Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2021

Đừng thần thánh hóa công nghệ số!

Nhà thông minh, Thành phố thông minh, Nhà máy thông minh… Tất cả sẽ là vô nghĩa nếu Con Người đánh mất đi vị thế là Người thông minh nhất, thậm chí cứ mãi mãi là vô văn hóa. Chưa kể, càng đi vào cái gọi là công nghệ thông minh, con người càng có xu hướng vô cảm, càng xa rời tự nhiên, đó là lý do dẫn đến sự hủy diệt của chính con người trong tương lai. Nếu con người không văn minh, sống vô văn hóa thì chẳng có công nghệ số nào có ích cho phát triển xã hội và cứu được con người. Lấy thí dụ đơn giản: Hệ thống tín hiệu giao thông (đèn xanh, đỏ) có từ nhiều thế kỷ rồi nhưng nhiều người Việt Nam hiện đại thường ngày sử dụng các phương tiện giao thông tân tiến nhưng vẫn cố tình vi phạm quy định như vượt đèn đỏ… Cho nên đừng thần thánh hóa công nghệ số là đúng; giáo dục con người sống văn minh mới là điều quan trọng nhất.
Đừng thần thánh hóa công nghệ số!
Kinh tế Sài Gòn Online (KTSG) – Tại dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025… đang được đưa ra để lấy ý kiến góp ý, một trong những mục tiêu nổi bật là “Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP”.
15 Lợi Ích Của Công Nghệ Số
Thiết nghĩ việc xác định tỷ trọng kinh tế số đạt bao nhiêu phần trăm GDP vừa khó định lượng, vừa bỏ qua xu hướng mới nhất của thế giới đối với lĩnh vực công nghệ. Khó định lượng là bởi trong bất kỳ hoạt động kinh tế nào cũng có thành phần liên quan đến kinh tế số và cũng có thành phần nằm trong phạm vi kinh tế truyền thống – làm sao tách bạch hai chuyện này cho được. Nói một cách cực đoan, ngay cả trong các công ty công nghệ hiện đại, vẫn có những lao động chân tay ngày đêm quét dọn làm vệ sinh hay ngay với tiệm tạp hóa đầu hẻm vẫn có người dùng chat trên Zalo để mua hàng, đặt hàng.

Quan trọng hơn, sau nhiều năm say sưa với tốc độ phát triển vũ bão của công nghệ, nhiều nước nay đã suy tính lại, tìm cách hạn chế các công ty công nghệ hàng đầu của chính nước họ vì chúng đang triệt tiêu cạnh tranh, chèn ép các công ty mới tham gia thị trường, lạm dụng dữ liệu của khách hàng, nuôi dưỡng các dòng tin giả, tin đồn. Nhiều công ty công nghệ chỉ muốn tăng trưởng bằng mọi giá để tăng giá trị công ty nên với họ, công nghệ là chỉ để phục vụ công nghệ.

Sai lầm của việc thần thánh hóa công nghệ là cứ tưởng giải pháp công nghệ sẽ hóa giải mọi vấn đề của xã hội trong khi bỏ quên yếu tố quan trọng nhất là con người. Hầu như các nước đã đi đến một nhận thức mới: công nghệ là nhằm phục vụ con người chứ không phải ngược lại. Sự xuất hiện hàng loạt ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 mà không có ứng dụng nào hoàn hảo so với việc người dân in mã QR chứng nhận tiêm chủng ra thành chiếc thẻ bọc nhựa đeo cổ là minh họa cho yếu tố con người đang thiếu vắng trong công nghệ.

Thật ra Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số đã vạch ra đầy đủ những mục tiêu ngành công nghệ số phải hướng đến trong những năm sắp tới; cái cần bổ sung là yếu tố con người – tức trả lời phát triển hạ tầng số, danh tính số, thanh toán số… để nhằm mục đích gì, phục vụ cho ai, cho các công ty công nghệ hay cho xã hội, vì sự thuận tiện của người dân hay sự thuận tiện của các cơ quan quản lý nhà nước.

Để chú trọng đến yếu tố con người, lĩnh vực quan trọng nhất khi phát triển kinh tế số chính là dữ liệu. Các “app” Covid-19 nhiều thiếu sót cũng do vấn đề dữ liệu không liên thông, thiếu đồng bộ, không chính xác. Trong khi đó để xây dựng các cơ sở dữ liệu cần rất nhiều công sức, sự kiên nhẫn, chứ không thể trông chờ cây đũa thần công nghệ có thể biến cho chúng ta các thông tin bình thường thành dữ liệu số sạch trong nháy mắt. Một ví dụ có thể đưa ra là nội dung số của các sách giáo khoa, kể cả bài tập tương tác, các nội dung đa phương tiện đâu dễ có sẵn mà cần sự đầu tư công sức, thời gian và tiền bạc của nhiều thành phần trong xã hội với đích nhắm là phục vụ cho học sinh của chúng ta.

Kinh tế số là điều trước sau gì cũng sẽ đến với xã hội tương lai. Để phát huy cái mạnh, hạn chế các điểm yếu như khoảng cách kỹ thuật số giữa các tầng lớp người dân, cần làm rõ yếu tố con người trong một chiến lược xây dựng nền kinh tế số bền vững, đa dạng và bình đẳng.

https://thesaigontimes.vn/dung-than-thanh-hoa-cong-nghe-so/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét