Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Chính sách tiền tệ 2012 và "Vắng mặt” số liệu huy động vốn

Chính sách tiền tệ 2012 và
“Vắng mặt” số liệu huy động vốn

MINH ĐỨC 17/12/2011 

picture 
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trên thị trường vàng, 
"giới đầu cơ đã không còn khả năng thao túng".

Lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây báo cáo tổng kết năm của Ngân hàng Nhà nước công bố thiếu vắng những con số về lượng vốn huy động của hệ thống.

Sáng nay (17/12), Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin báo chí về điều hành chính sách tiền tệ năm 2011, định hướng và giải pháp điều hành năm 2012. Một trong những con số được mong đợi nhất lại không thấy đề cập đến.

Cụ thể, bên cạnh các dữ liệu về tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán, số liệu về tăng trưởng huy động vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng không có trong thông tin công bố.

Số liệu huy động vốn của hệ thống được mong đợi bởi nó phản ánh thực tế có nhiều xáo trộn trong thời gian gần đây, đặc biệt trong tháng 11/2011. Đáng chú ý là thông tin về tình hình hoạt động của hệ thống trong tháng 11/2011 cũng không được Ngân hàng Nhà nước tập hợp và công bố như thường thấy.

Trước đó, thị trường chờ đợi con số về tình hình huy động vốn của các ngân hàng trước sự xáo trộn của tâm lý người gửi tiền xoay quanh hiệu ứng bất lợi của thông tin tái cấu trúc hệ thống, khi có những lo ngại về khả năng sáp nhập một số ngân hàng nhỏ dù nhiều lần Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ đảm bảo an toàn hệ thống; bên cạnh đó là nhiều biến động trên thị trường vàng với thực tế có những thời điểm người dân đổ xô đi mua vàng.


Hơn nữa, trước tháng 11/2011, hoạt động ngân hàng đã chứng kiến hai tháng liên tiếp huy động vốn sụt giảm. Liệu trạng thái đó có tiếp tục thể hiện? Phía sau đó còn phản ánh một phần niềm tin của người dân vào VND, phản ánh sự hấp dẫn của lãi suất khi cơ chế trần được làm nghiêm…

Trở lại với thông tin vừa công bố của Ngân hàng Nhà nước, không có nhiều thay đổi khi năm 2011 này tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp như những dự tính đưa ra trước đó.

Ước cả năm, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng khoảng 10%, tín dụng tăng khoảng 12%. Kết quả này được Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận là góp phần đưa lạm phát tăng chậm lại (từ tháng 8 đến nay, lạm phát tăng dưới 1%/tháng); đồng thời góp phần giảm mạnh nhập siêu, cải thiện đáng kể cán cân thanh toán quốc tế.

Trong năm nay, tín dụng đã được kiểm soát chặt chẽ, tăng ở mức thấp nhưng cơ cấu tín dụng chuyển theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu, giảm cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất. Ước đến cuối năm, tín dụng tăng 12%, trong đó bằng VND tăng 10,2%, tín dụng ngoại tệ tăng 18,7%, nhưng từ tháng 8 đến nay tín dụng ngoại tệ đã có xu hướng tăng chậm lại.

Theo báo cáo, thanh khoản VND toàn hệ thống về cơ bản đã được đảm bảo. Từ tháng 10/2011, một số tổ chức tín dụng có khó khăn thanh khoản tạm thời do mất cân đối về kỳ hạn giữa huy động vốn ngắn hạn và cho vay trung, dài hạn, do huy động vốn từ các tổ chức và dân cư giảm, huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng chưa đủ bù đắp, nhưng đã được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thông qua tái cấp vốn và nghiệp vụ thị trường mở. Thanh khoản ngoại tệ ở mức thấp trong 7 tháng đầu năm, từ tháng 8 đã cải thiện sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện một số biện pháp kiểm soát tín dụng bằng ngoại tệ.

Về thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng: “Việc triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ổn định giá vàng và thị trường vàng trong nước đã góp phần đưa giá vàng trong nước bám sát với giá vàng thế giới; giới đầu cơ đã không còn khả năng thao túng thị trường; các ngân hàng đã bắt đầu mua được vàng từ thị trường trong nước để bù đắp lại lượng vàng đã bán ra, giảm bớt áp lực nhập khẩu vàng, tiết kiệm ngoại tệ và giảm bớt áp lực lên tỷ giá”.

Có một điểm bất cập được nhà điều hành đưa ra là trong những tháng đầu năm, hoạt động thanh tra, giám sát chưa quyết liệt, chế tài xử lý các vi phạm chưa nghiêm dẫn tới hiện tượng các tổ chức tín dụng sử dụng các biện pháp kỹ thuật để “lách” các quy định, tạo ra sự méo mó trong số liệu về huy động vốn, tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán, gây khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ, mặc dù, gần đây hiện tượng này đã giảm nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Thanh khoản của toàn hệ thống về cơ bản được đảm bảo, tuy nhiên một số ngân hàng cổ phần gặp khó khăn tạm thời về thanh khoản đã ảnh hưởng tới hoạt động của các tổ chức tín dụng khác, gây biến động trên thị trường liên ngân hàng và tạo ra dư luận không tốt đối với hoạt động kinh doanh của hệ thống.

Ngân hàng Nhà nước cho biết đã thực hiện các biện pháp để ổn định thị trường liên ngân hàng, giám sát chặt chẽ các ngân hàng thương mại gặp khó khăn về thanh khoản và hỗ trợ kịp thời qua cho vay tái cấp vốn, tăng cung trên nghiệp vụ thị trường mở.

Trên thị trường ngoại hối, mặc dù niềm tin vào đồng Việt Nam được củng cố nhưng tình trạng đô la hóa vẫn chưa được giải quyết triệt để; tín dụng ngoại tệ tăng cao, một số tổ chức tín dụng có hệ số sử dụng vốn vượt 100%, một số tổ chức tín dụng huy động vốn nước ngoài để tăng trưởng tín dụng cao, tiềm ẩn rủi ro khi các nguồn vốn nước ngoài bị rút đột ngột. Trên thị trường vẫn còn tình trạng các tổ chức tín dụng lách các quy định về tỷ giá làm tăng bất ổn trên thị trường ngoại hối.

Một số hạn chế của hệ thống ngân hàng về thanh khoản, nợ xấu đang ngày càng bộc lộ rõ khi Ngân hàng Nhà nước triển khai các biện pháp nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực ngân hàng.

Sẽ phân bổ lại chỉ tiêu tín dụng

Trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo kiểm soát lượng tiền cung ứng phù hợp với mục tiêu kiểm soát tổng phương tiện thanh toán 14 - 16% và tín dụng tăng trưởng 15 - 17%.

Đáng chú ý là cơ quan này đã chính thức đưa ra định hướng thực hiện và điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sát với yêu cầu thực tế hơn.

Trong năm 2011, Ngân hàng Nhà nước thừa nhận là việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 20% áp dụng chung cho tất cả các ngân hàng là chưa thật sự phù hợp đối với các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh có thể tăng trưởng cao hơn và với các tổ chức tín dụng hoạt động yếu kém cần phải hạn chế tăng trưởng tín dụng.

Tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất được quy định áp dụng chung cho tất cả các loại hình tổ chức tín dụng cũng chưa phù hợp với một số trường hợp có hoạt động kinh doanh đặc thù; dư nợ cho vay phi sản xuất bao gồm cả các nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân (như mua nhà để ở, xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, cho công nhân lao động thuê, nhà ở tái định cư...), nên tổ chức tín dụng không thể cho vay đối với các nhu cầu vốn này khi tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất đã sát hoặc vượt mức quy định.

Theo đó, về giải pháp điều hành tín dụng năm tới, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo kiểm soát tăng trưởng tín dụng và dư nợ mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành lần đầu trong suốt cả năm 2012 tối đa là 15 - 17%, nhưng sẽ giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các nhóm tổ chức tín dụng trên cơ sở xếp loại của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng. Việc xếp loại và phân bổ này thực hiện theo nguyên tắc tổ chức tín dụng hoạt động tốt thì mức tăng trưởng tín dụng cao hơn nhóm hoạt động chất lượng thấp hơn.

Ngoài ra, nhà điều hành sẽ yêu cầu tổ chức tín dụng xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm và từng quý trong năm 2012, phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa được phân bổ.

Ở định hướng chung, định hướng đưa ra là tiếp tục chuyển đổi cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn phục vụ lĩnh vực sản xuất và các dự án, phương án có hiệu quả, kiểm soát dư nợ cho vay các lĩnh vực không khuyến khích ở mức hợp lý; thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại tệ để đảm bảo tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ phù hợp khả năng huy động vốn, chủ trương hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế.

Cũng trong thông tin công bố, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hoạt động ngân hàng theo đề án được Chính phủ phê duyệt với nguyên tắc không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát, từng bước nâng cao tính an toàn, lành mạnh và hiệu quả của hệ thống ngân hàng.

“Kiên quyết xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả phát triển”, Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét