Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

'Việt Nam luân chuyển cán bộ rất khác thường’

'VN luân chuyển cán bộ rất khác thường’
Một nhà quan sát kinh tế - chính trị tại Việt Nam, kinh tế gia Lê Đăng Doanh, nói cần có cơ quan “kiểm soát quyền lực” và cần rà soát thực trạng “luân chuyển cán bộ”. Trả lời phỏng vấn với BBC hôm 5/10, ông cũng nói cách chống tham nhũng như hiện nay có hiệu quả thấp và chưa đáp ứng được mong đợi của người dân.

chính trị tại Việt Nam, kinh tế gia Lê Đăng Doanh
  • BBC:Từ các diễn biến liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh, ông đánh giá gì về cách bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ tại Việt Nam?
Gần đây việc luân chuyển cán bộ tại Việt Nam có những diễn biến rất khác thường. Không ít cán bộ ở các tổng công ty, những người làm giám đốc của các công ty nhà nước được chuyển về làm công tác chính trị một cách rất là đột ngột và rất là khác thường so với trước đây.


So với trước đây là rất mới và thực trạng này dấy lên các câu hỏi cũng như là nhu cầu đánh giá và rút kinh nghiệm. Cần đánh giá và nghiên cứu một cách rất nghiêm túc vì có thể dẫn tới những các diễn biến có thể xem là con đường tiến thân chẳng hạn và sẽ không ít người sẽ chọn con đường này và họ nghĩ rằng đó là con đường dễ dàng. Do đó cần phải đánh giá xem xét xem phương pháp bổ nhiệm như vậy có đem lại kết quả hay không và kết quả đó là gì, tích cực, tiêu cực thế nào.

  • BBC:Nhưng việc luân chuyển cán bộ hoặc bổ nhiệm nhân sự mới luôn có tiếng nói của các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam?
Việc bổ nhiệm cán bộ chắc chắn phải có ý kiến của người đứng đầu cơ quan Đảng chịu trách nhiệm về vấn đề đó. Còn việc luân chuyển cán bộ cần phải đánh giá và xem xét mà cần phải được hoàn thiện như thế nào thì chúng ta thấy cho tới nay qui trình này có tính chất hình thức và dưới quyền quyết định của người đứng đầu của các cơ quan Đảng. Qui trình lấy ý kiến cho tới nay rõ ràng chưa phản ánh được các ý kiến độc lập.

  • BBC:Trường hợp của ông Đinh La Thăng cũng từ vai trò quản lý kinh tế chuyển về làm công tác chính trị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. 

Trường hợp của ông Đinh La Thăng là trường hợp khá là đặc biệt và ông cũng là một nhân vật rất đặc biệt bởi vì ông ấy cũng có một quá trình tiến lên rất nhanh.

Từ ngành dầu khí về Bộ Giao thông Vận tải và rồi được Đại hội Đảng 12 bầu vào Bộ Chính trị và bây giờ về làm bí thư thành ủy Tp HCM thì tất cả quá trình này cần phải được đánh giá và xem xét một cách khách quan. Có lẽ bây giờ còn quá sớm để đánh giá và kết luận gì về trường hợp đặc biệt này. Tôi nhìn thấy rằng đang có những diễn biến đang tiếp diễn cho nên tôi chưa có đánh giá cụ thể về trường hợp này như thế nào.

BBC:Mới đây ông Đinh La Thăng khi tiếp xúc cử tri có đề cập từ nay tới cuối năm sẽ đưa ra xét xử 6 vụ án lớn. Ông có đánh giá gì về động thái này?

Đấy là quyết định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Đinh La Thăng chỉ nhắc lại lời ông Trọng khi ông họp tại Ủy ban Chỉ đạo Chống Tham nhũng thôi chứ đó không phải là quyết định của ông Đinh La Thăng. Rõ ràng đây là nỗ lực rất nghiêm túc được ông Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo đối với các vụ án trọng điểm trong nỗ lực chống tham nhũng.

Điều này đáp ứng nhu cầu các cử tri đã chất vấn trực tiếp và phản ánh qua công luận nhiều lần rồi. Thế còn việc chống tham nhũng có dẫn đến kết quả như mong đợi hay không thì rõ ràng là với cách làm như thế này thì chưa đáp ứng được mong đợi của người dân và hiệu quả thấp. Các đánh giá của quốc tế và thăm do dư luận độc lập thì người dân vẫn còn rất bức xúc đối với tham nhũng. Đặc biệt là giới doanh nghiệp phản ánh rằng phải có các chi phí ngoài pháp luật để có thể kinh doanh được.

  • BBC:Gần đây có ‎kiến về việc họ gọi là “nhất thể hóa” quản lý nhà nước với Đảng, ông đánh giá thế nào?

Việc nhất thể hóa thì Trung Quốc và Lào cũng đã có làm. Còn Việt Nam có làm hay không thì cho tới nay chưa có quyết định cuối cùng.

Tôi chỉ thấy rằng điều quan trọng là trong công tác kiểm soát tham nhũng và quyền lực thì phải cần có cơ quan kiểm soát quyền lực có hiệu quả. Nếu quyền lực không được kiểm soát thì sẽ dẫn đến lạm dụng quyền lực và tham nhũng. Do đó tôi nghĩ việc nhất thể hóa hay không nhất thể hóa là một vấn đề cần cân nhắc. Tuy vậy việc quan trọng hơn rất nhiều là việc phải tổ chức giám sát quyền lực một cách có hiệu quả.

BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét