Siết vay ODA có khiến bớt ‘ruồi’ chính quyền địa phương?
Quy định mới về “siết vay ODA” của chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc chắc chắn sẽ khiến nhiều “ruồi” chính quyền địa phương không còn quá vo ve quanh “hũ mật” ODA. Thời Thủ tướng Phúc có khác. Không còn xả láng tung hê vay mượn bạt tử như thời Thủ tướng Dũng. Một trong những nhiệm vụ lớn nhất của ông Phúc hiện thời là phải đi kiếm tiền để trả nợ cho đời ông Dũng.
Huỳnh Ngọc Sỹ (nguyên Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM)
- một "con ruồi" tiêu biểu trong phong trào "ăn" ODA.
Tháng 4/2017, Chính phủ của ông Phúc ban hành Nghị định 52/2017/NĐ-CP về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó quy định điều kiện Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh được vay lại từ nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi.Khác nhiều với các văn bản đời Nguyễn Tấn Dũng về cùng chủ đề trên, bản nghị định đời Nguyễn Xuân Phúc nêu ra những điều kiện khá ngặt nghèo đối với các chính quyền địa phương nếu muốn vay lại ODA: Dự án phải bố trí vốn đối ứng để thực hiện phù hợp với quy định hiện hành. Tổng mức dư nợ vay của ngân sách địa phương tại thời điểm thẩm định chủ trương đầu tư chương trình, dự án không vượt quá hạn mức dư nợ của ngân sách địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Không có nợ vay lại của Chính phủ quá hạn trên 180 ngày. Nghĩa vụ trả nợ hàng năm của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh đối với các khoản vay lại vốn ODA, vay ưu đãi không vượt quá 10% nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp tại thời điểm xem xét khoản vay lại.
Mới vào tháng 2/2017, Thủ tướng Phúc đã quyết định chỉ bảo lãnh vay vốn nước ngoài vỏn vẹn 1 tỷ USD cho các doanh nghiệp. Hạn mức bảo lãnh này là giảm mạnh so với những năm trước (năm 2015 là 2,5 tỉ USD và 2016 là 1,5 tỉ USD), và giảm rất mạnh so với mức 6,6 tỷ USD của năm 2014.
Chắc chắn quyết tâm hạn chế vay mượn ODA của Thủ tướng Phúc bắt nguồn từ sự kết thúc thời hoàng kim ODA, trong đó chính quyền trung ương và địa phương “chỉ nghĩ vay, không nghĩ trả”.
Những năm trước, hiện tượng nhiều tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương vay nợ tràn lan, đã cho thấy tâm lý vay là cực kỳ vô trách nhiệm. Và thậm chí một số doanh nghiệp còn có biểu hiện “xù nợ” khi làm ăn lỗ lã.
Có đến ít nhất 30% số tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước đã rơi vào vòng lỗ lã, và đối mặt với nguy cơ phá sản kể từ năm 2008, khi kinh tế Việt Nam bắt đầu rơi vào giai đoạn suy thoái. Con số mới nhất từ một nhà nghiên cứu độc lập là Tiến sĩ Vũ Quang Việt – cựu vụ trưởng vụ Thống kê Liên hiệp quốc – cho biết các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước đang gánh một khoản nợ công lên đến 231 tỷ USD – vượt hơn rất nhiều số “dự tính” khoảng 25 tỷ USD do một số cơ quan nghiên cứu của chính quyền Việt Nam đưa ra.
ODA lại là một trong những quốc nạn về tham nhũng. Tỉ lệ thất thoát bình quân tại nhiều dự án ODA được đồn đoán khoảng 20 – 25%. Nhưng đó chỉ là mức “hợp pháp.” Thậm chí tỉ lệ “lại quả” ODA còn vọt đến 40% – được một dự án xây dựng trường tiểu học ở Hà Tĩnh chứng thực, vào giai đoạn 2009 – 2010.
Các nước Tây Âu và Bắc Âu đã tài trợ cho chính phủ Việt Nam trong vài chục năm qua để “cải cách luật pháp” và “chống tham nhũng,” nhưng việc này dường như cũng không mang lại kết quả. ODA vẫn là miếng mồi béo bở nhất cho các giới chức tham nhũng ở Việt Nam.
Bở lẽ đó mà cho tới nay, nhiều quốc gia như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Úc… đã thẳng tay cắt giảm viện trợ ODA đối với Việt Nam.
Từ năm 2016 đã rộ lên thông tin nguồn vốn ODA cho Việt Nam cũng bị các tổ chức tài chính quốc tế siết lại.
Từ tháng Bảy năm 2017 trở đi, Việt Nam sẽ phải vay ODA với lãi suất không còn ưu đãi như vài chục năm trước, mà ngang giá với thị trường quốc tế, cùng thời gian vay không còn ân hạn như trước đây. Nguồn vốn ODA đã vay sẽ phải chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi, hoặc tăng lãi suất lên 2-3,5%/năm.
Khác hẳn vài năm trước, ngân sách trung ương đang cực kỳ khốn quẫn. Ngân sách này chỉ có thể lo việc chi trả lương và một ít đề mục về an sinh xã hội, còn đa phần “đầu tư phát triển” phải tiết chế đến mức tối thiểu. Sau trào lưu xây trụ sở và tượng đài từ ngàn tỷ đến chục ngàn tỷ vô tội vạ và vô liêm sỉ trong những năm trước, đến giờ ngân sách tìm ra một ngàn tỷ đồng để chi đã là khó khăn.
Quy định mới về “siết vay ODA” của chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc chắc chắn sẽ khiến nhiều “ruồi” chính quyền địa phương không còn quá vo ve quanh “hũ mật” ODA.
Thiền Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét