Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Vì sao Việt Nam vẫn trì hoãn kiện Trung Quốc ?

Bài này cho thấy ý Đảng và Quốc hội còn xa lòng dân quá. Có lẽ thấy khắp nơi đang lo lắng về việc bác Cả Trọng mất tích nên BBC trong bài này đã đưa hình bác để mọi người xem, đỡ nhớ bác. Nhiều người đã và đang tự hỏi "Tổng Bí thư đang làm gì?" (Pro&Contra 28-5-14). Đêm cùng ngày 28-5-14, GS Trần Hữu Dũng có cơn ác mộng: Tập Cận Bình ra lệnh quét dọn lại ngôi biệt thự ở Bắc Kinh mà Hoàng Văn Hoan từng ở!
Vì sao Việt Nam vẫn trì hoãn kiện Trung Quốc ?
Việt Nam vẫn 'chần chừ' chưa kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế về vụ giàn khoan Hải Dương 981 cũng như vụ Hoàng Sa bị 'cưỡng chiếm' là do lãnh đạo còn 'e ngại' động chạm tới 'quan hệ hữu nghị với Trung Quốc' và thiếu một sự thống nhất 'quyết tâm' trong nội bộ lãnh đạo từ Đảng tới Quốc hội, theo một nhà nghiên cứu từ trong nước.

Tình trạng thiếu thống nhất về 'quyết tâm' chính trị này này cũng làm Việt Nam 'bỏ lỡ' cơ hội phối hợp lập trường với Philippines khi nước này kiện Trung Quốc về vụ bản đồ đường lưỡi bò, theo một chuyên gia luật quốc tế, cựu Phó Vụ trưởng Ban Biên giới chính phủ của Việt Nam.

Trao đổi với BBC hôm 27/5/2014 từ Hà Nội, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật & Phát triển (thuộc Vusta) nêu nghi vấn về lý do Việt Nam 'chần chừ'.

Ông Giao nói: "Phải chăng là do phải níu kéo quan hệ '16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt', phải níu kéo quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản, để làm sao đó một mặt cố gắng đấu tranh bảo vệ chủ quyền, nhưng mặt khác vẫn giữ quan hệ đó?

"Theo tôi quan điểm đó chưa chắc đã được lòng dân, bởi lẽ đối với dân tộc Việt Nam, chủ quyền quốc gia, lãnh thổ là thiêng liêng, dân tộc Việt Nam đã bao nhiêu thế kỷ chịu nhiều chiến tranh chỉ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đó.

"Thế thì bây giờ đường lối chính trị của một Đảng không khẳng định điều đó, mà lại vẫn níu kéo vì quan hệ, tôi e rằng sẽ không được sự ủng hộ của nhân dân.

"Và điều đó sẽ không thuận lợi trong việc mà hiện nay Việt Nam, trong tình hình nước sôi, lửa bỏng như thế này, toàn dân quyết tâm bảo vệ chủ quyền mà lại có sự chần chừ."
'Còn thiếu mạnh mẽ'


Việt Nam cần mạnh mẽ, quyết đoán hơn với Trung Quốc, vừa cần sớm ra luật biểu tình, theo nhà bình luận

Nhà nghiên cứu bình luận rằng trong khi các phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ở các diễn đàn tại Philippines mới đây tỏ ra hợp 'lòng dân', thì lập trường từ Quốc hội và Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam 'còn thiếu mạnh mẽ'.

Ông nói: "Qua những gì Thủ tướng đã thể hiện qua Hội nghị Thượng đỉnh Asean vừa rồi, cũng như qua những lời tuyên bố của Thủ tướng tại Philippines, cho thấy các tuyên bố của Thủ tướng phản ánh được lòng dân.

"Nó thể hiện ý chí quyết tâm, bản lĩnh kiên cường của người dân, và vì thế cho nên với những gì tôi biết, nhân dân Việt Nam rất ủng hộ tuyên bố khẳng định lập trường của Việt Nam trong câu chuyện Trung Quốc xâm lấn ở Biển Đông và rất ủng hộ Thủ tướng.

"Tuy nhiên, những phản ứng từ các cơ quan liên quan, kể cả Đảng và Quốc hội, thì dường như thông qua báo chí, chúng ta thấy, chưa được mạnh mẽ, ở mức cần phải có, chưa được mạnh mẽ."

"Theo tôi, quyền biểu tình là quyền đã được hiến định, tức là đã được Hiến pháp ghi nhận, vì thế cho nên chính quyền không nên sử dụng quyền biểu tình như một công cụ chính trị" PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao

Mặt khác theo nhà nghiên cứu, Việt Nam cần có một lập trường rõ ràng, kiên định và sự tôn trọng về quyền được hiến định của người dân về mặt quyền biểu tình của họ và không nên tùy tiện lúc thì 'động viên' khi cần, lúc thì lại 'ngăn cấm'.

Ông Giao nói: "Theo tôi, quyền biểu tình là quyền đã được hiến định, tức là đã được Hiến pháp ghi nhận, vì thế cho nên chính quyền không nên sử dụng quyền biểu tình như một công cụ chính trị.

"Không nên như vậy, luôn luôn phải tạo điều kiện để quyền này được thực hiện, không thể có lúc thì động viên đi biểu tình, lúc thì lại ngăn cấm biểu tình, cái đó là không ổn, nó không phù hợp với Hiến pháp."

Nhà nghiên cứu cho rằng chính quyền, trong đó có Quốc hội và các đại biểu quốc hội có trách nhiệm phải xây dựng và ban hành càng sớm càng tốt luật biểu tình, một điều mà ông cho rằng vừa tốt cho người dân, vừa tốt cho nhà nước và cả việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

'Bỏ lỡ cơ hội'

Hiện chưa rõ Việt Nam sẽ làm gì sau khi đã 'xích lại' gần với Philippines sau vụ giàn khoan.

Xem xét nguyên nhân Việt Nam được cho là đã bỏ lỡ cơ hội để phối hợp lập trường với Philippines khi quốc gia láng giềng Đông Nam Á này yêu cầu tài phán quốc tế đánh giá 'đường lưỡi bò của Trung Quốc' trên Biển Đông, và đến nay vẫn chưa quyết định cùng tham gia cùng Philippines 'kiện Trung Quốc', 

ông Giao bình luận: "Vấn đề là quyết tâm của Chính phủ Việt Nam tới mức nào, chứ đáng nhẽ khi Philippines tiến hành khởi kiện và đưa yêu cầu này ra, thì chính phủ Việt Nam lúc ấy nên đã cùng với Philippines để tham gia vụ kiện này.

"Nhưng có lẽ do Chính phủ Việt Nam vẫn đang kiên nhẫn, kiên trì, hy vọng rằng Trung Quốc sẽ không có những hành vi thô bạo để xâm chiếm các khu vực thuộc vùng biển của Việt Nam, và có lẽ chính vì lẽ đó, Chính phủ Việt Nam chưa quyết định tham gia cùng Philippines,

"Thế nhưng rất tiếc, thực tế cuộc sống đã cho thấy tính toán đó đã sai lầm. Trung Quốc không bao giờ từ bỏ mưu toan và ý đồ bá chủ cũng như các bước đi của họ tiếp theo để xâm lấn, thôn tính xuống phía Nam Trường Sa và ở trong Biển Đông" PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao

"Sợ rằng, e ngại rằng nếu tham gia cùng với Philippines, rất có thể thúc đẩy nhanh việc xâm lấn của Trung Quốc xuống phía Nam, vào các vùng biển của Việt Nam.

"Và hy vọng quan hệ song phương tốt đẹp có thể giúp cho được việc Trung Quốc sẽ không có những hành động xâm chiếm vùng biển của Việt Nam.

"Thế nhưng rất tiếc, thực tế cuộc sống đã cho thấy tính toán đó đã sai lầm. Trung Quốc không bao giờ từ bỏ mưu toan và ý đồ bá chủ cũng như các bước đi của họ tiếp theo để xâm lấn, thôn tính xuống phía Nam Trường Sa và ở trong Biển Đông."

Ông Giao nói: "Ở thời điểm này, trước tình hình như thế, tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ có một quyết đoán, có một quyết định cùng với Philippines, hợp tác với Philippines, trong vụ kiện mà Philippines đã đưa ra trước trọng tài quốc tế

"Theo tôi, đấy cũng là một động thái về mặt pháp lý có thể nói là rất cần thiết để tăng cường sức mạnh trong việc đẩy lùi giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam, cũng như đối phó lại với những hành vi xâm chiếm của Trung Quốc."

Gần đây, một số nhà quan sát châu Á quốc tế cũng bày tỏ quan ngại về động thái của Trung Quốc xung quanh vụ giàn khoan ở Hoàng Sa. Hôm 23/5, GS. Jean-Francois Huchet, nhà nghiên cứu Trung Quốc đương đại từ Viện INALCO, Paris nói với BBC rằng Trung Quốc có thể đang mắc 'sai lầm'.

"Trung Quốc có thể đang phạm một sai lầm khi họ đang muốn bước đi quá nhanh trong vấn đề này" GS. Jean-Francois Huchet

Ông nói: "Trung Quốc hiện nay đang muốn mở rộng vùng ảnh hưởng của mình và đẩy lui, đẩy hẳn Hoa Kỳ ra khỏi châu Á, để họ có thể thống lãnh khu vực, không chỉ về mặt kinh tế như trong 20 năm trở lại đây, mà còn thống trị về mặt quân sự và bảo vệ các nguồn năng lượng.

"Cho nên đây không chỉ là vấn đề về dầu lửa, câu chuyện đi xa hơn thế rất nhiều, thế nhưng Trung Quốc có thể đang phạm một sai lầm khi họ đang muốn bước đi quá nhanh trong vấn đề này."

Còn một nhà nghiên cứu khác, TS. Jean-Francois Sabouret, nguyên Giám đốc Mạng lưới Châu Á (Réseau Asie) từ Paris cho rằng Trung Quốc có thể sẽ lấn tới trong vụ giàn khoan nếu Việt Nam 'đơn độc':

"Nếu họ, Trung Quốc thấy Việt Nam có sự hậu thuẫn, chẳng hạn được sự bảo vệ rõ ràng từ Nga hay Mỹ, thì có lẽ họ còn phải nghĩ lại, nhưng nếu Việt Nam hoàn toàn đơn độc, thì thế nào?

"Việt Nam nên khẩn trương chuẩn bị một kịch bản ứng phó xung đột chớp nhoáng, thậm chí là chiến tranh," nhà nghiên cứu nói với BBC.

2 nhận xét:

  1. Qua các cơ quan truyền thông Việt Nam cho thấy ngoài sự sốt sắng của Chính phủ Mỹ (thực dụng chứ không phải vì yêu Việt nam đâu) thì hầu hết các chính phủ trên thế giới đều giữ thái độ im lặng hoặc dè dặt mặc dù biết 100% Trung Quốc là sai trái đối với Việt nam. Sở dĩ họ chưa hoặc không lên tiếng ủng hộ Việt nam chính thái độ "đi dây" của Chính phủ Việt Nam. Khi nhà hàng xóm cháy" (trường hợp Philipine chẳng hạn) thì Việt nam "bình chân như vại" muốn đục nước béo cò với người đồng chí láng giềng. Nhưng sự ngây thơ và có phần cơ hội đến mức nhẫn tâm của Việt nam trong chính sách ngoại giao được gọi là "độc lập", "muốn làm bạn với tất cả các nước" đang tỏ ra báo hại Việt nam trong tình cảnh này. Thế giới đâu có ngu mà chấp nhận một anh khôn lỏi như Việt nam?
    Cho đến bây giờ, Việt Nam vẫn chưa tỏ thái độ dứt khoát với Trung Quốc chứng tỏ hệ thống chính trị Việt Nam đã băng hoại không có khả năng thích ứng để bảo vệ Tổ quốc trong lúc cần thiết. Trung Quốc đã gửi chân được ở Hoàng Sa, đảo Gạc ma (của Trường sa) và bây giờ là vùng đặc quyền 200 hải lí của Việt Nam nhưng Việt nam vẫn im lặng hoặc chần chừ tất yếu sẽ làm cho tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Sự thất bại về mặt đường lối đối nội và đối ngoại được đề ra từ các đại hội 9, 10 và 11 của ĐCSVN sẽ làm cho Việt nam ngày càng khó khăn hơn trên con đường phát triển

    Trả lờiXóa
  2. Tứ trụ VN, thì có 3 đã thể hiện thái độ. Tuy nhiên Trụ cao nhất thì im lặng. Không chỉ bây giờ mà trong quá khứ, khi còn ở các chức vụ khác đều thấy ứng xử như vậy hoặc tìm cách giảm nhẹ hoặc lờ đi như câu nói: "Biển Đông không có gì lạ" khi còn làm chủ tịch QH. Điều này làm cho tôi cực kỳ bối rối. Liệu người cao nhất mà ko lên tiếng thì lòng dân sẽ bám vào cái gì. Hình ảnh của LĐ có giá trị củng cố và duy trì niềm tin của dân.

    Lưu Bang khi bị trúng mủi tên ngay bụng, nhưng hô to trước ba quân là bị bắn trúng ngón chân vì sơ lòng quân hoang mang. Hồi trước tôi có đọc 1 đoạn sử tàu, không nhớ thời nào, mà vị vua ra trận nhưng dùng kế giả bộ bị trúng tên bị thương tưởng là kế hay, ai dè bên địch hô to vị vua này đã bị tử thương, lòng quân tan rã.

    Khi Bác Hồ khi còn họat động bí mật không dám cạo râu vì sợ dân không nhận ra, dân sẽ lo lắng. Khi Bô Ngoại giao Mỹ đề nghị cho phép lập các website giả để lừa khủng bố. Quốc Hội Mỹ không cho vì sợ người dân lầm lẫn chính sách thật của Mỹ. Điều đó cho thấy tính chính danh và hình ảnh của lãnh đạo rất quan trọng. Vào thời điểm then chốt người lãnh đạo không lên tiếng để hướng dẫn lòng dân thì chỉ để cho kẻ thù nó thao túng niềm tin của dân.

    Bên ngoài nhìn vào, các nước khác nói họ còn chưa lo thì ta lo cái gì. Ai quan tâm đến tình hình đều thấy nhưng họ không nói và chờ xem. Thất vọng.

    Trả lờiXóa