Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Cải tạo nội thất xe sao cho hợp pháp?

Cải tạo nội thất xe sao cho hợp pháp?
Cải tạo nội thất xe là một nhu cầu lớn, không chỉ đối với một chiếc xe cũ mà còn với cả những chiếc xe mới. Đơn giản là một chiếc xe cũ có nội thất đã xuống cấp và cần được nâng cấp hay chủ nhân của một chiếc xe mới muốn thay đổi chất liệu bề mặt, hình dáng và công năng các hạng mục nội thất. Trong việc cải tạo nội thất xe, có những thứ phù hợp và không phù hợp khi bạn trải qua khâu đăng kiểm xe.
Cải tạo nội thất xe nhằm giúp phần nội thất thêm sang trọng, hoặc cải tạo theo xu hướng phục vụ một mục đích nào đó của chủ xe. Mục đích của việc thay đổi nội thất là thỏa mãn nhu cầu cá nhân hoặc nhu cầu kinh doanh nếu là xe thương mại, hoặc là xe dùng để biểu diễn thi đấu trong các giải đua nội địa hoặc quốc tế. Để làm rõ hơn về các vấn đề nâng cấp hạng mục nội thất, chúng tôi sẽ đề cập đến các kiểu nâng cấp nội thất.

Nâng cấp chất liệu nội thất

Một chiếc xe khi xuất xưởng, tùy theo giá thành cũng như định vị phân khúc ở một thị trường nhất định, mà có trang bị chất liệu nội thất khác nhau từ trang bị cơ bản là bọc nỉ đi với các miếng ốp nhựa sơn giả gỗ, cho tới tiện nghi trên các dòng cao cấp hơn sử dụng da bò với các chi tiết ốp gỗ, nhôm hoặc các-bon,...

Thay đổi kiểu ghế ngồi là hoàn toàn hợp pháp

Việc thay đổi chất liệu nội thất theo ý muốn của người sử dụng thường chạy theo xu hướng muốn nó cao cấp hơn hoặc có màu sắc đậm chất thời trang hay phong cách thể thao. Trên thực tế, kiểu cải tạo này không làm thay đổi hình dạng của nội thất, mà trái lại càng làm cho không gian nội thất lên một tầm mới, tăng giá trị hưởng thụ. 

Những kiểu nội thất có màu “ton sur ton” hoặc cao cấp thì có thể may chỉ kiểu thủ công đính thêm các hạt trang trí hoặc thêu biểu tượng. Các chi tiết ốp nhựa bên trong nội thất có thể được thay mới bằng loại có vân gỗ, nhôm hoặc phủ các-bon hoặc cũng có thể bọc bằng chất liệu da cùng màu với màu ghế. Một số chiếc xe có thể được trang trí thêm đèn LED trong khoang nội thất để tăng phần sinh động. Về cơ bản, kiểu nâng cấp chất liệu này không ảnh hưởng gì đến hình hài nội thất và tính an toàn của chiếc xe.

Thay đổi hình dáng nội thất

Thay đổi hình dáng nội thất là một dạng nâng cấp cho phù hợp với sở thích chạy xe hoặc hưởng thụ tiện nghi. Đối với dòng xe 4 chỗ các hạng mục, thay đổi hiện trạng nội thất được tiến hành thông qua việc thay mới vô-lăng có đường kính nhỏ hơn, thay ghế lái và ghế phụ có xu hướng ngồi thấp hơn và đệm cứng và ôm sát mặt lưng để tạo cảm giác thoải mái và chắc chắn hơn khi ôm cua. 

Đối với một số xe phục vụ nhu cầu biểu diễn, thi đấu, có thể bỏ bớt đi 2 ghế sau và gia cố thêm cả một bộ khung ống thép để bảo vệ an toàn cho người ngồi khi bi lật xe. Một số xe nguyên bản không có phần cửa sổ trời nên chủ nhân đã phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để độ thêm cửa sổ trời bằng cách khoét nóc xe từ một phần cho đến gần hết nóc để làm sunroof hoặc panorama cho giống những chiếc xe cùng loại nhưng có option tốt hơn.

Thay kích cỡ vô-lăng sẽ làm thay đổi lực cần thiết 
khi đánh lái, không được đăng kiểm chấp nhận

Vài năm trở lại đây, những chiếc xe 7 chỗ hoặc xe khách nhỏ có xu hướng nâng cấp nội thất theo kiểu tiện nghi đẳng cấp limousine. Một số ghế sẽ được loại bỏ, thay vào đó, các vị trí ghế còn lại được thay đổi sao cho tiện di chuyển trong khoang xe hoặc sử dụng thoải mái, đặc biệt là tăng thêm các chức năng xa xỉ như massage. Với kiểu nâng cấp này, khoang ca-bin sẽ có thêm quầy bar, bàn làm việc, màn hình cỡ lớn để giải trí và hệ thống âm thanh cao cấp.

Nâng cấp âm thanh xe hơi là chuyện thường tình nếu như chủ nhân chỉ thay loại đầu đọc tốt hơn hoặc thay thế những loại loa có sẵn trên xe có cùng kích cỡ nhưng cho âm thanh tốt. Điều đáng lưu ý là những chiếc xe được đầu tư dàn âm thanh “khủng” với việc thay loa trên các tap-pi cửa và bổ sung thêm loa mới có kích thước và công suất lớn hơn, dẫn đến việc phải khoét vách tap-pi và một số vị trí trên xe. 

“Nặng đô” hơn nữa là việc bố trí dàn loa kín phía sau của cốp xe, điều này vô hình trung làm thay đổi kết cấu phân chia trọng lượng xe khi trọng lượng của dàn âm thanh có thể làm tăng trọng lượng toàn xe tới 100 – 200kg. Không chỉ về kết cấu và trọng lượng, nâng cấp dàn âm thanh còn có thể dẫn đến việc phải đấu nối thêm dây truyền tín hiệu, dây điện và bộ chuyển đổi điện thế trong xe.

Nâng cấp hệ thống giải trí với màn hình DVD 
không ảnh hưởng gì đến tính năng kỹ thuật xe

Đối với những xe hai cầu được nâng cấp để chơi môn thể thao địa hình off-road thì khoang ca-bin có thể thu ngắn, bớt ghế hoặc bỏ hẳn phần mái, thùng ca-bin để giảm tối đa trọng lượng và chỉ làm một bộ khung chống lật. Nhiều xe có thể lắp thêm cản thép chuyên dụng để bảo vệ đầu xe khi leo dốc cao hoặc các chướng ngại vật, đồng thời trang bị thêm tời cứu hộ để phòng trường hợp xe bi sa lầy hoặc giải cứu các xe khác. 

Một số fan cuồng của môn này còn nâng cấp gầm xe với các tấm đỡ để bảo vệ gầm khi đi qua những địa hình có nhiều đá lổn nhổn.

Tuy nhiên, luật pháp của mỗi quốc gia quy định khác nhau, được ban hành dựa trên những điều kiện khác nhau về giao thông cũng như trình độ kỹ thuật, quản lý chất lượng, độ an toàn và nhiều vấn đề khác. Trong khi ngành công nghiệp cải tạo xe ở các nước tiên tiến trên thế giới đã có quá trình phát triển cả trăm năm thì ngành công nghiệp này ở Việt Nam mới chỉ manh mún ở giai đoạn sơ khai.

Việc lắp quá nhiều thiết bị có thể khiến 
trọng lượng của xe tăng lên quá mức cho phép

Vậy những người sử dụng xe ở Việt Nam được làm gì và không được làm gì liên quan đến nội thất xe để hợp pháp và không bị từ chối khi đi đăng kiểm? Một số câu hỏi dưới đây sẽ phần nào giải đáp:

Các câu hỏi liên quan 

Câu hỏi 1: Tôi thay thế vô-lăng nguyên bản của xe bằng một vô-lăng khác có đường kính nhỏ hơn trên chiếc xe 4 chỗ, vẫn đảm bảo đầy đủ các chức năng, như vậy có đăng kiểm được không?
Trả lời: Không được phép, vì việc thay vô-lăng khác kích cỡ so với vô-lăng nguyên bản sẽ làm thay đổi tỷ số truyền lực chung của hệ thống lái khiến lực cần thiết tác động lên vô lăng để thao tác thuận lợi thay đổi.

Câu hỏi 2: Hai ghế trước của một số xe có thiết kế không vững và tạo cảm giác bồng bềnh khi vào cua, chủ xe thay bằng loại ghế khác có nệm cứng, mặt lưng ôm sát, và vị trí ngồi thấp hơn cho cảm giác vững vàng, như vậy có hợp lệ không?

Trả lời: Việc lắp ghế có thiết kế khác so với ghế nguyên bản là được phép vì không ảnh hưởng tới tính năng kỹ thuật ôtô. Cơ quan đăng kiểm chỉ kiểm tra đủ số ghế ngồi, lắp đặt chắc chắn, có đủ dây đai an toàn,...

Câu hỏi 3: Đối với một số xe địa hình (off-road), chủ xe gia cố thêm bộ khung ống thép chống lật trong khoang ca-bin, như vậy có hợp lệ khi đăng kiểm không?

Trả lời: Việc này thì hoàn toàn không được.

Câu hỏi 4: Rất nhiều dòng xe khi được lắp ráp tại Việt Nam đã bỏ đi cửa sổ trời (sunroof) so với xe nước ngoài để giảm giá thành. Một số công ty đã làm dịch vụ lắp thêm cửa sổ trời cho khách hàng có nhu cầu, vậy việc này có vi phạm luật đăng kiểm?

Trả lời: Việc này không ảnh hưởng, có thể lắp thêm.

Câu hỏi 5: Vài năm trở lại đây, một số công ty làm dịch vụ hoán cải khoang nội thất của những chiếc xe 7-24 chỗ ngồi thành một ca-bin VIP như có ghế massage, tủ lạnh, quầy bar, bàn làm việc, thông thường số chỗ ngồi sẽ bị rút bớt để dành không gian cho những tiện ích kể trên. Vậy điều này có hợp lệ? Hoặc nếu được cho phép thì phải làm thủ tục xin thay đổi như thế nào?

Trả lời: Cải tạo gì bên trong mà không ảnh hưởng tới số chỗ ngồi được thiết kế ban đầu thì không sao, nhưng làm như trên thì đã thay đổi bố trí nên không đủ số ghế ngồi thì không đăng kiểm được.

Ôtô con (từ 9 chỗ ngồi trở xuống) nếu lắp thêm đồ chơi trong xe thì không sao.

Ôtô khách (từ 10 chỗ ngồi trở lên) nếu muốn cải tạo thì có 2 điều kiện. Một là phải có tuổi đời dưới 16 năm. Hai là nếu cải tạo bố trí lại băng ghế thì cũng không được còn lại dưới 10 chỗ ngồi.

Ôtô khách mà cải tạo thành Home-car (ôtô có nhà vệ sinh, phòng khách...) thì không được phép vì đây gọi là ôtô chuyên dụng, qui định của Thông tư 29/2009/TT-BGTVT không cho phép cải tạo ôtô chở người thành ôtô khác.

Câu hỏi 6: Đối với những chiếc xe địa hình (off-road) chủ xe cắt một phần thùng xe hoặc để trần chỉ có khung chống lật thì có đăng kiểm được không?
Trả lời: Không được phép.

Câu hỏi 7: Nâng cấp âm thanh trên xe con là chuyện bình thường, nhưng có những dàn âm thanh lớn khi đưa vào xe có trọng lượng đáng kể, tới cả trăm kilogram, như vậy có ảnh hưởng tới đăng kiểm không?

Trả lời: Khi đi đăng kiểm theo qui định của QCVN12:2011 qui định về sai số cho phép thì ô tô con khi đi đăng kiểm chỉ được sai số tự trọng là +- 5% nhưng không quá 60kg. Vì vậy trong trường hợp tăng cả trăm kilogram là không được.

Bài: Quốc Huy
http://autocarvietnam.vn/tin-tuc/2272/cai-tao-noi-that-xe-sao-cho-hop-phap

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét