Nước ta có mấy ngàn năm văn hiến?
Hỏi: Thường nghe nói Việt Nam có 4.000 năm lịch sử/văn hiến. Xin hỏi có đúng là 4.000 năm hay không? ÚT NÂU (Cao Lãnh, Đồng Tháp)
Hình minh họa
NGHÊ DŨ LAN: Vào thế kỷ 15, khi viết Bình Ngô đại cáo Nguyễn Trãi (1380–1442) chỉ nói: “Duy, ngã Đại Việt chi quốc, thật vi văn hiến chi bang”. (Ngô Tất Tố dịch: Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu). Rõ ràng Nguyễn Trãi không xác định nước Nam có mấy ngàn năm văn hiến.Cũng thế kỷ 15, trong Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ, (ĐVSK/NK) quyển III, sử gia Ngô Sĩ Liên (NSL) viết: “Nước ta thông thi thư, học lễ nhạc, làm một nước văn hiến, là bắt đầu từ Sĩ Vương”. Như thế NSL xác định VN có văn hiến kể từ thế kỷ 2 Công nguyên (CN), suy ra (theo NSL) tính đến thế kỷ 21 VN vẫn chưa tròn 2.000 năm văn hiến!
Vậy, từ đâu ra con số tròn trịa 4.000 năm?
Con số 4.000 dường như được nói tới khá phổ biến từ nửa đầu thế kỷ 20. Bấy giờ có người đã lấy khoảng 2.000 năm CN để cộng với khoảng 2.600 năm TCN (thuộc thời đại Hùng Vương) rồi “làm tròn” con số xuống còn chẵn… 4.000.
Con số 2.600 này ở đâu ra? Họ căn cứ theo cách tính của sử thần NSL đời Lê. Trong ĐVSK/NK, quyển I, NSL viết: “Trở lên là [kỷ] Hồng Bàng thị, từ Kinh Dương Vương được phong năm Nhâm Tuất, cùng thời với Đế Nghi, truyền đến cuối thời vua Hùng Vương, ngang với đời Noãn Vương nhà Chu năm thứ 57 [258 TCN] là năm Quý Mão thì hết, tất cả 2.622 năm [2879 - 258 TCN]”. Theo bản dịch của Viện KHXH VN (1985-1992), bản in NXB KHXH (Hà Nội 1993).
Có người “tỉ mỉ”, thử lấy 2.622 năm chia đều cho 18 đời Hùng Vương thì thấy mỗi đời trị vì tới 145 năm rưỡi. Con số ấy không có sức thuyết phục!
Bìa “Đại Việt sử ký toàn thư”.
Gần đây một số tác giả tỏ ra dè dặt hơn, thí dụ chỉ nói “VN, ngàn năm văn hiến” hay “Thăng Long, nghìn xưa văn hiến”. Ta hiểu ngầm là hàng ngàn năm, nhiều ngàn năm, chứ không khẳng định con số cụ thể.
(Sài Gòn giải phóng)
http://www.sggp.org.vn/nhipcaubandoc/2007/1/80789/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét