Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

(1) Đọc Hồi Ký “Bên Nhau Trọn Đời” Của Bà Nguyễn Thụy Nga

Đọc Hồi Ký “Bên Nhau Trọn Đời”
Của Bà Nguyễn Thụy Nga
Nguyễn Hồng Trân
27-Jun-2012
LTS: Hồi Ký “Bên Nhau Trọn Đời” của bà Nguyễn Thụy Nga qua bài đọc của tác giả Nguyền Hồng Trân không những hấp dẫn như một quyển tiểu thuyết trinh thám, mà lại còn có thể đóng góp như một nguồn tài liệu cho lịch sử trong giai đoạn liên quan. Những dữ kiện chính trị làm phông nền liên kết các câu chuyện đã làm cho bài viết có giá trị khả tín rất cao. Chính cái tâm tình ngay thật, lời lẽ không bóng bẩy, cầu kỳ, lý tưởng cao cả và thực tiễn, chứ không có tính cách mông lung, hay chính trị mồi chài ,... đã thuyết phục độc giả một cách tự nhiên. Những hy sinh, tri thức cũng như ý thức về thời cuộc của một bậc nữ nhi trong thời chiến như thế, thật đáng cho ta khâm phục. Tác giả Hồng Trân viết bài đọc về quyển Hồi Ký của bà Nguyễn Thụy Nga là việc làm rất đáng hoan nghênh. (SH)

ULur
TỦ SÁCH VÀ TÀI LIỆU GIA ĐÌNH
Nguyễn Hồng Trân & Thái Lê Phương
-- o0o --

TÔI ĐÃ ĐỌC HỒI KÝ
“BÊN NHAU TRỌN ĐỜI”
CỦA BÀ NGUYỄN THỤY NGA
(Vợ Sau Của Cố TBT LÊ DUẨN)

-- o0o --

BLHUẾ-QUÝ XUÂN NĂM TÂN MÃO = 2011Br
 PHẦN I
Tôi đã từng đọc nhiều loại Hồi ký của các bà, các mẹ, các chị em Việt Nam ta qua vài thế hệ gần đây. Hồi ký nào cũng ghi lại được những niềm vui, nỗi buồn của cuộc đời cá nhân đã trải qua bao thăng trầm diễn biến của xã hội, đất nước chiến tranh, nhân dân mình đau khổ…
Cứ đọc xong một quyển Hồi ký của một tác giả là trong tôi bùi ngùi một tình thương sâu nặng và kéo dài trong tâm tư mãi  hoài qua năm tháng… Nhất là khi đọc Hồi ký [HK] “Bên nhau trọn đời” của bà Nguyễn Thụy Nga (Bảy Vân) là một trong những Hồi ký đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc thực sự mến thương, kính phục bà Nga nói riêng và kính phục những người phụ nữ Việt Nam đã chịu thương, chịu khó, một lòng chung thuỷ với chồng con, với quê hương Tổ quốc!...
Tôi đã may mắn được một người bạn thân đưa tập HK của bà cho tôi đọc. Tôi càng đọc càng thấy hấp dẫn về những điều bà kể lại một cách giản dị, chân thực giàu tình cảm, tỉnh táo lý trí, trong sáng tâm hồn, vững vàng tinh thần cách mạng của một người đàn bà Nam Bộ đầy bản lĩnh thủy chung, trung hiếu. Đồng thời qua HK của bà mà tôi được hiểu biết thêm về người chồng của bà là Cố TBT Lê Duẩn- người bạn thân với bác tôi là Nguyễn Bá Sam (Bí thư chi bộ Đảng đầu tiên của thôn Phú Long, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, năm 1930). Tuy vậy, bà cũng không viết gì nhiều về chồng mình-một lãnh tụ xuất sắc của Đảng CSVN. Có lẽ bà cũng biết rằng có nhiều nhà báo, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, chính trị, xã hội và các vị lão thành cách mạng đã viết nhiều về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng yêu nước của chồng bà rồi. Vì vậy trong HK của bà chỉ nêu ra vài nét có liên quan đến cuộc đời riêng tư của bà với ông Duẩn mà thôi. Bà đã viết:
“Tuy có một quá khứ 32 năm làm vợ của anh, cùng chung nhau có quá trình 9 năm chống giặc Pháp và 30 năm chống giặc Mỹ, nhưng sự hiểu biết của tôi đối với anh còn quá ít, tôi không đủ sức làm thỏa lòng bạn đọc muốn biết về anh. Tôi xin lỗi… Tôi chỉ chân thành kể cho bạn đọc nghe một cuộc đời có góc cạnh của một cô tiểu tư sản học sinh có máu nóng, có trái tim hòa nhịp đập cùng dân tộc qua bao thăng trầm của đất nước…  Cho nên cuộc đấu tranh của tôi vì Tổ quốc cũng như tình yêu của tôi không bao giờ suôn sẻ cả gần trọn một đời người…” (Trích đoạn Lời nói đầu của HK trang 3,4).
Thời thơ ấu của bà Bảy Vân thì cũng không có gì đặc biệt lắm, cũng giống nhiều gia đình chị em khác trong xã hội, nhưng cái khác của bà là biết nuôi dưỡng cái tinh thần tự trọng, cái danh dự của một gia đình trí thức là luôn luôn tôn trọng lẽ phải, phụng sự chính nghĩa mà quyết tâm thực hiện những điều mình cần phải làm cho xứng đáng một con người có học thức, có bản lĩnh…
Trong HK bà chỉ phác qua mấy nét chính thôi nhưng chúng ta cũng hiểu được hoàn cảnh của bà từ thuở ấu thơ cho đến khi trưởng thành. Bà ghi rằng:
“Tôi sinh năm 1925… Tôi lớn lên trong một gia đình có 10 anh chị em, 5 trai, 5 gái, tôi là con thứ 7 (nên gọi là Bảy Vân). Ông già tôi khi còn sống là chủ bút tờ báo tiếng Pháp ở Sài Gòn. Khi ông già con nhỏ, giặc Pháp chặt đầu ông nội tôi vì tội tham gia phong trào Cần vương. Bà nội tôi phải cõng cha tôi chạy lên Bình Tây để tránh nạn… Không có tiền của để sinh sống, bà nội tôi phải đi quét dọn cho nhà máy xay lúa ở Bình Tây để vừa có tiền công quét dọn, vừa thu gom được gạo vương vãi về sàng sảy lại nuôi sống bà và cha tôi.
Khi cha tôi lên 6 tuổi, có phong trào Tây bắt buộc con Cai tổng, địa chủ phải đi học tiếng Tây. Bọn này lười học nên thuê con nhà nghèo đi học thay. Cha tôi nhận đi học thuê để lấy tiền sinh sống và nuôi bà nội tôi. Sau đó ông già tôi đậu hàng nhất Diplome trường Pétrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong). Vì cha tôi học giỏi nên được chọn vào làm thơ ký cho Phủ Toàn Quyền 3 năm…  Sau 3 năm Pháp bổ ông già đi làm Tri huyện. Ông từ chối, bỏ về viết báo tiếng Pháp và làm lò gạch ở Biên Hòa. Qua chuyện ông già tôi không ra làm Tri huyện, ông ngoại tôi không cho ông già tôi cưới bà già. Bà ngoại tôi lúc đó là một cô gái rất đẹp, đành bỏ cưới xin mà đi theo ông tôi. Nghề chính của ông là viết báo cho nên dân làng Tân Hiệp gọi ông là “Ông chủ Nhựt trình”. Sau này ông làm chủ bút tờ báo La Tribune Indigène (Diễn đàn bản xứ). Tính ông ngang, thẳng. Ngoài việc bênh vực quyền lợi của dân nghèo bằng ngòi bút, trong đời sống hễ thấy Tây đi xe ngựa của dân không trả tiền, ông thộp ngực đánh liền.
Ông kịch liệt phản đối chính sách thuộc địa và sưu cao thuế nặng của Pháp bằng cả viết báo lẫn đăng đàn diễn thuyết. Toàn quyền Pháp phải thân chinh gặp ông mua chuộc bằng cách hứa cấp 500 héc ta đất cho vay vốn để trồng cao su. Khi đó nhiều người phất lên bằng nghề này. Nhưng ông nói thẳng: “Thà tôi cạp đất mà ăn chớ không khi nào ngửa tay xin tiền!”...
Năm 1936, ông già chết khi vừa tròn 46 tuổi. Trong làng dân tưởng nhớ ông, họ xây cất một cái miếu nhỏ thờ ông. Họ ghi là thờ ‘Con hổ xám’…
Ông già tôi mất năm đó, tôi còn đi học, bà già tôi lo tần tảo nuôi 8 đứa con, chỉ có anh hai chị ba có vợ, có chồng thì ở riêng…” (Trích đoạn ở mục THUỞ NHỎ, tr 8-12).
Thế là cả gia đình mẹ góa, con côi với 9 miệng ăn làm sao mà sinh sống nổi? Bà mẹ góa phải đành bán nhà và đất đai ở Cù Lao Phố rồi về ở làng Tam Hiệp ở trong một cái nhà tranh vách đất. Dù vậy nhưng gia đình bà vẫn được làng xóm thương cảm, quý mến. Hơn nữa tiếng tăm của một ông già đã từng làm Tri huyện rất công tâm, biết thương dân vẫn còn lưu lại trong dân gian nên đội lính hương vệ trong làng không giám để ý dò xét nhà bà.
Đầu những năm bốn mươi, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, nhiều cán bộ hoạt động ở Nam Kỳ bị kêu án tử hình vắng mặt đã về nhà bà trốn tránh... Dần dà cô bé Nguyễn Thụy Nga được mấy anh, mấy chú giác ngộ cách mạng và tự nguyện tham gia một số việc nhỏ giúp cho các vị cán bộ CS hoạt động thuận lợi.
Bà Nga đã ghi trong HK:
“Các đồng chí Cộng sản bị án tử hình khiếm diện cũng chạy lên nhà tôi trốn tránh... Lúc đó Nhật bỏ bom ở Sài Gòn nên tôi nghỉ học về nhà. Đối với các anh làm cách mạng, tôi rất mến phục. Các anh họp tại nhà tôi, tôi phục vụ nấu nước, nấu cháo gà và lo canh gác. Dần dần các anh dạy bảo cho tôi về cách mạng. Thấy tôi có dáng vẻ học trò nên đã bố trí cho tôi đi liên lạc từ Sài Gòn - Mỹ Tho; Sài Gòn- Tân An. Lúc đó đồng chí Nguyễn Văn Tiếp là Bí thư tỉnh ủy Mỹ Tho, đồng chí Khuy là Bí thư tỉnh ủy Long An...” (Trích đoạn HK, mục “THEO CÁCH MẠNG” tr. 13).
Nhờ sự dìu dắt tận tình của ông Nguyễn Văn Tiếp – Bí thư tỉnh ủy Mỹ Tho, dần dần  Thụy Nga mạnh dạn tham gia cách mạng một cách nhiệt tình, mưu trí để liên lạc và chuyển tài liệu và vật quý về các cơ sở được an toàn. Bà kể rằng:
“Có lần từ Sài Gòn đi liên lạc xuống Long An, Mỹ Tho, tôi mặc áo dài tím (như học sinh trường áo tím), một tay mang cặp táp, trong đó đựng truyền đơn, hai cây súng lục sáu, một số vàng rất nặng. Một tay tôi xách giỏ trái cây, toàn những thứ mắt tiền... Các anh mua cho tôi vé tàu hỏa hạng nhất là hai đồng Đông Dương. Tôi bước lên toa xe không thấy có người Việt Nam nào cả, chỉ thấy một thằng Tây râu ria xồm xoàm, mặt mặt coi dữ tợn lắm, vai nó đeo lon quan 5 và một thằng Tây trẻ đeo lon quan 2. Tôi đến ngồi gần bên thằng Tây trẻ. Nó thấy tôi dự tính ngồi vào, nó lật đật xếp các thứ đồ lên gác giùm tôi. Nó hỏi tôi đi đâu? Tôi nói:
-Tôi đang học ở Sài Gòn nghe tin má tôi bị đau ở Mỹ Tho nên tôi về thăm...
Trước khi đi, các anh dặn khi xuống tàu hỏa ra ngoài có một chiếc xe Citroen màu đen đến đón tôi. Khi vừa ra ga, tôi nhìn thấy hai hàng lính đứng kín trên đường ra. Ai đi qua chúng cũng kéo lại khám xét. Lúc bấy giờ tôi run sợ, trong bụng nghĩ rằng phen này là chết chắc rồi!
Khi tôi cầm cặp và giỏ lên, trái cây rớt lăn lóc dưới sàn xe. Thằng Tây quan hai trẻ đó cúi xuống lượm nhặt giùm tôi và nói:
-Cô cần cần gì, tôi giúp cho?
Tôi mừng thầm và nói:
-Nhờ ông xách hộ tôi cái cặp này.
Thế là nó mang đồ quốc cấm, còn tôi xách giỏ trái cây. Khi đi ra, tôi đi trước, nó đi sau. Đi ngang qua hàng lính, bọn lính kéo giỏ trái cây của tôi lại khám xét. Thằng Tây đi sau tôi hất cánh tay thằng lính khám ra và đẩy tôi đi ra khỏi chỗ xét. Khi ra ngoài, nó đưa tôi lên xe về Sài Gòn. Tôi đi được an toàn mà vẫn còn run...” (Trích đoạn KH ở tr. 14-15).
Năm 17 tuổi, cô gái  Thụy Nga đến tuổi dậy thì ngày càng đẹp mã ra và được nhiều chàng trai để ý. Má cô và người nhà, bà con nhắm nhe cho mấy đám con trai con nhà khá giả, nhưng cô đều không ưng, vì khi tiếp cận cô thấy không phù hợp với tình cảm của cô. Từ đó, trái tim người con gái đến tuổi ấy bắt đầu bị xáo động, thổn thức muốn tìm được một người bạn tình hợp ý với mình để yêu thương xây dựng cuộc đời...
Thế rồi sau một thời gian, cô gái xinh đẹp Thụy Nga đã lọt mắt được một người mà cô cảm thấy yêu thương thực sự. Đó là một cán bộ hoạt động bí mật từng bị kêu án tử hình đang bí mật trốn ở ngay trong nhà Nga, anh ta nhiệt tình bày vẽ cho Nga học hành văn hoá và hướng dẫn tham gia công tác cách mạng... Sau đó, mối tình của hai người cũng chẳng đi đến đâu, vì một lẽ anh ta đã có vợ con rồi thì cũng khó cho cô gái Thụy Nga yên tâm để theo đuổi mối tình phiền toái đó.
Chuyện mối tình đầu này cô Thụy Nga cũng đã thổ lộ trong HK rằng:
“Trong quá trình các anh cán bộ cách mạng trốn ở nhà tôi, có một anh hay dạy tôi học thêm vì tôi không đến trường được và anh cũng hướng dẫn tôi đi công tác rồi nhiều lần chuyện trò tâm sự chân thành với nhau. Thế rồi hai chúng tôi dần dần yêu nhau. Mặc dầu tôi biết anh ấy đã có vợ, có con nhưng tình yêu của tôi đối với anh ấy rất tự nhiên và ngày càng sâu sắc. Sau đó anh chuyển chỗ ở ra Vũng Tàu rồi lên Đà Lạt. Chúng tôi vẫn thường xuyên có thư từ cho nhau, nhưng rồi dần dần phải ngậm nỗi buồn phải dứt tình để bảo đảm cho gia đình vợ con anh ấy hạnh phúc mà mình cũng không mang tiếng đi dụ chồng người ta.
Đến gần giải phóng Sài Gòn, tôi về công tác Mặt Trận Việt Minh. Đêm chuẩn bị ăn mừng ngày 19-8-1945, tôi cùng anh chị em học sinh, sinh viên bò lên đường phố viết khẩu hiệu cho đến sáng. Các khẩu hiểu: “Hoan hô Mặt Trận Việt Minh!”, “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Hồ Chí Minh muôn năm!” v,v...
Lúc bấy giờ anh  Hoàng Quốc Việt và chị Kỳ (vợ anh Văn Tiến Dũng) vào Sài Gòn để phổ biến nhận định của Trung ương [TW] về tình hình và nhiệm vụ sắp tới. Tôi được phân công về công tác tại toà báo Dân chúng (cơ quan ngôn luận của Đảng CS Đông Dương) do anh Hà Huy Tập và anh Nguyễn Công Trừng lãnh đạo...
Sau khi Sài Gòn thành lập chính quyền được một tháng, do anh Trần Văn Giàu làm chủ tịch. Mỗi lần anh Giàu đi diễn thuyết ở rạp Nguyễn Văn Hoà, tôi cũng là một thính giả rất nhiệt tình. Anh Giàu nói rất hay, bà con đi nghe đông nghịt, từ trong nhà hát bắt loa ra ngoài cho dân đứng trên đường phố nghe rất đông. Đến ngày 23-9-1945, Pháp dựa vào quân Anh đánh ta từ phố này sang phố khác. Cuối cùng các anh cán bộ cách mạng rút về Chợ Đệm. Lúc đó tôi được phân nhiệm công tác trong Ban tuyên truyền tỉnh Chợ Lớn. Lúc về Chợ Đệm, tôi ở trong nhà của anh mà tôi đã yêu. Chị ấy biết chúng tôi yêu nhau. Một hôm không biết tình cờ hay cố ý, chị bàn với một số anh em cho tôi đi chợ Cầu Ông Lãnh để lấy vàng, lấy súng... còn dấu lại trong nhà cơ sở. Lần này tôi cũng dùng cái áo dài tím học trò của tôi để vượt qua nguy hiểm. Tôi ra đi trên một chiếc tam bản (thuyền 3 tấm) có mui, ghé tại chân cầu Chữ Y, họ cho tôi lên và ở đó đợi tôi về. Tôi lên đi trên chiếc xe kéo. Dọc đường lúc đó có nhiều chướng ngại vật các mô ụ do lớp thanh niên tiền phong chặt cây lớn cho đổ ngang đường và chất nhiều thứ   linh tinh để ngăn chặn quân giặc. Lúc đi, ngang qua họ, tôi cũng bị khám xét từng chặng, nhưng không có gì nên họ cho đi. Khi về nhà cơ sở đưa thư, họ giao mọi thứ cho tôi mang về. Dọc đường họ lại khám xét chiếc cặp của tôi thấy có thấy có súng, có vàng, có ... họ họ bắt tôi đứng đó rất lâu. Bấy giờ hết sợ giặc lại sợ đằng mình. Tôi nhớ đến việc bà vợ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (lúc đó là Lãnh tụ của Thanh niên Tiền phong) đi ngang trạm gác bà xưng danh:
-Tôi là vợ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.
Nhưng vì bà là người Pháp nói tiếng Việt chưa sõi, anh em TNTP tưởng là đầm giặc Pháp nên xử sự tệ hại đối với bà ấy. Còn tôi, họ bàn bạc với nhau một hồi, xong có người đi gọi điện thoại cho ai đó. Chừng một tiếng đồng hồ sau họ cho tôi đi. Thế là thoát nạn! ... Chúng tôi về Cợ Đệm đã mang mọi thứ về nơi an toàn. Mọi người xem đó là một chuyến đi công tác bình thường, chứ biết đâu chúng tôi ra vào cõi chết như vậy!..
Sau này, trong lúc nói chuyện vui với anh Phạm Hùng, anh ấy kể lại:
-Hồi năm 45, có một lần tụi TNTP gọi điện thoại cho tôi nói là có bắt được một nữ Việt gian tên là Nguyễn Thụy Nga, mang theo các thứ quốc cấm, xin cho lệnh đi “mò tôm” (tức là thủ tiêu cho chìm xuống sông). Anh hai Hùng nói:
-Nếu không có tôi thì chị đã đi “mò tôm” lúc đó rồi...
Lúc đó tôi nghĩ bụng: có lẽ số tôi may mắn nhờ cái áo dài tím học trò ngày xưa hộ mệnh!... Với cái áo dài tím đó, tôi giữ nó kỷ niệm suốt trong 9 năm kháng chiến chống giặc Pháp, tôi rất yêu nó, vì nó có duyên nợ thăng trầm vui buồn cùng tôi...”(Trích đoạn HK tr.16 -21).
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cô Nga đã nhiệt tâm, sẵn sàng làm mọi nhiệm vụ được giao và đã từng vượt qua bao thử thách gian truân cả về vật chất cả tinh thần, nhưng cô đã vững vàng theo suốt con đường chính nghĩa mà Bác Hồ đã kêu gọi và chỉ dẫn. Trong Hồi ký của cô đã ghi:
“Ở Chợ Đệm mấy tháng, tôi được phân công cùng chị Hai Sóc đem tài sản của “Tuần lễ vàng” ra TW. Toàn quốc có vận động toàn dân đóng góp vàng cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Chúng tôi xuống miền Tây để tổ chức thuyền buồm đưa số vàng đi. Khi đến Rạch Giá, các anh có ý kiến là sức khỏe tôi yếu đi thuyền buồm trong mùa mưa gió này chắc không chịu nổi. Vì vậy các anh phân công tôi về công tác chính trị trong bệnh viện Rạch Giá, Long Xuyên. Bệnh viện này có 2 bác sĩ và 20 y tá được ta đưa về để chăm sóc cho 120 thương binh của ta từ các mặt trận chuyển về. Bệnh viện đóng tại Xẻo Rô thuộc huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá... Có lúc ban đêm, mưa rơi tầm tã, tôi soi đèn ngó xem anh em thương binh ra sao thì thấy một anh thương binh đã bị cưa chân sát háng và bị nhiễm trùng uốn ván giật cong người   lên... thấy tôi đến, anh cố sức nói với tôi:
-Thế nào tôi cũng chết thôi chị, nhờ chị báo tin giùm cho má tôi.
Anh vừa nói từng tiếng, miệng anh bị giật méo và sùi cả bọt mép. Tôi sợ quá nhưng không giám bỏ anh, sợ anh té ngã...
Mỗi lần gặp thương binh nặng đau đớn như vậy và mỗi lần thương binh chết là tôi khóc sưng cả mắt. Hồi đó, trong số thương binh đó có 4 người Nhật Bản theo mình đánh Pháp. Tôi thường xuyên lui tới chăm sóc họ như anh em thương binh của mình vậy...
Khi Pháp đánh mạnh, mặt trận Xẻo Rô bị vỡ, không ai báo kịp tin cho bệnh viện hay. Đến chừng tàu Pháp chạy xình xịch vô tận nơi, chúng bắn xối xả lên bờ, lúc đó mạnh ai nấy chạy. Tôi và cậu Long y tá chống xuồng đi tìm thương binh... Suốt đêm hôm đó chúng tôi gom được 90 thương binh đem về ở Thứ Ba Biển cho xa mặt trận. Trong tình hình thiếu thuốc men để chăm sóc cho thương binh. Nhiều đồng chí bị nhiễm trùng, sưng vết thương, thối thịt đau đớn...  Trước tình cảnh đó, tôi thương anh em thương binh quá chừng!... Sau đó chúng tôi còn một ghe chài thuốc phải có người bào chế mới dùng được. Lúc đó có anh Nguyễn Đình Tri, sinh viên năm thứ 4 trường thuốc lo việc bào chế thuốc và cùng chúng tôi chăm sóc thương binh... Nhờ có anh Tri chỉ bảo, tôi và cậu Long mới biết cách thay băng, tiêm thuốc, dùng thuốc...
Ngày tháng trôi qua mau, dần dần anh em thương binh lành vết thương. Tôi tính phải phân tán anh em chứ không kéo dài được nữa vì giặc đánh ngày càng gần... Anh em thương binh đi hết rồi, tôi gặp anh Tri, anh ấy hỏi tôi:
Giờ thì nhiệm vụ chung đã xong, vậy hai chúng mình, em tính sao đây?”. Tôi chưa kịp nói gì thì anh tiếp: “Chúng ta nên về chợ Rạch Giá, ở đó có ông già anh làm tri huyện, ông sẽ bao bọc chúng ta, không có sao đâu. Chờ anh học xong lấy bằng tốt nghiệp trường Y rồi chúng mình sẽ làm lễ thành hôn”.
Lúc đó anh nhìn tôi, lo lắng, chờ đợi. Tôi biết tôi nói ra anh ấy sẽ buồn nhưng tôi phải nói:
Kháng chiến chưa thành công, tôi chưa tính chuyện chồng con được”.
Anh nghe tôi nói vậy, anh sầu não lắm, quấn quýt bên tôi vài ngày để tìm cách thuyết phục tôi, nhưng không được. Cuối cùng, một buổi chiều, anh xuống thuyền đẩy cho trôi về hướng Rạch Giá và mắt đăm đăm nhìn tôi mà quá đỗi buồn...
Tôi trở lại Cần thơ để liên lạc ... vì muốn thăm dò tìm người quen, nên chiều chiều tôi lại đi bán đậu phộng rang trước rạp hát. Một hôm có gặp một phụ nữ tay dắt đứa con vào rạp, đi ngang qua chỗ tôi, đứa bé đòi mua đậu phộng rang. Người mẹ cúi xuống bảo tôi:
Chị cho mua một xu đậu phộng”. Khi tôi ngước lên đưa gói đậu và nhận tiền thì người phụ nữ sững sờ nhìn tôi và kêu lên:
“Trời ơi!” làm rơi cả đậu cả tiền. Tôi nhìn kỹ lại hoá ra là Huệ, bạn cùng học chung nữ học đường với tôi ngày xưa. Cô là cháu ông Đốc phủ Nam, bà con bên má tôi. Huệ kêu lên:
"Chị ơi! Sao chị kham khổ thế này?”. Tôi hỏi lại Huệ mới biết Huệ là dâu của bác sĩ Lê Văn Hoặch (sau này một thời làm Thủ tướng bù nhìn của Pháp). Huệ rủ tôi đến nhà chơi. Tôi cũng muốn tạo quan hệ để xây dựng cơ sở cho anh em hoạt động cách mạng, nhưng qua hai lần gặp gỡ nhau ở đình, Huệ biết tôi theo Kháng chiến nên dần dần lánh mặt tôi vì sợ liên luỵ... (Trích đoạn HK từ tr. 22- 30).
Thấy thái độ người bạn lo lắng, ái ngại nên cô Nga cũng chẳng muốn làm phiền lòng bạn nữa, cô đi tìm cơ sở nơi khác và luôn luôn giữ gìn bí mật các hoạt động của mình với các đồng đội ở trong vùng địch. Ban ngày thì cô lo đi làm ăn kiếm sống, ban đêm viết truyền đơn và tổ chức đi rải ở các trường học, các chợ quán để kêu gọi sinh viên và giáo chức chống Pháp. Nhiều lúc cô phải viết truyền đơn bằng tay trái để nét chữ khác đi, làm cho bọn mật thám địch không biết được.
Sự hoạt động khôn khéo của cô đã làm cho các đồng chí lãnh đạo Đảng địa phương rất tin tưởng. Đồng chí Hai Miên (trong kháng chiến chống Pháp đồng chí đã làm Trưởng Ban Điệp báo tỉnh Bạc Liêu) đưa cô về Tỉnh ủy Bạc Liêu nhận công tác mới. Tại đây cô được học tập các khóa chính trị ngắn hạn rồi được phân công về Ban điệp báo của ta hoạt động ở chợ Cà Mau và Bạc Liêu. Để làm tốt công tác này cô Nga phải lăn lộn trên thị trường như một người buôn bán thực sự. Khi thì bán bánh bèo, khi thì bán cam... Một lần gặp nguy, cô tưởng mình bị lộ là điệp báo viên Việt Minh, nhưng rồi đã vượt qua được, cô cũng hết hồn, bạt vía. Cô đã kể lại trong HK của mình như sau:
“Có lần tôi chuyển qua đi bán cam trái, gặp một nhóm bọn phòng nhì (mật thám Pháp), chúng gọi tôi đến bảo tôi bóc vỏ cam cho nó ăn tại chỗ. Vừa ăn nó vừa nói: “Cô mà bán cam cái nỗi gì! Dáng cô là dáng con nhà giàu, chắc cô làm trong ban ám sát của Việt Minh chứ gì?”. Tôi nói: “Chèn ơi! Tôi đi bán kiếm ăn đó thầy!. Tôi đập con ruồi còn không chết thì ám sát ai?... Má tôi đi tản cư trên chiếc xuồng tam bản và đã bị kẻ cướp lấy hết tiền lại còn giết má tôi nữa. Tôi nhảy xuống sông nên trốn được. Nhắc đến má tôi mà lại nói má tôi chết, tôi cứ khóc ròng. Nó nghe tôi  than vãn vậy nên nó nói: “Tôi nói cô ám sát là ám sát trái tim người ta đó mà!”. Nghe nó nói thế mà tôi vẫn chưa hết run, về tới nhà mà còn run...
Lúc đầu tôi hoạt động một mình, sau tôi tổ chức được thêm hai chị nữa và tôi làm thành một tổ điệp báo. Hai chị kia cũng là học sinh Trung học, biết tiếng Pháp để đi dò la đồn bốt của Pháp. Có một cô rất đẹp, được bố trí làm vợ một tên đồn trưởng. Mấy tháng sau, quân ta chuẩn bị đánh đồn, tin tức do cô cung cấp. Anh em giao nhiệm vụ cho cô ấy khi báo tín hiệu cho quân ta tràn vào thì cô lấy cây súng sáu dưới gối tên đồn trưởng và bắn nó ngay. Cô ấy bảo rằng: việc gì cô cũng chấp hành cả, nhưng việc giết tên đồn trưởng thì cô ấy không thể làm được... Vì tên đồn trưởng là một sinh viên ở Pháp bị bắt lính sang Việt Nam. Họ sống với nhau mấy tháng, nó rất yêu cô và cô cũng đã yêu nó rồi. Anh em nói với cô rằng, khi mình tấn công vào, cô hãy tránh đi, quân ta sẽ giết nó. Về sau, cô trở về thành phố và tôi không biết tin gì về cô ấy nữa...
Có một việc nữa làm tôi vô cùng xúc động và nhớ mãi. Đó là một cô tên là Thảo. Trong một trận tấn công vào thị xã Bạc Liêu, có 4 mũi đánh, cô Thảo chịu trách nhiệm một mũi, tôi và 2 người nữa, mỗi người chịu một mũi... Sau đó thì Thảo bị bắt, tôi lo quá, sợ Thảo bị tra tấn đủ kiểu, kể cả hãm hiếp, nhục hình... liệu Thảo có chịu nỗi không? Có khai báo gì không? Một mặt tôi thăm dò tin tức của Thảo, mặt khác, tôi cho anh em dời chỗ ở. Qua tin nội tuyến báo về cho tôi biết Thảo bị giam ở Khám lớn. Mỗi ngày nó bị đưa đến khảo cung. Nội tuyến cho biết Thảo không khai gì, bọn chúng đánh dữ lắm. Một tuần sau tôi được tin: ngày hôm sau biết chúng sẽ đưa Thảo sang nhà thương thí. Nó tra tấn Thảo rồi đổ xăng vào người Thảo và hỏi: “Chịu khai không?”. Thảo vẫn không khai, chúng xì hộp quẹt thảy que diêm vào người Thảo. Lửa bùng cháy lên thành ngọn đuốc. Chúng lấy bao bố ướt chụp lên, người Thảo bị bỏng hết, đau đớn vô cùng mà Thảo vẫn không   khai...
Tôi bán hàng buổi sáng cứ lẩn quẩn gần cửa khám xem Thảo thế nào. Đến 9 giờ, có hai tên lính khiêng một băng ca ra, có một người nằm đó, trên mình đắp 2 bao bố, đầu tóc cháy queo, nhìn không ra. Nhưng vì đau đớn nên cô rên la, miệng há ra thở, nhìn thấy chiếc răng lòi xỉ của Thảo, nên tôi nhận ra được Thảo và tôi rất đau lòng...
Chúng bỏ Thảo trong nhà thương thí mấy ngày, tưởng là Thảo đã chết nên chúng khiêng bỏ ra ngoài bờ tường. Sương xuống, Thảo tỉnh lại, Thảo cố bò xuống bờ sông mà đồng bào vùng giải phóng đi chợ thường chèo xuồng đi ngang. Bữa đó có bác Ba mà chúng tôi thường hay ở nhà bác, bác bơi xuồng ngang chỗ Thảo ngồi, Thảo gọi: “Bác Ba ơi! Bác Ba! Con là Thảo đây”.
Bác Ba nhìn tuy nhận không ra Thảo nhưng nghe giọng nói của Thảo, bác kêu lên: “Trời ơi! Sao con ra nông nổi này?”. Sau đó bác Ba bỏ buổi chợ và bồng Thảo về nhà chăm lo thuốc men đắp vết bỏng cho thảo hàng ngày. Sau đó có một lần tôi về thăm lại Thảo. Thảo bị tật, 2 tay, 2 chân bị co rút lại, 2 mắt bị mù. Thật tội nghiệp quá. Tôi thương Thảo vô cùng! Lúc đó có gì trong túi tôi cho Thảo hết, vậy thôi chứ biết làm sao được! Đến khi tập kết, tôi có về tìm Thảo tính báo cho tổ chức cho Thảo đi cùng đi, nhưng nhà bác Ba đã dời đi đâu không ai biết và Thảo ra sao cũng không ai hay cả. Tôi hết sức buồn và nhớ mãi câu chuyện về Thảo - người đồng đội thân thiết đã gặp số phận không may...” (Trích đoạn HK mục “ĐỒNG ĐỘI”, tr. 31-35).
Trong quá hoạt động cách mạng của cô Thụy Nga đã được anh chị em đồng đội quý mến, tin cậy và giao chức trách làm Phó Đoàn Phụ nữ Cứu quốc huyện Vĩnh Lợi. Chị Cầm là Đoàn trưởng Phụ nữ Cứu quốc[PNCQ] và anh Nguyễn Văn Hiệp Đoàn trưởng Thanh niên Cứu quốc [TNCQ] huyện. Hai người này đã giới thiệu cô vào Đảng vào tháng 4/1946. Cuối năm 1946, cô Nga được điều về làm Đoàn trưởng PNCQ tỉnh Bạc Liêu. Ở cương vị nào cô cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong công việc và mối quan hệ tình cảm chân thành, nhân ái với đồng bào, đồng chí. Lúc bấy giờ có một số anh độc thân cũng để ý yêu thương cô, có anh Bá (Phó Đoàn TNCQ huyện) rất yêu cô, chăm sóc cho cô từng ly từng tý. Cô cũng có cảm tình với anh Bá. Nhưng hai người chưa kịp nói được điều gì chính thức về tình yêu đôi lứa thì anh ta đã hy sinh làm cho cô rất đau lòng, thương xót cho anh mới đến tuổi đời 23 còn rất trẻ...
Đến tháng 8 năm 1947, cô Thụy Nga được điều về Cần Thơ làm Đoàn trưởng PNCQ tỉnh Cần thơ, khi vừa trúng cử tỉnh ủy viên. Lúc bấy giờ ông Bảy Quảng là Bí thư tỉnh Cần Thơ. Hồi ấy có nhiều người trí thức cách mạng để ý đến cô ấy, trong đó có ông Bảy Quảng. Ai cũng muốn gây cảm tình với cô, chăm sóc cô và mong có dịp để cùng kéo cô ra khỏi vòng độc thân. Nhưng chưa thấy ai đã đủ sức mạnh và dẻo dai để kéo nổi cô Bảy cả. Trong Hồi ký của cô có đoạn ghi:
“... Một hôm, tôi đi ngang qua thấy anh em đang châu đầu nghe anh Giang (nhà thơ tỉnh Kiên Giang), ngâm thơ. Tôi chỉ thoáng nghe một đoạn:   
“Mắt em như đáy giếng sâu,
Xanh như anh nước biết đâu mà dò!
Mắt em như đã hẹn hò,
Anh xin một góc thăm dò lòng em...”
“...Khi tôi lên công tác tỉnh Cần Thơ, tôi thường tiếp xúc làm việc với anh Bảy Quảng. Tôi cảm thấy Bảy Quảng cũng rất mến tôi. Sau khi chị Bảy Huệ đi rồi, anh Năm Quang (Phó Bí thư tỉnh ủy) cũng tác thành tôi với anh Quảng. Kể ra anh Bảy Quảng là một nhà trí thức có năng lực, đẹp trai, nhưng tôi vẫn chưa có duyên với anh ấy.
Khi về Cần Thơ, tôi cùng Nghệ Hà (sau này là vợ anh Tư Sa) và Mai Khanh (sau là vợ anh Phạm Hùng), chúng tôi cùng các chị em trong Ban chấp hành Phụ nữ tỉnh toàn là lực lượng trẻ, đã mở nhiều lớp đào tạo cán bộ phụ nữ liên tục, gây dựng phong trào phụ nữ rất sôi nổi và một Hội Mẹ chiến sĩ hết lòng yêu thương bộ đội, cán bộ như con ruột của mình... Chúng tôi từ cán bộ tỉnh đến huyện, đến xã  đã quý thương nhau đầm ấm và làm việc không biết mệt mỏi.
Giai đoạn này lại thêm một nhà trí thức nữa xuất hiện trong đời tôi. Anh Dũng, Bí thư Đảng Dân chủ cũng viết thư cầu hôn tôi. Tôi còn nhớ anh Dương Kỳ Hiệp là Chủ tịch UBKCHC tỉnh đem đến cho tôi một bức thư viết trên giấy Pơluya màu xanh. Bức thư dài hai trang chữ nhỏ và lời thư thắm thiết. Anh Chín Hiệp còn nói thêm: “Anh Dũng tuy là đảng Dân chủ, khác với chúng ta, nhưng anh ấy là một trí thức, tính tình hiền lành... chị xem có được thì trả lời cho anh ấy”. Khi đó tôi không trả lời bằng thư mà nhờ anh Hiệp trả lời giùm tôi là tôi không muốn lấy chồng. Hồi đó, chị em phụ nữ Cần thơ có một hội bí mật gọi là “Hôi không chồng” (gọi tắt là HKC). Tôi là “chễ hai”-người lớn tuổi nhất đứng đầu trong danh sách đó. Thực tình là tôi còn thương nhớ người mà tôi đã trao mối tình đầu từ năm tôi 14 tuổi. Mặc dầu suốt thời kỳ tôi về Miền Tây đến năm 1948 tôi vẫn không gặp lại anh ấy. Nhưng sau đó anh ấy lại chuyển đến Miền Tây Nam Bộ. Thế là chuyện cũ giữa chúng tôi bị tiết lộ. Tỉnh ủy họp yêu cầu tôi kiểm điểm (vì yêu một người đã có vợ con). Sau đó tôi bị điều về công tác Sài Gòn để cắt đứt mối liên hệ đó. (Trích đoạn HK trang 40-42).
“...Đồng chí Lê Duẩn từ Đồng Tháp Mười về dự Hội nghị tỉn uỷ đã nghe câu chuyện tình của tôi. Đồng chí Duẩn không phát biểu gì trong hội nghị cả. Sáng hôm sau, tỉnh ủy cho đồng chí ấy ăn sáng một mình, có cháo gà, có đĩa thịt gà xé và hai cái trứng... Lúc đó tôi đến để kiểm tra bữa ăn của đồng chí có thiếu gì không? Đồng chí đang ăn, thấy tôi bước vào, đồng chí gọi người phục vụ lấy thêm chén đũa và mời tôi cùng ăn. Trong khi ngồi ăn, đồng chí hỏi tôi về việc xử lý của tỉnh ủy, tôi nghĩ sao? Tôi nói: Được phân công đi công tác Sài Gòn đối với tôi là một công việc mới và khó, còn nguy hiểm nữa, nhưng tôi vui vẻ chấp nhận, không băn khoăn gì, nhưng bảo tôi thôi yêu người tôi đã yêu thì khó làm được. Xa nhau cũng được, nhưng yêu là do trái tim tôi, đừng bắt buộc tôi! Đồng chí Duẩn nghe tôi nói như thế không nói gì cả. Nhưng khi trở về cơ quan Xứ uỷ ở Đồng Tháp gặp anh Lê Đức Thọ, đồng chí Duẩn nói: “Nếu có cưới vợ thi tôi thích người có tình nghĩa thủy chung như chị Nga (tức cô Bảy Vân)."
Mấy chị em phụ nữ Nam Bộ có giới thiệu cho tôi vài người, nhưng tôi không ưng. Ít lâu sau, anh Sáu Thọ đến Cần Thơ công tác, anh gặp tôi và nói: “Anh Ba Duẩn muốn hỏi chị làm vợ, chị nên ưng anh ấy đi. Anh ấy xa nhà 20 năm không có tin tức gì, gia đình anh còn ở vùng địch. Nếu chị làm vợ anh ấy, chị chăm sóc anh để anh ấy có sức khoẻ làm việc cho đất nước, cho dân tộc được lâu dài. Anh ấy hiện nay trong lãnh đạo anh rất thông minh và sáng suốt mà anh em thường gọi là “200 bougies” (sáng bằng 200 nến), khi có người kế cận chăm sóc thì anh ấy sẽ trở thành “400 bougies”... sự sáng suốt của anh ấy thì có lợi cho cách mạng biết chừng nào!...
Nghe anh Sáu Thọ nói, tôi ngạc nhiên, chưng hửng. Vì trong lòng tôi lúc nào anh ấy cũng là một lãnh tụ mà mọi người kính yêu. Tôi cũng vậy. Lúc nào tôi cũng ghi chép thận trọng: Đồng chí Lê Duẩn nói thế này, đồng chí Lê Duẩn nói thế kia v.v... Thứ hai là chuyên tình cảm của tôi với một người tình cũ, anh ấy đã biết rất rõ... Tại sao anh ấy lại đặt vấn đề hôn nhân với tôi? Tôi suy nghĩ mãi. Sau đó có mấy lần tôi gặp lại anh Ba, tôi muốn thổ lộ hết nổi băn khoăn của mình, nhưng tôi ngại quá. Một lần tôi lấy hết can đảm hỏi anh: Nếu bây giờ anh lấy vợ, sau này về gặp lại gia đình phải giải quyết sao đây? Anh nói: “Anh cưới vợ trước kia là do cha mẹ cưới cho. Anh đi làm cách mạng, vợ ở nhà. Sau đó anh có gặp vợ một thời gian, nhưng anh thấy hai người không hợp nhau. Có hai lần anh về nhà, anh nói với chị ấy nên tìm người chồng khác, anh đi làm cách mạng không giúp gì được cho gia đình và không biết sống chết ra sao. Nhưng người phụ nữ miền Trung còn phong kiến hơn phụ nữ trong Nam, khi đã có chồng rồi thì ở nhà lo cho cha mẹ chồng, nuôi con. Chồng đi xa có lấy thêm vợ thì họ cũng dễ chấp nhận. Nếu sau này giải phóng đất nước, chị cũng ở trong quê với cha mẹ và mấy đứa con, lâu lâu anh về thăm. Còn chúng mình đi hoạt động cách mạng, có điều kiện gần gũi nhau, chắc không có gì khó khăn đâu”.
Nghe như vậy, tôi suy nghĩ rất nhiều, vì tình yêu của tôi từ năm 14 tuổi với một người đã có vợ con nên hai chúng tôi đã quá khổ rồi. Nếu bây giờ lại còn ưng người có vợ con nữa thì sẽ sao đây? Vả lại mối tình đầu của tôi còn nhức nhối trong tim tôi làm sao gỡ ra được để tìm tình yêu ở người khác! Nhưng những lời anh Sáu Thọ nói làm tôi cứ suy nghĩ mãi.
Tôi đến gặp anh Ba lần nữa. Mỗi lần như vậy lại gây cho tôi ấn tượng mới. Thấy anh gầy gò, áo quần cũ rách, sinh hoạt giản dị làm tôi xúc động. Những người như ông Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần và Lê Thành Vĩnh... trong UBKCHC Nam Bộ thì người nào cũng có nhà cửa, có người bảo vệ, người nấu bếp, tuy là nhà lá những cũng rất đàng hoàng. Còn anh Ba chỉ có một chiếc tam bản (thuyền 3 tấm), với 4 tay chèo đi với các đồng chí thư ký và bảo vệ. Đến cơ quan nào, đến bà mẹ nào thì anh em lên trên ngủ, còn anh Ba ngủ dưới thuyền. Anh thường nhường nhịn mọi điều kiện tốt cho mọi người. Con người anh bao giờ cũng thoải mái và vị tha, nhưng những người đi với anh thì gây cho tôi ấn tượng sờ sợ. Chú Lễ là thư ký của anh, các chú bảo vệ như chú Hoành lớn, chú Của, chú Thuần, chú Hoành nhỏ, người nào cũng nghiêm nghị, còn anh Ba thì như ông đồ nho. Tôi nghĩ chẳng biết mình hòa nhập cái tiểu gia đình này thế nào đây? Đối với anh Ba, qua nói chuyện nọ, chuyện kia, anh nói về phụ nữ, nói về bà mẹ của anh, tôi nhận thấy bên ngoài anh như một ông đồ nho, nhưng tình cảm của anh rất đặc biệt. Anh nhắc nhiều đến mẹ anh. Anh làm cho tôi hình dung mẹ anh là một phụ nữ nhân hậu, thường giúp đỡ mọi người xung quanh. Bà thường nấu cao dán mụn nhọt theo toa thuốc gia truyền. Cả làng đều nhờ bà. Bà rất được mọi người thương yêu quý trọng... Khi ra đi hoạt động cách mạng, ông cụ thân sinh khóc, nhưng bà cụ thì rắn rỏi động viên anh, tuy bà chỉ có một mình anh là con trai và có một chị, một em gái. Lúc anh bị giặc pháp bắt cầm tù, thư anh gửi về, mẹ anh nhờ hàng xóm đọc cho nghe nhiều lần, xong rồi bà may một cái túi nhỏ, xếp thư vào túi, khâu lại và mang trên cổ như mang một cái bùa vậy. Khi bà mẹ chết (ở vùng địch chiếm), anh không về được nhưng người nhà nói lại là thư anh vẫn đeo trên cổ bà. Những chuyện anh kể làm tôi vô cùng xúc động. Tình cảm của anh sao mà sâu đậm làm vậy!...
Sau đó, tôi có gặp lại người yêu cũ của tôi, tôi nói với anh: “Chúng ta yêu nhau hơn 11 năm rồi, từ ngày em 14 đến nay là 25 tuổi, nhưng vì anh còn gánh nặng gia đình, chúng ta không thể kết hợp được. Nay các anh làm mai em cho anh Ba, anh nghĩ sao?” Nghe vậy anh ấy rất buồn nhưng đành chia tay nhau vậy thôi...” (Trích đoạn HK mục  GẶP ANH, trang 43-47).
 Chuyện anh Ba Duẩn lấy vợ cũng không đơn giản chỉ nghe các đồng chí lãnh đạo trong Trung ương cục có lòng tốt động viên, xui khiến mà anh nghe dễ dàng như vậy đâu. Thực ra mà nói, sau hơn chục năm vào Nam Bộ hoạt động cách mạng, xa vợ con gia đình ở vùng địch chiếm không hề liên lạc gì được. Bọn giặc thì ráo riết truy tìm những gia đình có người đi theo Việt Cộng mà còn liên hệ gắn bó thì chúng nó sẽ ám hại. Vì vậy mà có một số gia đình đành phải làm tờ ly khai với những người thân ruột thịt và chịu bị ép đi lấy chồng, lấy vợ khác để cho gia đình và bà con thân thuộc khỏi bị liên lụy. Đó là một thực tế mà đồng chí Lê Duẩn thấy rất đau lòng mỗi lần nghĩ đến vợ con gia đình ở miền quê hương (làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu  Phong, tỉnh Quảng Trị). Nhiều lần các bạn bè, đồng chí trong cơ quan rất thương anh Ba sống cảnh cô đơn hoài nên họ cứ giới thiệu cho anh Ba mấy đám và khuyên anh lấy vợ để khi trái gió, trở trời có người chăm sóc; khi sướng khổ, vui buồn có người chia sẻ mới có thêm sức mạnh tinh thần mà yên tâm công tác. Anh Ba rất cám ơn mọi người đã nhiệt tình quan tâm đến đời tư của anh rồi anh băn khoăn suy nghĩ mãi mà không dám quyết định lấy vợ. Về sau, nhờ sự khuyến khích chân thành hoài của các đồng chí trong cơ quan đoàn thể và nhất là khi được quen biết cô Thụy Nga (Bảy Vân) thì anh Ba mới tán thành việc lấy vợ trong Nam.
Còn cô Thụy Nga, sau những năm tháng lăn lộn sóng gió với cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ, cô vẫn không quên mối tình đầu xa xưa cứ âm ỷ trong lòng cô, nhưng rồi cô cũng không thể nhen nhóm lại ngọn lửa tình rắc rối đã theo cô trong 11 năm ròng với một anh chàng trí thức đẹp trai đã có vợ con... Thế rồi cô đành phải chia tay với người tình cũ để tìm kiếm một niềm tin và hy vọng mới cho cuộc đời dài lâu. Cô mong ước sẽ có được một người tâm đầu ý hợp với cô để cô yên tâm xây dựng tổ ấm gia đình và phục vụ công tác cách mạng. Và thế, sau một thời gian thì ước mong của cô đã thành sự thật. Cô được lên “Thuyền hoa” về bến đậu gia đình vợ chồng trong một thời gian và không gian tình ái thật đặc biệt. Trong HK của cô đã ghi:
“Về sau Trung ương Cục dời về Miền Tây, văn phòng TW Cục tổ chức đám cưới cho chúng tôi. Anh Lê Đức Thọ là “ông mai”, còn anh Phạm Hùng là chủ hôn. Buổi hôn lễ đơn giản mà rất vui. Anh em kêu anh Ba đọc bài thơ mà anh em biết anh Ba làm tặng tôi. Anh đọc:
“Hỡi cô con gái Đồng Nai,
Năm nay là mấy năm rồi cô yêu?
Hôm qua gió lạnh đìu hiu,
Lòng cô man mác trăm chiều nhớ thương.
Hôm nay trời tanh mây vương,
Gió xuân đằm ấm, mùi hương đậm đà.
Tơ tình ta lại với ta,
Say sưa bao xiết là ta với mình.
Cho hay là giống hữu tình,
Đố ai cắt được tơ mành làm đôi!”
Bài thơ đó anh vừa nhắc lại mối tình của của tôi mà hầu như ai trong đám cưới đều biết và anh khẳng định tình yêu của chúng tôi trong cả tương lai vững vàng.
Như vậy anh Ba đã trong tôi qua tình yêu của tôi với một người khác. Còn tôi chọn anh Ba qua đạo đức và tình cảm lớn lao của anh đối với đồng bào, đồng chí. Nói chung, chúng tôi gặp nhau từ hai thái cực khác nhau nhưng chúng tôi sống rất tình cảm, hoà thuận. Tôi chăm lo cho anh nhiều thứ... chả biết lúc nào thì anh trở thành “400 bougies” tôi không rõ, nhưng trong anh tươi tắn hơn, mạnh khoẻ hơn và ăn mặc cũng đáng hoàng hơn. Tôi tự xét tôi ưng anh là đúng và ở với nhau càng lâu tôi càng nhận biết giá trị tình cảm của anh. Có những cử chỉ nho nhỏ của anh làm tôi khó quên. Khi anh đi họp ở đâu về, anh ôm chầm lấy tôi, đôi mắt anh sáng ra, cười rộng miệng với hàm răng trắng đều... Tôi thấy trong tình yêu anh vẫn ngây thơ như con nít, làm tôi rất cảm động. Đi đâu anh cũng đưa tôi theo. Anh đi giảng ở trường lý luận chính trị Trường Chinh, các anh chị em từ các tỉnh lên học thấy chúng tôi yêu thương nhau, các anh chị cũng mừng. Vì mọi người đều thương anh Ba.
Có lần, trong lúc có thai Vũ Anh, đứa con đầu của chúng tôi, hai vợ chồng chúng tôi đêm ngủ dưới thuyền tam bản có mui che, tôi thức giấc nửa đêm nói với anh:
-Em nằm chiêm bao thấy ăn trái xoài xanh ngon quá, thức dậy rồi mà em còn thèm chảy nước miếng.
Trưa hôm sau, anh đi họp đâu về có đưa cho tôi trái xoài tượng. Tôi mừng quá...
Thời kỳ này là chúng tôi sống hạnh phúc nhất. Đi đâu cũng có nhau. Anh chị em dư luận là hai ông bà như một đôi sam, không rời nhau nửa bước. Họ mừng cho chúng tôi được như vậy. Có khi khác ý, hai vợ chồng cũng cãi nhau kịch liệt. Tôi là loại cứng đầu, tuy phục anh nhiều nhưng cái gì tôi chưa chịu là tôi cãi. Thường trong công việc, có những vấn đề anh về kể lại cho tôi nghe, còn tôi có gì khúc mắc trong công tác cũng về trao đổi với anh. Vừa là vợ chồng, vừa là đồng chí nên cuộc sống của chúng tôi vô cùng phong phú.
Khi tôi có thai Vũ Anh đến tháng thứ 7, Bộ tư lệnh Miền Nam dời về Miên Đông. Anh Ba là Chính uỷ Bộ Tư lệnh nên anh và các đồng chí trong cơ quan cùng đi, còn tôi ở lại Miền Tây. Sau đó tôi về Sài Gòn sanh Vũ Anh rồi gởi con lại cho bà ngoại nuôi, tôi trở về Miền Đông công tác. Vì lúc đó khó nuôi con trong rừng Miền Đông lắm. Gạo không đủ ăn, mẹ làm sao có đủ sữa cho con bú? Hơn nữa, nhiều khi gặp giặc khủng bố càn quét, phải chạy xuống hầm bí mật chung với anh chị em. Trong hầm nóng bức, trẻ con không chịu nổi rồi khóc.Có chị phải bóp miệng mũi con để bọn giặc không nghe thấy. Khi giặc đi khỏi, chị buông tay ra thì con đã chết. Mọi người khóc thương đứa bé và chị, còn chị thì như điên. Vì chuyện đó mà chị em phụ nữ Khu 7 đều tìm cách gửi con về cho gia đình nuôi. Người không có bà con nuôi thì tìm người chịu nuôi cho con. Tôi có bà mẹ ở Đà Lạt, tôi nhờ mẹ tôi về Sài Gòn đem cháu Vũ Anh về nuôi giùm tôi. Đó là tôi may mắn hơn nhiều chị em khác. Nhưng người mẹ bứt ruột ra gửi con còn nhỏ dại để thoát ly thật không dễ dàng gì...
Giao con cho bà ngoại xong, tôi bắt đầu liên lạc trở ra Miền Đông. Đường đi từ Thủ Dầu Một đi chiến khu phải qua nhiều đồn bốt giặc. Chúng nó kêu lại khám xét liền liền, không biết mình sẽ bị bắt lúc nào, nhưng cuối cùng cũng qua được.
Thế là vợ chồng xa nhau 6 tháng. Trong những tháng ấy, anh Ba cũng dùng cuốn nhật ký của tôi để ghi lại sự nhớ thương của anh đối với tôi. Anh viết khoảng 20 trang... Tôi còn nhớ mấy câu thơ anh làm khi vắng tôi:
“Nga ơi! Anh nhớ anh thương,
Nửa đêm thức dậy quanh giường tìm em.
Tay anh, em gối êm đềm,
Lòng anh chi xiết muôn vàn yêu thương!...”
Khi tôi từ Sài Gòn vào, không biết ai cho anh hay, anh chạy ra trãng cỏ tranh, anh cười rộng miệng, hai mắt sáng long lanh, anh bồng tôi lên quay mấy vòng trước mặt cô giao liên mà anh không thấy ngượng ngùng gì cả. Anh toát lên nét vui mừng sung sướng...
Ở Miền Đông, tôi làm thư ký chính trị cho anh Ba, chú Lễ làm thư ký về Đảng, Chú Hồng Lĩnh làm thư ký về quân sự. Tôi vừa làm thư ký vừa làm công tác Phụ vận khu 7. Năm 1951-1952, Miền Đông thiếu gạo ăn kinh khủng. Anh Một phụ trách về lương thực Miền Đông báo cáo cho Bộ Tư lệnh là số gạo còn dự trữ chỉ đủ ăn trong 4 tháng cho 2000 người. Nhưng khi Bộ Tư lệnh từ Miền Tây dời về miền Đông thì số lúa gạo dự trữ ấy anh Một đã cho các đơn vị và đồng bào mượn ăn gần hết, chưa đòi được. Giặc Pháp lúc bấy giờ bao vây ráo riết không cho ta mua gạo. Tình hình rất khó khăn. Bộ Tư lệnh họp, anh Trần Văn Trà, anh Dương Quốc Chính và nhiều anh khác, kể cả anh em chiến sĩ cũng rất bức xúc đòi xử bắt anh Một. Lúc ấy anh Ba lặng thinh đi tới đi lui, sau đó anh quyết định: “Cho anh Một lập công chuộc tội bằng cách tổ chức mua gạo ở Campuchia và cho bộ đội mang vác về”. Nhưng đường rừng khó đi, mỗi chuyến, mỗi người gùi trên lưng và thêm một ruột tượng gạo nữa là chừng 20 ký. Nhưng trên đường về còn phải ăn nên về đến căn cứ chỉ còn một nửa. Cho nên ở chiến khu mỗi người một bữa ăn chỉ được nửa chén cơm thôi và phải ăn độn thêm rau củ rừng. Ngày ăn hai bữa như vậy tôi đói quá phải đi tìm trái gùi chín rụng xuống lượm ăn. Anh em trong cơ quan hù tôi:
-Chị hay đi quanh gốc gùi, coi chừng đụng phải đầu cọp đó. Nó cũng hay đi tìm trái gùi chín lắm.
Nghe thế tôi cũng sợ. Mà đúng vậy, lúc đó chiến khu Đ còn nhiều cọp lắm... Tôi còn biết có một trường hợp một hội nghị mà ngoài cổng có 2 lính cầm súng đứng gác mà cọp nhảy vào bắt ông chủ toạ hội nghị ngồi tuốt trong cùng. Một hôm, anh Ba và anh em khác đi làm việc ở đâu xa, đêm không về. Trời vừa tối, tôi ngồi đọc sách trong nhà, bỗng nhiên có cảm giác như ai đang nhìn mình. Tôi nhìn thẳng lên thì thấy hai con mắt như hai hòn lửa đỏ au nhìn vào, lúc đó tôi biết ngay là mắt con cọp. Vì thú rừng chỉ có cọp là mắt đỏ lóe lên trong đêm tối. Tôi sợ quá liền leo lên thang gác mà chân cứ run cầm cập cứ trượt luôn.
Khi anh Ba về tôi kể chuyện đó cho anh nghe, anh cũng lo cho tôi. Về sau, mỗi khi tôi ra suối, anh Ba lại đi tìm vì sợ tôi bị cọp bắt. Có hôm tôi ra suối tắm, anh cũng ra theo xuống tắm cùng. Hai vợ chồng kỳ lưng cho nhau rồi chọc té nhau cười râm ran. Tôi nhìn lên bờ thấy ông kỹ sư thành phố mới lên đứng nhìn chúng tôi tắm và chắc ông ấy ngạc nhiên vì sao vợ chồng cán bộ lãnh đạo cao cấp mà vui đùa như trẻ con vậy?” (Trích đoạn từ HK tại mục “NGÀY CƯỚI” từ trang 49-57).
Anh Ba Duẩn và chị Bảy Vân ở miền Đông hơn một năm thì anh Ba ra Miền Bắc dự Hội nghị TW, chị Bảy về Miền Tây làm công tác phụ nữ Nam Bộ, lo đi vận động thuế nông nghiệp. Sau đó chị Bảy cùng chị Đoàn Kim Định (Hội phó Hội phụ nữ Nam Bộ) được phân công tác tư tưởng chính trị lớp y tá, hộ sinh 18 tháng do ông bác sĩ Nghiệp và chị Ba Thương phụ trách. Cũng nhờ lớp học đó mà cô Bảy biết thêm nghề đỡ đẻ. Vì tới giờ chính trị thì 2 cô giảng bài và hướng dẫn chị em thảo luận, con khi chị em học chuyên môn thì hai cô Bảy và Định cũng dự học đủ bài bản và đi thực tập như chị em y tá. Nhờ vậy mà sau này, khi xong lớp học, hai cô có thêm nghề phụ đỡ đẻ cũng thuận lợi cho hai cô gần gũi dân để vận động mọi người dân làm tốt nghĩa vụ của mình.
Trong Hồi ký cô Thụy Nga có đoạn đã ghi:
“Mãi về sau này, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nghề hộ sinh mà tôi học được càng có tác dụng cao trong công tác phụ nữ của tôi. Tôi rất nhớ ơn anh bác sĩ Chín Nghiệp và chị Ba Thương đã cho tôi biết thêm một nghề có giá trị...” (trích đoạn HK trang 59),
Thời gian này ông Ba Duẩn đang ở miền Bắc. Các vị lãnh đạo trong TW Cục bàn bạc cho cô Bảy trở về Sài Gòn đem cháu Vũ Anh ra Bắc bằng con đường từ Sài Gòn sang Hồng Kông ra Việt Bắc. Nhưng chuyến chuẩn bị đi đó không thành, cô Bảy trở về miền Tây công tác. Sau một thời gian, ông Duẩn trở vào Nam gặp vợ và kể nhiều chuyện về gia đình và tình thế đất nước ta cho vợ nghe. Càng nghe cô càng thương yêu, quý trọng anh và cũng rất lo lắng cho anh Ba trong những năm tới ở miền Nam hoạt động lãnh đạo của anh rất gian nguy, phức tạp... Trong HK của cô đã viết:
“Sau này anh về kể lại tôi nghe, anh đi ngang Quảng Trị có gửi thư và ảnh về nhà, nhưng gia đình anh còn ở vùng địch chiếm nên không gặp được ai cả. Ảnh anh gửi về nhà có cả ảnh tôi. Anh cũng kể chuyện chúng tôi cho gia đình biết. Anh vào Khu V mở lớp Trường Chinh giảng về lý luận chính trị cho cán bộ từ Nam Bộ trở ra. Đến khi đình chiến, TW lại phái anh vào Nam phổ biến tinh thần hiệp định và sự chỉ đạo của TW, sắp xếp lực lượng cán bộ, số nào ở lại Miền Nam công tác, số nào đi tập kết ra Miền Bắc...
Về đến Miền Nam, qua những lần tiếp xúc với cán bộ, gặp gỡ đồng bào, anh Ba thấy nỗi vui mừng và lo âu của lớp người ở lại, anh càng băn khoăn ray rứt. Anh cứ đi tới, đi lui, chắp tay sau đít, đốt hết điếu thuốc này đến điếu khác. Theo quyết định của TW là sau khi anh bố trí cán bộ cho Miền Nam xong thì anh cũng đi tập kết. Anh Bảy Khiêm là người được phân công ở lại chỉ đạo phong trào. Nhưng tôi biết có 3 lần anh điện ra TW và Bác Hồ để xin cho anh ở lại. Anh biết tình hình trong này rồi sẽ rất gay go, anh đi không đành. Bức điện thứ 3 thì được TW và Bác Hồ đồng ý cho anh ở lại. Tôi được ông anh bác tôi lật đật xin anh cho tôi cùng ở lại với anh. Anh Ba suy nghĩ một lúc rồi nói:
-Tình hình Miền Nam sắp tới sẽ phức tạp lắm, em ở lại sẽ khổ cho em, khổ cho con, đồng thời dễ bị lộ hoạt động của anh.
Tôi nghe anh nói như thế cũng phải, nên tôi đành để anh ở lại một mình. Lúc đó tôi đang có thai cháu thứ hai.
Chuyến tàu của Ba Lan Kéreinsky chở cán bộ Miền Nam đi tập kết chuyến này là áp chót. Khi xuống tàu, anh cùng đi với tôi và con là Vũ Anh. Các đ/c Ba Lan đã dành cho gia đình tôi một cabin (buồng) và gia đình anh Sáu Thọ một cabin. Hai ngàn anh chị em đi trên chuyến tàu này đều thấy anh Ba lên tàu. Đến 12 giờ đêm thì anh trở vào bờ. Sáng hôm sau thì tàu mới nhổ neo lên đường.
Khi anh chia tay, anh hôn tôi, hôn Vũ Anh, nước mắt anh chảy xuống mặt tôi. Anh nói:
-Anh thương vợ thương con như thế nào thì anh cũng thương đồng bào, đồng chí như thế đó, cho nên anh phải ở lại. Em ra Miền Bắc ráng nuôi dạy  các con nên người...
Tôi không giám ra ngoài tiễn anh mà anh cũng không muốn bịn rịn lúc chia tay. Anh vội vàng bước lên boong tàu. Ở đó có anh Sáu Thọ và một số anh em khác nữa đang đứng chờ anh. Anh từ giã từng người và cuối cùng anh Ba ôm anh Sáu Thọ và dặn:
-Anh ra nói với Bác Hồ là 20 năm nữa chúng ta sẽ gặp nhau.
Trong lúc đó tình cờ ông bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng (Bộ trưởng Bộ Y tế sau anh Phạm Ngọc Thạch) đi qua, anh Hưởng dừng lại, ngạc nhiên trước cảnh từ giã đó. Anh Ba quay sang ôm anh Hưởng và dặn:
-Anh giữ bí mật cho tôi nhé!
Xong anh xuống ca nô do anh Cao Đăng Chiếm và anh Văn Viên đón anh Ba trở lại Cà Mau.
Tôi nằm trong ca bin nhưng vẫn nghe từng lời nói của anh, từng động tác của anh. Khi anh bước xuống ca nô, ca nô nổ máy vọt ra, sóng xô lại mạn tàu nghe xào xào. Tôi nghĩ: Vậy là chúng tôi lại xa nhau mà không biết bao giờ mới gặp lại. Con tôi trong bụng đạp mạnh. Mọi khi có anh, anh hay đặt tay lên chỗ nó đạp, bây giờ thì không ai sờ nó nữa. Lúc ấy nước mắt tôi mặc tình cứ tuôn chảy xuống chiếc gối... (Trích đoạn trong HK mục XA ANH trang 59-62).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét