Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Lao động Trung Quốc khắp Bắc Nam và lý lẽ FDI

Lao động Trung Quốc khắp Bắc Nam và lý lẽ FDI
Tràn lan lao động Trung Quốc: Công nhân Trung Quốc tràn lan các dự án FDI của Trung Quốc, các chuyên gia cảnh báo mối lo về kinh tế, xã hội. Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Bình Thuận ngày 31/3, cho biết tại công trường Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Vĩnh Tân 2 (xã Vĩnh Tân, H.Tuy Phong, Bình Thuận) còn 528 lao động (LĐ) người Trung Quốc. Trong số đó chỉ có 283 lao động có giấy phép, còn lại là lao động “chui”.
Tràn lan công nhân Trung Quốc tại các dự án FDI của Trung Quốc tại Việt Nam
Điều đáng nói là công nhân Trung Quốc gắn mác “chuyên gia”, “kỹ sư” nhưng rất nhiều người trong số đó lại làm công việc mang tính chất của lao động phổ thông. Trong khi đó, chính quyền huyện Tuy Phong chỉ có chức năng quản lý về mặt cư trú, giữ gìn an ninh trật tự. Còn Sở LĐ-TB&XH Bình Thuận chỉ kiểm tra được giấy phép lao động chứ không thể xử lý được các lao động phổ thông Trung Quốc gắn mác “kỹ sư” này.

Mấy công việc bên trong nhà máy như bốc vác, đào hố, tháo dỡ giàn giáo người Trung Quốc đều làm hết. Họ cũng làm việc như lao động phổ thông người Việt nhưng lương được trả cao hơn rất nhiều” - Tân, một thanh niên địa phương, nói. Số lượng lao động Trung Quốc tại Vĩnh Tân mỗi năm một tăng rất nhanh. Nếu như đến tháng 7/2012 chưa tới 300 người thì đến tháng 12/2013 lên đến 610 người.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng phòng lao động (Sở LĐ-TB&XH), nói: “Kỹ sư của họ khác mình là họ làm được tất cả. Có lẽ do họ tận dụng LĐ cho nên kỹ sư của họ sẵn sàng trộn bê tông, đào đất hay làm công việc bình thường khác”.

Tờ Tuổi Trẻ cũng dẫn báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Trà Vinh, hiện có 920 lao động, hầu hết là người Trung Quốc, đang làm việc tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh).

Thế nhưng trong đó chỉ có 517 lao động được cấp giấy phép lao động, đang xin cấp giấy phép 165 lao động, miễn cấp giấy phép tám lao động và 230 lao động đang làm việc nhưng chưa được cấp giấy phép.

Tại Thanh Hóa, nhà thầu Viện Nghiên cứu và thiết kế ximăng Hợp Phì (Trung Quốc) đưa 163 lao động Trung Quốc sang làm việc có thời hạn từ nay đến tháng 12/2014 tại Nhà máy ximăng Công Thanh.

Điều đáng nói là trong số 163 lao động này chỉ có 49 lao động có trình độ chuyên môn đại học trở lên đảm nhiệm các chức danh quản lý, giám sát của nhà thầu; còn tới 114 lao động kỹ thuật có kinh nghiệm năm năm trở lên đảm nhiệm vị trí công việc là thợ lái cẩu tháp (4 người), thợ hàn (20 người), thợ cơ khí (30 người), thợ lắp đặt thiết bị điện (60 người). Trong khi đó số lao động kỹ thuật này tại VN đều sẵn có nhưng nhà thầu Trung Quốc không tuyển dụng.

Khi dự án Formosa triển khai tại Khu kinh tế Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), nhiều doanh nghiệp, nhà thầu Trung Quốc đã trúng thầu và kéo theo hàng nghìn lao động “chân tay” đi theo.

Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng được tỉnh Hà Tĩnh ủy quyền cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, trong đó có1.560 người được cấp giấy phép lao động, chủ yếu là người Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc sang VN bằng đường du lịch và sau đó ở lại làm thuê.

Mục đích cao đẹp của FDI

Vì một trong những mục đích của FDI là khai thác các điều kiện để đạt được chi phí sản xuất thấp, nên xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ thuê mướn nhiều lao động địa phương.

Thu nhập của một bộ phận dân cư địa phương được cải thiện sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Nhưng thực tế, việc Trung Quốc gia tăng đầu tư vào Việt Nam vẫn là vấn đề đáng phải bàn.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, trong năm 2013, vốn đầu tư ngoại quốc trực tiếp FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng đột biến, lên đến mức hơn 2,3 tỉ đôla so với 345 triệu đôla của năm 2012, đặc biệt là đầu tư vào hai lĩnh vực bất động sản và dệt may. Ngoài ra, doanh nghiệp Trung Quốc còn đẩy mạnh tiếp cận các lĩnh vực: khai khoáng, sản xuất và chế biến, xây dựng và cơ sở hạ tầng...

Trong khi đó, TTXVN đưa tin, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một công ty dệt may của Trung Quốc xây dựng một nhà máy với tổng vốn đầu tư 68 triệu đôla (tương đương hơn 1.400 tỷ đồng) tại khu công nghiệp Bảo Minh (huyện Vụ Bản). Thời hạn sử dụng đất 46 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Cũng theo ông Thắng, một nhà đầu tư của Hong Kong (Trung Quốc) cũng đang quan tâm dự án xây dựng một khu công nghiệp dệt may với quy mô khoảng 1.000 ha tại huyện Nghĩa Hưng. Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định hiện đang xem xét và sẽ trình Chính phủ về dự án này.

Trước đó nhiều chuyên gia đã đưa ra dự báo về việc doanh nghiệp dệt may Trung Quốc sẽ gia tăng đầu tư vào Việt Nam.

Theo dự kiến sản phẩm dệt may xuất khẩu vào Mỹ và các nước nội khối TPP sẽ hưởng lãi suất 0% nếu đáp ứng điều kiện gọi là “tính từ sợi yarn forward” hàng may mặc phải được sản xuất từ sợi có xuất xứ các nước thành viên TPP.

Điều này đang gây lo ngại cho các doanh nghiệp may mặc của Việt Nam, hiện có sức cạnh tranh còn rất yếu, vì chủ yếu vẫn là gia công và phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các nhà phân tích tại Việt Nam đã cảnh báo rằng dù sau này là thành viên của TPP, Việt Nam cũng không thể tận hưởng toàn bộ những lợi thế của một thành viên và phần ngon nhất của chiếc bánh TPP sẽ vào tay Trung Quốc.

Cách đây không lâu, nhiều người đã lên tiếng báo động về việc Trung Quốc trúng thầu hơn 90% các công trình trọng điểm quốc gia ở khắp Việt Nam. Cùng với đó là các chiến lược thâu tóm doanh nghiệp nội.

Tại hội thảo "Triển vọng kinh tế và tầm nhìn chính sách năm 2014" mới đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết rằng, không chỉ doanh nghiệp Trung Quốc, mà hiện các doanh nghiệp nước ngoài khác cũng tham gia ngày càng sâu vào nền kinh tế Việt Nam.

Theo bà Phạm Chi Lan, hoạt động của doanh nghiệp FDI có thể có lợi trước mắt, nhưng về lâu dài Việt Nam lại đang đẩy kinh tế vào tay các nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, hiện tượng này đã đặt ra những thách thức không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Thái An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét