Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

Ai xứng đáng với tự do?

Ai xứng đáng với tự do?
(Thanh niên) Cuộc sống của chúng tôi, những đứa trẻ sinh ra cuối thập niên 80 đã không còn một sóng gió nào quá lớn, nếu so với cả một con đường dài quá mỏi mệt và đầy mâu thuẫn của những người cùng dân tộc sau chiến tranh Việt NamHòa hợp - hòa giải cần đôi mắt mới
Bà mẹ cùng các con ở Quy Nhơn (Bình Định) vượt sông để tránh bom của máy bay Mỹ. Bức ảnh đoạt giải thưởng Pulitzer năm 1966 - Ảnh: Kyoichi Sawada

Không có bom, không có ấp chiến lược, không có cả những cuộc hành quân rùng mình với hàng triệu tuổi xuân ra đi. Chúng tôi tuyệt nhiên không nếm những nỗi khốn khổ của quá khứ.

Trong nhiều cuộc gặp gỡ, có bà lão ở Sài Gòn nhìn vào mắt tôi và nói: “Tôi quá buồn”. Bà nói bà không thể chịu được cảm giác một ngày nọ cả nhà bà phải đi ra đường, để nhường chỗ cho người xa lạ vào ở trong ngôi nhà, đứa con nhỏ của bà chết bệnh trên vùng kinh tế mới.

Một lần, ở Dương Minh Châu (Tây Ninh), tôi nghe một bác già chậm nước mắt lưng tròng, nói con bác hi sinh cả 2 đứa. Một ông bác rất già đang hùng hồn kể chuyện đi đánh giặc ở Tây Bắc, bỗng nhiên lặng đi, nấc lên và nói: “Bác ân hận mãi, bạn của bác chết vì mìn cóc, anh em chưa kịp chạy ra khiêng xác nó, thì bom rơi, xác nó tan tành”.

Những người già ấy khóc trước mắt tôi. Họ giống những người kể chuyện trong các bộ tộc ngày xưa, rầm rì bên đống lửa, truyền lại thứ tinh thần mà họ đã sống với bạn bè, anh em, đồng đội, giữa cay đắng, khổ sở, giữa vinh quang, mất mát. Họ có một điểm giống nhau đến lạ lùng, dù ở phe bên này hay bên kia, là không bao giờ chỉ vẽ những đứa trẻ như tôi phải đứng lên để đánh đập một cái gì. Có ông kể xong còn kết luận: “Kể vậy để tụi bây hiểu chuyện gì cực chứ mình cố gắng làm cũng được, đừng có sợ”. Triết lý cuộc đời của những người đã mất con, mất chồng, mất nhà, mất đồng đội trong cuộc chiến đơn giản lắm. Họ muốn những người nhỏ tiếp tục sống một cuộc đời hiền hòa và thanh thản bởi vì họ đã gồng mình lên, đi ra khỏi mất mát để nuôi lũ con cháu này lớn lên, và để cho chúng hưởng sự hòa bình hiếm hoi này.

Nhưng tự do hay hòa bình là cái gì, mà sau 39 năm rồi, vẫn có những thầy cô đứng thao thao giảng trên lớp học: “Quân ta tiêu diệt địch”, vẫn có những người lớn đập bàn nói về “kẻ địch”, “ngụy quyền”, “Việt cộng” cả ở Việt Nam và những cộng đồng ở nước ngoài.

Tôi không dám chắc những người lớn ấy đã sống bao nhiêu phần trong chiến tranh, giống như những người già đã kể chuyện cho tôi nghe. Không biết có ai trong số họ đã ở trong tận cùng của địa ngục xung đột, nơi người yêu thương mất nhau, gia đình chia lìa, tan vỡ, nơi bà mẹ mất con cái mình... Hay có thể bởi vì họ không ở trong trung tâm của nỗi đau thương, họ mới hùng hồn mạnh miệng vẽ lên trong đầu óc người trẻ chúng tôi những khái niệm đầy ác cảm và chia cắt, cả ở đây và ở nơi họ gọi là “phía bên kia”? Những bài học lịch sử, những câu chuyện kích động không còn chút đáng tin nào nữa, nó giáng vào tim của những người trẻ một sự nặng nề đầy ác cảm và khiến họ không nhìn thẳng vào mắt nhau và tự chia cắt bằng một lằn ranh vô hình.

Ông Roy Mike Boehm (người dân Sơn Mỹ, Quảng Ngãi gọi theo lối Việt hóa là "ông Mai"), một cựu binh Mỹ, đang chơi chơi vĩ cầm trong lễ tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ. Ông Mai là nhân vật chính trong một bộ phim tài liệu nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam của đạo diễn Trần Văn Thủy: Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai - Ảnh: Trần Đăng

Vậy ai mới xứng đáng với tự do? Người Việt Nam mình dễ dàng tha thứ cho người ngoại quốc bao nhiêu, dễ dàng tay bắt mặt mừng với “bè bạn quốc tế” Pháp, Mỹ nhanh chóng bao nhiêu, mà không thể thở một hơi nhẹ nhàng và nhìn vào mắt của những người cùng một tiếng nói, cùng một vùng đất mà mình đã từng chĩa súng vào đầu nhau. Họ quên quá nhanh những đau thương cũ và thù giận quá lâu cho một quá khứ không thể nào cải biên (cho đẹp hơn) được.

Nhiều người lớn lên trong hòa bình và vẫn lớn tiếng chửi đổng người đã chết trong chiến tranh, gọi họ là thằng này con kia, phe này phe nọ. Họ đâu có ở bên ngoài cuộc chiến đó như những người già mất con, mất chồng kia, sao không biết trân trọng hòa bình? Sao cứ phải thì thầm vào tai con trẻ những cụm từ đầy chia cắt và ác cảm?

Và những người đã đến tận châu Âu, châu Mỹ, đã tận hưởng và uống bầu không khí của bình an, sao không để những chuyện buồn cũ lại và giúp con cái mình lớn lên với cảm xúc hòa nhã và bớt đau khổ hơn?

Những người lớn giận dữ ấy không chịu hiểu rằng, nếu cuộc sống quá khứ của họ tràn đầy thiếu thốn, căm giận, là mất quê hương, nơi ở, thì lẽ ra giờ đây, con cái họ có thể và xứng đáng có một cuộc sống tốt đẹp hơn, và không cần phải thở trong bầu không khí giận dỗi đầy ngột ngạt ấy nữa. Chỉ vừa rời khỏi cuộc chiến tranh, người ta đã mờ mắt không chịu hiểu về sự quý giá của cuộc sống yên bình. Họ không chịu gieo những hạt mầm an lành mới vào trái tim con cái mình.

Trẻ con không xứng đáng phải sống với di sản của chiến tranh và chết chóc. Sẽ đến một lúc khi đủ bình tĩnh, những đứa trẻ sẽ đi tìm gương mặt của lịch sử mà chúng muốn hiểu biết, chứ không phải là lớn lên trong những câu chuyện kể của những người lớn đầy chia cắt và phẫn nộ.

Ngày hòa bình, xin đừng gieo thêm nỗi giận buồn nữa...


Nụ cười của kiều bào trong đợt về Việt Nam ăn Tết đầu tháng 1.2014, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: Độc Lập

Khải Đơn (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người làm báo đang sống và làm việc tại TP.HCM

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140502/ai-xung-dang-voi-tu-do.aspx
BẠN ĐỌC PHẢN HỒI - COMMENT (8)
tin (tha huong) - 4 giờ trước
Lịch sử vẫn là lịch sử . Lịch sử không bao giờ bị chối bỏ và lịch sử sẽ trở thành dĩ vẳng khi mỗi con người quên đi quá khứ để xích lại gần nhau ..... Muốn xích lại gần nhau thì tế nhị và đừng nên nhắc lại quá khứ thương đau dù rằng không nhắc lại là quên hết hay chối bỏ mọi thứ.. Một bài viết rất hay và tôi xin hoàn toàn ủng hộ tuyệt đối . Một bài viết CỞI MỞ MÀ TÔI MUỐN NGHE TỪ BAO NĂM NAY " Xin cám ơn. thu gọn
tuantran (37/3hocmon) - 6 giờ trước
Bài viết hay!
Trần Quang Lục (Quảng Ngãi) - 6 giờ trước
Cảm ơn tác giả Khải Đơn có bài viết hay và ấn tượng, tôi đọc đi đọc lại vài lần vẫn muốn đọc tiếp, đã gần 40 năm hòa bình đất nước , vẫn còn nhiều suy nghĩ hẹp hòi , ấu trĩ và hận thù ác cảm tội nhất với các em 8X, 9X được sinh ra sau chiến tranh trên chục năm mà có biết gì đâu nhưng vẫn mang tiếng này tiếng nọ là ông bà mày làm này làm nọ , tạo làn ranh giới đỏ sự đam mê lý tưởng dù em trưởng thành tốt . thu gọn
hà (tqt, q.3) - 7 giờ trước
Hay quá ! Đồng ý với tác giả bài viết.
Hoàng Triệu - 8 giờ trước
Gửi Khải Đơn, đọc những dòng bạn viết tôi thấy rất buồn cho một người trẻ (thế hệ 8X) như bạn lại muốn quên đi những mất mát, hy sinh của cha ông đi trước! Bạn có biết các thế lực bên ngoài chưa một lần thôi ý định chống phá Việt Nam ta hay không? Nếu không giáo dục cho con cháu chúng ta hiểu biết về âm mưu, thủ đoạn của địch để đề cao cảnh giác, hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tự do, thì liệu con cháu ta có còn thở cái gọi là "hơi thở hòa bình" như bạn nói hay không? Chúng ta không được quên những hy sinh, mất mát của các thế hệ đi trước đã làm nên độc lập, hạnh phúc cho hôm nay. Với nghề nghiệp làm báo, mong bạn sớm tỉnh ngộ để có những đóng góp tốt hơn cho đất nước. Thân ái! thu gọn
Trương Nam (Quảng Nam) - 8 giờ trước
Thật sự là thật khó để nhận thấy sự khách quan, hữu hảo trong bài viết này. Bản thân tác giả dường như có sự ức gì đó?!
Nguyễn Trung Hải (TP.HCM) - 8 giờ trước
Bài viết hay quá, nó nói đúng nỗi lòng của tôi. Ba má tôi là những Đảng viên năm, sáu mươi năm tuổi đảng, gia đình má tôi có ông ngoại và ba cậu là liệt sĩ, bà ngoại tôi là bà mẹ VNAH. Nhưng tôi lại là nạn nhân của cái nhìn không công bằng vì anh em ba tôi có những người ở bên kia chiên tuyến...
Du Dương (Kiên Giang) - 8 giờ trước
Bài viết quá hay! Sách báo còn những ngôn từ miệt thị thì bao giờ mới mong hoà giải. Đặc biệt gieo vào đầu con trẻ sự hận thù ngay từ tuổi thơ của chúng.

3 nhận xét:

  1. Ai cần miền Bắc giải phóng miền Nam ,nếu đừng xâm chiếm miền Nam thì làm gì có bôm rơi , đừng dùng từ hòa giải nữa, ai muốn nói gì thì nói .ĐỪNG TIN NHỮNG GÌ CỘNG SẢN NÓI HÃY NHÌN NHỮNG GÌ CỘNG SẢN làm cho đất nước VN sau 39 năm.

    Trả lờiXóa
  2. Cọng sản tự hào là những người có công thống nhất đất nước nhưng thống nhất bằng cách thức sai lầm. Những nước khác cũng dành được độc lập mà không đổ máu, khôn ngoan hơn đảng cọng sản VN rất nhiều. Giống như người 1 người con trong gia đình chữa cháy nhà mình nhưng vì ngu xuẩn nên chữa xong cả căn nhà bị cháy thành tro! Có đáng cho chúng ta cảm ơn hay không?

    Trả lờiXóa
  3. Ngày xưa Lê Duẩn trình độ tiểu học đưa đất nước vào còn đường tăm tối. Ngày nay dồng chí X trình độ tiểu học trong rừng ra cai trị dân,39 năm rồi bài học đáng nhớ chua cay.

    Trả lờiXóa