Tiệc mừng ly hôn ngày càng đắt khách
Sau khi giải quyết được vụ ly dị đầy đau khổ, Wendy Lewis quyết định chỉ có cách ăn mừng duy nhất là dùng súng máy bắn nát chiếc váy cưới. Để làm được điều này, cô gái Mỹ mới độc thân trở lại tụ họp các bạn gái – cùng với chiếc váy – bay tới Las Vegas, Nevada hưởng một cuối tuần dài.Khi tới Vegas, chuyến đi tới nơi tập bắn do một công ty nhỏ sắp xếp. Đây là công ty hàng đầu của một trong những ngành kinh doanh phát triển nhanh nhất của thành phố - tổ chức tiệc mừng ly hôn.
Người chuyên tổ chức tiệc ly hôn, Glynda Rhodes, 51 tuổi kể:
“Cô Lewis chưa bao giờ chạm tay vào súng, nhưng cô ấy mang theo cái váy cưới vào trường bắn và treo nó lên.
“Vẻ mặt cô ấy lúc bắn cái váy cưới thật không thể tả được. Có thể cảm thấy cô ấy đang trút ra hết giận dữ.”
Là nhà tổ chức sự kiện có thâm niên và có tiếng ở Vegas, bà Rhodes vẫn quen tổ chức tiệc độc thân trước khi cưới cho các thanh niên Mỹ tới thành phố này để ăn mừng lần cuối được độc thân.
Bà Rhodes cũng nằm trong hơn nửa số đám cưới ở Hoa Kỳ trở thành ly dị, bà bắt đầu nhận được yêu cầu – từ cả khách hàng nam và nữ - mong được mừng ngày kết thúc đời sống vợ chồng.
Thế nên năm 2012 bà lập công ty mới – Nhà tổ chức Tiệc Ly dị - và doanh nghiệp này phát triển rực rỡ kể từ đó. Các công ty tương tự ở Vegas hay trên khắp nước Mỹ cũng rất thành công.
Bên cạnh đi bắn súng, các dịch vụ khác là vào hộp đêm, đi nhà hàng, chơi golf... hay đi xem thoát y. Ngoài ra còn có nhảy dù gọi là “nhảy ngay vào đời độc thân”.
Những gói dịch vụ này có giá từ 1000 USD đến khoảng 4800 USD.
'Cuối cùng lại tự do'
Với những người muốn có bữa tiệc đơn giản hơn để đánh dấu sự kiện kết thúc đời vợ chồng này, thì có thể đặt “bánh ly dị”.
Tiệm bánh ở Florida, Elite Cake Creations ở Cooper City, gần Miami, có ba đến bốn đơn đặt hàng bánh ly dị mỗi tháng.
Chủ tiệm, cô Beatriz Otero nói một nam khách hàng yêu cầu làm chiếc bánh hình túi đựng đồ chơi golf và dòng chữ: “cuối cùng cũng tự do, đi chơi golf”.
Nhưng kiểu bánh đắt khách nhất là hình cô dâu lôi chân chú rể với dòng chữ “vứt vào thùng rác”.
Cũng có các kiểu bánh khác như chú rể bị cá sấu ăn tươi nuốt sống, hay tứ chi chặt rời trong bể sục Jacuzzi.
Cô Otero kể, “có một khách hàng do chính tôi làm bánh cưới và sau năm năm lại là tôi làm bánh ly dị cho cô ấy”.
Một chiếc bánh ly dị của Elite Cake Creations đủ cho 10 người ăn có giá khoảng 70 USD, khách hàng có thể chọn hơn 150 loại mùi vị và nhân bánh khác nhau.
'Nhận biết mất mát'
Vì sao hiện tượng này lại trở nên phổ biến đến vậy trong những năm gần đây? Liệu đó có phải là điều tốt?
Nhà tâm lý học Robin Deustch, giám đốc Centre of Excellence for Children, Families and the Law, nói đây là bước phát triển nên được đón nhận.
“Sự phát triển của ngành công nghiệp [ăn mừng] ly dị cho thấy thực tế rằng người ta muốn nhận biết sự mất mát thông qua nghi lễ,” bà nói.
“Rất nhiều người cảm thấy thanh thản hơn sau đó – tôi cũng biết một đôi trong văn phòng tôi dùng cách nói ngược lời tuyên thệ.
“...Người ta làm những gì họ thấy cần làm để có thể chuyển sang giai đoạn khác. Họ làm gì, nghi lễ gì, là lựa chọn của họ.”
Ly dị dịp cuối tuần
Ở Hà Lan có một chuỗi khách sạn mang tên Khách sạn Ly dị. Với giá khoảng 4000 Euro, các đôi đăng ký phòng vào thứ Sáu, sau đó có một luật sư làm trung gian , và đến Chủ nhật khi họ rời khách sạn là thủ tục ly dị đã xong.
Cha đẻ của dịch vụ này là Jim Halfens, anh nghĩ thủ tục ly dị nên đơn giản và không tốn kém.
Khách sạn Ly dị có sáu cơ sở đặt ở các khách sạn khác nhau trên khắp Hà Lan, và một ở New York, ông Halfens cũng dự định sẽ mở rộng ở các nước khác.
Sau khi ký đơn ly hôn, nhiều đôi còn uống champagne cùng nhau ăn mừng, và tỷ lệ thành công lên tới 95%, ông nói.
Và với những ai trải qua quá trình ly dị cay đắng, vẫn có thể chọn cách sang Las Vegas bắn nát chiếc váy cưới.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2014/11/141113_divorce_party_business
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét