Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Trào lưu ẩm thực nhanh đến nhanh đi

Trào lưu ẩm thực nhanh đến nhanh đi
Ẩm thực giống như thời trang cũng có những trào lưu, xu thế và thay đổi theo từng năm, thậm chí là từng mùa. Tuy nhiên, chính sự “biến hóa” của nó đã góp phần đem lại nhiều màu sắc cho văn hóa ẩm thực cũng như phần nào cho thấy sự dịch chuyển của xã hội.
Gói cuốn xứ Nam và phở cuốn xứ Bắc
Để nhận biết những món ăn đang là thời thượng giờ đây không khó, chỉ cần lướt qua một số trang web về ẩm thực hay lên mạng xã hội là có thể nhận biết ngay bởi mỗi khi có món ăn nào đó lên ngôi chúng lập tức được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên thế giới ảo. Và tương ứng với độ phổ cập ấy là sự xuất hiện đến dày đặc các quán ăn nhà hàng có bán thứ đó.

Hàng chè khúc bạch xuất hiện khắp đường phố

Còn nhớ cách đây khoảng 2 năm, khi Sài Gòn bức bối trong cái nắng và nóng, người ta đem bán món chè khá lạ, không màu mè bắt mắt, cũng chẳng vị đậm đà đặc trưng chỉ là nước đường với vài miếng giống đậu hũ, thêm vài lát hoa quả để mộc như để nhấn nhá cho món ăn. Có lẽ chính cái sự giản dị và ngọt thanh thanh ấy lại rất hợp để giải tỏa đi cơn khát trong ngày hè, vậy nên món chè có cái tên khá mĩ miều – chè khúc bạch ấy lại nhanh chóng chinh phục được giới trẻ Sài Thành. Và như một cơn lốc xoáy, chè khúc bạch cứ lan rộng dần rồi từng bước xâm lấn Hà Nội. Đến nỗi khắp nơi đâu đâu cũng thấy treo biển bán chè khúc bạch, từ quán vỉa hè bình dân đến nhà hàng sang trọng, và đám trẻ cứ hẹn hò là lại rủ nhau đi ăn chè khúc bạch. Tuy nhiên, sau một thời gian khuynh đảo thế giới quà vặt thì khúc bạch cũng đang dần thoái trào, bởi nhiều người cho rằng sự nhạt nhòa trong hương vị khiến người ta cũng không mấy lưu luyến và nhanh chóng quên đi cái sự cả thèm ban đầu.

Cũng là một món quà vặt được giới trẻ ưa chuộng nhưng có nhiều phiên bản khác nhau và có sức sống lâu hơn chính là pho mai que. Chỉ đơn giản là pho mai thái dài lăn bột và chiên giòn nhưng món ăn này có sức quyến rũ rất mạnh mẽ đối với đám học sinh sinh viên, đặc biệt là những đám trẻ tiểu học. Giá tiền phải chăng 5-7 nghìn đồng/chiếc, chúng không quá khó để xin tiền phụ huynh thỏa cơn thèm, và cũng tiện để lót dạ sau giờ tan học chờ người đến đón, hay là món nhâm nhi trong những buổi gặp mặt bạn bè. Khởi đầu ở Hà Nội, từ từ lan rộng sang các tỉnh phía Bắc và sau đó là Nam tiến và có vẻ vẫn chưa bị thực khách chán. Thậm chí nó còn kịp nhân bản với món sữa chiên bởi những chủ hàng ở Sài Gòn và đã bắt đầu phổ biến ở Hà Nội. Tuy nhiên, sữa chiên không thực sự có sức hấp dẫn bởi nó đơn giản chỉ là bột trộn sữa đặc, sữa tươi nên khá ngọt và dễ ngán.

Trong số những món quà vặt cổng trường không thể không nhắc đến khoai tây lốc xoáy hay sữa chua dẻo. Đây đều là những món ăn khá quen thuộc từ nhiều chục năm nay, song nó chỉ có đôi chút khác lạ về hình thức khi khoai tây được tạo hình xoắn ốc và thêm hương vị nhờ được rắc thêm các loại bột gia vị. Sữa chua thì được “nâng cấp” lên nhờ thêm một số phụ gia và quá trình đông đá. Song cũng chính bởi vậy mà giá bán của hai món ăn này cũng đắt hơn nhiều so với món ăn nguyên bản.

Bên cạnh những món quà vặt nhanh đến, nhanh đi thì nhiều món ăn dân dã cũng nhanh chóng trở thành mốt. Trước đây, khi đói nghèo người ta phải tự đi bắt các loại côn trùng về làm món ăn cải thiện dinh dưỡng cho gia đình thì giờ đây chúng đang trở thành những món ăn thời thượng. Những con dế mèn, châu chấu, hay rươi, đuông dừa trở nên đắt giá và xuất hiện ngày càng nhiều trong những nhà hàng mà chỉ người có điều kiện mới được thưởng thức. Thậm chí người ta còn sẵn sàng chi ra vài triệu đồng để mua được vài lạng trứng kiến về ăn cho biết.


Người mẫu Thu Hằng cũng rất bắt kịp thời thế khi mở cửa hàng kinh doanh bún đậu mắm tôm.

Bún đậu mắm tôm vốn được coi là món ăn rẻ tiền ở Hà Nội thế nhưng mới đây nó lại bỗng chốc là món ăn thời thượng ở Sài Gòn. Nhà nhà mở quán bán bún đậu mắm tôm, người người đi ăn bún đậu mắm tôm. Món ăn bình dân này còn ngày càng được ưa chuộng khi các nghệ sĩ nổi tiếng cũng đua nhau tham gia kinh doanh. Đến nỗi muốn đi nhậu dân Sài Thành cũng hẹn nhau ở quán bún đậu, đi gặp khách hàng ký hợp đồng cũng rủ đi ăn bún đậu. Cái phong cách lê la vỉa hè của người Hà Nội cũng bắt đầu nhiễm sang người Sài Gòn. 

Tuy nhiên, trào lưu này cũng nhanh chóng “xì hơi” chỉ sau chưa đầy một năm. Có lẽ sự khác biệt của khẩu vị giữa hai miền cũng như phong cách thưởng thức khác nhau nên bún đậu không đủ sức níu kéo dân xứ Nam. Nhiều nhà hàng đã phải đóng cửa, và trên diễn đàn bắt đầu rộ lên những lời chê bai món ăn này. Song tại Hà Nội món ăn này vẫn được ưa thích, nhưng có lẽ nhờ được nâng tầm ở Sài Gòn mà giờ đây bên cạnh những quán hàng rong, nhiều nhà hàng bún đậu cao cấp đã được mở ra và chủ yếu thực khách là giới văn phòng ngại ngồi lê la, và tránh cái nắng hè phố.

Có thể thấy dù khác nhau về văn hóa, song khoảng cách vùng miền đã bắt đầu rút ngắn, giữa Nam và Bắc đã có những giao thoa không chỉ văn hóa mà cả trong ẩm thực. Thị trường gia vị cũng đa dạng hơn, độ phủ rộng hơn, Nam có gì thì Bắc cũng có, và ngược lại, bởi vậy mà những món ăn cũng có sự lai tạp trong hương vị. Dường như trong cơn quay cuồng của kinh tế, sự nghiệp và gia đình, người ta cũng bớt phần khó tính hơn trước nên cũng dễ dàng chấp nhận những món ăn không còn nguyên bản. Thế nên, với người sành ăn thì tùy từng món ăn họ lại chọn cho mình những cửa hàng ruột khi còn giữ được những món ăn theo hương xưa.

Mà chẳng những món ăn, đến ngay các mô hình kinh doanh cũng nhanh chóng được truyền bá giữa hai miền. Hà Nội rộ lên buffet quà vặt thì Sài Gòn cũng có, hay phong trào dịch vụ ăn đêm trên mạng nở rộ ở Sài Gòn thì Hà Nội cũng xuất hiện ngay sau đó. Các cửa hàng xiên nướng đồng giá đông khách ở xứ Nam thì xứ Bắc cũng không muốn kém cạnh khi hàng loạt cửa hàng xuất hiện sau đó. Tuy sự thành công có khác nhau, song có thể thấy việc người Bắc di Nam hay người Nam ra lập nghiệp phía bắc đã vô tình tạo nên sự dịch chuyển của ẩm thực hai miền. Người tạo nên những trào lưu ấy chính là giới trẻ và đón nhận những trào lưu ấy không ai khác cũng lại là những người trẻ tuổi.

Bếp Bống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét