Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Bài hát hay: Em tắm - Sự thật huyền thoại người con gái Thái tắm tiên

Bài hát hay: Em tắm
Sự thật huyền thoại người con gái Thái tắm tiên

Bài thơ Em tắm của Bạc Văn Ùi, người dân tộc Thái, đã được phổ nhạc và
được bình chọn là một trong 100 bài thơ hay nhất của thế kỷ hai mươi:

Nếu không nghe được thì xin nghe trong bản gốc:
http://yume.vn/news/du-lich/kham-pha-viet-nam/su-that-huyen-thoai-nguoi-con-gai-thai-tam-tien.35A94CA2.html


  Sao anh lại rình
Trộm xem em tắm
Da của em ngần trắng
Da của mẹ, của cha (Da cha mẹ cho em)
Tay của em lấm lem
Tay của than của bụi
Tay của rừng của núi
Tay của đất của nương
Em tắm xong lại sạch
Vẫn ngát thơm hoa rừng
Da của em trắng ngần
Là của anh tất cả
Không phải người xa lạ
Việc gì mà trộm xem....

Em tắm suối giữa mường
Tắm trong mối yêu thương
Có anh đang đứng gác
Chớ để Tây phá mương

(Có anh đang đứng gác,
Giữ bản mường yên vui) 
 

Sự thật huyền thoại người con gái Thái tắm tiên

Ai đã từng một lần lên Tây Bắc, hay được nghe về chuyện con gái Thái tắm tiên, đều không tránh khỏi sự tò mò. Muốn biết, muốn tìm hiểu nhưng dường như nó đã trở thành huyền thoại, bí ẩn, và không thể khám phá đến tận cùng...

Có những khách thập phương đến, tình cờ gặp. Và rồi bị ám ảnh bởi vẻ đẹp tiên sa. Lòng băn khoăn, lưu luyến, bồi hồi..không muốn rời xa. Họ chụp hình, viết báo, ca ngợi vẻ đẹp của những cô thiếu nữ vùng sơn cước. Chỉ có những cô gái Thái, vẫn ở đó, hồn nhiên trút bỏ xiêm y sau những giờ lên nương rẫy mệt nhọc, và hòa mình cùng núi rừng, sông suối.



Tôi đã đọc nhiều bài báo, xem nhiều phóng sự về chủ đề này, nhưng thấy dường như các cây viết vẫn còn mơ hồ, mông lung lắm. Đa phần là viết theo cảm xúc, hay viết về những gì họ đã tận mắt thấy, tận tai nghe. Còn các cô gái Thái thật sự thì sao? họ lên tiếng như thế nào về những câu chuyện liên quan đến mình. Là một cô gái Thái, tôi xin chia sẻ một số điều mà có thể độc giả chưa được biết.
Địa điểm và hình thức tắm tiên thì vô vàn, không theo một khuân mẫu nào cả. Khi lên rừng, các cô gái Thái sẽ tắm bất kỳ nơi nào có nước, dù là dòng suối nhỏ, hay dòng nước lớn. Nếu là dòng suối nhỏ, các cô sẽ ngồi trên một hòn đá, và múc nước lên dội vào người. Nếu là dòng nước lớn, các cô gái sẽ trút bỏ xiêm y trên bờ và lội xuống đùa nghịch thỏa thích.



Không chỉ sau những ngày lên nương rẫy mệt nhọc các cô gái mới xuống suối tắm, mà hầu hết vào mỗi buổi chiều các cô đều rủ nhau ríu rít đi tắm suối. Nếu là những ngày rảnh rỗi, các cô gái dành cả buổi chiều bên dòng suối, vừa chuyện trò, vừa giặt giũ, tắm táp.
Nếu có trai bản đi qua, các cô sẽ vội vàng mặc váy áo. Thấy trai bản đi một mình, các cô sẽ buông lời trêu nghẹo: " Chàng ơi, chàng đi đâu đó, có thương thì dừng bước trò chuyện cùng chúng em".:). Chàng trai chỉ còn biết cười trừ, hay đỏ mặt gãi đầu, gãi tai rồi bước thật nhanh. Các cô gái sẽ với theo cười khúc khích.
Con gái Thái gội đầu bằng nước vo gạo đun sôi với lá rừng, sau đó lấy quả "mắc xìa" đã phơi khô, giã hòa với nước để xả. Khi gội các cô gái sẽ thả cho tóc chảy theo dòng nước, mái tóc đen dài hòa cùng với dòng chảy của suối, trong vắt, dịu êm... Rồi đột ngột, các cô hất tóc ra sau làm nước bắn tung tóe như tạo thành một bản nhạc reo vui chốn núi rừng.



Vào những mùa nước lớn, chiều chiều mọi người cùng ra con suối bản tắm giặt. Con trai sẽ tắm mó trên, còn con gái tắm ở mó dưới. Khi tắm riêng biệt như vậy, con gái Thái hoàn toàn "khỏa thân". Cũng có khi con gái và con trai tắm chung một mó nước lớn, con gái sẽ cuốn váy từ phần ngực xuống, phần cơ thể chìm trong nước sẽ được tháo dần ra để kỳ cọ, phần váy sẽ được thả trong làn nước. Khi tắm xong họ đứng dậy, sẽ kéo cả váy ướt lên. Lúc này váy đã ướt nhẹp và dính chặt lấy cơ thể, làm hiện lên những đường cong đẹp mê hồn, quyến rũ, e ấp. Họ chọn một nơi kín đáo để thay váy, hoặc để tiện hơn họ sẽ cuốn nguyên như thế và thản nhiên về nhà.


Vui nhất là vào những chiều mùa đông đi rừng về, trời tối mịt. Các cô gái không dám ra suối tắm một mình, họ sẽ rủ nhau thật đông, mang rạ và củi khô ra bờ suối nhóm lửa. Vừa tắm vừa ngồi đợi nhau bên đống lửa bập bùng, vừa cười nói rôm rả, có khi đến khuya mới lục đục đi về.
Ngẫm thấy việc tắm là khoảng thời gian thư giãn nhất sau những giờ mệt nhọc nương rẫy. Gột rửa những bụi bẩn các cô gái Thái lại trở về tinh khiết và trắng ngần như thế.
Ngày nay, con trai miền xuôi lên Tây Bắc nhiều, bị săm soi, các cô gái Thái không còn được tự do thỏa thích vui đùa với dòng nước mát. Chỉ tìm nơi kín đáo, nhìn ngược nhìn xuôi, khi chắc chắn không có ánh mắt nào dõi theo thì mới dám bước xuống nước. Hoặc tốt hơn là lựa chọn tắm ở nhà. Tục tắm tiên dần mai một đi. Việc tắm không còn ồn ào, tấp nập và vui vẻ như ngày trước nữa nhưng đâu đó vẫn còn những cô gái Thái "lén lút" tắm tiên.


Điều lạ là các cô gái không cảm thấy quá e ngại trước trai bản, nhưng có trai miền xuôi lên, các cô sẽ  chọn giải pháp an toàn và kín đáo. Đó là lí do vì sao ngày nay ta ít gặp sơn nữ tắm tiên. Việc săn ảnh và viết được bài về họ cũng trở nên khó khăn hơn.
Tôi chợt nhớ bài thơ Em tắm của Bạc Văn Ùi, người dân tộc Thái, đã được phổ nhạc và được bình chọn là một trong 100 bài thơ hay nhất của thế kỷ hai mươi:

Sao anh lại rình
Trộm xem em tắm
Da của em ngần trắng
Da của mẹ, của cha
Tay của em lấm lem
Tay của than của bụi
Tay của rừng của núi
Tay của đất của nương
Em tắm xong lại sạch
Vẫn ngát thơm hoa rừng
Da của em trắng ngần
Là của anh tất cả
Không phải người xa lạ
Việc gì mà trộm xem....
Em tắm suối giữa mường
Tắm trong mối yêu thương
Có anh đang đứng giữ
Chớ để Tây đến mường
(Giữa bản mường yêu thương)

   Bài thơ Em tắm của Bạc Văn Ùi, dân tộc Thái, được bình chọn là một trong 100 bài thơ hay nhất của thế kỷ hai mươi. Đây quả đúng là một thi phẩm rất độc đáo và hiện đại.
   Bài thơ đã vẽ lên bức tranh khoả thân của cô gái Mường đang tắm giữa suối rừng bằng ngôn từ nghệ thuật: Da của em ngần trắng- Da của mẹ của cha… Nó gợi ta nhớ tới những câu thơ bất hủ của Nguyễn Du thể hiện vẻ đẹp của Thuý Kiều lúc nàng tắm:
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên.
   Hay là những vần thơ táo bạo của Hồ Xuân Hương vẽ lên bức tranh “thiếu nữ ngủ ngày”:
Mùa hè hây hẩy gió nồm đông
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng
Lược trúc biếng cài trên mái tóc
Yếm đào để trễ dưới lưng ong
Đôi gò bồng đảo gương còn ngậm
Một lạch đào nguyên suối chửa thông…
   Nhưng đâu là sự khác nhau giữa thơ Bạc Văn Ùi với những câu thơ cùng đề tài, chúng ta vừa dẫn. Thuý Kiều hay cô thiếu nữ trong thơ Hồ Xân Hương đều là những đối tượng bị quan sát từ bên ngoài, họ không thể biết mình đang trở thành một đối tượng được thể hiện, một người mẫu cho hoạ sĩ, nếu theo cách hiểu hiện đại. Còn trong bài thơ của Bạc Văn Ùi cô gái tự cảm nhận, tự nói về vẻ đẹp của mình. Nó làm cho bức tranh thơ kia mang vẻ đẹp thuần khiết. Hơn nữa, tâm điểm chú ý của độc giả không phải là ở bức tranh  mà là vẻ đẹp tâm hồn, là cái đặc biệt trong cách nói của cô gái miền núi về chính bản thân.
   Tuy nhiên, nếu tự nói về vẻ đẹp của mình lúc đang tắm thì hoá ra thiếu tế nhị. Ở đây, cô gái nói trong một hoàn cảnh đặc biệt, đó là lời nói với chồng hay là người yêu, những lời chỉ nói riêng với nhau nghe thôi, chứ không phải ở chỗ đông người. Những lời vợ chồng nói với nhau trong khoảnh khắc riêng tư. Và chỉ trong văn cảnh như thế người ta mới có một ngôn ngữ riêng, một giọng riêng. Giọng cô gái trong bài thơ này là cái giọng đặc biệt như thế. Cũng vì thế cô gái giữ được ngữ khí tự nhiên, bộc lộ đúng vẻ đẹp bản chất của mình. Đấy trước hết là vẻ đẹp thân thể:
Da của em ngần trắng
Da của mẹ, của cha
   Và cô đặc biệt chú ý đến đôi tay:
Tay của em lấm lem
Tay của than của bụi
Tay của rừng của núi
Tay của đất của nương
Có thể hiểu đấy là đôi bàn tay lao động cần cù, vất vả. Đôi bàn tay ấy gắn bó mật thiết với rừng để làm nên sự sống. Ở đây, các câu thơ Da của mẹ, của cha và Tay của rừng của núi - Tay của đất của nương; đều cùng hình thức diễn đạt. Hoá ra, em không những chỉ là sản phẩm của mẹ cha mà còn là sản phẩm của cả núi rừng. Cho nên, khi em tắm xong:
         Vẫn ngát thơm hoa rừng
 Em là bông hoa đẹp nhất của núi rừng, là đoá hoa đang toả ngát hương thơm bên suối.
Cho nên cả núi rừng như nâng niu em:
Em tắm suối giữa mường
Tắm trong mối yêu thương
(Giữa bản mường yêu thương)
   Và tất cả vẻ đẹp của em là thuộc về anh, nhiệm vụ của anh là phải “canh giữ”, “chớ để Tây đến Mường”. Bài thơ đột ngột chuyển hướng một cách bất ngờ, đang trong không khí riêng tư nhất bổng chuyển sang việc đánh Tây, giữ Mường; nhưng trên thực tế thì nó liên quan rất mật thiết với nhau. Cái ý vị của bức tranh thơ này là bên cạnh cô gái tắm suối giữa rừng trong bầu không khí bình yên là anh thanh niên đang bồng súng canh giữ kẻ thù bảo vệ quê hương.  Đây là một ý thơ độc đáo và cũng là điểm khác biệt giữa bài thơ của Bạc Văn Ùi với tất cả những bài thơ khác cùng đề tài.
              
Th.s Lê Sử
Gv khoa Ngữ văn- Đại học Vinh

Bản khác:

Sao anh lại rình
Trộm xem em tắm?
Da của em ngần trắng
Da của ái của êm (*)
Tay của em lấm lem
Tay của than của bụi
Tay của rừng của núi
Tay của đất của nương.
****
Em tắm xong lại sạch
Vẫn ngát thơm hoa rừng
Da của em trắng ngần
Là của anh tất cả,
Không phải người xa lạ
Việc gì mà trộm xem!
****
Em tắm suối giữa mường
Tắm trong mối yêu thương
Có anh đang đứng giữ
Chớ để Tây đến mường.

(Có anh đang đứng gác,
Giữ bản mường yên vui) 

(*): Ái: cha, êm: mẹ (tiếng Thái)





1 nhận xét: