Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Những người đàn bà làm thân trâu ngựa


(VTC News) - Chồng Liêu chết, đưa tang xong xuôi, ngay chiều hôm đó, cả nhà chồng dọn đồ đạc của Liêu vứt ra đường, rồi khóa cửa lại.
Đau đớn những phận đàn bà nơi xó rừng góc núi
 Vì sao có ngày Phụ nữ Việt Nam?

Kỳ 2: Phận đàn bà trâu ngựa

Tôi không nhớ nổi đã có bao nhiêu chuyến ngược sông Đà và cũng không thể nhớ nổi đã gặp bao nhiêu phận đàn bà đáng thương nơi rừng xanh núi đỏ.

Nhưng, có những phận đàn bà, mà tôi không không đủ can đảm gặp lại họ nữa. Những gì tôi biết về họ chỉ là sự u sầu với những giọt nước mắt nóng hổi.


Khi sương đêm còn mờ mịt, đức ông chồng còn say giấc nồng, thì những người đàn bà Hà Nhì đã lên rừng kiếm sống

“Người đàn bà mất chồng chỉ khổ một lần, chứ làm vợ thằng nghiện thì khổ cả đời anh ạ” – cô gái 4 con Lường Thị V. nói với tôi như vậy. V. sống một cuộc đời ngục tù và thân em là thân con trâu, con ngựa. Đời con gái của em bị thằng chồng nghiện tước đoạt.
Hồi thủy điện Sơn La khởi công, cả tỉnh Sơn La tưng bừng như hội, tôi gặp Lường Thị V. (phường Quyết Thắng, TP. Sơn La, khi đó còn là thị xã) vào một buổi chiều cuối thu se lạnh, khi em vẫy xe đi nhờ, sau khi đã bán hết bó củi ở chợ trung tâm thị xã.

Em là đại diện cho cuộc đời của những người đàn bà nơi thị xã miền rừng có chồng nghiện. Mới 26 tuổi, mà đã sinh nở 4 lần, trông em như người đàn bà 40, lúc nào cũng lấm lem bùn đất.

Trong khi đó, chồng V. sớm tối chỉ biết mỗi tẩu và đèn. Hắn hong hóng ngồi chờ ăn chứ tuyệt nhiên chẳng động tay, động chân làm bất cứ việc gì.


Những người phụ nữ La Chí ở Bản Phùng (Hoàng Su Phì, Hà Giang) có thể cõng cả trăm kg bằng trán. Họ lầm lũi như con ngựa, con trâu cả ngày trên núi.
Hàng ngày V. phải dậy từ 4h sáng, cùng 5 người đàn bà nữa, có hoàn cảnh như nhau lần vào rừng sâu, sau ngọn núi Bàn Tay để đốn củi, đào măng.

Họ trèo hết ngọn núi này đến ngọn núi khác mới kiếm được bó củi, bó măng, bán được 10-15 ngàn đồng. Số tiền đó vốn đã quá ít ỏi, nhưng cũng chỉ được dùng một phần nuôi sống gia đình, 3 phần còn lại phải “nộp sưu” cho tên chồng ăn tàn phá hại.

Ngày nào cũng vậy, mưa thối đất, vách núi trơn như đổ mỡ, V. vẫn phải vào rừng chặt củi, đào măng. Nếu không gã chồng nghiện lại lột sạch quần áo rồi thượng cẳng tay, hạ cẳng chân đến khi em ngất xỉu.

Có những lần, hắn đánh em bất động, máu me nhoe nhoét, còn hắn thì vật vã dưới đất, bọt mép sùi ra như bị động kinh.


Đàn bà Hà Nhì lên nương, còn đàn ông Hà Nhì ở nhà uống rượu, nấu nướng
Đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn, song V. vẫn gắng gượng đi vay mượn hàng xóm, lần ra ven núi gặp đám nghiện mua ít sái cho chồng.

Lắm lúc V. muốn bỏ quách thằng chồng tệ bạc, song nghĩ đến 4 đứa con nheo nhóc mà em lại nén nỗi đau vào lòng.

Những lúc no thuốc, tỉnh táo, thằng chồng lại hót như khướu: “Cứ đẻ đi, có con rồi anh sẽ cai để có trách nhiệm với con”.

Thế nhưng, đẻ hết lần này đến lần khác, mà hắn vẫn đắm mình trong nghiện ngập. Sau V. mới vỡ lẽ, gã chồng nghiện nịnh vợ đẻ nhiều cốt để ràng buộc chặt hơn người vợ qua sợi dây tình mẫu tử. Hắn cũng tính sau này sẽ có một đội quân hầu hạ trung thành.


Mới hơn 10 tuổi, song cô gái Hà Nhì này đã phải đốn vài đống củi lớn như thế này
Mấy đứa trẻ nhà V. chẳng đứa nào biết mặt một cái chữ và có một bộ quần áo ra hồn. Sáng ra, thay vì tung tăng cắp sách đến trường, đi nhà trẻ như bạn bè đồng trang lứa, chúng bị bố xua ra bến xe, xó chợ, cõng nhau lếch thếch để ăn xin nuôi bố.

Còn hàng trăm phận đàn bà làm trâu ngựa ở nơi ma túy hoành hành dữ dội ấy nữa.

Tôi đã run lên vì đau xót với câu chuyện của Lường Thị K. và Lò Thị C., ở ngôi làng nhỏ ven TP. Sơn La khi tôi gặp họ 8 năm trước. Hai người đàn bà ấy bị gã chồng mất hết nhân tính bắt làm gái bán dâm để có tiền cho chúng vui thú với nàng tiên nâu.


Lò Thị Liêu - người phụ nữ bị nhà chồng đuổi ra khỏi nhà
Vậy mà, Lò Thị C. còn bảo rằng: “Có đứa còn khổ hơn em anh ạ. Chồng nó không những đánh suốt ngày, mà còn cho đám bạn nghiện cưỡng hiếp vợ nó để đổi lấy ma túy”. Giời ạ! Trên đời này còn nỗi nhục nhã, nỗi đau đớn nào lớn hơn vậy nữa không?

Không hiểu sao dưới chân quả núi tên là Bàn Tay, hình thù như cái bàn tay ở ven thị xã Sơn La lại lắm thân phận đàn bà đau đớn đến vậy.

Trên lưng chừng quả núi hoang vu ấy, tôi gặp người đàn bà Thái tên Lò Thị Liêu, ở rìa bản Huổi Hẹt. Cuộc đời Liêu là một tấn bi kịch đớn đau không tưởng tượng nổi.


Người dân bản Huổi Hẹt thương xót dựng cho mẹ con Liêu một ngôi nhà tạm trên núi Bàn Tay
Cô bé Liêu lớn lên, đẹp như bông hoa ban của bản người Thái ở huyện Mai Sơn. 16 tuổi, Liêu lên xe hoa với một thanh niên ở thị xã Sơn La.

Một bước chân từ trên núi xuống, từ rừng về phố thị, Liêu là niềm mơ ước của các sơn nữ cùng bản.

Thế nhưng, cuộc đời Liêu đâu có đẹp như vậy. Liêu lấy phải một kẻ nghiện, lại có HIV. Gã chồng đã lây cho mẹ con Liêu căn bệnh thế kỷ.

Chồng Liêu chết, đưa tang xong xuôi, ngay chiều hôm đó, cả nhà chồng dọn đồ đạc của mẹ con Liêu vứt ra đường, rồi khóa cửa lại.

Không ai dám “chứa chấp” người đàn bà và đứa trẻ lở loét vì AIDS. Không còn chốn nương thân, Liêu ôm con vào rừng, trèo lên núi Bàn Tay. Liêu đẵn mấy cành gỗ, nhặt tấm bạt rách phủ lên, rồi nằm ôm con chờ chết. Cô chờ bàn tay của đấng vô hình sẽ dắt mẹ con cô về bên kia thế giới.

Khi Liêu đang hấp hối, con trai khóc ngằn ngặt, thì người đi rừng phát hiện hai mẹ con cô. Người dân bản Huổi Hẹt thương xót dựng cho hai mẹ con một túp lều nhỏ trong rừng. Người mang cho áo cũ, người tặng tấm chăn sờn, giúp mẹ con Liêu bớt tủi.

Hàng ngày, Liêu trèo lên núi Bàn Tay hái măng, đốn củi, mang xuống chợ bán lấy tiền nuôi con.

Không biết giờ này mẹ con Liêu thế nào?

Nhiều đêm, tôi mơ thấy hai nấm mồ hoang trên núi Bàn Tay. Mẹ con Liêu cười rạng rỡ giữa cánh rừng hoa ban nở bung trắng xóa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét