Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Khó thể liều hơn

Khó thể liều hơn
Nguyễn Thông: Quả thật khó có thể dùng từ nào thích hợp để chỉ hành động bất chấp pháp luật ấy. Họ đã “coi trời bằng vung”, định “vua cũng thua thằng liều”, dám lấp, làm ô uế vịnh Hạ Long, niềm hãnh diện của đất nước, di sản thiên nhiên của thế giới thì đúng là khó ai có thể liều hơn.
Chả là chiều 21.11 mới đây, giữa ban ngày ban mặt, hai chiếc tàu mang số hiệu của Hải Phòng HP 2338 và HP 3689 đã công khai chở hàng trăm mét khối bùn thải độc hại ra đổ, ngang nhiên trút xuống vịnh Hạ Long. Chủ tàu khai chở thuê cho Công ty TNHH Tân Việt, lúc bị bắt quả tang đã đổ xuống biển được khoảng 300 m3, nơi chỉ cách cầu Bãi Cháy chưa tới 300 m, ngay dưới chân một hòn đảo. Nếu không bị phát hiện, họ còn tiếp tục chôn vùi, phá hoại cảnh quan, làm ô nhiễm môi trường biển vịnh đến mức nào.

Điều đáng báo động ở chỗ những hành vi vi phạm cực kỳ nghiêm trọng này không phải do họ thiếu nhận thức, “đói ăn vụng, túng làm liều” hoặc gian manh, lén lút, biết sợ mà bắt nguồn từ sự cố ý, biết sai nhưng vẫn cứ làm, bất chấp pháp luật, xem thường mọi quy tắc cộng đồng. Kẻ vi phạm không thể không biết vịnh Hạ Long là kỳ quan có một không hai trên địa cầu, di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO đã 2 lần công nhận, là điểm đến đặc sắc đầy hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Họ cũng chả thiếu thông tin đến mức không biết chính quyền cũng như các cấp các ngành luôn kêu gọi mọi người hãy gìn giữ và bảo vệ kỳ quan Hạ Long, nhất là cảnh quan, môi trường.

Với những di sản thiên nhiên, thắng cảnh như vịnh Hạ Long, nhà nước ta đã có những bộ luật để bảo vệ, bảo tồn, cụ thể ở đây là luật Di sản văn hóa và luật Bảo vệ môi trường. Theo luật Di sản văn hóa, “Người nào vi phạm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật” (điều 71); còn theo luật Bảo vệ môi trường, nhà nước nghiêm cấm mọi hành vi “xâm hại di sản thiên nhiên”, “chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng nơi quy định và quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường” (điều 7), “Nghiêm cấm mọi hình thức đổ chất thải trong vùng biển nước CHXHCN Việt Nam” (điều 57). Mọi công dân, ai cũng biết và thực hiện. Tuy nhiên, những người đổ chất thải vi phạm nói trên, họ cũng biết, cũng hiểu nhưng cố tình không thực hiện.

Khẩu hiệu của chúng ta “Sống, làm việc theo pháp luật”, vậy thì hành vi cố ý làm trái, thách thức pháp luật, chà đạp những nguyên tắc sơ đẳng nhất trong xã hội của những người đổ chất thải ra vịnh Hạ Long phải bị nghiêm trị.

Theo TNO

Bắt quả tang 2 tàu đổ bùn xuống vịnh Hạ Long

Khoảng 14 giờ 30 ngày 21.11, đội kiểm tra liên ngành, Ban Quản lý vịnh Hạ Long bắt quả tang 2 tàu đang đổ bùn xuống vịnh Hạ Long.

Hai tàu này mang số hiệu HP2338 và HP3695, do Lê Cương và Bùi Văn Duy đều quê Hải Phòng điều khiển. Cương và Duy khai được Công ty TNHH Tân Việt (Hải Phòng) thuê vận chuyển bùn thải từ cảng Cái Lân đi đổ thải tại khu vực phao số 0 sát vách núi 5 m. Tại thời điểm kiểm tra, hai tàu trên đã đổ khoảng 300 m3 bùn xuống vịnh.

Ông Mạc Văn Bình, Đội trưởng Đội Kiểm tra vi phạm (Ban Quản lý vịnh Hạ Long), cho biết khu vực bị đổ bùn thải thuộc hòn Bái Đông, nằm trong vùng lõi (vùng yêu cầu bảo vệ tuyệt đối của vịnh Hạ Long). Theo tìm hiểu của PV, từ 2007, hiện tượng đổ bùn thải trái phép đã bắt đầu nở rộ với việc 5 tàu (có tải trọng trung bình 150 tấn/tàu) đổ trực tiếp bùn thải xuống sông Cửa Lục (tại khu vực cách cầu Bãi Cháy khoảng 300 m).

Bích Ngọc
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131122/bat-qua-tang-2-tau-do-bun-xuong-vinh-ha-long.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét