Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Quá sớm để hạ lãi suất huy động

Một bài viết rất hay của anh Ngọc:

Quá sớm để hạ lãi suất huy động 

Phan Minh Ngọc
http://phan-minh-ngoc.blogspot.com/2011/12/qua-som-e-ha-lai-suat-huy-ong-bai-dang.html


(VEF.VN) - Khi áp lực lạm phát còn lớn và kỳ vọng lạm phát còn cao, việc hạ trần lãi suất huy động quá sớm sẽ làm trầm trọng thêm làn sóng rút tiền gửi ở ngân hàng đầu tư vào những tài sản bảo toàn giá trị. Mục tiêu lạm phát dưới 10%/năm càng trở nên mong manh.


Trước diễn biến lạm phát có dấu hiệu giảm nhiệt trong những tháng gần đây, Chính phủ đã có những chỉ đạo hạ lãi suất, mà việc đầu tiên là nhắm tới hạ trần lãi suất huy động dự kiến từ 14%/năm xuống còn 12%/năm, trên cơ sở dự báo rằng lạm phát năm 2012 chỉ ở dưới mức 10%/năm.


Trong bối cảnh nhiều bất trắc như hiện nay, dự báo về lạm phát dưới mức 10%/năm và kèm đó là động thái hạ lãi suất huy động xem ra là hơi lạc quan và quá sớm.


Để giải thích cho nhận định trên, trước tiên, ta xuất phát từ quan sát rằng dường như chúng ta vẫn chưa đạt được một đồng thuận về nguyên nhân gây ra lạm phát cao ở Việt Nam và cách thức chống lạm phát.


Mục đích chính của việc ban hành Nghị quyết 11 là kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô bằng chính sách tiền tệ thắt chặt - "tội đồ" chủ yếu gây ra lạm phát ở Việt Nam. Nhưng đến tận hôm nay, vẫn thấy những phát biểu của không ít người quy lạm phát bởi những nguyên nhân như hệ thống phân phối (mà lạ thế, trước đây cho đến tận giờ hệ thống phân phối vẫn thế mà lạm phát đâu có cao?). Thậm chí, lạm phát còn bởi thiếu hụt cung do chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất tăng cao làm doanh nghiệp phá sản (chắc người ta quên mất rằng lãi suất tăng cao cũng sẽ làm giảm tổng cầu, và do đó, cán cân cung cầu không nhất thiết xấu đi, nếu không muốn nói ngược lại).



Đấy là chưa kể những nguyên nhân khách quan rất được ưa dùng bởi cơ quan quản lý giá cả như thiên tai, dịch bệnh, giá hàng hóa và xăng dầu quốc tế tăng (chắc người ta quên mất các nước nhập khẩu khác không có mức lạm phát cao như Việt Nam).


Nhiều người còn chỉ ra những lý do "vĩ mô" hơn như cơ cấu kinh tế không hợp lý với sự phụ thuộc nặng nề vào nguyên vật liệu nhập khẩu (chắc người ta quên trả lời câu hỏi, tại sao vẫn cùng một cơ cấu kinh tế như vậy mà trước đây lạm phát đã không cao như hiện nay?).


Tóm lại, thời gian càng trôi đi kể từ lúc ra Nghị quyết 11, nhận thức về gốc rễ của lạm phát là chính sách tiền tệ mở rộng càng phai nhạt, và những giải thích không chính thống lại càng trỗi dậy trở thành rất có ảnh hưởng lên hướng đi chính sách. Bằng chứng, ngày càng nghe thấy những lời kêu gọi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần nới lỏng chính sách tiền tệ để cứu cái này, cái kia, với lời đe dọa rằng nếu không thì sẽ xảy ra phá sản, đổ vỡ, khủng hoảng, tệ nạn xã hội..v..v... Và dường như, tiếng kêu này đã thấu đến tai những người có trách nhiệm, với chính sách tiền tệ đã có xu hướng nới lỏng quá sớm.


Nói chính sách tiền tệ bị nới lỏng quá sớm vì dự báo lạm phát dưới 10%/năm này (dựa trên diễn biến lạm phát giảm nhiệt gần đây) lại được đem ra làm cơ sở để xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dự kiến ở mức 15%-17% trong năm 2012, cao hơn mức mục tiêu 12% năm 2011 này. Song song với đó, trần lãi suất huy động cũng được dự kiến giảm từ mức 14%/năm xuống còn 12%.


Như vậy, có thể thấy sự chông chênh lớn/mâu thuẫn về hoạch định và điều hành chính sách. NHNN xây dựng chính sách tiền tệ (thực chất là nới lỏng, với kế hoạch tăng trưởng tín dụng lớn, ở mức 15%-17% năm 2012) dựa trên mục tiêu lạm phát dưới 10%, mà mục tiêu lạm phát đó lại chỉ có thể đạt được khi chính sách tiền tệ phải là thắt chặt về bản chất (đảm bảo để đưa lạm phát về dưới 10% - một ngưỡng vẫn còn rất lớn).


Góp phần thêm vào mâu thuẫn này là sự có mặt của kỳ vọng lạm phát. Kỳ vọng lạm phát là yếu tố hun nóng thêm câu chuyện lạm phát và đồng thời cũng làm câu chuyện lạm phát chậm giảm nhiệt. Kỳ vọng lạm phát vẫn còn nguyên đó trong bối cảnh bất trắc vĩ mô, sai lầm về hoạch định và điều hành bất nhất các chính sách vĩ mô, cũng như mức lạm phát hiện tại vẫn ở mức cao, đặc biệt khi chính sách tiền tệ - cái van điều chỉnh lạm phát - vẫn được mở rộng ngay thời điểm này kéo dài sang năm tới. Một bằng chứng là ngay với trần lãi suất 14%/năm, bất chấp các cam kết, dự báo của Chính phủ rằng lạm phát trong năm tới chỉ ở một con số, số dư tiền gửi trong hệ thống ngân hàng, theo một số báo cáo, đã giảm (mạnh).


Trong hoàn cảnh hiện tại với áp lực lạm phát còn lớn và kỳ vọng lạm phát còn cao, hành động hạ trần lãi suất huy động quá sớm - thực chất là một cách san sẻ cưỡng bức gánh nặng thua lỗ, khó khăn của giới doanh nghiệp và ngân hàng lên vai người gửi tiền - sẽ làm trầm trọng thêm làn sóng rút tiền gửi ở ngân hàng đầu tư vào những tài sản bảo toàn giá trị. Mục tiêu lạm phát dưới 10%/năm càng trở nên mong manh.


Tóm lại, hành động nới lỏng chính sách tiền tệ và hạ lãi suất huy động tại thời điểm này là chưa xuất phát từ những nhận thức đúng đắn và cân nhắc cẩn trọng. Không phải vô cớ mà Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới phát biểu hôm 3/12 vừa rồi rằng: "Lúc này vẫn còn quá sớm để Chính phủ Việt Nam đảm bảo sự tự tin với mục tiêu đưa lạm phát 2012 xuống một con số. Do đó, Chính phủ cần cẩn trọng xem xét kỳ vọng của mình có đạt được hay không".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét