"Trung Quốc đủ điên rồ để tấn công nước khác"
TT - Một ngày sau Đối thoại Shangri-La, chính phủ các nước và giới truyền thông quốc tế đồng loạt phê phán những phát biểu ngạo mạn, sai sự thật của tướng Trung Quốc Vương Quán Trung. Chuyên gia Rory Medcalf thuộc Viện Lowy (Úc) cảnh báo Trung Quốc không thật sự mạnh như họ nghĩ.
Tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu cảnh sát biển 2016
Ngày 2-6, trả lời phỏng vấn báo Sydney Morning Herald, Bộ trưởng Quốc phòng Úc David Johnston tuyên bố: “Cả Mỹ, Úc và Nhật đều rất lo ngại về những hành động đơn phương gây bất ổn, đặc biệt tại khu vực biển Đông và biển Hoa Đông”. Ông cho biết đã chia sẻ với phía Việt Nam và Philippines về mối lo ngại này tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.Ông Johnston ủng hộ quan điểm của người đồng cấp Mỹ Chuck Hagel rằng Trung Quốc gây bất ổn trên biển Đông. “Sự bất ổn này là điều không thể biện minh được và đang phá hoại triển vọng kinh tế khu vực. Do đó tôi chia sẻ sự lo ngại của Bộ trưởng Hagel” - ông Johnston khẳng định.
Giải thích lằng nhằng
"Những hành động của Trung Quốc gây bất ổn tại biển Đông, khu vực có ảnh hưởng to lớn vào sự thịnh vượng của các nước ở châu Á - Thái Bình Dương"
Bộ trưởng Johnston cho biết Úc không đứng về phía nào trong các tranh chấp trên biển, nhưng chính quyền Canberra sẽ tìm cách thuyết phục Bắc Kinh rằng “có một con đường khác không dẫn tới nguy cơ đối đầu và leo thang căng thẳng trên biển”.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Hãng tin Bloomberg tại Đối thoại Shangri-La, ông Johnston cũng tuyên bố hành động đơn phương của Trung Quốc là “vô ích” và “đẩy chúng ta đi sai đường”.
Ông cho rằng “nguy cơ tính toán sai” là mối lo ngại với tất cả các nước trong khu vực. Phát ngôn thẳng thắn của Bộ trưởng Johnston là hết sức đáng chú ý bởi Trung Quốc là đối tác thương mại rất quan trọng của Úc.
Bộ trưởng Johnston cho biết chính quyền Canberra sẽ tận dụng mối quan hệ thương mại với Bắc Kinh để thúc đẩy nước này đi theo con đường ngoại giao. “Tôi nghĩ kỹ năng ngoại giao và tương tác quốc tế của Trung Quốc còn kém” - Bộ trưởng Johnston đánh giá.
Trong khi đó, giới truyền thông và chuyên gia quốc tế cũng phê phán mạnh mẽ thái độ của tướng Vương Quán Trung và phái đoàn Trung Quốc tại Shangri-La.
Tạp chí Anh The Economist bình luận: “Quan điểm chung của các đại biểu không đến từ Trung Quốc tại Shangri-La là tướng Vương đã bảo vệ quan điểm của Trung Quốc một cách tệ hại. Lập luận của ông ta cộc cằn và có phần trẻ con khi nói rằng không phải Trung Quốc khiêu khích mà các nước khác làm như vậy”.
“Sau đó, tướng Vương không thể trả lời câu hỏi mà các đại biểu đặt ra. Ông ấy nói lằng nhằng, lắp bắp khi cố giải thích đường chín đoạn bí hiểm” - The Economist viết.
Báo này nhận định Trung Quốc thực tế không quan tâm đến việc đuối lý. “Trung Quốc có thể xem Đối thoại Shangri-La là một phần của trật tự thế giới cũ mà nước này không còn cảm thấy cần phải chấp nhận”- The Economist đánh giá.
Chiến thuật đe dọa
Báo Mỹ Wall Street Journal (WSJ) cho rằng việc các quan chức Trung Quốc tỏ ra lớn lối ở Đối thoại Shangri-La cho thấy Bắc Kinh quyết đối đầu với Mỹ.
“Trung Quốc cáo buộc Mỹ và Nhật đe dọa và bá quyền, trong khi tất cả các nước trong khu vực tin rằng Trung Quốc mới là kẻ đe dọa và bá quyền. Thật đáng lo ngại khi chủ nghĩa dân tộc cực đoan tự lừa dối mình lại trỗi dậy ở Trung Quốc” - WSJ viết.
WSJ nhận định việc Trung Quốc không chịu tuân thủ luật pháp quốc tế cho thấy Bắc Kinh muốn thiết lập một trật tự mới tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó nước này đóng vai trò thống trị.
Tuy nhiên, báo này dẫn lời chuyên gia Rory Medcalf thuộc Viện Lowy (Úc) cảnh báo Trung Quốc không thật sự mạnh như nước này nghĩ.
Và những hành vi hiếu chiến của Trung Quốc sẽ chỉ khiến các nước khu vực xích lại gần nhau hơn để đối phó với sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Mỹ cũng sẽ càng có cớ để tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực.
Báo Mỹ Epoch Times dẫn lời chuyên gia Richard Fisher thuộc Trung tâm Đánh giá và chiến lược quốc tế (IASC) cho rằng đằng sau những lời lẽ thô lỗ của tướng Vương là những toan tính lạnh lùng.
“Ở Shangri-La, tướng Vương áp dụng chiến thuật đe dọa để làm suy yếu ý chí chính trị của đối thủ. Mục tiêu không phải để cãi lý mà dùng giọng điệu hiếu chiến để đe dọa Tokyo, Washington và các nước trongkhu vực” - chuyên gia Fisher cho biết.
Ông nhận định Bắc Kinh muốn cho các nước châu Á thấy rằng “Trung Quốc đủ điên rồ để tấn công nước khác”, do đó các quốc gia này sẽ phải nhượng bộ để Bắc Kinh làm chủ biển Đông.
“Nhưng hiệu quả của chiến thuật này là không rõ ràng, chỉ thể hiện sự hiếu chiến đó sẽ giúp Nhật và Mỹ huy động sự ủng hộ của các nước trong khu vực” - chuyên gia Fisher phân tích.
Hôm qua, Chính phủ Nhật đã lên án những tuyên bố của tướng Vương Quán Trung tại Đối thoại Shangri-La. Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga khẳng định: “Quan chức Trung Quốc đưa ra tuyên bố dựa trên những điều sai sự thật. Ông ấy đã phỉ báng đất nước Nhật”.
HIẾU TRUNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét