Năm ngày trên đất Vạn Tượng: Cho em xin… một đứa con
Nhóm chuyên gia của Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp Việt Nam sang giúp nước bạn Lào có 6 người trong đó kỳ cựu là anh Nguyễn Văn Duẩn và Trần Quang Huấn - những người đã bám trụ trên mười năm.Năm 1998, khi chân ướt chân ráo đến tỉnh Savannakhet, Nguyễn Văn Duẩn bị một cơn cảm cúm đánh bẹp, phải nằm lại lều trong khi các đồng nghiệp đi tập huấn hết. Cơn sốt thoái lui, bụng lại réo ùng ục anh lần ra cái quán bán hàng duy nhất của bản.
Chuyên gia Duẩn (người đứng giữa) đang tập huấn cho nông dân Lào
Tiếng chưa biết, nói gì chủ quán cũng cười, ra hiệu gì chủ quán cũng lắc chỉ duy nhất cà phê là gật lia lịa. Vậy là cả ngày không một hạt cơm nào vào bụng, ra quán bốn lần chủ quán gật gật cho bốn cốc cà phê, vừa đói vừa say lử lả, đến tối mịt đồng nghiệp về Duẩn mới được biết đến mùi cơm.Bất đồng ngôn ngữ phát sinh lắm chuyện bi hài. Hồi ấy mỗi chuyên gia Việt Nam được cử đi ba cùng ở một vùng. Lúc đầu anh Duẩn được bố trí ở với một cán bộ người Lào. Ở cùng thì tất phải cùng nổi lửa nhưng hễ bảo đồng nghiệp thái hành nhỏ thì y như rằng anh ta lại thái hành to theo thói quen của người Lào vốn ưa ăn bốc.
Trong những đêm mùa mưa triền miên ở những bản làng hẻo lánh, một manh chiếu nát trải giữa nền chùa, một vị chuyên gia Việt nằm hút thuốc vặt và ngửa cổ lên nhìn mái ngói. Hồi đó, điện đóm nhiều vùng còn không có, giữa tối mịt tối mờ, xa xa lại lập lòe ánh lửa của những nhà người dân Lào. Ở đó, người ta nói, người ta cười nhưng Nguyễn Văn Duẩn không thể hiểu.
Tâm trạng mà sau này anh thú thật là hệt như một con khỉ bị tách ra khỏi rừng già nhốt vào cũi làm trò đùa giữa phố xá. Nhiều lúc thèm tiếng Việt quá đành tự lảm nhảm, tự hát ca. Nhiều đêm, nhiều ngày đơn độc như vậy dễ khiến cho đầu óc người ta căng thẳng như dây đàn. Chuyên gia Trần Quang Huấn đổ bệnh trầm cảm phải trở về Việt Nam điều trị. Hết bệnh, từ biệt đứa con mới sinh còn đỏ hỏn, từ biệt người vợ lam lũ nơi quê nhà, anh lại xách túi tìm đường trở lại Lào.
Rút kinh nghiệm xương máu lần trước, tự mình tách biệt khỏi cộng đồng xung quanh chẳng chóng thì chày bệnh cũ sẽ quay lại, Huấn lao đầu vào học tiếng. Có bận nghe tin anh ốm nằm viện, đoàn phụ nữ bản cắt cử nhau đến bệnh viện thăm hỏi tình hình bệnh tật. Tiếng Lào chưa sõi, đáp lời đáng phải nói: “Mấy hôm nay tôi lúc khỏe lúc yếu” anh lại nói rằng: “Mấy hôm nay tôi lúc cứng, lúc mềm” làm cho các bà người Lào cứ ôm bụng mà lăn ra cười, cười chảy đến chảy nước mắt. Khoảng cách xa lạ bỗng gần gụi tấc gang.
Chuyện học tiếng Lào của anh Duẩn cũng thật kỳ công. Đang trong cảnh nhìn miệng nhau rồi đoán ý, tình cờ một dịp mượn được cuốn Từ điển tiếng Việt - Lào anh mừng hú đem về khư khư như giữ bảo bối. Chỉ vào từng chữ rồi hỏi người đồng nghiệp Lào cách phát âm, anh này cũng sáng dạ tận dụng cơ hội học ngược lại phát âm của tiếng Việt. Vậy là hễ rảnh rang cả hai lại đánh vật với cuốn từ điển.
Một buổi khuya ông Giám đốc Sở Nông nghiệp đến thăm nhóm chuyên gia thấy ồn ào tưởng cãi vã vội chạy bổ đến can ai ngờ gặp cảnh hai người đang học tiếng. Chữ dìu chữ, câu dắt câu, khi đã bập bẹ biết nói được thứ ngôn ngữ mới rồi thì càng ham tranh luận. Học tiếng ban đầu tuy có mỏi mồm nhưng về sau lại nhàn cái tay vì đỡ phải ra hiệu. Học ba tháng anh Duẩn đã có thể tự tin cầm tay xem bói cho khắp lượt cán bộ của Bộ Nông nghiệp Lào. Học ba năm anh Duẩn có thể thao thao bất tuyệt về bất cứ chủ đề gì bằng tiếng Lào mà không hề bí từ, mà hồi lâu người Lào bản xứ vẫn tưởng quê anh gốc ở… Savannakhet.
Thiếu nữ Lào đang bán côn trùng
Cuốn Từ điển Việt-Lào mượn được chỉ có những từ thông dụng mà không có các từ chuyên ngành nông nghiệp. Thế nên sau khi đã “vắt kiệt” vốn từ của nó, Nguyễn Văn Duẩn bỗng nảy ra ý nghĩ sẽ tự làm một cuốn từ điển chuyên ngành nông nghiệp Việt-Lào cho riêng mình. Như con kiến tha lâu mồi về tổ, anh mỗi ngày “tha” về một vài từ mới để tự giải nghĩa bằng tiếng Lào rồi sắp xếp chúng theo thứ tự An - pha - bê. Thấm thoắt trên chục năm ở xứ sở Triệu Voi, cuốn từ điển viết tay của chuyên gia Duẩn dần trở lên đồ sộ với 25.000 từ chủ yếu là từ chuyên ngành nông nghiệp.
Mùa hè, khi các học sinh nghỉ thì lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp được tổ chức ở trường còn hết hè lớp tập huấn thường được tổ chức ở chùa. Lào cũng như Việt hầu như làng nào cũng có chùa nhưng chùa Lào to đẹp và lộng lẫy đúng tinh thần phật giáo tiểu thừa. Chùa là một không gian mở để cộng đồng làng bản hội họp những dịp quan trọng. Tiếng tập huấn của chuyên gia Việt xen lẫn tiếng rì rầm cầu kinh, thấm đẫm hương nhang trầm mặc.
Hồi đoàn chuyên gia xuống huyện Xôn Bu Ly (tỉnh Savannakhet) tập huấn, giữa đường dính lũ. Đã trót hẹn với bà con, không thể bỏ, các anh bọc quần áo, cuốn tài liệu vào trong túi ni lông rồi thuê thuyền đi tiếp. Giữa mênh mông sóng gió, chiếc thuyền cứ căn theo hai hàng thốt nốt trồng ven đường lúc này chỉ còn phất phơ tí lá ngọn nhô khỏi mặt nước. Lại có bận trên đường xuống huyện công tác, chứng kiến cảnh tai nạn thảm khốc, hai người bị thương quằn quại trong vũng máu. Lái xe sợ quá giục đi nhưng anh em Việt Nam cứ nằng nặc phải cứu người trước dù rằng mình xuống đi bộ cũng cam lòng.
Nhờ nghiên cứu kỹ lưỡng mực nước ngập, thời gian ngập hàng năm các chuyên gia Việt đã tìm ra thời điểm gieo cấy chính xác để tránh lũ, đem lại cho dân bản hai vụ lúa ăn chắc. Khi lúa ngoài đồng chín đỏ đuôi cũng là lúc huyện tổ chức buổi lễ buộc chỉ cổ tay cho các chuyên gia Việt do đích thân ông chủ tịch huyện chủ trì. Nguyễn Văn Duẩn lúc ấy được già làng trìu mến đặt cho cái tên Lào là Sỉ Sa Vẳn Kẹo Bun Phàn tức Thiên Tài.
Cảnh bán cá ở một chợ quê
Ông trưởng bản còn kéo tay một cô gái rất xinh lại chỗ Duẩn bảo rằng: “Chuyên gia Việt Nam này thông minh lắm! Nó có vợ rồi, không lấy được vợ nữa nên có gì mày hãy xin nó một đứa con”. Nghe đến đoạn xin con, thốt nhiên lưng áo của Sỉ Sa Vẳn bỗng ướt đầm. Người con gái Lào đó hồi nhỏ từng được bộ đội tình nguyện Việt Nam cứu sống sau cú ngã hiểm từ trên nhà sàn nên sẵn mối cảm tình.
Mô hình nghiệm thu xong, thu xếp hành lý lên đường, Nguyễn Văn Duẩn để lại một đôi mắt thẳm buồn mênh mang như nước hồ ở Savannakhet. Đôi mắt của cô gái Lào xinh đẹp.
(NNVN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét