Thứ Hai, 4 tháng 3, 2019

8/3: đừng trói nhau bằng tư duy những ngày đã cũ

Hoa hồng cho 8/3 - đừng mãi trói nhau bằng tư duy những ngày đã cũ 
Vũ Tiến Hồng - “Đàn ông phải thế này”, “phụ nữ phải thế kia”, “con gái mà thế à”, “con trai thì không được khóc” … Tại sao chúng ta cứ phải “trói” nhau bằng những tư duy đầy định kiến giới? Khi tin tức về vụ ly hôn nghìn tỷ của ông bà chủ Trung Nguyên tràn ngập mặt báo, những chi tiết mới về cuộc sống cá nhân của gia đình họ dần hé lộ và trở thành chủ đề bàn luận khắp nơi, từ những quán nước vỉa hè tới mạng xã hội. Thật thì tôi không mấy quan tâm đến những chi tiết ấy, bởi dù có vài trăm vài nghìn lần mô tả cũng khó có thể giãi bày hết những nội tình bên trong của câu chuyện giữa hai người. Nhưng với phần đa phụ nữ Việt, những lời chủ toạ phiên toà Nguyễn Văn Xuân khuyên bà Thảo - nên an phận, nên “rút về” vì đã được “sống như bà hoàng” - cũng rất quen, quen lắm.
Hoa hong cho 8/3 - dung mai troi nhau bang tu duy nhung ngay da cu hinh anh 2
HỌC CAO QUÁ “CHỈ TỔ CHỬI CHỒNG”
Phụ nữ Việt vẫn luôn sống trong những lời lẽ về vai phận của họ rằng họ phải “giữ chắc hậu phương”, “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, “đảm việc nhà”. Cả đời người, nhiều phụ nữ luôn được “dạy bảo” họ phải biết khuôn phép, an phận thủ thường, đừng có mạnh bạo quá, nên ổn định; học cao quá thì “chỉ tổ chửi chồng” hoặc “chẳng thằng nào dám lấy”; không nên chọn con đường nhiều chông gai thách thức hay giành lấy các cơ hội nếu có dù là vài phần trăm rủi ro. Những lời dạy bảo ấy ăn sâu trong tiềm thức, đặt ra những ranh giới cho họ, chia vai phận cho họ trong cuộc sống, phán xét và giữ chặt những cá tính, sự mạnh mẽ của họ trong những vai phận ấy.



Phụ nữ làm dù có là gì đi nữa, thường đánh đổi lại chỉ là những lời khen cho sự mờ nhạt như “truyền thống”, “tần tảo”, “đảm đang”, “chịu đựng”, “biết nhịn”, “có đức hy sinh”, hay hoa mỹ hơn thì là “nội tướng”, “đằng sau thành công của người đàn ông đều có bóng dáng của người phụ nữ”.

Thay vì khuyến khích, những lời khen như vậy đã và đang làm mòn đi những giấc mơ táo bạo, những dấn thân, những sáng tạo, cũng như những ham muốn đổi thay, cống hiến cho cuộc đời của phụ nữ. Để bước qua được những ranh giới ấy, phụ nữ sẽ phải đối mặt với trùng trùng những khó khăn, từ những đàm tiếu, chê cười, bóng gió nhỏ nhặt trong nhà, ngoài xóm ngõ, đến cơ quan, bè bạn cho tới cả khi đứng trước phiên tòa hay khi được đặt lên bàn cân nhắc chức vụ.

Phụ nữ làm dù có là gì đi nữa, thường đánh đổi lại chỉ là những lời khen cho sự mờ nhạt như “truyền thống,” “tần tảo,” “đảm đang” hay hoa mỹ hơn thì là “nội tướng”, “đằng sau thành công của người đàn ông đều có bóng dáng của người phụ nữ”.

Ngay kể cả khi đã bước qua những ranh giới đó trở thành những phụ nữ thành công trên thương trường hay chính trường khắc nghiệt, cuộc sống của họ vẫn bị những “vai phận” ấy chi phối. Cái báo chí và thiên hạ tò mò là ở nhà họ sẽ đối xử với chồng con thế nào, họ có “ra mệnh lệnh” với chồng con không, có “nữ tính” đủ không, có giữ được “truyền thống” không, ai nấu ăn, ai làm việc nhà, ai chăm sóc con, ai đi chợ, ai giặt giũ, ai rửa bát và cả tỷ thứ khác.

Trong nghiên cứu về cách báo chí đưa tin về lãnh đạo nữ, chúng tôi luôn thấy hình ảnh của những phụ nữ dù phải bôn ba trên thương trường hay chính trường vẫn luôn giữ tổ ấm bằng việc chăm sóc chồng con. Có những bà đại sứ luôn có cảm giác có lỗi khi công việc bận quá không đưa con đi học và lo cho con được như những phụ nữ khác.

Đã thành lệ trong phần lớn các gia đình, nếu một người chồng bận bịu, việc người vợ phải lo chu toàn gia đình là điều hiển nhiên. Người chồng luôn có quyền đòi hỏi thế. Và người vợ ấy vẫn là sướng, là nhàn. Nếu một người vợ bận bịu với việc công ty hay cơ quan, sẽ là may mắn khi người chồng biết thông cảm. Chồng làm việc nhà nào đó là “giúp vợ”. Và điều phổ biến đến mức ai cũng vẫn chấp nhận là “vợ vẫn phải ra vợ”.

Ngay kể cả khi đã bước qua những ranh giới đó trở thành những phụ nữ thành công trên thương trường hay chính trường khắc nghiệt, cuộc sống của họ vẫn bị những “vai phận” ấy chi phối.

Những định kiến ấy không chỉ có hại với những người phụ nữ có khả năng vươn ra khỏi vai trò an phận trong gia đình. Đi kèm với nó là những tác hại với cả vai trò giới của đàn ông (toxic masculinity). Đàn ông phải là trụ cột trong gia đình, là phải kiếm tiền giỏi, là phải gánh vác những chuyện to lớn, nặng nhọc. Nếu không làm được thì chỉ đáng “vứt đi”. Nếu đàn ông muốn làm việc nhà như rửa bát hay giặt giũ mà thấy bạn đến chơi cũng phải ngại ngùng phân trần hoặc giấu giếm.

Trên thực tế, những ước tính từ khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2016 đã cho thấy ở độ tuổi thanh niên (20-29), số lượng phụ nữ tốt nghiệp cao đẳng và đại học đã vượt xa nam giới, thể hiện mức độ thay đổi về giới trong cấu trúc dân số về trình độ giáo dục.

Cũng theo một báo cáo gần đây của Tập đoàn tài chính quốc tế (IFC), 21% số doanh nghiệp ở Việt Nam là do phụ nữ làm chủ. Con số này đủ để thấy phụ nữ có khả năng làm những điều vượt lên trong một môi trường đầy rẫy những dò xét định kiến chống lại họ.

Nhìn con số đó tôi cũng đặt câu hỏi: Không biết trong 79% còn lại, có bao nhiêu chỉ có danh nghĩa là người chồng sở hữu, nhưng những chèo lái, tính toán chiến lược phía sau vẫn là những phụ nữ muốn cho thiên hạ thấy mình vẫn làm tròn vai phận “truyền thống”? Nó cũng khiến cho những người đàn ông dù biết mình không yêu thích, không có khả năng thương trường như vợ, vẫn phải mang gánh nặng “chứng tỏ mình” đứng mũi chịu sào.

LÀM ĐÀN ÔNG LẪN PHỤ NỮ ĐỀU KHÔNG DỄ

Những con số đó, dù nói gì, cũng vẫn khô khan, khó hình dung. Câu chuyện bình đẳng giới nghe thì chỉ như “chuyện ngoài xã hội”, chuyện của những “chính sách” to lớn, hay thậm chí nếu tiêu cực, là chuyện của sự trỗi dậy “nổi loạn” của những người phụ nữ ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây, là vượt ra ngoài khuôn phép truyền thống.

Với tôi, câu chuyện bình đẳng giới, có gương mặt của mẹ tôi, của những người chị gái hàng ngày vẫn cố gắng vượt qua vai phận của mình, chỉ đơn giản để có một cuộc sống hạnh phúc cho gia đình bản thân.

Mẹ tôi, nay đã suýt soát 90, là một người phụ nữ hoàn toàn không biết đọc, biết viết. Việc phải nuôi 6 đứa con với mức lương còm của bố tôi, một công chức nhỏ lại không giỏi xoay xở, ở một vùng đất mới “khai hoang” trên miền núi Lai Châu, đã khiến người phụ nữ như mẹ tôi phải tiến lên đứng mũi chịu sào.

Tổ chức con cái làm bún, phở, miến dong rồi một tháng thì cả ba mươi ngày mẹ đi chợ từ sáng sớm. Chiều về lại hô hào sản xuất bún, phở đến đêm để sáng sớm hôm sau tiếp tục gánh mang ra chợ. Và cũng bởi suốt ngày ngoài chợ, mẹ tôi chả mấy khi nấu ăn hay may vá bao giờ. Nhưng nhờ gánh bún ấy, cả 6 anh em tôi không ai phải bỏ học. Tiền nong chi tiêu, một tay mẹ tôi lo.

Chúng tôi thường đùa mẹ là người may mắn, vì bố nấu ăn giỏi và hầu như chịu trách nhiệm bếp núc cho hai người khi chúng tôi đã rời xa bố mẹ. Sau này khi hiểu nhiều hơn tôi thấy ẩn chứa trong cả những câu đùa ấy, là sự bất công với mẹ. Bởi đương nhiên nếu mẹ đã đi chợ cả 30 ngày một tháng, thì sao giỏi nấu ăn, may vá được. Nhưng cũng bất công cả cho bố, vì dù thích vào bếp nấu món này món kia cũng vẫn thấy ngượng ngùng mỗi lần phải trả lời cho câu hỏi: “Ông cũng nấu ăn ạ?”.

Cũng không ít gia đình tan vỡ vì thực tế cuộc sống đòi hỏi họ phải đổi vai phận “truyền thống”, nhưng những phán xét từ gia đình, bạn bè, xã hội, làm rạn nứt mối quan hệ của họ.

Vậy tại sao chúng ta cứ phải “trói” nhau bằng những mặc định, bằng ngôn ngữ và tư duy đầy định kiến giới? “Đàn ông phải thế này”, “phụ nữ phải thế kia”, “con gái mà thế à”, “con trai thì phải mạnh mẽ lên, không được khóc”, “phái đẹp”, “phái mạnh” hay “phái yếu” ...

Lại một mùa 8/3 nữa. Người ta lại ào ào mua những bó hoa tươi để tặng cho phụ nữ. Các chị, các mẹ và tất cả phụ nữ xứng đáng được tôn vinh. Nhưng không phải chỉ có 8/3 hay 20/10. Yêu thương, trân trọng phụ nữ thì tốt, nhưng những ngày khác thì sao?

Những ngày này, hoa sẽ đắt hàng lắm. Hoa được chuẩn bị từ cả tuần trước để cho cánh đàn ông thể hiện sự “tâm lý” của họ trong một ngày. Nhưng ai cũng biết, hoa có đẹp đến mấy cũng chỉ được mấy ngày là héo rũ. Điều quan trọng nhất là sau đó, chúng ta đừng tiếp tục quay lại và cứ mãi trói nhau bằng tư duy của những ngày đã cũ.

Nhà báo Vũ Tiến Hồng hiện là giáo sư báo chí tại Đại học Kansas (Mỹ). Ông có bằng tiến sỹ tại Đại học Texas. Trước đó, ông từng làm việc cho hãng tin Associated Press (AP) tại Việt Nam và là đồng tác giả của nghiên cứu Báo chí và định kiến giới đối với lãnh đạo nữ xuất bản cuối năm 2016. 

https://news.zing.vn/hoa-hong-cho-83-dung-mai-troi-nhau-bang-tu-duy-nhung-ngay-da-cu-post921768.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét