Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

Chỉ số tham nhũng năm 2011

Chỉ số tham nhũng năm 2011


Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

(TTXVN/Vietnam+): Theo bảng xếp hạng về tham nhũng toàn cầu do Tổ chức Minh bạch Quốc tế vừa công bố, Italy và Hy Lạp là hai nước có chỉ số tham nhũng cao nhất trong số các quốc gia thuộc Khu vực đồng euro (Eurozone).

Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn số liệu trong bảng xếp hạng "Chỉ số tham nhũng" (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết Italy đứng ở vị trí thứ 69 và Hy Lạp đứng ở vị trí 80, tụt hạng so với các vị trí 67 và 78 trong bảng xếp hạng của tổ chức này công bố năm 2010.


Nguyên nhân là do hai nước này thiếu khả năng giải quyết nạn hối lộ và trốn thuế, những yếu tố đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu.


Theo báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, New Zealand vẫn giữ vững vị trí minh bạch nhất trong bảng xếp hạng, tiếp theo là Đan Mạch và Phần Lan. Trong khi Ireland bị tụt 5 bậc xuống vị trí thứ 19.


Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên lần đầu tiên xuất hiện, song bị xếp ở cuối bảng xếp hạng cùng với Somalia, thấp hơn một bậc so với Afghanistan và Myanmar. Mỹ cũng bị tụt 2 bậc xuống vị trí thứ 24.


Theo tiêu chuẩn đánh giá mức độ tham nhũng trong khu vực công của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, có tới 2/3 trong tổng số 183 quốc gia chỉ ghi được mức điểm dưới 5 trên thang điểm từ 0 - 10, trong đó mức 10 điểm là mức ít tham nhũng nhất.


Những quốc gia ở Trung Đông, khu vực chìm sâu trong tình trạng bất ổn từ đầu năm đến nay, bị xếp ở các vị trí thấp trong danh sách, với hầu hết trong số này chỉ ở mức dưới 4 điểm. Với việc người dân biểu tình hoặc đấu tranh để lật đổ các chính phủ do nạn hối lộ, móc ngoặc và các cơ chế bảo trợ, đỡ đầu tràn lan, Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho rằng xu hướng này đã làm gia tăng tệ tham nhũng.


Chỉ số CPI của Tổ chức Minh bạch Quốc tế là thước đo nạn tham nhũng ở các nước nhằm giúp đánh giá những rủi ro cho các nhà đầu tư. CPI cũng là một chỉ số kết hợp các dữ liệu của 17 cuộc khảo sát khác nhau được thực hiện bởi các tổ chức độc lập, kể cả các nhóm chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp của nhiều nước./.
------------

Italia, Hy Lạp: Nợ lắm, tham nhũng nhiều

Theo xếp hạng chỉ số tham nhũng vừa được Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố, Italy xếp thứ 69, Hy Lạp thứ 80 trong danh sách 182 quốc gia.

Hy Lạp và Italy là hai quốc gia "ghi điểm tồi" trong danh sách xếp hạng chỉ số tham nhũng. Australia ít tham nhũng nhất trong nhóm G20 còn New Zealand là nước đứng đầu danh sách toàn cầu trong một năm xảy ra những cuộc biểu tình phản đối chính phủ ở khắp châu Âu và Trung Đông.

TI có trụ sở ở Berlin cho hay, khủng hoảng kinh tế xảy ra ở khu vực đồng euro một phần vì sự thất bại của cơ quan công quyền trong việc đối phó với nạn hối lộ và trốn thuế.

Trong thang điểm từ 0 (mức tham nhũng lớn nhất) tới 10 (ít tham nhũng nhất), Italy có 3,9 điểm còn Hy Lạp là 3,4 điểm, xếp thứ 69 và 80 trong danh sách 182 quốc gia. Có 2/3 các nước trong xếp hạng điểm dưới 5.

Ảnh minh họa: Worldbank

New Zealand không thuộc G20 có 9,5 điểm so với 9,3 điểm năm ngoái. Australia được 8,8 điểm so với 8,7 điểm cùng kỳ năm trước. Năm ngoái, xếp đầu bảng có Đan Mạch, Singapore, thì năm nay hai quốc gia này đứng thứ 2 và 5.

Australia dù lên điểm nhưng vẫn duy trì vị trí thứ 8 cùng với Thuỵ Sĩ. Robin Hodess, giám đốc nghiên cứu của TI cho hay, khủng hoảng ở khu vực đồng euro “phản ánh sự quản lý tài chính nghèo nàn, thiếu minh bạch và quản lý công quỹ yếu kém”. Bà nhấn mạnh: "Có sự liên quan chặt chẽ giữa hiệu suất kém trong nhận thức về tham nhũng và những vấn đề rộng lớn hơn xung quanh quản lý kinh tế”.

Khi tham nhũng lan rộng, “mọi người cảm thấy khó khăn ở mọi cấp”, bà nói, đồng thời kêu gọi Rome và Athens cần “làm nhiều hơn nữa” trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Trong danh sách toàn cầu, Somalia và Triều Tiên đứng cuối bảng với điểm số 1. Iraq lên vài vị trí nhưng vẫn ở thứ hạng thấp - 175, Afghanistan vẫn đứng thứ 180 cho dù đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn hối lộ cũng như tham nhũng. Libya ở thứ 168.

Phần lớn các nước Mùa xuân Ảrập đều đứng ở nửa dưới chỉ số, với điểm số dưới 4. TI cho hay, họ đã cảnh báo trước khi phong trào nổi dậy diễn ra ở khu vực này rằng “gia đình trị, hối lộ và bảo trợ đã ăn sâu bám rễ vào cuộc sống hàng ngày tới nỗi luật lệ chống tham nhũng hiện hành không phát huy được tác dụng”.

"Năm nay, chúng ta thấy trên các biển hiệu biểu tình là phản đối tham nhũng cho dù người tham gia giàu hay nghèo”, Huguette Labelle, phụ trách TI nói. "Dù là một châu Âu đang chìm trong khủng hoảng nợ hay một thế giới Ảrập bắt đầu kỷ nguyên chính trị mới, thì các nhà lãnh đạo đều cần phải đáp ứng nhu cầu về một chính phủ tốt hơn”, bà nhấn mạnh.

Pháp và Đức - nơi rất nhiều người hướng đến trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở châu Âu - đứng thứ 25 và 14.

Trung Quốc đứng thứ 75 trên thế giới với điểm số 3,6 trong khi Nhật Bản đứng thứ 14 với điểm 8. Việt Nam đứng thứ 112 với 2,9 điểm, cao hơn năm ngoái (2,7 điểm). Nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ, đứng thứ 24 khi đạt 7,1 điểm.

Cuộc thăm dò sử dụng dữ liệu từ 17 khảo sát về các nhân tố như thực thi luật chống tham nhũng, tiếp cận thông tin và các xung đột lợi ích, theo TI. "Tham nhũng tiếp tục lan tràn ở quá nhiều nước trên thế giới”, tổ chức này kết luận.

Liên quan cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, các ngân hàng lớn nhất thế giới hôm qua đã tuyên bố kế hoạch phối hợp nhằm đảm bảo cuộc khủng hoảng này sẽ không làm tê liệt các thị trường toàn cầu.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu, các ngân hàng trung ương của Canada, Anh, Nhật Bản và Thuỵ Sĩ sẽ cùng làm việc để đảm bảo rằng, lãi suất tăng vọt của trái phiếu Italy không làm sụp đổ các ngân hàng khu vực đồng euro hoặc buộc nền kinh tế lớn thứ ba của khu vực lâm vào tình trạng vỡ nợ.

Tin tức về kế hoạch phối hợp của các ngân hàng lớn đưa ra sau tuyên bố của Cao ủy EU phụ trách kinh tế và tiền tệ rằng, khu vực đồng euro “giờ đây đang tiến vào giai đoạn quyết định của 10 ngày hoàn thành và kết thúc phản ứng khủng hoảng”.

Ngay sau tuyên bố can thiệp của ngân hàng, thị trường chứng khoán châu Âu đã tăng điểm với chỉ số DAX của Đức tăng hơn 4%.

Thái An (theo theaustralian, nasdaq)
-----------------

RFI
1-12-11

Transparency International: Việt Nam không có tiến bộ đáng kể chống tham nhũng

Đức Tâm
Ngày hôm nay, 01/12/2011, từ Berlin, tổ chức Transparency International-Minh bạch Quốc tế-cho công bố “Chỉ số cảm nhận tham nhũng 2011”, liên quan đến 183 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới.Transparency International nhận định rằng chỉ số xếp hạng và điểm của Việt Nam trong năm 2011cho thấy tham nhũng vẫn là mối lo ngại chính đối với đất nước này và từ năm ngoái đến nay, không có những thay đổi đáng kể nào trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Theo Transparency International, bản “Chỉ số” cho thấy một số chính phủ đã thất bại trong cuộc chiến chống tham nhũng. Nhiều cuộc biểu tình lớn trên thế giới “thường được châm ngòi từ tình trạng tham nhũng và bất ổn về kinh tế”. Điều này cho thấy rõ ràng là “người dân cảm thấy các nhà lãnh đạo và thể chế công của họ thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình”. Cũng như mọi năm, việc xếp hạng chỉ số và cho điểm về tình trạng tham nhũng được xếp từ trên xuống, càng thấp thì tham nhũng càng trầm trọng. Năm nay, Transparency International xếp Việt Nam ở hạng thứ 121, được 2,9 điểm, trên tổng số 183 quốc gia và lãnh thổ. Năm 2010, Việt Nam ở hạng thứ 116 với 2,7 điểm trong tổng số 178 quốc gia và lãnh thổ được xem xét. Trước đó, vào năm 2009, trong số 180 quốc gia và lãnh thổ, Việt Nam đứng thứ 120 và điểm cũng là 2,7.
Transparency International ghi nhận một số hoạt động của chính quyền Việt Nam trong năm 2010 như mời đại diện của tổ chức này đến giới thiệu kinh nghiệm chống tham nhũng tại các nước, tổ chức hội thảo về giáo dục chống tham nhũng. Tuy vậy, Transparency International nhận định rằng chỉ số xếp hạng và điểm của Việt Nam trong năm 2011 cho thấy tham nhũng vẫn là mối lo ngại chính đối với đất nước này và từ năm ngoái đến nay, không có những thay đổi đáng kể nào trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Năm nay, Transparency International xếp New Zealand đứng đầu với 9,5 điểm. Bốn nước đứng cuối bảng là Afghanistan và Miến Điện, xếp thứ 180 với 1,5 điểm, sau đó là Bắc Triều Tiên cùng Somalia ở hạng thứ 182, với 1 điểm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét