Thắp nhang 49 ngày Giáo sư Hoàng Tụy tại TP Hồ Chí Minh
Tương Lai - 2-9-2019 Lần lượt từng người thắp nén nhang trước ban thờ vừa mới lập tại căn hộ ấm cúng quen thuộc, nơi đây đã từng lập ban thờ Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để những người tiếp bước ông đến tưởng niệm nhân ngày sinh hoặc ngày Giỗ của người mà họ yêu thương và kính trọng. Cũng nơi đây đã lập ban thờ nhà thơ Việt Phương, một trong những trụ cột của IDS nhân tưởng niệm ngày mất để những bạn bè đến tưởng niệm một nhân cách trí thức, được xem như người có công lớn trong việc hình thành IDS. Tất cả những người có mặt dành một phút mặc niệm một người đã “kiêu hãnh sống” với một sự nghiệp hiếm có đã làm rạng rỡ giới trí thức Việt Nam chúng ta.
Thưa các anh chị
Chúng ta, những người hôm nay có mặt, đều ít nhiều đã đọc những bài viết của các nhà khoa học trong, ngoài nước trân trọng tôn vinh những đóng góp của GS Hoàng Tuỵ “cha đẻ” của Lý thuyết Tối ưu toàn cục (Global Optimization), trong đó có khái niệm quan trọng “Tuy’s Cut” (Lát cắt Tụy) mang tên ông, người đầu tiên nhận giải thưởng Constantin Caratheodory do Đại hội Quốc tế Tối ưu Toàn cục đề xướng cho những đóng góp tiên phong và nền tảng trong lĩnh vực này.
Cuốn sách toán tiếng Anh do Hoàng Tụy viết chung với Reiner Horst (CHLB Đức) Global Optimization-Deterministic Approches (Tối ưu toàn cục – tiếp cận tất định) dày 694 trang, được Nhà Xuất bản Springer – Verlag in lần đầu năm 1990, lần thứ hai năm 1993, lần thứ ba (có sửa chữa) năm 1996. GS.Hiroshi Konno, người Nhật Bản, nhận xét: Cuốn sách ấy “được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là cuốn Kinh Thánh của chuyên ngành tối ¬ưu toàn cục” và trên thực tế, nhiều người bắt đầu các công trình nghiên cứu nghiêm túc của mình về tối ưu toàn cục là nhờ “được cuốn sách mở đường ấy cổ vũ” (motivated by this path-breaking book).
Sẽ là thừa nếu nói lại đây những cống hiến khoa học tuyệt vời của nhà toán học Việt Nam kỳ diệu đó mà những người đủ thẩm quyền đã nói, dù chưa đủ. Ở đây chỉ xin gợi lại vài nét về Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (Institutes of Development Studies, viết tắt là IDS do GS Hoàng Tuỵ làm Chủ tịch.
Lúc bấy giờ, sau buổi tiếp giáo sư Lê Xuân Khoa từ Mỹ về với ý tưởng hình thành một “Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam thế kỷ XXI ” để một bộ phận giới trí thức Việt Kiều yêu nước ở Mỹ có dịp sát cánh cùng với giới trí thức cấp tiến trong nước vì sự nghiệp phát triển đất nước, ông Sáu Dân thấy cần có một Viện Nghiên cứu tư nhân để có được một không gian cởi mở, thuận tiện cho việc phối hợp nghiên cứu của trí thức trong và ngoài nước.
Dựa vào luật Khoa học và Công nghệ, sau 2 buổi làm việc tại nhà anh Việt Phương, IDS đăng ký thành lập ngày 29.7.2007 Nguyễn Quang A là Viện trưởng. Sau hai tuần kể từ hôm ấy, ông Sáu Dân trao đổi với anh Việt Phương, anh Quang A và một số anh chị em nên bầu giáo sư Hoàng Tuỵ làm Chủ tịch Viện IDS, Anh Quang A làm Viện trưởng điều hành, như vậy thì sẽ thuận cho việc tập họp những trí thức có uy tín trong và ngoài nước.Vì, theo Ông Sáu Dân “Ông Tuỵ là người mà ai cũng kính nể và ổng thì cũng chẳng sợ ai”!
Tầm nhìn của Võ Văn Kiệt và uy tín của Hoàng Tuỵ, cùng với Việt Phương, Phan Đình Diệu, Phan Huy Lê và một số người khác đã làm cho hoạt động của IDS được biết đến và lan toả rất nhanh. Thế nhưng, thể chế toàn trị làm sao chấp nhận được Hoàng Tuỵ, “người nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu. Không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính mình, hoặc trước xung đột với quyền lực, bất cứ quyền lực nào”.
Và việc “nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu” đấy chính là bản lĩnh của người trí thức, nhà khoa học Hoàng Tuỵ và một số những trí thức tiêu biểu khác mà ở đây xin chỉ nhắc đến hai cái tên hai nhà khoa học vận dụng tri thức toán học vào thực tiễn một cách nhuần nhuyễn, hình thành một phương pháp luận cho việc xây dựng chiến lược xã hội và kinh tế là Hoàng Tuỵ và Phan Đình Diệu. Cả hai nhà toán học ấy đều có mặt trong IDS.
Giáo sư Hoàng Tuỵ đã có mấy lần nhắc lại những ngày trao đổi thẳng thắn với Tổng Bí thư Lê Duẩn, tiếp đó với Thủ tướng Phạm văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp về những vấn đề xã hội và kinh tế đang gây ách tắc trong hoạt động và quản lý về kinh tế xã hội. Gs nói: Điều bất ngờ với chúng tôi là trước những ý kiến gai góc mà trước đó lãnh đạo chưa từng nghe bao giờ, Tổng Bí thư dù rất buồn vẫn không tỏ ý bực dọc mà vẫn bình tĩnh, đĩnh đạc cùng chúng tôi trao đổi, thảo luận trong không khí cởi mở, thân thiện.
Hoàng Tuỵ nói lại cuộc điện đàm thú vị với Võ Nguyên Giáp để “… thúc giục tôi đứng ra tập hợp nhân sĩ trí thức để cùng đưa ra những kiến nghị về giáo dục, về vận hành guồng máy quản lý kinh tế, xã hội. Tôi hiểu ý của anh Văn là nên có một “phương án tác chiến đồng đội”, “Tôi sẵn sàng tham gia nhóm với tư cách một thành viên…”. Chính từ những buổi trao đổi đó mà hình thành những kiến nghị, trong đó có bản Kiến nghị về “Phương pháp luận xây dựng chiến lược Kinh tế Xã hội”.
Khi biết tôi được triệu tập vào Tiểu ban Soạn thảo Chiến lược Kinh tế xã hội chuẩn cho Đại hội 7, gs Hoàng Tuỵ đã trao cho tôi Bản Kiến Nghị đó mà hiện nay tôi vẫn lưu giữ như một báu vật. Trong đó, ông đã viết, “lâu nay ta quen nhìn thế giới qua lăng kính, sắp xếp sự vật theo những sơ đồ có sẵn và tin rằng đó là những chân lý bất di bất dịch. Chính đó là nguyên nhân gây nên nhiều sai lầm và thất bại trong sự nghiệp của chúng ta. Vì vậy cứ tiếp tục suy nghĩ theo những sơ đồ ấy sẽ không thấy lối ra”.
Từ cách nhìn ấy, sau khi phân tích cặn kẽ những sai lầm gây ách tắc trong sản xuất và đời sống, trong cơ cấu kinh tế và quản lý xã hội, với một tư duy toán học tường minh, ông nói rõ: “Xã hội gồm hàng triệu con người hoạt động trong hàng vạn đơn vị trên hàng ngàn địa bàn. Nếu trách nhiệm và sáng kiến được trả về cho từng cá nhân, đơn vị để phát huy hết tiềm năng của họ, thì cộng năng và sức trồi tạo ra sẽ không lường. Đó chính là chìa khoá đi lên thịnh vượng bằng cách “tích phân” những bước tiến “vi phân”.
Từ nhận thức đó, Hoàng Tuỵ viết: “Quan niệm trên dẫn đến lấy chiến lược con người làm then chốt… Nhưng con người chỉ phát huy được tác dụng trong một khung cảnh xã hội và một hệ thống quản lý thích hợp. Nói khác đi, con người – khung cảnh xã hội – hệ thống quản lý là một chỉnh thể. Trong hai cuộc kháng chiến trước đây, ta đã thực hiện xuất sắc chiến lược con người vì đã xây dựng được cái chỉnh thể trên phù hợp với yêu cầu đánh thắng ngoại xâm. Ngày nay, để xây dựng đất nước, phải có can đảm cải tạo cái chỉnh thể ấy theo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội ở thời đại mới, nếu không thì chiến lược con người sẽ chỉ là một khẩu hiệu suông!”.
Tôi nhớ lại giáo sư Phan Đình Diệu cũng đã từng đưa ra những ý tưởng này mà tôi đã dẫn ra trong “Tiểu luận” viết năm 2005 nhằm kiến nghị với Ban soạn thảo Văn kiện Đại hội VII: “Trật tự mới, tổ chức mới là do các thành phần liên kết, tương tác với nhau mà cùng tạo thành, chứ không phải được lập nên do một mệnh lệnh nào từ bên ngoài, từ bên trên quyết định…” từ lập luận đó nhà toán học uyên bác ấy đã phân tích cặn kẽ: “các trật tự do hợp trội mà thành, các thuộc tính do hợp trội mà có, trước hết là sản phẩm của bottom-up, từ dưới lên, chứ không phải là do top- down, từ trên xuống. Bottom-up là thực chất của dân chủ, là việc tôn trọng quyền của bên dưới, của các thành viên, được tự do suy nghĩ và hành động, tự do lựa chọn tương lai riêng cho mình, và tự do lựa chọn cả những giải pháp liên kết, cạnh tranh và hiệp tác, tự do sáng tạo và thích nghi… và trật tự tạo thành sẽ là kết quả hợp trội của tổng thể các ý chí và hành động của tất cả các thành viên của hệ thống”.
Quý giá biết bao khi những trí tuệ siêu việt ấy đã nung nấu khát vọng được đem những hiểu biết của mình vận dụng vào thực tiễn đất nước với những người dân lam lũ và can trường bươn chải trong cuộc sống mà vẫn chưa thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu. Hoàng Tuỵ trăn trở tìm kiếm một hướng nghiên cứu để thiết thực góp phần tháo gỡ những ách tắc bằng cách vận dụng toán học vào trong phương pháp tiến hành công việc sao cho có quả nhất, tiết kiệm được thời gian, chi phí, đường vận chuyển nhiều nhất… Đó là “vận trù học”. Thuật ngữ này chưa có trong tiếng Việt và Hoàng Tuỵ là người đưa thuật ngữ này vào ngôn ngữ Việt Nam. Các khái niệm vận trù, tối ưu, hệ thống, hiệu quả, được phổ biến rộng rãi đã góp phần không nhỏ làm thay đổi tư duy quản lý của cán bộ lãnh đạo và qua đó gián tiếp tác động đến hiệu quả quản lý kinh tế thời đó.
Cho dù vậy, thật đáng buồn là sau những nhà lãnh đạo đáng kính đã trân trọng lắng nghe những tiếng nói trí tuệ của những nhà khoa học tâm huyết ấy, thì gần đây những người kế vị họ, như lời Phạm Văn Đồng mà Hoàng Tuỵ đã nhắc lại trong một bài viết: “căn nhà của chúng ta quá nhiều rác rưởi dơ bẩn, phải quét sạch đi thì sự nghiệp cách mạng mới có thể thành công. Từ đó đến nay, rác rưởi chỉ tăng lên, ngập dần cả những tầng cao. Thật chua xót. Đã qua hơn một phần ba thế kỷ từ ngày thống nhất đất nước mà trước mắt vẫn còn đó các vấn đề hệ trọng sống còn, với những khó khăn, thách thức có phần, có mặt phức tạp gay gắt hơn”.
Trong lần cuối cùng gặp mấy người bạn trong IDS, giáo sư Hoàng Tuỵ đã tâm sự: “Người ta nói cuộc đời… cuộc đời là phù vân, không phải đâu… Lỡ biết bao nhiêu việc muốn làm mà không làm được, cho nên rời khỏi cuộc đời này là một nỗi tiếc… cho nên tất nhiên là cũng mong tất cả các bạn tiếp tục con đường…Dù sao tôi cũng cố gắng sống một cuộc đời trung thực, không bao giờ nói trái lòng mình, dù cho lời nói làm bất bình bất cứ ai”.
Hôm nay đúng 49 ngày mất của nhà khoa học lớn ấy, vị Chủ tịch IDS kính mến, là học trò của người, tôi lập ban thờ để trước anh linh Gs. Hoàng Tuỵ, chúng ta cùng thắp nén nhang tưởng niệm một nhân cách cao quý, một bản lĩnh can trường, một sự nghiệp khoa học lẫy lừng xứng đáng là niềm kiêu hãnh và tự hào của chúng ta.
Thật có ý nghĩa khi trong căn phòng nhỏ hẹp này lại có những gương mặt quen thuộc đến từ Bắc, Trung, Nam, ngoài hai thành viên của IDS là Vũ Kim Hạnh và Tương Lai là những Huỳnh Tấn mẫm, Lê Công Giàu, các giáo sư Hoàng Dũng, Hà Thúc Huy, luật sư Trần Quốc Thuận, tiến sĩ Lê Văn Tâm nguyên là Chủ tịch Hội Người Việt Nam ở Nhật vừa từ Tokyo bay về, là các chiến sĩ lão thành từng là tù chính trị Côn Đảo như Võ Văn Thôn, nguyên Giám Đốc Sở Tư Pháp tp HCM, Nguyễn Văn Kết , nguyên là Thư ký của Bí thư Thành uỷ Mai Chí Thọ, là nhà báo An Bình Minh, là nhà giáo Nguyễn Thanh Văn,…
Lần lượt từng người thắp nén nhang trước ban thờ vừa mới lập tại căn hộ ấm cúng quen thuộc, nơi đây đã từng lập ban thờ Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để những người tiếp bước ông đến tưởng niệm nhân ngày sinh hoặc ngày Giỗ của người mà họ yêu thương và kính trọng. Cũng nơi đây đã lập ban thờ nhà thơ Việt Phương, một trong những trụ cột của IDS nhân tưởng niệm ngày mất để những bạn bè đến tưởng niệm một nhân cách trí thức, được xem như người có công lớn trong việc hình thành IDS.
Tất cả những người có mặt dành một phút mặc niệm một người đã “kiêu hãnh sống” với một sự nghiệp hiếm có đã làm rạng rỡ giới trí thức Việt Nam chúng ta.
Ngày 31.8.2019
_____
Chú thích ảnh từ trên xuống:
- Ban thờ GS Hoàng Tuỵ
- Mọi người đứng trước ban thờ nghe Tương Lai đọc Lời Tưởng niệm
- Vũ Kim Hạnh, thành viên IDS thắp nhang
- Huỳnh Tấn Mẫm thắp nhang
- Lê Công Giàu thắp nhang
- Luật sư Trần Quốc Thuận thắp nhang
- Võ Văn Thôn thắp nhang
- Nguyễn Văn Kết thắp nhang
- PGs Hoàng Dũng thắp nhang
- TS Lê Văn Tâm thắp nhang
- Nhà báo An Bình Minh thắp nhang
- PGs Hà Thúc Huy thắp nhang
- Nhà giáo Nguyễn Thanh Văn thắp nhang
- Ngồi trao đổi trước khi thắp nhang, mặc niệm 49 ngày GS Hoàng Tuỵ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét