Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Khiếp sợ “văn hóa khạc nhổ” trên phố

Khiếp sợ “văn hóa khạc nhổ” trên phố
Hành động khạc nhổ như một thói quen xấu của người Việt. Ở đâu hay bất kỳ nơi nào bạn cũng có thể thấy hành vi này.
Thói quen vừa đi đường, vừa khạc nhổ linh tinh đã trở nên 
hành động quen thuộc của người Việt (Ảnh minh họa)
Mưa nước bọt
Nhiều người cho rằng, thói quen khạc nhổ ở nơi công cộng là hành động kém văn hóa của người nhà quê lên thành phố. Nhưng chỉ cần lượn lờ trên phố Hà Nội một ngày, bạn có thể hứng ngay một bãi nước bọt của bất kỳ ai, có thể là của một em học sinh, anh công nhân, chị văn phòng hay một ông chủ sang trọng đang ngồi trong chiếc xe ô tô hạng sang.

Tôi không thể nào thôi ám ảnh hình ảnh “đáng nhớ” cách đây hai tháng. Lần ấy, tôi đứng trước Nhà thờ lớn để chờ bạn quá đón. Đang ngó nghiêng lung tung, tôi bất ngờ hứng trọn một bãi nước bọt của một gã thanh niên bảnh bao, đang cưỡi trên chiếc xe SH. Bực mình, tôi lớn tiếng: “Sao anh vô ý thức quá vậy” nhưng anh ta chỉ cười nhạt rồi phóng xe đi như không có chuyện gì.

Một lần khác, tôi và một số người đang ngồi chờ xe buýt ở đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân – Hà Nội), bỗng từ đâu có một bạn nữ sinh xinh xắn bước tới và khạc nhổ ngay một bãi trước bến đợi. Một số người ngoảnh mặt đi chỗ khác, một số người thì lắc đầu ngao ngán và lẩm bẩm chửi, duy chỉ có một người lớn tiếng: “Con gái con gớm mà vô văn hóa quá!”.

Ở bất cứ nơi nào, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những hình ảnh xấu xí đó. Người đi ô tô, kẻ đi xe máy, xe đạp hay đi bộ đều có thể “phun” ra “thành phẩm” của mình bất cứ lúc nào. Họ coi đó là một nhu cầu tất yếu như ăn, mặc, ở và thản nhiên diễn ra ở mọi lức mọi nơi, không cần để ý đến thái độ, ánh nhìn khó chịu của những người xung quanh.

Một lần đang trên đường đi làm, bỗng có một người đàn ông khá lớn tuổi, phóng xe máy vù vù, bịt khẩu trang kín mít… bỗng dưng ông ta đi chậm lại một chút, kéo khẩu trang và nhổ toẹt một phát khiến người đi bên cạnh hứng trọn cả bãi.

Hay một cậu sinh viên, vừa uống trà đá, vừa nhả thuốc lá, bỗng quay sang phía bên cạnh, khạc nhổ một bãi rõ to khiến mấy cô sinh viên bên cạnh phải vội vàng đứng dậy thanh toán và tá hỏa chạy vào lớp.

Thậm chí, một người đàn ông lịch lãm, đang ngồi trong chiếc ô tô sang trọng, cũng vội vàng kéo cửa, nhổ bay đống nước bọt ra bên ngoài, mặc cho làn gió ngược chiều thổi vào mặt những người đang đi sát bên cạnh.

Nghĩ cũng thấy buồn. Chẳng đâu như ở Việt Nam, những con đường, con phố đều trở thành những bãi rác khổng lồ cho những con người kém văn hóa thỏa thuê khạc nhổ, vứt rác bừa bãi. Và tất nhiên, những con người đó không mảy may nghĩ đến những người đi bên cạnh, đằng sau và coi đó như là một nhu cầu chính đáng của mình.

Bạn Thanh Phương (Đống Đa, Hà Nội) kinh hoàng chia sẻ: ”Đi đường không chỉ cẩn thận tránh va chạm giao thông mà còn phải thường xuyên theo dõi thái độ của người đi trước, đi bên cạnh. Hễ thấy ai chuẩn bị ngoái cổ sang phía mình là tôi phải lách xe ngay sang phía bên kia. Nhiều khi đi vậy cũng thấy nguy hiểm lắm… nhưng thà làm vậy còn hơn phải hứng nước bọt của người khác. Tởm thì đừng hỏi”.

Nhiều người khuyên nhau rằng: “Ra đường nhớ né nước bọt” bởi, hễ ra phố là bắt gặp người này chuẩn bị khạc, người kia sẵn sàng nhổ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lãnh trọn mưa nước bọt từ những “ca” khạc nhổ bất thình lình.

Ra đường có né cũng không tránh được 
nước bọt của người bên cạnh (Ảnh minh họa)

Nhắc nhở cũng bị mắng


“Không phun ra đường thì phun vào đâu? Mày chỉ chỗ cho tao xem nào?” – một người đàn ông đã lớn tiếng nhiếc mắng tôi ngay sau khi tôi nhắc khéo ông ấy nên giữ gìn vệ sinh chung. Và cũng kể từ đó, dù rất khó chịu với những hành vi kém văn hóa nhưng tôi không bao giờ dám nhắc nhở người khác.

Còn cô bạn tôi thì bị một gã thanh niên dọa dẫm vì trót lớn tiếng với anh ta khi bị nhổ nước bọt vào người mình: “Tao thích nhổ đâu là quyền của tao. Mày đi ngu thì mày chịu, còn lắm mồm thì đừng trách đây nặng tay nhé!”

Thiết nghĩ, chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh thì cũng nên hành động sao cho có văn hóa. Hơn nữa, ở đây không chỉ nói riêng về việc giữ gìn vệ sinh chung mà những hành động khạc nhổ như vậy cũng rất nguy hiểm cho cộng đồng.

Nếu như người khạc nhổ bị bệnh truyền nhiễm hay bị bệnh lao thì những người đi bên cạnh rất dễ dàng bị nhiễm bệnh. Vì thế, khi ra đường, mỗi người nên tự ý thức để giữ gìn vệ sinh công cộng, cũng như bảo vệ sức khỏe cho những người khác.

THU PHONG
http://trithuctre.info/tam-su/2220-khiep-so-van-hoa-khac-nho-tren-pho.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét