Thứ Hai, 11 tháng 3, 2019

(1) Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân: Một quá trình lâu dài và tốn kém [Kỳ 1]
04/03/2019 - Hiện tại, theo kiến nghị của tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương điều chỉnh chuyển đổi mặt bằng hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Vấn đề đặt ra là: Để xác định được 2 địa điểm này, chúng ta đã phải trải qua một quá trình lâu dài tìm kiếm, sàng lọc và đánh giá; thực hiện một khối lượng lớn công việc một cách khoa học, công phu và tốn kém… Vậy, có nên nóng vội chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng 2 địa điểm đã chọn nêu trên hay giữ lại cho chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam trong tương lai? 
Image result for nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam
Ảnh minh họa
Để có thêm thông tin cho quyết định cuối cùng, Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin trân trọng giới thiệu với độc giả loạt bài viết tóm tắt về quá trình tìm kiếm, lựa chọn và đánh giá địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam. Chuyên đề bao gồm 4 kỳ: [1] Tìm kiếm địa điểm tiềm năng, sàng lọc và xác định các địa điểm thí sinh; [2] So sánh, xếp thứ tự ưu tiên 3 địa điểm thí sinh có trọng số cao nhất; [3] Đánh giá 2 địa điểm đã lựa chọn; [4] Kết luận và kiến nghị.


Sáng ngày 25/11/2009, với 77,48% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và ban hành Nghị quyết số 41/2009/QH12 với nội dung cơ bản là Quyết định chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy có 2 tổ máy để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước và tỉnh Ninh Thuận; Địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (NT1) đặt tại xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận; Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (NT2) đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 41/2009/QH12, các cơ quan, tổ chức liên quan đã có nhiều cố gắng, nỗ lực và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, đến cuối 2016, do tỷ lệ nợ công lên cao và điều kiện kinh tế không thuận lợi, Quốc hội đã quyết định dừng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Cụ thể, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV ngày 22 tháng 11 năm 2016, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 31/2015/QH14 về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

KỲ 1: TÌM KIẾM ĐỊA ĐIỂM TIỀM NĂNG, SÀNG LỌC VÀ XÁC ĐỊNH CÁC ĐỊA ĐIỂM THÍ SINH

1. Quy trình tìm kiếm và lựa chọn địa điểm

Sự lựa chọn đúng đắn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân sẽ bảo đảm cho nhà máy vận hành an toàn, hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm an ninh cung cấp điện năng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Trong quá trình lựa chọn địa điểm, hàng loạt các vấn đề về kinh tế – kỹ thuật; kinh tế – xã hội – môi trường được đặt ra phải giải quyết.

Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải bảo đảm những đòi hỏi rất cao về mặt an toàn của nền móng công trình, an toàn với các hiện tượng tự nhiên cực đoan như: lốc xoáy, lũ lụt, động đất, sóng thần… Địa điểm không những phải bảo đảm an toàn cho nhà máy, mà còn phải đáp ứng được tính hợp lý về kinh tế xây dựng, giảm thiểu tác động tới môi trường và được công chúng địa phương chấp thuận.

Để hỗ trợ các nước thành viên trong công tác lựa chọn địa điểm, Cơ quan Năng lượng hạt nhân Quốc tế (IAEA) đã xây dựng và ban hành một Quy trình chặt chẽ về tìm kiếm, đánh giá và lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Quy trình này gồm nhiều công đoạn và mỗi công đoạn lại dựa trên những bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật với mức độ chi tiết tương ứng.

Theo IAEA, Quy trình lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân gồm 3 công đoạn sau:


Công đoạn 1: Thăm dò địa điểm.

Công đoạn 2: Đánh giá địa điểm.

Công đoạn 3: Nghiên cứu bổ sung trước và sau khi vận hành.

Trong công đoạn 1, quá trình tìm kiếm và thăm dò địa điểm lại được chia thành 3 pha:

Pha 1- Phân tích vùng và lựa chọn các địa điểm tiềm năng.

Pha 2 – Sàng lọc các địa điểm tiềm tàng và lựa chọn các địa điểm thí sinh.

Pha 3 – So sánh, xếp thứ tự ưu tiên các địa điểm thí sinh.

Trong giai đoạn 1996-2000, pha 1 và pha 2 của công đoạn 1 đã được triển khai thực hiện trong dự án “Nghiên cứu Tổng quan phát triển nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam”.

Trong giai đoạn 2001-2007, pha 3 của công đoạn 1 được thực hiện trong dự án “Nghiên cứu tiền khả thi xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam”.

Trong giai đoạn 2011-2015, công đoạn 2 “Đánh giá địa điểm” đã được các đối tác là ROSATOM (Liên bang Nga) và Jined (Nhật Bản) triển khai thực hiện trong dự án “Nghiên cứu khả thi xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam”.

2. Pha 1 – Phân tích vùng và lựa chọn các địa điểm tiềm năng

Để tiện sử dụng những thông tin, số liệu thống kê có sẵn về hành chính, địa lý, dân số, địa chính, phát triển kinh yế – xã hội… toàn bộ lãnh thổ Việt Nam được chia thành 7 vùng có những vị trí tiềm năng như sau:

1/ Vùng đồng bằng sông Hồng.

2/ Vùng núi và trung du Bắc bộ.

3/ Vùng Bắc Trung bộ.

4/ Vùng duyên hải Nam Trung bộ.

5/ Vùng Tây Nguyên.

6/ Vùng Đông Nam bộ.

7/ Vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trên cơ sở các tài liệu điều tra có sẵn về địa hình, địa chất, khí tượng, thủy văn, nguồn nước làm mát, liên kết hệ thống điện, giao thông vận tải, mật độ dân cư… đã nghiên cứu, phân tích, đánh giá sơ bộ và nhận diện ra các địa điểm tiềm năng có khả năng xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Để giảm bớt khối lượng công việc, các địa điểm có đặc tính sau đây sẽ bị loại trừ ngay:

1/ Nằm trên đứt gãy hoạt động.

2/ Gần núi lửa.

3/ Gần các thành phố, thị trấn đông dân cư.

4/ Không có đủ nước làm mát.

5/ Khu vực đất yếu, thường xảy ra lũ lụt…

Qua các số liệu, thông tin thu thập và phân tích vùng, với ưu tiên xem xét những tiêu chí như có đủ nước làm mát, mật độ dân cư thấp, gần phụ tải, không nằm gần khu vực có khả năng động đất cao… sơ bộ đã nhận diện ra được 20 địa điểm tiềm năng nằm trong các tỉnh như sau:
Địa điểm 1: xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh.

Địa điểm 2: xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Địa điểm 3: xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Địa điểm 4: xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Địa điểm 5: xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Địa điểm 6: xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Địa điểm 7: xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Địa điểm 8: xã Đức Chính, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Địa điểm 9: xã Hoài Nhơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Địa điểm 10: xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Địa điểm 11: xã Xuân Thịnh, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

Địa điểm 12: xã Xuân Phương, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

Địa điểm 13: xã Hòa Tâm, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Địa điểm 14: xã Cam Lập, huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Địa điểm 15: xã Bình Tiên, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Địa điểm 16: xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Địa điểm 17: xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Địa điểm 18: xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

Địa điểm 19: phường Mũi Né, thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Địa điểm 20: xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

Trên cơ sở 20 địa điểm tiềm năng này, trong pha tiếp theo sẽ tiến hành sàng lọc và lựa chọn ra các địa điểm thí sinh.

3. Pha 2 – Sàng lọc các địa điểm tiềm năng và lựa chọn các địa điểm thí sinh

Để tiến hành pha này, cần phải tổ chức đi thực địa các địa điểm tiềm năng nhằm nghiên cứu, thu thập bổ sung các số liệu về địa điểm, xác định độ chính xác các kết quả nghiên cứu lý thuyết trên cơ sở dữ liệu thu thập được (gọi là nghiên cứu văn phòng) ở pha 1. Đồng thời, cần xây dựng phương pháp sàng lọc, so sánh, xếp hạng để lụa chọn ra các địa điểm có ưu thế hơn và đưa vào danh sách các địa điểm thí sinh để nghiên cứu tiếp.

Phương pháp sàng lọc, so sánh và xếp hạng ở đây được thực hiện dựa trên cơ sở bộ tiêu chí gồm 19 tiêu chí liên quan trực tiếp tới yêu cầu đối với địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân như: phạm vi cung cấp điện; hệ thống điện phục vụ thi công; nguồn nước làm mát; nguồn nước ngọt bổ sung; mặt bằng xây dựng; đứt gãy; động đất; núi lửa; bão lốc; vòi rồng; sóng thần; lũ lụt; hướng gió chủ đạo; hệ thống giao thông; khoảng cách tới sân bay; khoảng cách tới khu quân sự, kho tàng hóa chất; di dân đền bù; loại đất xây dựng và sự ủng hộ của địa phương.

Từng tiêu chí được gán cho một giá trị trọng số. Trọng số của từng tiêu chí được tính toán dựa trên mức độ quan trọng của nó so với các tiêu chí còn lại. Mức độ quan trọng của từng tiêu chí do các chuyên gia xác định.

Với bộ tiêu chí gồm 19 tiêu chí có các trọng số khác nhau cho từng địa điểm tiềm năng, phần mềm Expert Choice (AHP) đã được sử dụng để tính toán, đánh giá và xếp hạng cho 20 địa điểm tiềm năng nêu trên. Kết quả so sánh, đánh giá và xếp hạng đã lựa chọn ra được 10 địa điểm thí sinh có trọng số lớn hơn xếp theo thứ tự từ cao đến thấp, đó là:

1/ Xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

2/ Xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.


3/ Xã Hòa Tâm, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

4/ Xã Hoài Nhơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

5/ Xã Xuân Thịnh, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

6/ Xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

7/ Xã Cống Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.

8/ Xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

9/ Xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

10/ Xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Mười địa điểm thí sinh tiềm năng này đã được đưa vào “Báo cáo quy hoạch địa điểm xây dựng các dự án nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam” và trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Tại Quyết định số 906/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chinh phủ về quy hoạch định hướng phát triển điện hạt nhân, sau khi xem xét và đánh giá, chỉ có 8 địa điểm được đưa vào quy hoạch để xây dựng nhà máy điện hạt nhân như sau:

1/ Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

2/ Thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

3/ Thôn Lộ Liêu, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

4/ Vũng La, thôn Phú Hải, xã Xuân Phương, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

5/ Thôn Sơn Tịnh, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

6/ Bãi Chà Là, thôn Bình Tiên, xã Cống Hải, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận.

7/ Thôn Gia Hòa, xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

8/ Thôn Văn Bân, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Như vậy, quá trình tìm kiếm địa điểm để xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam đã được triển khai từ hơn 20 năm trước, khi chúng ta chính thức bắt đầu có những nghiên cứu về việc đưa điện hạt nhân vào Việt Nam. Quá trình nghiên cứu tìm kiếm, phân loại và đánh giá địa điểm đã được triển khai công phu, bài bản, trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và xuyên suốt thời gian dài, và đã thực hiện theo đúng các quy định, hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và kinh nghiệm của các nước là đối tác của Việt Nam.

Trong kỳ tiếp theo chúng tôi sẽ giới thiệu các nội dung liên quan đến so sánh, đánh giá, xếp thứ tự các địa điểm có trọng số cao nhất.

TS. Lê Văn Hồng , TS. Trần Chí Thành
Kỳ tới: So sánh, xếp thứ tự ưu tiên 3 địa điểm thí sinh có trọng số cao nhất

https://vinatom.gov.vn/dia-diem-xay-dung-nha-may-dien-hat-nhan-mot-qua-trinh-lau-dai-va-ton-kem-ky-1/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét