Nhiếp ảnh - Thế giới hỗn độn
Sắm được máy ảnh, chụp được vài tấm hình gửi tham gia triển lãm là có thể trở thành nhiếp ảnh gia, tha hồ “chém gió”. Thế giới nhiếp ảnh hiện nay trở nên hỗn độn hơn với những trường hợp “nhiếp ảnh trá hình, nhân danh nghệ thuật” khi phong trào chụp ảnh nude trở nên phổ biến. Thực tế, có không ít vụ chụp ảnh nude mà người mẫu tố nhiếp ảnh gia sàm sỡ, gạ gẫm; nhiếp ảnh gia tố mẫu tạo xì-căng-đan để nổi tiếng... Thêm vào đó, sự ganh đua về thành tích cá nhân giữa các nhiếp ảnh gia đã khiến sân chơi nghệ thuật này đang dần bị bôi bẩn.Quán cà phê DOF - Nơi tụ họp của dân nhiếp ảnh
đủ mọi thành phần. (Ảnh do DOF cung cấp)
Quán cà phê DOF ở đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, TP HCM cuối tuần luôn tấp nập, đông vui. Chỉ mới ra đời gần đây song quán mau chóng nổi tiếng trong giới mê chụp ảnh vì chủ quán, anh Song Khê, cũng là người mê nhiếp ảnh. Tiếng lành đồn xa, các cô mẫu là sinh viên tìm tới, các tay ảnh truyền tai nhau địa chỉ này. Vậy là cứ thứ bảy, chủ nhật, quán đông nghẹt người chụp và mẫu.Ai cũng thành “nhiếp ảnh gia”!
Nhờ sự phát triển của công nghệ, máy ảnh rẻ tiền ngày càng nhiều, ngay cả điện thoại di động cũng có tính năng chụp ảnh tốt nên bất kỳ ai cũng có thể mua được máy ảnh tầm 5-7 triệu đồng để thỏa mãn đam mê.
“Trước kia, chưa có DOF, mọi người muốn tập trung thì hẹn nhau nhiều nơi, nhiều khi không thoải mái. Bây giờ, anh em đã có chỗ tập hợp nên vui hơn và sinh hoạt nhiếp ảnh đều đặn, so với trước kia có khi vài tháng mọi người mới gặp nhau” - một tay máy cho biết.
Những địa điểm cà phê hay ngoại cảnh ở các khu du lịch cũng chỉ dành để chụp mẫu. Muốn có tác phẩm ưng ý, người chơi ảnh phải vác máy ảnh lên đi khắp nơi để tìm cái đẹp. Thế là các hội nhóm nhiếp ảnh ra đời ngày càng nhiều hơn. Có rất nhiều nhóm chơi ảnh đến với nhau như nhóm những người chơi máy Nikon, Canon; hội những người thích chụp ảnh nude (khỏa thân); hội ảnh những người thích chụp phong cảnh hay macro; hội những người cùng nghề nghiệp, hội những người sinh sống cùng một địa bàn quận - huyện, thậm chí có cả hội những người thích vào rừng chụp chim. Thêm vào đó, nhờ sự phát triển của mạng xã hội, cộng đồng người chơi ảnh có dịp chia sẻ ảnh của mình đến với đông đảo người xem. Cũng chính vì thế, nhiều người mới bước chân vào lĩnh vực nhiếp ảnh ngộ nhận mình là “nhiếp ảnh gia”.
Nhiều người mới chơi ảnh được vài năm, trình độ nhiếp ảnh chưa cao, khi chụp xong thì nhờ người khác xử lý kỹ thuật photoshop cho lung linh, đến khi trình làng thì “chém gió” tới tấp. “Chỉ mới được vài ảnh đẹp mà đã tỏ ra kênh kiệu, lại có người ảo tưởng nổi tiếng nên sửa tướng đi cho khệnh khạng, ăn nói bắt đầu đổi giọng..., thỉnh thoảng lý sự cùn và cũng triết lý cao xa” - một nhiếp ảnh gia thứ thiệt cho biết.
Lừa đủ kiểu
Gần đây, trên trang mạng xã hội Facebook, những người chơi ảnh đang săn tìm một người tên Hiếu - tự xưng là nhiếp ảnh gia để đi lừa đảo những người mới tập chơi ảnh. Nguyễn Hoài Sang - sinh viên Trường ĐH Hoa Sen - cho biết Hiếu thuê phòng trọ kế bên, thấy Sang thích nhiếp ảnh, Hiếu khoe chuyên tổ chức sự kiện, quen nhiều người nổi tiếng trong giới nghệ thuật như ca sĩ Phi Nhung, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, diễn viên Trấn Thành nên Sang tin lắm. Một lần, Hiếu nói sẽ bán máy ảnh Canon 5D Mark 1 và 1 len 70-200 với giá rẻ 15 triệu đồng cho Sang. Mua được máy “xịn” với giá tốt nên Sang chẳng mấy nghi ngờ, cậu gom góp tiền của mình và vay thêm của người bạn mang đưa hết cho Hiếu. Không ngờ, sáng hôm sau, tên lừa đảo này biến mất. Sau này, nhờ chia sẻ thông tin trên trang Facebook chợ máy ảnh Sài Gòn, Sang cũng biết có thêm vài người bị Hiếu lừa đảo.
Có người chuyên dùng máy ảnh để đi lừa những người chân thật hay thương kẻ khó. Giới nhiếp ảnh đều biết tai tiếng của N.H.N. Ông từng dẫn những người bạn nhiếp ảnh tới những vùng còn nghèo khó chụp ảnh. Trong nhóm có vài nhiếp ảnh gia là Việt kiều gửi tiền về giúp những người nghèo này. Người được ủy quyền là N. lại lấy tiền đó đi mua ống kính máy ảnh cho riêng mình!
Lại một chiêu lừa khác như trường hợp của nhiếp ảnh gia P.H. Người này luôn than nghèo, kể khổ để bạn bè giúp đỡ nhưng cuối cùng, mọi người đều té ngửa vì ông ta có tới 2 căn nhà 3 tầng. “Nói chung đủ chiêu lừa, vì cộng đồng nhiếp ảnh cũng như một xã hội thu nhỏ mà thôi” - anh Nguyễn Đức, thành viên nhóm nhiếp ảnh Sài Gòn photography, nói.
Đó chỉ là những chiêu lừa “bề nổi’ và được mọi người phanh phui, cảnh giác. Thế giới nhiếp ảnh hiện nay trở nên hỗn độn hơn với những trường hợp “nhiếp ảnh trá hình, nhân danh nghệ thuật” khi phong trào chụp ảnh nude trở nên phổ biến. Thực tế, có không ít vụ chụp ảnh nude mà người mẫu tố nhiếp ảnh gia sàm sỡ, gạ gẫm; nhiếp ảnh gia tố mẫu tạo xì-căng-đan để nổi tiếng... Thêm vào đó, sự ganh đua về thành tích cá nhân giữa các nhiếp ảnh gia đã khiến sân chơi nghệ thuật này đang dần bị bôi bẩn.
Kỳ tới: Khi nghệ thuật bị bôi đen
Danh xưng theo thói quen
Theo Hội Nhiếp ảnh TP HCM (HOPA), hiện có 22 chi hội nhiếp ảnh và 15 CLB nhiếp ảnh trên địa bàn; còn số tổ chức, nhóm, CLB tập hợp theo sở thích cá nhân, sinh hoạt trong các diễn đàn, trên mạng vẫn chưa thể thống kê được.
Theo nghệ sĩ Đồng Đức Thành, Phó Chủ tịch HOPA, danh xưng “nhà nhiếp ảnh”, “nhiếp ảnh gia” là do thói quen trong cách gọi của xã hội, cộng đồng. Hội viên được gọi là “nghệ sĩ nhiếp ảnh” vì đồng thời là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) với các tước hiệu nghệ sĩ, nghệ sĩ xuất sắc trong nước - VAPA và quốc tế - FIAP (Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế). Còn theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Phi Long - tước hiệu EFIAP - nếu người cầm máy có tác phẩm đoạt giải hoặc triển lãm ở một cuộc thi nào đó thì mới tạm gọi là nhiếp ảnh gia.
Ngọc Lê
http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/nhiep-anh-the-gioi-hon-don-20141117220829349.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét