Tôi là người Việt Nam, xin hỏi: Chính trị là gì? (Phần 2)
GS Lê Hữu Khóa, 19-3-2019, Tiếp theo phần 1
ĐỊNH ĐỀ: có độc đảng thì không có chính trị, có độc tài thì không có chính giới, có độc trị thì không có chính trường, có độc tôn thì không có chính kiến.
Uy lực chính trị: không nằm trong bạo quyền lãnh đạo, không ở trong tà quyền tham quan, trong ma quyền mafia đang thao túng quyền lực độc đảng như hiện nay, mà nó là uy lực tới từ tiềm lực của lãnh đạo chính trị văn-minh-vì-thông-minh, luôn biết củng cố sung lực tự trị của xã hội, để tạo ra sinh lực cho xã hội dân sự giúp chính quyền nhận ra điều hay lẽ phải, để tránh chuyện lầm đường lạc lối trong chính sách.
Uy lực chính trị của một chính quyền tạo ra hùng lực cho công bằng luôn có mặt, luôn được bảo vệ, ai cũng như ai, không có kỳ thị, không có phân biệt đối xử, để chính công bằng chế tác được tự do, nơi mà mọi công dân được quyền thành công như nhau trong xã hội, từ học đường tới nghề nghiệp, từ kinh tế tới văn hóa.
Nếu cái uy làm ra cái lực, vì cái uy tới từ cái thiện của công bằng, cái đúng của công lý, và cái uy chỉ tồn tại khi nó tạo được cái ơn qua hành động chính trị, khi mà kẻ mang ơn thấy mình được thăng hoa ngay trong nhân vị công dân của mình: thành công trong học đường, thành tài trong nghề nghiệp, thành đạt trong kinh tế, thành tựu trong xã hội. Điều này, hoàn toàn ngược lại với lối tuyên truyền vô minh (.....) đang bóc lột dân tộc tới tận xương tủy, với bao triệu dân đen, với bao triệu dân oan, nhưng cùng lúc lại tuyên truyền là “nhân dân phải mang ơn ......”.
Với cách giải thích bất chính trong ngây ngô tại sao dân tộc phải mang ơn một đảng độc tài nhưng bất tài, gây bao hậu quả từ tiêu xài đến cạn kiệt tài nguyên của đất nước, tới đưa ngoại xâm qua con đường công nghiệp gây ô nhiễm môi trường của đất nước, từ luyện thép kiểu Formosa tới các nhà máy than điện trên khắp các vùng miền, đang tạo ra các làng ung thư, song đôi cùng mưu đồ thâm hiểm qua đường thực phẩm bẩn độc của Tàu tặc.
Cái uy trong quyền lực chính trị tới từ cái thiện của công bằng, cái đúng của công lý, nó hoàn toàn trái ngược với cái bạo của quyền, cái tà của quan, nơi mà bạo quyền và tham quan dựa trên bạo lực để vơ vét qua cách hành xử (...) đối với dân tộc hiện nay. Ở đây không có một cái uy nào cả, mà chỉ là hành vi hiếp, giành, trấn, lột tạo tiền đề cho hành động trộm, cắp, cướp, giật, chính loại hành vi này, chính kiểu hành động đang nạo rỗng cái uy của bè đảng cầm quyền, nơi mà cái uy đang bị xiết cổ bởi cái gian và cái giật.
Công lý chính trị dựa trên công bằng, được lãnh đạo chính trị tôn trọng trong mọi hành động chính trị, và chính các lãnh đạo này phải luôn liêm chính trong nghiêm minh để nhận ra là công lý chính trị luôn song hành cùng công bằng xã hội. Tại đây, công lý là hệ mở nó chống bế môn tỏa cảng, nó chống ngăn sông cấm chợ, ranh giới giữa quốc nội và quốc ngoại không còn là rào cản, mà phải là một luồng thông lưu năng động.
Công lý chính trị dựa trên công bằng, được lãnh đạo chính trị tôn trọng trong mọi hành động chính trị, và chính các lãnh đạo này phải luôn liêm chính trong nghiêm minh để nhận ra là công lý chính trị luôn song hành cùng công bằng xã hội. Tại đây, công lý là hệ mở nó chống bế môn tỏa cảng, nó chống ngăn sông cấm chợ, ranh giới giữa quốc nội và quốc ngoại không còn là rào cản, mà phải là một luồng thông lưu năng động.
Khi láng giềng có công lý chính trị hay, đẹp, tốt, lành hơn ta thì ta phải học, phải theo để làm tốt hơn, để ứng dụng hiệu quả vào xã hội của ta; còn ngược lại, nếu chính quyền dùng luật để cấm, ngăn, chặn, phạt là bất minh. Thí dụ rõ nhất là truyền thông mạng xã hội chính là lõi của công lý truyền thông, và khi (...) ra luật an ninh mạng để răn, đe, doạ, nạt dân chúng thì đây là một hành động chính trị bất chính, vì nó không tôn trọng công lý trong thông tin và truyền thông.
Công bằng xã hội phải là nguyên tắc trung tâm cho mọi hành động vì công lý chính trị, cụ thể là không dùng quan niệm công bằng xã hội để tạo ra phân biệt đối xử, với lý do là vì muốn bảo vệ công bằng trong xã hội của mình, nên đặt các luật đẩy người ngoại quốc, di dân, nhập cư xuống thấp hơn dân mình, không được có các quyền lợi của dân bản xứ.
Chính sự phân biệt đối xử công dân hàng đầu-di dân hàng sau đang tạo ra bất bình đẳng xã hội mà hậu quả xấu sẽ tới qua xung đột xã hội. Đây chính là bi kịch hiện nay của các dân tộc ít người vùng sâu, vùng xa, vì không phải là dân tộc kinh nên phải nhận lãnh những bất công không sao lường hết, tạo nên nghèo nàn lạc hậu.
Và, bi kịch này sẽ là thảm kịch dẫn tới các xung đột giữa các dân tộc ít người và dân tộc Kinh, khi hệ thống bạo quyền trung ương qua các nhóm lợi ích đã thông đồng với các tà quyền tham quan địa phương, cùng tổ chức cho bọn ma quyền lâm tặc chặt cây, phá đồi để buôn gỗ, bán rừng, hủy môi trường, diệt môi sinh của các dân tộc anh em của các vùng xa, vùng sâu. Một chính quyền có nhận thức về công lý chính trị bằng hệ lương (lương thiện trong hành động vì có lương tâm trong lãnh đạo làm nên lương tri cho chính sách) thì không bao giờ hành xử như (...) hiện nay.
Công lợi chính trị là phạm trù của quyền lực chính trị quản lý công sản của quốc gia, tài sản của dân tộc, và luôn đặt công sản và tài sản này lên trên mọi tư lợi của giai cấp, nhất là giai cấp thống trị. Vì khi đặt quyền lợi của giai cấp thống trị lên trên quyền lợi của quốc gia và dân tộc thì sẽ trực tiếp tạo ra bất bình đẳng, tức khắc tạo ra bất công. Chính bất bình đẳng và bất công là gốc rễ cội nguồn của mọi xung đột xã hội, dẫn tới bạo động ngay trong xã hội. Đây lại là thảm họa (....) đang trấn, áp, đè, đặt lên vai, lên lưng, lên đầu (.....) khi độc đảng được độc quyền qua đặc lợi; khi độc tài dùng độc trị để có đặc ân, của một thiểu số bất chính dẫm lên mọi ý thức về công sản quốc gia.
Sự bất chính này sẽ nhân đôi khi bạo quyền lãnh đạo, tà quyền tham quan, ma quyền sân sau dùng hệ tham (tham quyền, tham ô, tham nhũng) để làm giàu, đã giàu rồi lại muốn giàu hơn, đã có nhiều rồi lại muốn có nhiều hơn. Và cuối cùng, khi đã có đặc quyền, đặc ân, đặc lợi thì sự bất chính sẽ tăng lên gấp ba, rồi gấp bội, vì tà quyền này sẽ bám cho bằng được qua hệ độc (độc đảng, độc tài, độc trị, độc tôn) để có độc quyền mà trục lợi cho tư lợi, chúng chặn các tiến bộ xã hội, chúng ngăn thăng tiến giáo dục, chúng nghiền cấp tiến kinh tế, để lấp công bằng, để vùi công lý.
Bi kịch của bọn bám quyền chỉ vì tư lợi ích kỷ mà không có một nhận thức nào về công sản chính trị chính là thảm kịch của Việt tộc hiện nay, với (......) lãnh đạo đã nạo bán tài nguyên đất nước để bỏ túi bằng con đường tham nhũng, rồi chuồn tẩu tiền của có được từ tham ô của chúng qua phương Tây. Chính tư lợi qua tham nhũng với não trạng ích kỷ vô luân, ẩn sâu trong lòng tham không đáy, nên chúng mới tổ chức các đường dây xuất khẩu lao động để đàn ông Việt làm lao nô, phụ nữ Việt làm tiện tỳ cho các quốc gia láng giềng. Sự bất chính này sẽ không có giới hạn khi tư lợi chỉ thấy độc lợi trong độc đạo của nó, và chúng sẵn sàng đi từ phản dân hại nước tới buôn dân bán nước cho Tàu tặc!
Đạo lý chính trị là hành trình của chính giới và chính khách dùng chính quyền để thực thi các chính sách, để đi tìm các điều hay, đẹp, tốt, lành cho quốc gia, cùng lúc bảo vệ văn hóa, bảo đảm văn minh, bảo tồn văn hiến cho dân tộc. Trên con đường đạo lý chính trị này, lịch sử chính trị thế giới vạch rõ cho ta một chân lý là chính quyền trong các thể chế độc tài qua độc đảng là chính quyền của giai cấp thống trị, nhưng thực chất là của các nhóm lợi ích chóp bu có tổ chức như những tập đoàn tội phạm kiểu mafia, tức là khi chúng không lấy, giành, đoạt, chiếm được thì chúng sẽ trộm, cắp, cướp, giật.
Loại chính quyền này hoàn toàn khác với chính quyền của đa số quần chúng qua đầu phiếu trong các cơ chế dân chủ, lấy cải tổ xã hội thay cách mạng sắc máu, lấy cải cách xã hội để xóa đói giảm nghèo, qua các chính sách lấy công bằng của công pháp để giới hạn bất bình đẳng trong xã hội; lấy công lý qua công luật để ngăn chặn bất công trong xã hội.
Nhân loại cũng đã đi và đã có kinh nghiệm qua các con đường từ tập thể hóa tới quốc hữu hóa các phương tiện sản suất để giới hạn, để ngăn chặn chuyện người bóc lột người, để ngăn bất bình đẳng, để chặn bất công. Nhưng con đường này có giới hạn của nó, mà hiện nay các quốc gia càng dân chủ, các dân tộc càng văn minh thì phải tìm thêm các con đường mới, nơi mà nhân vị được bảo đảm bởi nhân quyền trong công bằng và tự do, mà không quên bác ái.
Đạo lý chính trị còn phải đi xa hơn nữa trong vai trò trọng tài để cai quản và canh giữ chính quyền! Tại sao vậy? Vì từ triết học chính trị tới chính trị học, từ xã hội học chính trị tới nhân học chính trị, tất cả các chuyên ngành này đều công nhận một chân lý là khi một cá nhân, một tập thể, một đảng phái: có quyền rồi thì sẽ lạm quyền. Sự thật chính trị nắm quyền rồi lạm quyền, chân lý chính trị lạm quyền vì tham quyền tạo ra ung thư chính trị qua phương trình có quyền–lạm quyền-nắm quyền-tham quyền.
Loại hoạn bịnh chính trị này bất chấp lẽ phải của luân lý chính trị, bất kể đạo đức chính trị làm nên nhân đức của một chính thể, vì vậy nên đạo lý chính trị phải bảo đảm hằng ngày vai trò trọng tài để cai quản và canh giữ chính quyền. Vì mọi công dân liêm chính đều có quyền nghi ngờ và nghi ngại loại hoạn bịnh chính trị: có quyền–lạm quyền-nắm quyền-tham quyền này!
Rất nhiều lãnh đạo (......) hiện nay không biết những lời trăn trối trong hối lỗi của hai lãnh tụ cộng sản hàng đầu của họ, thứ nhất là Lênin trối trăn rằng: “khi lấy độc đảng để bảo vệ chuyên chính, thì bi kịch đã xẩy ra là chuyên chính đã sinh ra độc tài cá nhân!”. Và kẻ thứ hai là Mao Trạch Đông, trong những ngày cuối của cõi lâm chung, khi đàn em quây quần chung quanh hỏi lão ta: “Chúng ta đấu tranh chống tư sản trong xã hội, vậy chúng đang ở đâu?” Mao trả lời: “Chúng đang ở ngay trong đảng ta!”.
Kết luận: Tại sao khi tôi là công dân mà lại đặt câu hỏi này: chính trị là gì? Tôi đặt câu hỏi này nhưng chính tôi phải tự tìm câu trả lời: Tôi đặt câu hỏi này tại vì tôi không muốn bị lừa bởi chính trị!
___
Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.
https://baotiengdan.com/2019/03/20/toi-la-nguoi-viet-nam-xin-hoi-chinh-tri-la-gi-phan-2/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét