Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Vụ Bầu Kiên: Thiếu luật, cơ quan điều tra lúng túng?

Xem bình luận của tôi trong bài: Nghĩ thêm gì về án 30 năm của Bầu Kiên: Kịch và đời...
Vụ Bầu Kiên: Thiếu luật, cơ quan điều tra lúng túng?
TTO - Chiều 28-5, trong phần trình bày bài bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm, nhiều luật sư cho rằng việc buộc tội đối với các bị cáo là chưa đủ căn cứ, vì thiếu luật, hiểu không đúng tinh thần của luật nên cơ quan điều tra đã có sự lúng túng.
Luật Sư Nguyễn Minh Tâm (bào chữa cho
bị cáo Phạm Trung Cang) - Ảnh: Tâm Lụa
Án chồng án?
Bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Cang, luật sư Nguyễn Minh Tâm cho rằng quyết định khởi tố bị can với Trịnh Kim Quang là vi phạm điều 126 Bộ Luật tố tụng hình sự.

“Quyết định này không ghi nội dung quan trọng, không ghi rõ ngày họp HĐQT ACB là ngày 20-3-2010, dẫn Luật các Tổ chức Tín dụng năm 2010 nhưng không ghi rõ ngày Luật có hiệu lực, không ghi rõ việc Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt tiền của ACB. Tôi cho rằng quyết định khởi tố bị can Trịnh Kim Quang là không đủ căn cứ pháp luật”- Lời luật sư Nguyễn Minh Tâm.

Theo luật sư Nguyễn Minh Tâm, việc tách và nhập vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và vụ án Nguyễn Đức Kiên đã để lại nhiều hậu quả.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm trích dẫn khoản 2 điều 117 Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp thật cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra với tất cả các tội phạm, việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.

Theo luật sư Tâm, hành vi cố ý làm trái của các thành viên trong HĐQT ACB không tách rời việc xác định hậu quả của hành vi Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt tiền của ACB. Để xác định các bị cáo nguyên là lãnh đạo ACB có phạm tội hay không thì phải chứng minh thiệt hại và mối quan hệ nhân quả của hành vi với thiệt hại đó.

“Một hành vi thiệt hại 718 tỉ đồng nhưng lại trở thành đối tượng chính trong hai vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và Nguyễn Đức Kiên đã tạo nên hiện tượng “án chồng án”. Đây là hậu quả của việc tách và nhập vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và Nguyễn Đức Kiên”- Lời luật sư Tâm.

Cũng theo luật sư Tâm, cáo trạng truy tố bị cáo Trịnh Kim Quang có hành vi không dừng việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào Vietinbank là vi phạm điều 106 Luật Các tổ chức tín dung. Luật này có hiệu lực năm 2011, trong khi hành vi kí chủ trương ủy thác tiền gửi xảy ra năm 2010.

“Đối chiếu thời điểm xảy ra hành vi với điều luật áp dụng sẽ thấy cơ quan cảnh sát điều tra tự cho phép mình áp dụng hồi tố điều 106 Luật các Tổ chức Tín dụng đối với hành vi xảy ra trước đó”- Luật sư Tâm nói.

Ngoài ra, luật sư Tâm còn cho rằng chủ trương ủy thác tiền gửi của HĐQT ACB là không trái với Luật các tổ chức tín dụng năm 2010. Sự việc xảy ra trước khi luật có hiệu lực, phù hợp với Luật Tổ chức tín dụng năm 1997, phù hợp với hướng dẫn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Các văn bản pháp luật này không có điều khoản nào ngăn cấm ngân hàng được ủy quyền cho nhân viên đi gửi tiền. Việc nhà nước chậm ban hành hướng dẫn không có nghĩa là hành vi chưa được hướng dẫn bị cấm.

“Luật quy định có nhiều khiếm khuyết”

Về hành vi đầu tư cổ phiếu gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB 687 tỉ đồng, luật sư Phạm Minh Tâm cho rằng nội dung của HĐQT ACB chỉ thể hiện chủ trương cấp hạn mức 700 tỉ đồng để mua cổ phiếu có tính thanh khoản cao, chứ không ghi rõ mua cổ phiếu của công ty nào.

“Luật quy định có nhiều khiếm khuyết. Vì không hiểu đúng tinh thần của điều luật nên cơ quan điều tra lúng túng. Ngay cả các cơ quan chuyên môn thuộc lĩnh vực tài chính tiền tệ như Ngân hàng nhà nước, Uỷ ban Chứng khoán cũng không phân biệt được các khái niệm đó. Chúng tôi thấy không đủ căn cứ để kết tội bị cáo Trịnh Kim Quang cũng như các bị cáo nguyên là lãnh đạo ở ACB
”- Luật sư Tâm nói

Bào chữa cho bị cáo Lê Vũ Kỳ về hành vi cố ý làm trái, luật sư Phạm Danh Tín cho rằng 718 tỉ đồng không phải là hậu quả trực tiếp của hành vi cố ý làm trái mà là do Huyền Như chiếm đoạt.

Theo luật sư Tín, cáo trạng cáo buộc các bị cáo và quan điểm của VKS ND TP. HN giữ quyền công tố là không hội đủ cơ sở pháp lý.

“Chúng ta có một rừng luật nhưng rừng luật này chưa được quy hoạch khoa học, chưa được quy hoạch đồng bộ, thiếu sự hướng dẫn thi hành. Nhất là hiện nay hiến pháp mới đã có hiệu lực thi hành từ 1-1-2014 nhưng nhiều luật chưa được thông qua. Việc tòa xem xét thấu đáo trong vụ án sẽ là một tiền lệ tốt.”- Luật sư Tín nói.

Bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải, luật sư Nguyễn Đình Hưng cũng cho rằng thời điểm năm 2010, Luật Các tổ chức Tín dụng chưa có hiệu lực, như vậy không thể nói các bị cáo vi phạm luật.

Luật sư Hưng yêu cầu HĐXX giải thích hành vi ủy thác cho 19 nhân viên ACB đi gửi tiền có trực tiếp gây ra hậu quả này hay không. Cáo trạng xác định các bị cáo đã cố ý làm trái, gây thiệt hại cho ACB hơn 1.400 tỉ đồng. Khoản tiền 718 tỷ đang được xem xét ở vụ án Huỳnh Thị Huyền Như. Khoản 687 tỉ thất thoát do mua cổ phiếu, luật sư Hưng đề nghị HĐXX xem xét có phải là hậu quả hình sự hay không để đánh giá đúng tính chất của vụ án này.

Luật sư Nguyễn Đình Hưng cũng đề nghị tòa tuyên bị cáo Lý Xuân Hải không phạm tội cố ý làm trái.

8g sáng 29-5, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.

TÂM LỤA
(Tuổi trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét