Xây tổ hợp khách sạn ở đồi Dinh Tỉnh trưởng là “cú đấm” trực diện vào môi trường tự nhiên!
02/11/2021 Sử dụng phương pháp do nhà nghiên cứu đô thị Nahoum Cohen đề xuất để đánh giá tiềm năng bảo tồn của Khu trung tâm Hòa Bình cho thấy, dù đã bị biến dạng nhưng tiềm năng bảo tồn vẫn đạt được 54%. Điều đó có nghĩa rằng, khu vực này xứng đáng được bảo tồn và phát huy giá trị.
Khu đồi Dinh là mảng xanh hiếm hoi còn sót lại của trung tâm Đà Lạt. Ảnh: Mai Vinh
Quy hoạch Khu trung tâm Hoà Bình của Đà Lạt công bố đã hơn hai năm nhưng vẫn tiếp tục gây tranh cãi từ đó đến nay, trong đó có phương án xây khách sạn ở khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng.
Mới đây, như Người Đô Thị đưa tin, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định lựa chọn phương án Hotel du Printemps của nhóm KTS. Thierry Van de Winagaert. Theo đó, Dinh Tỉnh trưởng sẽ được nâng cao 28m so với vị trí ban đầu. Phần dưới và xung quanh sẽ là tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ...
Quyết định này đang vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối của giới kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch, bảo tồn di sản, người dân…
Trao đổi với Người Đô Thị, PGS-TS-KTS. Khuất Tân Hưng (Chủ nhiệm Bộ môn Di sản đô thị, Khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho rằng: “Đà Lạt có thể vừa bảo tồn và phát huy được giá trị di sản, vừa gia tăng sức hấp dẫn và độc đáo cho khu vực trung tâm mà không cần bê tông hóa đồi Dinh và chất tải lên hệ thống hạ tầng vốn đang quá tải của thành phố…”.
Khu đồi Dinh là mảng xanh hiếm hoi còn sót lại của trung tâm Đà Lạt. Ảnh: Mai Vinh
Quy hoạch Khu trung tâm Hoà Bình của Đà Lạt công bố đã hơn hai năm nhưng vẫn tiếp tục gây tranh cãi từ đó đến nay, trong đó có phương án xây khách sạn ở khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng.
Mới đây, như Người Đô Thị đưa tin, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định lựa chọn phương án Hotel du Printemps của nhóm KTS. Thierry Van de Winagaert. Theo đó, Dinh Tỉnh trưởng sẽ được nâng cao 28m so với vị trí ban đầu. Phần dưới và xung quanh sẽ là tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ...
Quyết định này đang vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối của giới kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch, bảo tồn di sản, người dân…
Trao đổi với Người Đô Thị, PGS-TS-KTS. Khuất Tân Hưng (Chủ nhiệm Bộ môn Di sản đô thị, Khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho rằng: “Đà Lạt có thể vừa bảo tồn và phát huy được giá trị di sản, vừa gia tăng sức hấp dẫn và độc đáo cho khu vực trung tâm mà không cần bê tông hóa đồi Dinh và chất tải lên hệ thống hạ tầng vốn đang quá tải của thành phố…”.
PGS-TS-KTS. Khuất Tân Hưng
Ông có nhận xét gì về phương án 1 kiến trúc khu vực đồi Dinh đã được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chọn: nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, xây tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại 10 tầng… ở dưới?
Tài nguyên quý giá nhất của Đà Lạt khiến nơi đây được đề xuất trở thành nơi nghỉ dưỡng, là “thủ đô mùa hè” chính là điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp đặc trưng bởi những cánh rừng thông rộng lớn và tầm nhìn rộng mở về phía dãy núi Lang Biang.
Quan điểm xuyên suốt trong quá trình hình thành và phát triển của Đà Lạt trong thời Pháp thuộc là sự trân trọng các yếu tố cảnh quan và địa hình tự nhiên của địa điểm. Những công trình kiến trúc vì vậy không hướng tới sự hoành tráng, đồ sộ mà chủ yếu khiêm tốn nương nhờ vào điều kiện tự nhiên để tồn tại.
Rất ít thấy sự can thiệp thô bạo vào tự nhiên, mà ngược lại cảnh quan thiên nhiên được nâng niu và làm giàu thêm để phục vụ cho con người. Những điều này đã tạo ra một thành phố vườn trên cao nguyên vô cùng quyến rũ, và khác biệt hoàn toàn với các đô thị của Việt Nam được hình thành trước đó.
Việc lựa chọn phương án biến đồi Dinh ở Khu trung tâm Hòa Bình của Đà Lạt thành tổ hợp khách sạn, thương mại cao tầng là đi ngược với bản sắc và thương hiệu mà thành phố này đã đạt được trong suốt chiều dài lịch sử hơn 100 năm của mình. Có thể coi đó là “cú đấm” trực diện vào môi trường tự nhiên, đồng thời tước đoạt không gian xanh cuối cùng – cũng là không gian có giá trị nhất về cảnh quan của Khu trung tâm Hòa Bình.
Loại bỏ đồi Dinh trong không gian đô thị cũng là cách cô lập di sản kiến trúc nằm trên đồi là Dinh Tỉnh trưởng – một trong những dinh thự đầu tiên được xây dựng tại Đà Lạt, và biến Dinh trở thành cái xác không hồn do bị tách rời hoàn toàn với bối cảnh ban đầu.
Có quan điểm cho rằng hiện không gian cảnh quan khu vực đồi Dinh không được khai thác sử dụng, làm mất đi hiệu quả sử dụng đất cho yêu cầu phát triển đô thị, ông nghĩ sao về quan điểm này?
Theo ông, giải pháp thiết kế nào sẽ phù hợp với Dinh Tỉnh trưởng vốn đã được Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Lâm Đồng xem là một trong những biệt thự gắn với di tích, lịch sử, chính trị, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc?
Đúng là hiện nay không gian cảnh quan khu vực đồi Dinh chưa được khai thác một cách hiệu quả, gây lãng phí. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là phải thay thế nó bằng vật thể kiến trúc. Đô thị cần không gian xanh, cần khoảng trống để khuyến khích phát triển các hoạt động cộng đồng ngoài trời và làm gia tăng giá trị của nó, cũng giống như con người cần ánh sáng và khí trời để trở nên khỏe mạnh.
Với trường hợp khu đồi Dinh và Dinh Tỉnh trưởng có thể xem xét để biến thành công viên văn hóa hay công viên sáng tạo – kiểu như đồi Montmatre ở Paris. Theo cách này, Đà Lạt có thể vừa bảo tồn và phát huy được giá trị di sản, vừa gia tăng sức hấp dẫn và độc đáo cho khu vực trung tâm mà không cần bê tông hóa đồi Dinh và chất tải lên hệ thống hạ tầng vốn đang quá tải của thành phố.
Những địa điểm như vậy thường thu hút rất nhiều du khách. Lấy một ví dụ để làm minh chứng - năm 2010 số lượng du khách tham quan đồi Montmatre và nhà thờ Sacré Coeur lên tới 10,5 triệu lượt người, hơn cả lượng du khách đến thăm bảo tàng Louvre (8,3 triệu lượt người), và vượt xa lượng du khách tham quan tháp Eiffel (6,7 triệu lượt người).
Phương án 1 kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng đã được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chọn. Theo PGS-TS-KTS. Nguyễn Hạnh Nguyên, khu đồi Dinh Tỉnh trưởng bị đè lên khối khách sạn cao 28m, chiếm chỗ quá lớn, ở tỷ lệ lớn, sẽ làm mất đường chân trời vốn bình yên của khu đồi Dinh và của cảnh quan chung Đà Lạt
Hiện đang có hai quan điểm về quy hoạch Khu trung tâm Hoà Bình: quy hoạch diện mạo mới hoàn toàn để xây thêm cao tầng, phá bỏ một số công trình lâu năm đã xuống cấp để xây thêm tiện ích mua sắm, giải trí, nghỉ dưỡng…, chứ để nhếch nhác như hiện nay không ra bộ mặt đô thị.
Quan điểm còn lại là giữ nguyên diện mạo lâu năm của Khu trung tâm Đà Lạt, không xây mới cao tầng, chỉ chỉnh trang cho sạch, đẹp hơn. Muốn xây mới cao tầng, thêm tiện ích khách sạn hiện đại, trung tâm thương mại, giải trí, trung tâm hội nghị hàng ngàn chỗ ngồi... thì chọn khu vực ngoài trung tâm, còn đất rộng rãi, để phát triển theo mô hình như một số nước: khu đô thị mới cạnh khu di sản, về lâu dài cũng sẽ tạo ra thêm di sản cho Đà Lạt từ khu đô thị mới. Ông có nghiêng về quan điểm nào không hay có quan điểm khác?
Khu trung tâm Hòa Bình có vị trí khá đắc địa, nằm giữa hai yếu tố phong thủy quan trọng bậc nhất của Đà Lạt là đồi Dinh và hồ Xuân Hương. Nó bao gồm khu rạp Hòa Bình, khu chợ Đà Lạt và các dãy nhà phố lân cận.
Tôi đã sử dụng phương pháp do nhà nghiên cứu đô thị Nahoum Cohen đề xuất để đánh giá tiềm năng bảo tồn của khu trung tâm này. Kết quả cho thấy, dù đã bị biến dạng nhưng tiềm năng bảo tồn của Khu trung tâm Hòa Bình vẫn đạt được 54%. Điều đó có nghĩa rằng khu vực này xứng đáng được bảo tồn và phát huy giá trị. Sự “nhếch nhác” mà ai đó nói tới chủ yếu là do cách ứng xử của con người với di sản chứ bản thân di sản không có lỗi.
Việc lựa chọn phương án biến đồi Dinh ở Khu trung tâm Hòa Bình của Đà Lạt thành tổ hợp khách sạn, thương mại cao tầng là đi ngược với bản sắc và thương hiệu mà thành phố này đã đạt được trong suốt chiều dài lịch sử hơn 100 năm của mình.
Từ trước đến nay, đây luôn là khu vực có sức sống mạnh mẽ nhất của Đà Lạt, cũng là nơi lưu giữ ký ức đô thị. Không phải vô cớ mà khu vực này thường xuyên được lưu lại hình ảnh trong ống kính của các nhiếp ảnh gia.
Với những giá trị và tỷ lệ hợp lý của các công trình kiến trúc tại khu Hòa Bình, tôi nghiêng về giải pháp bảo tồn thích ứng rạp Hòa Bình và chợ Đà Lạt trên cơ sở lưu giữ và phục dựng những yếu tố đặc trưng đã từng làm nên sắc thái tinh thần của địa điểm, trong đó ưu tiên bổ sung những chức năng có thể làm gia tăng giá trị và cảm nhận về địa điểm (ví dụ giao lưu văn hóa, trưng bày ký ức đô thị…).
Đà Lạt không phù hợp với những thứ to lớn, hoành tráng, kể cả ở khu vực trung tâm. Sự xuất hiện của công trình Đà Lạt center năm 2012 vừa cản trở tầm nhìn cảnh quan, vừa tạo ra nét đứt gãy trong đô thị đã minh chứng cho điều đó.
Với trường hợp khu đồi Dinh và Dinh Tỉnh trưởng có thể xem xét để biến thành công viên văn hóa hay công viên sáng tạo – kiểu như đồi Montmatre ở Paris. Ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên
Quy hoạch Khu trung tâm Hoà Bình công bố đã hơn hai năm nhưng vẫn tiếp tục gây tranh cãi từ đó đến nay. Theo ông, đâu là giải pháp để dung hoà?
Quan điểm của tôi là sai ở đâu sửa ở đó. Nếu quy hoạch chưa tốt thì nên được thực hiện lại. Với mối quan hệ tương hỗ nổi bật giữa văn hóa và thiên nhiên, Đà Lạt là một trong số ít thành phố ở Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành đô thị di sản. Và không nên vì bất cứ lý do nào làm nó mất đi cơ hội đó.
Lệ Quyên (thực hiện)
https://nguoidothi.net.vn/xay-to-hop-khach-sano-doi-dinhtinh-truongla-cu-dam-truc-dien-vao-moi-truong-tu-nhien-32110.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét