thêu bị mảnh bom phạt đứt trên mặt gối còn dính máu và mấy sợi tóc của trẻ thơ. Lúc đó tôi không sao cầm được nước mắt. Có một nhà gồm 11 người đều chết. Bà con chôn vội trên nền nhà. Nhìn lên ngọn cây thấy vắt vẻo trên đó nào là xác gà vịt, nào cánh tay, mảnh thịt người chưa được đem xuống. Nhìn thấy như thế mà rất thương tâm…
Cơ quan Khu ủy và Ban tuyên huấn, báo chí, thông tấn phải cấp tốc dời ngay vì có máy bay “Đầm già” bay rề rà chuẩn bị đổ quân. Tất cả phải khuân vác dụng cụ, đồ dùng cá nhân lo bằng rừng, lội kênh… đi tắt đến gấp một địa điểm khác. Khi đó, vì tôi bị đau khớp, đầu gối đau quá. Tôi đề nghị:
-Các đồng chí đi đi! Tôi đau quá không đi được, tôi ngồi tại hầm này thôi.
Anh em không nỡ bỏ tôi ở lại mà khiêng đi thì cũng khó. Cho nên các đồng chí phân thêm một nửa tiểu đội cùng 2 vệ sĩ của tôi ở lại với tôi. Mọi người đi rồi, tôi dặn anh em:
-Nếu địch phát hiện được mình thì nổ súng rồi phân tán rút lui, bảo vệ lực lượng, còn nếu chúng chỉ đi ngang qua mà không phát hiện thì mình đừng đánh. Vì nó có 2 tiểu đoàn, còn ta chỉ vài tay súng, đánh không lại chúng mà bị thiệt hại nữa. Anh em đồng ý. Đến 9 giờ thì nghe thấy tiếng chúng nó lội ào ào ngang cơ quan Khu ủy. Chúng tôi ngồi ngoài công sự cách chừng 100 mét, tôi nghe một thăng kêu to:
-Sửu ơi! Ở đây có hầm cá nhân đó, mày đừng lội bậy coi chừng VC nó bắn thấy mẹ mày đó!
Tụi nó lội từ 9 đến 11 giờ mới đứt đuôi. Anh em ra xem thấy nó mở một con đường bên phải cách chỗ hầm chúng tôi không xa. Chúng nó lội như đường trâu đi, cứ 4 thằng một hàng ngang, mấy thằng đi sau theo dấu chân mấy thằng đi trước mà đi, vì chúng nó sợ vấp chông mìn lựu đạn của ta.
Từ đời Pháp đến đời Mỹ, bọn giặc không lội nổi như vậy, chỉ có lính ngụy mới đi càn nổi rừng U Minh. Đêm đến bọn sĩ quan còn có võng mắc trên các gốc tràm và có mùng phủ xuống dán kín dưới võng, còn bọn lính thì đóng cọc hai bên làm giàn ngồi ngủ như một bầy gà vậy…
Có lần tôi lên Trà Vinh mở lớp đào tạo tuyên huấn huyện. Địa hình xung quanh bị giặc bắn xơ xác. Đồn bốt giăng giăng khắp nơi. Địa điểm mở lớp sát nách đồn địch. Có lần chúng nó gọi to:
-Mấy ông VC ở trong lùm ơi! Dậy mà lo nấu cơm sớm đi kẻo tàu bay “Đầm già” nó lên thấy khói là chết đó!
Chúng nó cũng sợ khi bầy “Đầm già” phát hiện có VC sẽ bắt chúng đi càn thì cũng cực cho chúng. Cho nên chúng cầu an như thế. Có nơi đồn bót địch để quân ta qua lộ sát bên mà không muốn làm gì cả. Chúng để cho ta yên thì chúng cũng được yên. Tư tưởng cầu an trong quân Bảo an địch trước năm Mậu Thân hầu hết như vậy. (Trích đoạn HK mục MIỀN TÂY, từ trang 107-113).
Cô Nga vào Miền Nam công tác được mấy năm phải lăn lộn với tình thế căng thẳng của cuộc đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang của quân dân Miền Nam rất mạnh mẽ. Những năm ấy, kẻ địch rất sáo riết càn quét để tiêu diệt VC và khủng bố kìm kẹp đồng bào ta không cho ngóc đầu dậy. Cô Nga hồi đó cũng túi bụi, bộn bề công việc. Nào là công tác báo chí, tuyên huấn; nào là công tác phụ nữ, dân vận.v.v…
Lúc bấy giờ phong trào đấu tranh chống giặc ở Miền Nam đang dấy lên rầm rộ khắp nơi. Có nhiều tấm gương xả thân diệt Mỹ cứu nước và khôn khéo bảo vệ cán bộ cách mạng. Phong trào chống Mỹ ngụy ngày càng dâng cao làm chao đảo tinh thần của ngụy quân, ngụy quyền ở nhiều nơi và thậm chí họ bỏ rơi đồn bót chạy về với đồng bào theo cách mạng. Khí thế sôi nổi, phấn khởi của toàn quân và dân miền Nam trào lên khắp nơi khi biết tin chuẩn bị cuộc tấn công nổi dậy toàn Miền Nam.
Tình hình diễn biến thời cuộc lúc bấy giờ cũng được cô Nga nêu lên trong HK có mấy đoạn như sau:
“Cuối năm 1967, chúng tôi được phổ biến bằng miệng là phải nhanh chóng chuẩn bị để tổng công kích, tổng khởi nghĩa toàn miền Nam. Lòng tràn đầy phấn khởi, người nào người nấy mặt mày rạng rỡ. Tuy chưa biết rõ ngày “N”, giờ “G” là lúc nào, nhưng ai cũng lao về các địa phương chuẩn bị phần việc của mình. Về lực lượng chủ lực, quả đấm quyết định của chiến trường thì đã có Quân khu lo rồi. Nhưng lực lượng chính trị phải làm gì?, lực lượng binh vận phải làm gì? Nhiều thứ phải lo liệu… Nhiệm vụ của chúng tôi phải gắn liền với sự chỉ đạo của Khu ủy là phát huy tác dụng của thông tin, báo chí đưa những cá nhân tập thể điển hình nổi bật để dấy lên thành phong trào toàn dân đánh giặc.
Tôi bám theo các cuộc hội nghị tổng kết thi đua của Quân khu, hội nghị báo cáo điển hình của Phụ nữ khu. Tôi quá say mê và thương yêu các nhân vật mà tôi nắm bắt được. Có đêm tôi ngồi viết lại những việc họ đã làm mà tôi như sống lại với họ trong cuộc và nước mắt tôi cứ trào ra vì thương cảm họ. Như chuyện bà má Năm Thanh ở Trà Vinh là người phụ nữ Khơme gầy gò, đầu cắt tóc ngắn như đàn ông. Bà nói ngắn gọn, không thích phô trương thành tích, vậy mà má đã nói cho binh sĩ Khơme nghe lọt tai, được lòng mà ôm súng trở về với cách mạng cả 5 đồn. Chị Út Tịch người phụ nữ nông dân rặt, ăn trầu quẹt mép, nói cười bồ lô bồ la, vậy mà chị để lại 5 đứa con ở nhà cùng chồng đi đánh giặc. Ai trong Nam cũng biết tiếng chị “còn cái lai quần cũng đánh”. Bọn giặc hễ thấy những bã xác trầu bên công sự là hô to:
-Chết mẹ rồi tụi bây ơi! Gặp con mụ Út Tịch rồi!
Cô Tô thị Quỳnh 18 tuổi ở xã Lương Hoà (Trà Vinh) lên hội nghị chiến sĩ thi đua Quân khu, thấy tôi cầm viết và quyển sổ, cô biết tôi là nhà báo, cô cười bẽn lẽn như một cô gái mà mẹ hỏi ý kiến để gả lấy chồng. Thế mà khi báo cáo thành tích của mình thì chính cô đã chi huy một tiểu đội du kích xã quần nhau với 2 tiểu đoàn Bảo an ngụy…
Chị Tư Anh Hội trưởng phụ nữ Trà Vinh lãnh đạo một cuộc biểu tình ở Trà Vinh hơn 40 ngàn quần chúng Việt và Khơme. Trong đó có 10 ngàn sư sãi tham gia. Đoàn biểu tình kéo đi 3 ngày qua hàng trăm đồn bót địch. Các sư sãi dùng loa kêu gọi anh em binh sĩ Khơme hãy ủng hộ đồng bào mình chống địch càn quét đốt phá chùa chiền. Có một nơi cả đại đội Bảo an ngụy gia nhập vào đoàn biểu tình. Với quy mô đấu tranh như vậy, phải tổ chức đội hậu bị để có người thay thế cho người bị thương hoặc mất sức; phải có đội hậu cần tiếp tế; phải có giao liên từ mặt trận về hậu tuyến… Ban đêm mọi người trụ lại tại chùa Xoài Xiêm, cửa ngõ huyện lị Trà Cú. Đoàn văn công của ta biểu diễn phục vụ đồng bào. Địch cho một đoàn xe tăng, thiết giáp đến đàn áp. Nhưng trước sức mạnh như vũ bão của đồng bào, bọn giặc lái xe hoảng hốt bỏ chạy. Khi nghe những chuyện như thế, tôi liên tưởng đến câu nói của Đại tượng Nguyễn Chí Thanh: “Phụ nữ ta trong đấu tranh chính trị mang danh là đội quân tóc dài thật là anh hùng lẫm liệt, tay không mà dám xông vô hàng ngàn lực lượng địch được trang bị tận răng. Đó là một sự kiện hy hữu trên thế giới này. Tổ chức lãnh đạo một đội quân chính trị như vậy khác nào chỉ huy một binh đoàn”…
Còn chị Hai Thanh là Bí thư Thị xã ủy tỉnh Vĩnh Long. Khi anh Năm Trung triệu tập cán bộ chủ chốt của tỉnh vào phổ biến nghị quyết Khu ủy về Ngày “N”, giờ  “G” Tết Mậu Thân sẽ Tổng tấn công nổi dậy cả Miền Nam. Chị ấy sinh con mới được 10 ngày, chị nằm trên võng để nghe phổ biến nghị quyết. Sau đó chị cấp tốc vào nội thành chuẩn bị cho 3 mũi tấn công… (Trích đoạn HK mục TẾT QUANG TRUNG, trang 114 – 119).
Sự tổ chức phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng quân dân miền Nam với các đơn vị quân chủ lực miền Bắc chi viện vào cho cuộc tấn công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã thể hiện sức mạnh chính nghĩa của chúng ta đã đồng loạt đánh tan quân giặc khắp nơi. Quân ta đã chiếm lĩnh được nhiều đô thị quan trọng. Nhưng khách quan mà nói thì trận tấn công mở rộng đồng loạt này cũng chỉ là một cuộc thử sức quân lực giữa ta và địch để có thêm những bài học lớn, có ý nghĩa quan trọng về chiến thuật và chiến lược quân sự. Vì thế nên sự tổn thất về tính mạng và khí tài trong chiến dịch này là rất nặng nề, không thể tránh khỏi được. Chiến tranh là vậy, có cái mất, có cái được! Đó là chuyện tất yếu. Nhưng ý nghĩa sâu xa và lớn lao của chiến dịch tấn công Tết Mậu Thân này mới là quý giá…
Trong HK của cô Nga đã nói lên phần nào về những diễn biến chiến sự giữa ta và địch trong những ngày lịch sử đó:
“Một hôm gần đến Tết Mậu Thân, tôi có nghe tin một chiếc tàu chở 200 tấn vũ khí từ miền Bắc vào Nam bị địch phát hiện, không cập bến được. Đây là một tàu chở nhiều vũ khí nhất từ trước tới nay. Bộ đội ta cũng giàn ra đánh nhau với quân địch trên bộ để hỗ trợ cho tàu. Dưới tàu quân ta cũng bắn lên máy bay Mỹ. Máy bay chúng bắn xối xả xuống… Anh em trên tàu bắn rơi được 2 chiếc VO-10. Qua hai ngày rồi mà tàu này vẫn không vào bến được. Hôm đó tôi đi công tác, cháu Hương chèo xuồng. Khi xuồng tôi đi ngang qua một gò nổi, thấy 2 người ngồi trên đó. Một cậu kêu:
-Chị ơi! Cho chúng em uống nước.
Tôi hỏi: “Có phải 2 anh từ chiếc tàu đang đánh nhau ngoài khơi đó không?”. Cậu ấy trả lời: “Dạ phải chị ạ!. Chúng em có 27 người nhảy xuồng cao su bơi vào, còn hai đồng chí được phân công đem tàu ra xa đánh đắm tàu cho kẻ địch không lấy được vũ khí và xác tàu. Anh em tản mát hết, còn hai đứa em vào được đây thôi”.
Tôi cho họ uống nước rồi bảo đến xuồng rồi chở về Khu ủy giao cho anh Tư Bình (Phó Bí thư Khu Ủy). Anh Tư cho 2 anh vào bệnh viện để chữa trị các vết thương cho họ.
Sau này tôi được biết, các anh em trên chiếc tàu đó đã vào được bờ và đến bệnh viện điều trị. Sau khi lành bệnh, họ trở ra miền Bắc nhận nhiệm vụ mới. Cả hai đồng chí trước đây đã đưa tàu ra xa và cho tàu nổ cũng còn sống. Tôi mừng quá!. Nhưng tôi không biết trong số anh em đó có anh em nào ở trên “con tàu không số” hồi trước đã đưa tôi vào Nam không? Nhớ đến những người hôm đó, tôi liên tưởng đến chuyện ngày xưa tôi đã từng đi trên “con tàu không số” mà lòng tôi quá đỗi ngậm ngùi, thương nhớ…
11 giờ đêm ngày 29 Tết Mậu Thân, chúng tôi được tin phải hành quân cấp tốc, tiếp cận với tiền tuyến. Ngày “N” giờ “G” đã đến. Trong khi đó Ban Tuyên huấn còn đang làm thịt một con heo gần 30 ký để gói bánh tét, kho Tàu một nồi thịt, món ăn cổ truyền ngày Tết. Tôi còn nhớ anh em mới báo cáo về: Đoàn văn công Quân khu do đ/c Thanh Nha Trưởng đoàn đang diễn cho bà con vùng lộ vòng cung xem, có cả bà con trong thành phố ra và binh lính trong một số đồn địch bỏ súng lại rồi mặc áo quần thường đến xem và khen hay. Mỗi buổi diễn có đến cả 2 ngàn người xem. Hai cái đèn măng sông sáng trưng cả một góc trời. Tiểu đoàn 307 còn đi múa Lân đón mừng Tết với đồng bào ở huyện Phụng Hiệp. Vậy mà lệnh ra quân đã tới rồi.
Chúng tôi vội vàng gom hết đồ nghề và cả con heo chưa kịp xẻ thịt, bỏ ngay xuống xuồng, chèo cật lực theo bộ phận Thường trực của Khu Ủy. Xuồng rẽ nước xào xào, gió sông thổi vào mặt mát lạnh…
Cuối tháng 12 năm 1967, Ban chấp hành TW họp ra NQ 15 (gọi là NQ Quang Trung mà bây giờ ta đang thực hiện). Chúng tôi chèo xuồng đến sáng. Bà con dọc hai bờ kênh chạy theo xem. Có người hỏi:
-Anh chị em ới! Đi đâu đó?
-Chúng tôi đi đánh giặc.
Vậy là trên bờ các ba má, các cô gái chạy theo thấy xuồng nào cũng đầy ắp nhiều bánh trái, dưa quả… để ăn Tết.
Ngày xưa thì quân lính Quang Trung thần tốc ra Bắc thì được dân cho bánh chưng, bánh dầy, bánh giò, còn bây giờ quân lính của Chính phủ cách mạng, của Đảng thì dân cho bánh ít, bánh tét, bánh tày… Thật hay quá đi! Tôi ngồi trên xuồng mà cứ liên tưởng chuyện nọ đến chuyện kia mà lòng phơi phới, lâng lâng…
Mấy chiếc máy bay “Đầm già” của địch cứ vòng tới, vòng lui theo đoàn ghe xuồng, nhưng chắc chúng nó nghĩ như mọi năm dân ta hay lên  thành phố sắm Tết nên chúng nó vòng mấy vòng rồi bay đi luôn mà không bắn. Ba tuần trước đây, tôi nghe đài biết được Tướng William R.Disobry -Cố vấn Mỹ đã tuyên bố với báo chí rằng: “Lực lượng của VC ở đây được động viên kém, huấn luyện tồi, nên quân đội VNCH (ngụy quân) hoàn toàn chiếm ưu thế”. Tư tưởng của tên Cố vấn đầu sỏ mà như thế thì bọn lái “Đầm già” cũng vậy thôi…
Bây giờ nhìn lại thấy ta chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 chưa ngon lắm đâu. Nhưng riêng ở miền Tây ta cũng đồng loạt đánh chiếm được 9/9 thành phố, thị xã và 41 thị trấn, thị tứ. Miền Tây đã làm cho địch một sự bất ngờ nhất là ta không hề có một lực lượng chủ lực lực nào của miền Bắc chi viện cả. Cú đánh địch của miền Tây trong Mậu Thân cũng góp phần cho chiến thắng toàn miền Nam, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh để ngồi vào bàn Hội nghị Paris. Cuộc tấn công Tết Mậu Thân còn là tiếng sét vang dội cả thế giới và ngay trong nước Mỹ. Mấy ngày sau tôi theo dõi tin tức, báo chí thế giới bình luận về cuộc tấn công vào Tết Mậu Thân như sau:
-Tờ báo “Tiếng Vang” của Pháp viết:
“Việt Cộng đã chứng tỏ cho thế giới biết rằng họ có khả năng giáng những đòn mãnh liệt. Họ làm cho một quân đội mạnh nhất phương Tây đã nếm mùi thất bại. Mỹ cần phải hiểu rõ rằng họ không thể nào thắng được trong cuộc chiến tranh này”.
-Hãng Kiodo của Nhật Bản ngày 15/02/1968 nhận xét:
“Qua cuộc tấn công những ngày qua, rõ ràng quân Giải phóng được sự giúp đỡ của đông đảo nhân dân ở vùng nông thôn và thành thị. Cuộc bình định của Hoa Kỳ và chính quyền Sai Gòn không hề giành được “trái tim và khối óc” của nhân dân… Quân giải phóng đã chứng tỏ sức mạnh lớn lao của mình do chỉ huy tài giỏi và sự phối hợp chặt chẽ trên chiến trường rộng khắp”.
-Hãng Reuter ngày 05/08/1969 cũng nhận xét:
“Kẻ địch mà tướng Wesmoland nói là bị đẩy lùi tới vùng biên giới, đã mở một cuộc tấn công vào 33 trong 44 thành phố, thị xã của Nam VN. Cuộc tấn công hiện nay là bằng chứng về sức mạnh của họ”.
Thực sự qua cuộc tấn công Tết Mậu Thân ta cũng mất mát nhiều, nhưng những điều nhận xét, dư luận của báo chí, thông tấn ở các nước ngoài rất khách quan. Điều đó giúp cho chúng ta không vì cái đầu ê ẩm mà đánh giá không đúng mức thắng lợi to lớn của mình”.(Trích đoạn HK mục ANH EM CỦA “CON TÀU KHÔNG SỐ”, trang 120-125).
Sau chiến dịch tấn công của quân dân ta dịp Tết Mậu Thân 1968, tuy quân ta đã đánh tan được quân giặc ở nhiều vị trí quan trọng của các thành phố, đô thị nhưng ta không đủ sức để chiếm giữ hẳn lâu dài trước tình thế quân giặc đang mạnh. Còn quân Mỹ, ngụy qua cuộc chiến này chúng rất hoảng sợ và càng đề cao cảnh giác và ra sức càn quét. Chúng dùng đủ mọi phương tiện binh khí tối tân để cố tiêu diệt hết VC và đàn áp dân chúng các vùng nông thôn có che giấu cán bộ VC. Thời kỳ này là thời kỳ quân và dân ta vô cùng khốn khổ, nguy nan. Nhưng mọi người cán bộ cách mạng cũng như nhân dân đều tỉnh táo nghĩ cách đối phó với quân giặc dưới sự chỉ đạo của Khu ủy để tránh bớt những tổn thất do địch gây nên, đồng thời nhằm củng cố tinh thần cho cán bộ, đồng bào vững lòng quyết tâm chiến đấu bền bỉ đến thắng lợi cuối cùng.
Trong HK của cô Nga đã nói lên được nội dung ấy:
“Quân giặc sau khi hoảng loạn, dần dần hồi tỉnh. Lực lượng của chúng còn sung sức, chúng tập trung đánh vào căn cứ của ta. Ở Miền Tây chủ yếu là lực lượng ngụy quân, Mỹ chỉ làm cố vấn cho từng loại binh chủng. Nhưng chúng chi viện rất nhiều máy bay cơ giới, đạn dược, tàu chiến v.v… Các hạm đội Mỹ ngoài khời bắn vào chi viện cho bộ binh ngụy hành quân. Trên bờ thì các cụm pháo cứ địa bắn giáp mối từ xã này sang xã khác. Máy bay B52 thì bỏ bom hủy diệt từng xóm ấp… Điều đó gây tâm lý hoảng sợ trong dân. Chúng còn dùng trực thăng “nhảy giò” vào những nơi được tin có cơ quan VC quan trọng. Trực thăng cứ vòng quanh sà xuống quạt gió mạnh làm tốc hết cây cỏ trên mặt đất để quan sát. Những cán bộ của ta nằm ngoài các bãi lau sậy cũng đều bị quạt tốc hết lên. Một cô thư ký quân Khu cũng bị bắn chết trong trường hợp như vậy. Khi  máy bay do thám đánh dấu nhận dạng xong, chúng vừa bay qua khỏi đầu thì có 3 chiếc bay vòng lại ngay bắn phá, còn 2 chiếc khác đổ quân xuống. Nhiều trường hợp cán bộ ta không kịp xuống hầm. Ông Chủ tịch Mặt trận tỉnh Cà Mau mới chạy ra đến hầm bí mật chưa kịp dở nắp hầm thì bị bắt.
Có một hôm tôi đi công tác, anh em dặn tôi:
-Trên đường đi, nếu có giặc đổ quân, chị ghé vào xã B, ấp C hỏi tên cơ sở là anh Ba Cụt, nhà anh này có hầm bí mật kiên cố. Đến khi tôi gặp giặc bắn đì đùng, tôi ghế đến xã có ấp đó nhưng vì quýnh quá tôi hỏi nhà anh Ba Lùn thì không ai biết cả. Tôi đành chuồn theo mé sông. Tới khi về, tôi hỏi lại, anh em bảo: “Bảo chị hỏi nhà anh Ba Cụt thì chị lại hỏi anh Ba Lùn, làm sao có được?”. Tôi tức cười quá!
Thời đó, đời sống cán bộ khu 9 vô cùng vất vả, chỉ lo dời chỗ ở, đào hầm là hết sức lao động rồi, đâu còn người đi câu cá kiếm thức ăn dễ dàng như trước nữa. Trước kia cứ giăng câu một đêm là đủ ăn 3,4 ngày. Rau thì đi kiếm rau rừng đâu có thiếu gì…
Có một buổi tối chèo xuồng đến chỗ anh Kiệt để báo cáo công việc, mái chèo khua rà dưới nước đụng phải cá nóc nó nhảy lên gốc tràm con nào con nấy to bằng đầu gối. Vậy mà chúng tôi phải ăn cơm với muối sả ớt. Địch bao vây không cho ta đi mua gạo ăn. Anh em trong cơ quan tuyên huấn đêm đêm phải đi bắt ốc len ba khía rồi nhờ đồng bào đi chợ đổi gạo. Quân giặc cứ đi càn quét luôn nên cơ quan phải ăn cơm từ 4 giờ sáng để chuẩn bị chống càn.
Những lúc đi bắt ốc len ba khía, tôi lội bì bõm trong rừng đước, ngước mắt nhìn lên ngọn đước, lòng tôi cứ ao ước: “Phải chi tôi được gặp anh Ba và 3 đứa con tôi một lúc thôi thì tôi có thể chịu đựng và chiến đấu thêm 10 năm nữa”, nhưng ai có hiểu lòng tôi lúc bấy giờ? Có một lần tôi ngồi họp, nhìn ra đồng ruộng thấy một cháu bé chừng 10 tuổi, trạc tuổi với thằng Thành con tôi, thằng bé đang đi câu nhấp nhấp cá lóc để đem về nấu cháo cho hội nghị ăn. Thấy hai bàn chân nó thẳng và tròn như chân thằng Thành con tôi, nước mắt tôi cứ trào ra nhớ thương con quá. Lúc đó tôi chạy ra ngoài khóc một lúc rồi trở vào hội nghị.
Tôi nghe tin anh em quân sự về nói:
-Cháu Thành nó đi tòng quân rồi và đang chuẩn bị vào Nam chị ạ.
Mỗi lần tôi gặp một đoàn quân chính quy của miền Bắc đi ngang qua, tôi cứ nhìn xem từng mặt người trong đó có Thành không? Tôi nghĩ rằng Thành con tôi nó trẻ tuổi có khi cũng nghênh ngang chủ quan như một số cậu tân binh tôi thường gặp mà lỡ lúc bom đạn bị cụt tay chân thì tôi làm sao thay thế cho con tôi được đây? Tôi nghĩ vậy mà cứ khắc khoải đêm ngày…
Lúc bấy giờ anh Kiệt mạnh dạn cho cán bộ làm giấy tờ hợp pháp đi ra vô 2 vùng. Tôi cũng đệ đơn xin anh Kiệt: “Tôi làm báo mà ngồi một chỗ làm sao viết lách được! Đã là người Cộng sản thì sống chết cũng thường tình. Nếu có anh Ba ở đây tôi tin rằng anh Ba cũng đồng ý cho tôi đi công tác như anh chị em khác”. Thế rồi tôi cũng được phân công làm đặc phái viên của Khu ủy, đi phổ biến NQ cho 2 tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long, chị Bảy Lê đi Cần Thơ và Sóc Trăng.
Ở Vĩnh Long, sau vụ Tết Mậu Thân, địch cho đốt sạch vườn tược của đồng bào. Chúng giao mỗi tiểu đoàn ngụy trong một tháng phải phát quang một cây số. Chúng nó luôn sợ chông lôi, lựu đạn gài, nên chúng thường bắt các mẹ, các chị, các cháu đi trước giò đường rồi cho lùa trâu bò đi trước, chúng đi theo sau cho an toàn. Chúng còn bắt những người đi làm đồng phải mặc áo trắng; người bơi xuồng đi chợ phải chuẩn bị giấy tờ căn cước sẵn để chúng kiểm tra ngay…
Một hôm tôi đi lên Vĩnh Long phổ biến NQ Khu ủy. Căn cứ của tỉnh ủy trong một vườn dừa thuộc xã Xuân Hoà. Ngang sông là chợ Cần Thơ. Bốn bề có 4 đồn giặc. Máy bay PRC 25 bay qua nghe tin tụi các đồn báo về: “Trong xóm dừa có 100 VC”. Lại thêm chuyện trước đó ủy Ban xã xử bắn một tên phản động trước vàm rạch sát bên căn cứ. Do đó mà tôi và đồng chí Út Cẩn đề nghị tỉnh ủy dời chỗ họp. Các đ/c tỉnh ủy có mặt ở nhà cũng đồng ý với chúng tôi, nhưng nói chờ anh Bảy Máy (Thường vụ Khu ủy và anh Sáu Ức (Bí thư Tỉnh ủy) về xin ý kiến rồi dời đi. Tôi phổ biến NQ của Khu ủy 2 ngày là xong thì tôi sang Trà Vinh. Trước khi đi tôi nhắc các đ/c phải dời địa điểm. Nhưng chưa kịp dời thì ngày hôm sau quân địch đổ bộ xuống một tiểu đoàn vào khu vườn dừa đó. Các đ/c chạy xuống hầm bí mật. Đ/c Sáu Tiến (Hội trưởng Phụ nữ tỉnh thì chạy hợp pháp với đồng bào. Anh Bùi Thanh Khiết và anh Sáu Ức cùng xuống chung một hầm. Cái hầm này trước phân cho tôi và mấy đ/c phụ trách căn cứ và an ninh tỉnh xuống núp đó. Khi phân công cho tôi hầm này, tôi ra xem thấy dấu chân người đào hầm còn mới tinh, vả lại hầm ngụy trang sơ sài dưới gốc dừa. Tôi nghĩ bụng rằng tôi phải chạy nơi khác chứ không an tâm trốn ở hầm đó. Quả đúng như vậy, hầm đầu tiên bị địch phát hiện là chính hầm đó. Hai đ/c phải nhảy lên ném lựu đạn và hy sinh luôn. Còn đ/c Bùi Thanh Khiết và Sáu Ức ở dưới hầm đến đêm thì đ/c Khiết bảo: “Phải lên thôi! Tụi địch đóng quân tại đó”.
Đồng chí cầm cây K54 rồi tung nắp hầm vọt lên. Đ/c kể lại:
-Lúc đó một tên lính đang đứng gác với cây R15 chĩa vào ngay tôi nhưng không hiểu sao nó không bắn. Đ/c chạy nhanh tông vào một thằng đang mở màn, nó té ngã ra, đ/c chạy tuốt luôn. Đ/c Sáu Ức cũng nhảy lên chạy trốn vì hầm bị lộ. Nhưng vì đ/c Bùi Thanh Khiết là người chưa quen đường nên bị đạp phải chông xuyên qua bàn chân, phải chữa trị mất mấy tháng mới lành.
Năm ngày sau, tôi cho lên lạc trở lại thì hay tin trong trận càn đó ta bị chết 3 đ/c Thường vụ Tỉnh ủy và 5 đ/c phụ trách điện đài, bảo vệ căn cứ. Tôi nghe tin như thế đau xót quá, đêm nằm không sao nhắm mắt được. Năm ngày sau tôi lại nghe tin em tôi Nguyễn Văn Tân, tham mưu phó sư đoàn 9 cũng hy sinh trên biên giới Campuchia, tôi không sao khóc được nữa…” (Trích đoạn HK mục THĂNG TRẦM MIỀN TÂY, trang 126-132).
Trong quá trình công tác ở Miền Nam, việc đi lại hoạt động của nhiều cán bộ từ vùng này sang vùng khác cũng gặp nhiều trở ngại, khó khăn khi đi ngang qua những vùng địch chiếm. Đôi lúc cán bộ ta phải trà trộn vào với đồng bào đi công khai, lúc thì trót lọt, lúc thì cũng nguy nan, nhất là gặp phải những kẻ phản bội đầu hàng địch thì khó mà sống nổi. Như trong HK có đoạn đã ghi:
“Đi công khai cũng có mặt lợi là nhanh nhưng đôi khi cũng nguy hiểm… Có lần tôi làm việc ở tỉnh xong, trên đường trở về khu, đến một đồn địch chốt ở Hộ Phòng, qua khỏi đồn này là về đến căn cứ địa của ta. Lúc đó lính trong đồn gọi lại xét giấy. Một tên lính xem qua giấy tờ xong, nó gọi tay Đồn trưởng nói:
“Thiếu uý ơi! Thiếu uý! Xét kỹ ghe này đi, vì tôi biết mặt con lái máy này là giao liên. Nó ở xã Hoà Bình với tôi, ba nó cũng giao liên cho VC. Thế nào dưới ghe cũng có tài liệu VC đó”.
Đúng cô gái lái ghe là giao liên, người ở xã Hoà Bình. Dưới nghe tôi cũng có giấu NQ của Khu Ủy. Nghe tên lính nó nói rất khẳng định, tôi quặn ruột, nhưng vẫn bình tĩnh đưa giấy tờ cho tên Đồn trưởng xem. Trong ví bót của tôi có mấy ngăn, tôi cố tình lật từng ngăn, từng ngăn cho nó xem. Tôi có nhiều hình sĩ quan ngụy, không quân có, bộ binh có, tôi nói đó là cháu ruột của tôi. Tôi vừa lật giấy tờ vừa nói:
-Chèn ơi! Nó là dâu của qua, chồng nó ở Sư đoàn 9, đang học ở Thủ Đức đó. Từ ngày con của qua đi lính, hai mẹ con qua mới cực khổ như vậy đó. Chú đừng nhìn lầm mà tội nghiệp cho con dâu tôi…
Một hôm khác, tôi đi ra chợ với đ/c Bảy Đào (cán bộ phụ nữ tỉnh). Khi ra đi chúng tôi đã hỏi dò tin tức bên Tỉnh đội để biết tình hình địch đi càn ở đâu để tránh. Nhưng khi về thì hai chị em đụng phải một tiểu đoàn địch đi càn. Chúng nó lột hết bông tai và vòng xuyến của chúng tôi và bảo dắt đường cho tụi nó đi.
Thực ra mà nói, đối với tụi địch ở đồn bót, tụi hành quân thì mình ít lo sợ hơn bọn đầu hàng phản bội. Vì tụi này biết mình quá rõ. Hễ đụng phải tụi đó coi như tiêu đời. Như thằng Sáu Khẩn (Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban An ninh tỉnh Cần Thơ) đầu hàng sau vụ Tết Mậu Thân. Thằng này nó biết rất rành đường đi nước bước của cán bộ mình. Nó còn biết một số cơ sở của ta ở nội thành. Sau khi đầu hàng, nó làm tôi tớ cho kẻ địch đi đánh các cơ sở của ta tan tác hết. Anh em qua lộ cũng bị địch phục kích liên tục. Người thứ hai là Bảy Quảng bị bắt khi về làm Thường vụ Thành ủy thành phố Sài Gòn, phụ trách tuyên huấn, sau khi bị đày ra Côn Đảo, Quảng đầu hàng, địch thả về, y làm thầy thốc, đi châm cứu, khi thì ở Sài Gòn, khi ở Cần Thơ. Đối với hai tên đầu hàng này tôi sợ nhất, vì chúng nó biết tôi quá rành. Vì vậy tôi phải nghiên cứu cách đi dứng, giờ giấc hoạt động của tụi đó để tránh đụng đầu.
Một hôm tôi đi qua Bắc Cần Thơ… tôi liếc thấy có tên Sáu Khẩn mang kính đen ngồi trong xe. Tôi đứng quay mặt đi. Tôi sợ khi nó nhìn thấy tôi thì toi đời. Nhưng cũng may là nó sợ mình ám sát nên nó đuổi mọi người lùi lại để xe chúng nó lên trước. Tôi thật hú hồn. Tên Sáu Khẩn rất nguy hiểm cho nên mình cho bắn 6 lần mà không được. Mãi đến ngày 14/10/1974, một cán bộ đặc công của ta mới xử tội được tên Sáu Khẩn đó.
Một lần khác, tôi đi với chị Tư Phương (Phó Ban Phụ vận Phụ nữ Cần  Thơ), khi vừa bước xuống bậc, chị Phương bị trượt. Chị nói: “Cầu kiều gì mà nguy hiểm”. Có hai tên lính đi giày cộp cộp đằng sau liền nói:
-Bà nội này mà không phải là bà mẹ chiến sĩ VC thì đem đầu tui chặt đi! Tôi quay mặt lại thấy hai tên lính mặc quần áo rằn ri, Không phải CIA, không phải quân “Bình định” áo đen, tôi hết cả hồn.
Tôi đi 3 chợ: Cần Thơ, Rạch Giá, Rạch Sỏi đều thấy hình ảnh tôi chúng nó dán thật to với 3, 4 hình khác để truy bắt… Tôi đi ngang qua phải kéo nón che bớt mặt và cố đọc hàng chữ bên dưới ảnh tôi: “Tên thật là Nguyễn Thụy Nga, tên mới là Nguyễn Thị Vân-vợ của lãnh tụ số 1 Bắc Việt về nằm vùng. Ai bắt được hoặc ai chỉ chỗ đúng thì sẽ được thưởng…”
Sau này khi Miền Nam được giải phóng rồi, tôi hay đến chơi nhà chị Hai Hoà Hưng, ở 110 Võ Văn Tần Sai Gòn. Chị rất thương tôi. Trong kháng chiến chống Mỹ, chị là nhà tư sản rất giàu. Chị có tiệm cầm đồ và bán đồ cổ. Chị thường giao tiếp với số tai to, mặt lớn của chính quyền Sài Gòn và chị lại ủng hộ cách mạng.
Những quan chức lớn của ngụy như Trần Văn Lắm, Nguyễn Văn Tâm khi nào cần đãi tiệc thì chúng gọi chị tài trợ:
-Chị Hai ơi! Cho chúng em đãi khách nghen!
-Bao nhiêu bàn? Chị hỏi lại.
-Mười bàn chị Hai ạ (tức hơn 100 người).
-Rượu các ông lo hay tôi lo? - Chị hỏi lại.
-Thôi, chị lo luôn giùm em…
Thế là dưới nhà chị Hai dọn đãi bọn ác ôn, trên lầu thì chứa anh Mười Cúc Bí thư Thành ủy và một số anh em khác.
Sau ngày Miền Nam được hoàn toàn giải phóng 1975, nhà chị vẫn nguyên vẹn. Chị Hai nhận được bằng khen và Huân chương như cán bộ vậy.
Một hôm chị mời tôi đến ăn giỗ, tôi ngồi vào một bàn tròn rồi chị giới thiệu với những người hiện diện:
-Đây là bà Lê Duẩn, rồi chị chỉ sang một người ngồi ngang tôi và giới thiệu:
-Đây là Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi. Tôi bật cười to và nói:
-Trước đây tôi thấy ông dán hình tôi to tướng khắp nơi. Nếu lúc đó ông gặp tôi thì ông chộp lẹ rồi phải không? Còn bây giờ tôi và ông ngồi chung mâm vui vẻ thấy chưa? …
Trong chiến tranh VN hóa, tướng Nguyễn Vĩnh Nghi có lần đã tuyên bố mua cái đầu của Lê Đức Anh… Tướng Nghi là tướng có tên tuổi chống cộng ở Miền Tây. Ta bắt được trong giải phóng 1975, cho nó đi học tập cải tạo rồi tha về. Lúc tôi gặp y là lúc y mới được về…” (Trích đoạn HK mục ĐI CÔNG KHAI, trang 133-139).
Sau khi đã có hiệp định Paris năm 1973 đình chiến, nhưng địa thế của ta và địch đan xen nhau rất phức tạp nên cứ xẩy ra nhiều chuyện lấn vùng, ép dân của địch làm cho ta cũng bức xúc không thể chịu nhân nhượng chúng mãi, ta đành phải có chủ trương đánh chiếm lại đất và dân. Do đó tình hình chiến sự lại xẩy ra căng thẳng thêm.
Trong HK đã nêu rõ tình hình này như sau: 
“Khi anh Võ Văn Kiệt và anh Lê Đức Anh về Miền Tây, trong sự chỉ đạo của các anh có nhiều cái rất mạnh dạn dám làm. Tôi chỉ nói một việc thôi. Sau khi ký hiệp định Paris, cấp trên chỉ đạo là phải thi hành đúng tinh thần hiệp định, đàm phán hoà bình… Trong khi hiệp định được ký kết ở khu 9, Quân ủy đã bắt được một tài liệu địch chủ trương: “Vừa ngừng bắn thì bước thứ nhất là cắm cờ lấn đất giành dân; Bước thứ hai là chiếm vùng ruột Vị Thanh, Long Mỹ, Gò Quao; Bước thứ ba là làm cỏ vùng U Minh.
Lúc bấy giờ Khu ủy họp, Quân khu họp, hai bên đều thống nhất ý kiến là nếu địch đánh lấn ra thì ta phải đánh trả. Vì khu 9 ở xa TW giờ mất đường viện trợ trên biển, trên bộ, nếu ta bị địch lấn chiếm thì sẽ rất khó khăn. Địch nêu rõ ý đồ chiếm miền Tây là nơi đông dân, nhiều của, kho dự trữ của ngụy quyền. Vì vậy Khu ủy chỉ đạo cho các tỉnh theo tinh thần không cho địch lấn chiếm ngay từ đầu. Đêm trên đài công bố hiệp định Paris được ký kết thì bọn địch cứ ào ào ra nhổ cờ Mặt trận rồi cắm cờ ngụy quyền lên. Hễ địch lấn ra đến đâu thì quân và dân ta tràn ra nhổ cờ địch và cắm cờ ta và lấn sâu hơn. Thế là bước thứ nhất của địch không làm được mà còn bị mất thêm đất. Sau đó chúng dùng sư đoàn 21 ngụy đánh vào vùng giải phóng của ta. Quân chủ lực ta chặn đánh buộc địch phải co cụm lại. Đến khi chúng đánh chiếm một số xã, 320 đồn bót mà ta đã giải phóng ở Bến Tre chúng đều đánh chiếm lại, kể cả vùng đồng bằng Quảng Nam, Bình Định... Chúng cho sư đoàn 9 xuống tiếp tay cho sư đoàn 21 để đánh 3 huyện Vị Thanh, Long Mỹ, Gò Quao. Lúc chúng tập trung cao nhất là 75 tiểu đoàn. Có lúc ta và địch chen chân nhau trong một địa bàn hẹp của huyện Long Mỹ, bên kia sông là địch, bên này là ta. Nhưng ta có lợi thế hơn địch là có đông đảo quần chúng ủng hộ cách mạng…
Ta đóng quân 2 trung đoàn, địch chặn các ngã không cho mua gạo, thực phẩm. Các chị, các má họp lại nghĩ cách làm sao cho bộ đội có gạo ăn, nước uống…
Lúc bấy giờ trên chiến khu R có nhận xét: “Khu 9 đánh giặc theo kiểu cũ, khu 9 xé hiệp định Paris”. Tôi đi họp ở Lộc Ninh, đến thăm trường Đảng, anh em nói thẳng vào mặt tôi như vậy. Anh em thanh niên, binh vận khu 9 đi họp cũng gặp trường hợp như tôi. Bộ tư lệnh Miền Nam cho một đoàn cán bộ cao cấp xuống Miền Tây phổ biến tới các chiến sĩ: “Ai không thi hành hiệp định Paris thì sẽ đưa ra toà án binh”. Anh Lê Đức Anh đón đoàn cán bộ và tuyên bố:
-Nếu đưa ra tòa án binh thì tôi là người chịu trách nhiệm trước hết, nhưng tôi dứt khoát không cho phổ biến điều đó với các đơn vị. Bởi vì Khu ủy và Quân Khu ủy đã xuống thống nhất vậy rồi.
Trong 6 tháng trời Khu 9 tiếp tục chống lấn chiếm, một mặt báo cáo về cho Quân ủy miền, đồng thời báo cáo ra TW. Anh Ba lúc bấy giờ không yên tâm liền cho gọi anh Kiệt ra báo cáo tình hình, sau đó gọi anh Lê Đức Anh trao đổi. Qua thực tế chiến trường Miền Nam, TW nhận định:
-Kh 9 làm như vậy là đúng. TW chỉ đạo cho toàn Miền Nam đánh trả lại địch khi chúng đánh lấn chiếm ta. Anh em điện đài Quân khu nửa đêm được lệnh của TW mừng quá ôm nhau nhảy nhảy trên sàn đước và nói to:
-Vậy là chúng mình khỏi ra toà án binh rồi! Hoan hô! Hoan hô!
Tất cả chúng tôi đều mừng vui và nhờ sự chỉ đạo chung của TW như thế nên các nơi đều đánh trả, địch phải rút sư đoàn 9 ra khỏi chiến trường miền Tây. Quân mình lại có điều kiện mở rộng vùng giải phóng chuẩn bị lực lượng cho năm 1975”. (Trích đoạn HK mục “CHIẾN THẮNG 75 TIỂU ĐOÀN” , trang 140-143).
Năm 1973, chị Bảy Lê, Trưởng ban Phụ vận khu và tôi Phó ban ra Hà Nội dự Đại hội phụ nữ toàn quốc. Đoàn đại biểu phụ nữ Miền Nam do chị Ba Định làm Trưởng đoàn.
Trên dọc đường đi dọc Trường Sơn Tây, chúng tôi gặp nhiều đoàn xe chở vũ khí vào Nam. Anh em lái xe vận tải còn rất trẻ, nghe nói họ chỉ học 45 ngày là cho xuất quân. Tôi đi trên một chiếc xe Commangca, các đồng chí bố trí cho tôi ngồi ghế trước để khỏi bị dằn xóc… Một lần xe lên đèo Âm Bun gần 45 độ dốc. Trời mưa lất phất đường trơn ướt, tôi nói anh lái xe bóp còi inh ỏi để nếu có xe trên dốc xuống là biết có xe ngược lên dốc đề phòng khỏi đụng nhau nguy hiểm. Nhưng xe chúng tôi vừa lên đến đầu dốc thì thấy một đoàn xe vận tải đang xuống dốc. Đoàn xe chúng tôi 10 chiếc phải dừng lại sát lề đường để cho xe vận tải đi qua…
Tôi nhìn dọc đường đi thấy đường ống dẫn xăng dầu đã kéo tới Bù Gia Mập (cách Lộc Ninh không xa). Tôi nghĩ mà mừng vì TW đã chuẩn bị cho cuộc giải phóng Miền Nam tích cực như vậy.
Về chuyện riêng tư, lòng tôi lâng lâng cho ngày hội ngộ. Vợ chồng tôi xa nhau trọn 10 năm rồi. Ba đứa con tôi ra sao? Đứa nào học gì, ở đâu? Tôi không được tin tức gì.
Đoàn cán bộ Miền Nam ra , được TW bố trí cho ở các biệt thự đẹp nhất bên Hồ Tây Hà Nội. Tôi được gặp anh Ba ngay trưa hôm tôi vừa ra tại Hồ Tây. Anh gặp tôi cũng ôm tôi vào lòng như ngày nào, nhưng trên mặt anh không còn cái cười rạng rỡ và ánh mắt long lanh như trước mà một thời đã làm cho lòng tôi tràn đầy thương yêu và xúc động nữa. Đôi mắt anh Ba có vẻ buồn. Người anh có mập ra nhưng nhiều thứ bệnh. Không đêm nào anh yên giấc, cứ một lúc anh lại dậy đi tiểu, vì anh bị bệnh tiền liệt tuyến.
Nhưng có một điều không thay đổi là luôn luôn anh Ba nói với tôi rất nhiều về các mặt công tác, gặp khó khăn gì, về bạn bè trong nước và thế giới ra sao. Dường như không có ai kề cận để tỏ bày chia sẻ những uẩn khúc trong lòng anh…
Anh kể tôi nghe trong việc chuẩn bị giải phóng Miền Nam, hai nước bạn lớn là Liên Xô và Trung Quốc làm cho anh đau đầu như thế nào. Liên Xô thì sợ mình đánh mạnh sẽ nổ ra chiến tranh lớn phải kéo Liên Xô vào cuộc. Còn TQ thì muốn VN chỉ trường kỳ mai phục, chờ TQ mạnh sẽ đẩy Mỹ xuống biển Đông… Anh Ba không muốn để ai mất lòng, nhưng giữ cho đúng tính chất độc lập, tự chủ của dân tộc VN. Anh nói:
-Các đ/c đã bán đứng chúng tôi! Các ngươi lấy xương máu của dân tộc VN để trả giá với Mỹ. Chúng tôi biết, nhưng chúng tôi không sợ, chúng tôi sẽ đánh đến cùng và nhất định chúng tôi sẽ thắng.
Tôi hình dung nghĩ cảnh thuyền đi biển, lúc sóng to, gió lớn phải có người vững vàng tay lái. Nay trong hoàn cảnh đất nước ta đang gian nguy, sau khi Bác Hồ mất rồi thì người cầm lái chính là anh. Anh Ba và tập thể Bộ Chính trị TW đã từng bước, từng bước đưa cách mạng Miền Nam đến thành công. Anh đã nói với tôi:
-Anh làm việc cho Đảng cho dân không còn được bao năm nữa. Miền Nam chưa được giải phóng, Miền Bắc chưa được ấm no, cho nên những năm tháng còn lại của đời mình, anh muốn làm được cái gì thành công cho đất nước.
Các đồng chí xung quanh kể lại rằng: Có những việc ban ngày anh không giải quyết được, đêm trong giấc ngủ anh nói lên suy nghĩ của mình. Tôi nghĩ: Nhiều năm tôi vắng mặt bên anh, anh đã để hết tâm tư trí não vào công việc với một cường độ phi thường. Anh đã vắt cạn kiệt sức lực của mình cho đất nước, trong những điều kiện chẳng vui vẻ gì với cuộc sống riêng tư. Giờ đây anh tiếp tục hy sinh những năm tháng còn lại cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của Đảng…
Những lúc không có mặt anh, nước mắt tôi tự dưng tuôn trào, lòng tôi thắt lại như mình đã đánh mất một vật gì quý báu nhất trong đời…
Khi Miền Nam gọi, tôi lại trở vào Nam vùi đầu vào công tác. Sau khi Miền Nam được giải phóng, anh bị mổ tiền liệt tuyến mới ra viện, suốt ngày phải mang một cái túi ni lông bên hông. Sáng nào cũng có bác sĩ bên cạnh để làm thuốc. Vậy mà anh cứ cố gắng đi hết nơi này đến nơi khác để tìm hiểu tình hình thực tế...
Lúc tôi công tác ở toà báo Sài Gòn Giải Phóng, tôi hay la cà ngồi trong sạp của mấy chị tiểu thương. Có một hôm tôi đang ngồi nói chuyện với mấy chị, tự nhiên thấy họ lật đật quay lại ngồi vào quầy hàng của mình. Tôi hỏi:
-Cái gì vậy? Cái gì vây? Các chị chỉ ngón tay ra cửa chợ, tôi nhìn thấy anh Ba đang xăm xăm đi vào chợ Sài Gòn. Tôi đoán chắc anh Ba đi quan sát thực tế tình hình làm ăn buôn bán của dân chúng sau ngày Sài Gòn mới giải phóng. Sau khi anh ấy đi qua rồi thì các chị nói: Đó là ông lớn nhất của Việt Nam ngày nay đấy.
Năm 1987, những vết sẹo trong phổi anh khi còn ở tù Côn Đảo bị giặc đánh bầm dập, nay bị đau tái phát và sinh nước trong phổi, anh được đi sang Liên Xô điều trị. Tôi hỏi anh cho tôi đi cùng để săn sóc cho anh, nhưng anh không muốn có thêm những rắc rối trong gia đình. Anh nói: “Để anh đi một mình cũng được, anh biết em rất thương anh và lo cho anh nhiều, nhưng đành vậy thôi em ạ”.
Khi tôi đến thăm anh ở Hồ Tây, lúc đó anh đang sốt 38, 39 độ, nhưng anh vẫn đi dự họp TW để gặp đ/c này, đ/c kia để chuẩn bị cho xong nội dung và nhân sự Đại hội V của Đảng. Anh nói với tôi:
-Xong việc này rồi anh sẽ về Miền Nam nghỉ, ở đây anh cảm thấy mệt quá!
Tôi trở về Miền Nam chờ anh nhưng anh Ba đã không bao giờ về được nữa!
Cậu Trung con tôi kể lại:
-Vào một buổi chiều hè, vợ chồng Trung lên thăm anh, anh bảo: “Ở lại đây với ba! Ba cô đơn quá!”. Sau đó vài hôm thì anh đã ra đi. Lúc ấy tôi đang ở cách xa anh 2000 dặm. Được tin anh Ba đã từ trần, tôi bàng hoàng đau thương tột độ, nước mắt tôi cứ chảy hoài… Tôi phải ra ngay Hà Nội để kịp nhìn lại anh trước khi anh về với đất Tổ. (Trích đoạn HK mục “MIỀN BẮC- 10 NĂM XA CÁCH” , trang 144-150).

Hết.

Ghi chú:
Sau khi viết xong bài này, tôi đã gửi cho bà Nguyễn Thụy Nga và  gọi điện vào  TP HCM vào chiều ngày 2/4/2011 để hỏi thăm sức khỏe của bà đồng thời nói cho bà biết tôi đã được đọc quyển Hồi ký (chưa xuất bản chính thức) của bà từ năm ngoái 2010 và năm nay 2011 tôi mới viết bài: “TÔI ĐÃ ĐỌC HỒI KÝ CỦA BÀ NGUYỄN THỤY NGA”. Tôi nói cảm tưởng của tôi rất xúc động khi biết được nhiều chuyện riêng tư và công tác của bà trong những hoàn cảnh thật gian nan, đau khổ…nhưng bà đã kiên trì dũng cảm vượt qua số phận để vững bước đi lên trên con đường chính nghĩa mà mình đã chọn.
Sau đó tôi hỏi thêm bà: “Tại sao bà không đưa cho họ xuất bản chính thức để cho nhiều người được đọc một quyển Hồi ký rất trữ tình và đầy tính chất sử liệu sống động hay như thế? Có lẽ có một số chuyện đụng chạm đến người này, người khác, nước này, nước khác không có lợi cho mối quan hệ chính trị và ngoại giao trong và ngoài nước… Bà có thể bỏ bớt những chỗ đó đi thì sẽ được xuất bản đấy. Vì cuộc đời chìm nổi của bà rất hay, có thể cho nhiều người biết để đồng cảm, chia sẻ những nỗi buồn vui…”.
Bà Nga trả lời ngay với tôi: “Nếu thế thì người mà tôi hết mực thương yêu và quý trọng nhất của đời tôi đã được nhắc đến trong Hồi ký của tôi không phải là anh Ba Duẩn nữa!”. Bà nói vậy nên tôi cũng không nói gì thêm và tôi chúc bà sức khoẻ để cống hiến thêm cho đời những điều bổ ích xuất phát từ tấm lòng nhân ái của một người vợ, một người mẹ Việt Nam.
Tôi quên đề nghị bà nên thay đổi một chữ trong nhan đề của HK “Bên nhau trọn đời” thành “Thương yêunhau trọn đời” thì hợp với thực tế hơn. Mặt khác cũng để khỏi bị trùng lặp với nhan đề của một quyển HK ở Trung Quốc: “Bên nhau trọn đời” của tác giả Cố Mạn đã công bố năm 2003.

*********
Nguyễn Hồng Trân
(cựu GV Đại học Khoa học Huế);
Phủ Cam, Phước Vĩnh, TP Huế Quý Xuân, năm Tân Mão -2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét