Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2019

Trọng: Kiên định con đường CHXH nhưng phải 'sáng tạo'

Kiên định con đường CHXH thì cử "Phái đoàn lo Đại hội 13 sang học chính sách của Mỹ..." để làm gì. TS Thọ viết rất đúng: "Người dân không thể trông chờ các văn kiện này phản ánh tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của họ. Từng người Việt Nam phải tìm câu trả lời vì chính đảng CS còn không rõ họ đi tới đâu".
Đại hội 13: Kiên định con đường CHXH nhưng phải 'sáng tạo'
13 tháng 9 2019 - 
TS Phạm Quý Thọ từng viết trên trang Diễn đàn của BBC News Tiếng Việt gần đây về văn kiện của Đảng trước Đại hội 13: "Các chính sách 'dò đá qua sông' trong các văn kiện khiến cho ý nghĩa thực tế của chúng giảm đi đáng kể. Người dân không thể trông chờ các văn kiện này phản ánh tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của họ. Từng người Việt Nam phải tìm câu trả lời vì chính đảng CS còn không rõ họ đi tới đâu"Trước câu hỏi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không?" những người quan tâm đến tình hình chính trị đất nước đều có thể lựa chọn câu trả lời cho riêng mình."
Đảng Cộng sản Việt Nam chuẩn bị cho đại hội 13 dự kiến vào năm 2021. Chuẩn bị cho Đại hội 13, TBT Nguyễn Phú Trọng cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam cần kiên định mục tiêu lý tưởng nhưng phải 'hết sức sáng tạo'. Hiện ông Nguyễn Phú Trọng, người có bằng tiến sỹ ngành 'xây dựng Đảng', đang làm trưởng Tiểu ban soạn thảo Văn kiện cho Đại hội 13, dự kiến vào 2021. Trong các nước còn theo chủ nghĩa cộng sản, vai trò soạn văn kiện rất quan trọng và phát biểu của GS Trọng được các báo Việt Nam đăng tải rộng rãi.

Theo trang SGGP hôm 06/09/2019, TBT, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nói rằng đây là lúc cần nhìn lại "cả 30 năm Đổi Mới" và Cương lĩnh 2011.

Theo ông thì: "Cương lĩnh 2011 đã nêu tám mối quan hệ cơ bản."

"Đó là các mối quan hệ giữa kiên định mục tiêu và sáng tạo trong sách lược; vấn đề dân tộc và giai cấp; độc lập dân tộc và CNXH; kinh tế thị trường và định hướng XHCN; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, bảo đảm công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; mối quan hệ giữa quy mô và chất lượng phát triển; vấn đề lợi ích quốc gia và hội nhập quốc tế…"

Mở nhưng phải bám sát Cương lĩnh - GS Nguyễn Phú Trọng

Ông khen bộ máy do ông lãnh đạo đã "thành công là vì đã xử lý tốt các mối quan hệ, không cực đoan, không phiến diện…" và cho rằng:

"Kiên định mục tiêu lý tưởng có nguyên tắc, đồng thời phải hết sức sáng tạo, bám sát thực tiễn để đổi mới kịp thời."

Về mục tiêu phát triển đất nước, ông Trọng đề xuất tinh thần Mở.

"Mở nhưng phải bám sát Cương lĩnh", hàm ý không thể xa rời mục tiêu lý luận.

"Tập trung vào ba đột phá chiến lược: Hạ tầng cơ sở, hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, đồng thời tiếp tục nghiên cứu thêm."

Chủ nghĩa Marx-Lenin có lỗi thời?

Thể dục và ca múa dưới chân tượng Lenin ở Hà Nội

Một bài báo hồi tháng 7/2019 đăng trên trang của Bộ Nội vụ Việt Nam có đặt câu hỏi khá mạnh, 'Chủ nghĩa Marx-Lenin liệu đã lỗi thời?'.

Câu trả lời của bài là không, nhưng tác giả ký tên Phương Linh cũng thừa nhận:

"Với sự phát triển của thế giới hiện đại mà ngày nay chúng ta đang chứng kiến, có những điều hiện thực đã vượt qua một số giới hạn chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, đó cũng là điều phù hợp với lịch sử."

Ngoài ra, bài báo cũng nhắc lại Lenin để đề cao tinh thần thực dụng, lấy vốn tư bản nuôi CNXH.

"Các biện pháp xây dựng CNXH do Lenin đề ra, một mặt đã phát huy mạnh mẽ nguồn năng lực dồi dào của các thành phần kinh tế, những "sáng kiến vĩ đại" của quần chúng nhân dân; mặt khác, "dùng cả hai tay để lấy những cái tốt đẹp của nước ngoài" phục vụ cho công cuộc xây dựng CNXH."

Về nội bộ, bài báo cũng nhắc lại các khẩu hiệu lâu nay, lên án và đề cao cảnh giác trước "các thế lực thù địch" và kiên quyết chống lại mọi âm mưu "diễn biến hòa bình".

Cùng lúc, ngay từ Đại hội 12, Đảng CSVN gặp phải vấn đề là có những đảng viên của họ hết tin vào con đường XHCN.

Văn kiện của ĐH Đảng khi đó viết:

"Không ít cán bộ, đảng viên có những biểu hiện dao động, mất phương hướng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam."


Để chấn chỉnh vấn đề này, hiện nay, bản kiểm điểm của gần 5 triệu đảng viên CS ở Việt Nam vẫn có mục:

"Về tư tưởng chính trị: Trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng; chấp hành, tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…"

Cùng lúc, chính các lãnh đạo cao nhất của đảng này, gồm cả TBT Nguyễn Phú Trọng, đều còn đang phải tìm lối cho hệ thống theo mô hình mà Liên Xô và Đông Âu đã loại bỏ.

TS Phạm Quý Thọ, nhà nghiên cứu chính sách công từ Hà Nội từng viết trên trang Diễn đàn của BBC News Tiếng Việt gần đây về văn kiện của Đảng trước Đại hội 13:
"Các chính sách 'dò đá qua sông' trong các văn kiện khiến cho ý nghĩa thực tế của chúng giảm đi đáng kể. Người dân không thể trông chờ các văn kiện này phản ánh tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của họ.

"Trong Hội nghị TƯ 10 khoá 12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề: "Vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào? Đến năm 2045, nước ta sẽ như thế nào?..."

Ông Phạm Quý Thọ cho rằng từng người Việt Nam phải tìm câu trả lời vì chính đảng CS còn không rõ họ đi tới đâu:

"Trước câu hỏi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không?" những người quan tâm đến tình hình chính trị đất nước đều có thể lựa chọn câu trả lời cho riêng mình."

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49653046

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét