Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Lào chuẩn bị gia nhập WTO


Lào
Các nhà đầu tư Trung Quốc đang ồ ạt tiến vào Lào

BBC: Sau nhiều năm chuẩn bị, Lào đang sắp sửa làm thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một cột mốc quan trọng yêu cầu rất nhiều những cải cách mà chính quyền cộng sản nước này phải thực hiện.
Đã 15 năm kể từ khi Lào đăng ký gia nhập WTO, tuy nhiên chỉ đến tuần trước, cuộc đàm thoại về tư cách thành viên với Vientiane mới chính thức đi đến kết luận.
Hãng thông tấn AFP trong bản tin ngày 4/10 cho biết sự gia nhập sẽ được xác nhận bởi tổ chức này vào ngày 26 tháng Mười, trước khi được thông qua bởi Nghị viện Lào vào cuối năm nay.
Bộ trưởng Công thương Lào, ông Viyaketh phát biểu trong một bài đăng trên trang web của WTO tuần trước rằng quá trình hội nhập "dài và rườm rà".
Tuy nhiên ông cũng nói thêm rằng quá trình này đã "cho chúng tôi nền móng cơ bản để đạt được mục tiêu" ra khỏi nhóm những nước kém phát triển nhất trước năm 2020.

Lào, một trong những quốc gia nghèo nhất khu vực, và cũng là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á chưa gia nhập WTO đã chứng kiến tăng trưởng kinh tế thường niên hơn 7% trong vòng một thập kỷ qua.
Tuy nhiên khoảng 28% dân số vẫn sống trong đói nghèo, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2008.
Có thực sự thay đổi?
"Nếu như những chính sách và điều lệ mới được áp dụng và thực hiện một cách nghiêm túc, và tôi không nghi ngờ một phút nào về điều này, thì đây sẽ là một nền kinh tế thị trường"
Nicolas Imboden, giám đốc điều hành Ideas Centre
Ngân hàng Thế giới cho rằng hiện tại, Lào đang đi theo đúng hướng để đạt được mục tiêu năm 2020.
Giới phân tích cho rằng việc gia nhập khối WTO sẽ giúp nước này tăng cường các hoạt động cũng như đối tác thương mại và đem lại nguồn đầu tư mới.
Một chuyên gia ngoại giao bình luận:"WTO đã bắt buộc lãnh đạo của quốc gia này bãi bỏ hệ thống luật lệ đã lỗi thời và thiếu tính bao hàm."
Kể từ khi đàm phán bắt đầu từ một cách chính thức vào năm 2004, Lào đã có nhiều chính sách mới để đáp lại yêu cầu của WTO trong nhiều lĩnh vực như đầu tư, an toàn thực phẩm, sức khỏe động vật, thủ tục xuất nhập khẩu và quyền sở hữu tài sản. AFP nhận định đây là động thái hiếm thấy tại một quốc gia cộng sản.
"Chính phủ Lào đã có nhiều bước tiến trong việc tự do giải phóng nền kinh tế," ông Carr Slayton, làm việc tại Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ-ASEAN bình luận.
"Tư cách thành viên WTO là một bước đi quan trọng trong nỗ lực của Lào nhằm trở thành một môi trường thuận lợi để đầu tư," ông nói.
Tuy nhiên AFP cũng bình luận việc những chính sách mới sẽ được thực hiện tốt đến thế nào là điều cần phải xem xét tại một đất nước lãnh đạo bởi chỉ một đảng cộng sản kể từ năm 1975.
Ảnh hưởng của đối thoại hội nhập WTO lên nền kinh tế là "rất hạn chế, phần lớn bởi vì chính phủ nước này đang tỏ ra dùng dằng trong việc bãi bỏ sự vấn nạn quan liêu cồng kềnh và lan rộng," Arvind Ramakrishnan, một chuyên gia tại hãng phân tích rủi ro Maplecroft.
Ông Nicolas Imboden, giám đốc điều hành tại Ideas Centre, một tổ chức phi lợi nhuận của Thụy Sỹ đã đóng vai trò cố vấn cho chính phủ Lào trong quá trình đàm thoại lại có ý kiến trái chiều:
"Nếu như những chính sách và điều lệ mới được áp dụng và thực hiện một cách nghiêm túc, và tôi không nghi ngờ một phút nào về điều này, thì đây sẽ là một nền kinh tế thị trường," ông Imboden nói.
Triển vọng đi lên
Lào
Lào vẫn đang hứng chịu sự thiếu thốn cơ sở hạ tầng và một ngành công nghiệp đa dạng.
Đất nước Đông Nam Á với sáu triệu dân, vốn phần lớn đều dựa vào nghề nông, vẫn đang hứng chịu sự thiếu thốn cơ sở hạ tầng và một ngành công nghiệp đa dạng.
Hiện tại chỉ có hai công ty có tên trên sàn chứng khoán mới được thành lập năm ngoái của nước này.
Đầu tư nước ngoài tại đây đã tăng từ 300 triệu đôla trong năm 2005 lên 1,5 tỷ đôla trong năm 2011, theo số liệu của Ngân hàng thế giới. Tuy nhiên 80% số tiền này đầu tư vào thủy năng và các dự án đào mỏ.
Không có gì là bất ngờ khi Lào đang hy vọng rằng tư cách thành viên WTO sẽ mang lại nhiều vốn từ nước ngoài cho các ngành mới hơn.
Sự đa dạng về địa lý cũng khá quan trọng khi nước này đang tìm cách giảm lệ thuộc kinh tế với những người láng giềng mạnh hơn như Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam, đồng thời quy tắc của WTO cũng sẽ giúp Lào tự bảo vệ mình trước những tranh chấp về thương mại.
"Lào đang tìm cách kiềm chế sự tràn vào ồ ạt của các nhà đầu tư Trung Quốc trước quan ngại về chủ quyền lãnh thổ nước này," một chuyên gia ngoại giao nói.
Một lợi ích nữa khi gia nhập WTO đó là thế giới bên ngoài có thể bắt đầu nhìn thấy một hình ảnh khác của Lào.
"Có nhiều lĩnh vực mà Lào đang phát triển rất nhanh," ông Steve Parker, người điều hành một dự án được cấp vốn bởi USAID để giúp Lào áp dụng điều lệ mới bình luận.


Lào trước thềm WTO
Bộ trưởng Công Nghiệp và Thương Mại Lào, Nam Viyaketh (giữa) đàm phán cho việc gia nhập WTO.
Bộ trưởng Công Nghiệp và Thương Mại Lào, Nam Viyaketh (giữa) đàm phán cho việc gia nhập WTO.
@Flickr / U.S. Mission Photo by Eric Bridiers
Mai Vân
Hãng tin Pháp AFP hôm nay cho biết vào ngày 26/10/2012, Tổ chức Thương mại Thế giới trong cuộc họp của ban chấp hành sẽ xác nhận việc kết nạp Lào vào Tổ chức, trước khi Quốc hội Lào phê chuẩn vào cuối năm. AFP nhắc lại là Lào đã hoàn tất các cuộc thương lượng cuối cùng vào tuần qua.
 http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121004-lao-dung-truoc-nguong-cua-omc

Sau 15 năm đệ đơn xin vào Tổ chức Thương mại Thế giới, Lào sắp đạt mục tiêu với những cải tổ được đánh giá là ngoạn mục và mức tăng trưởng hơn 7% từ 10 năm nay. Theo Ngân hàng Thế giới, Lào có thể giữ nhịp độ tăng trưởng khả quan này cho đến 2015.
Theo giới chuyên gia, sau khi vào được WTO, trao đổi thương mại và đối tác của Lào sẽ tăng lên, và điều mà họ chờ xem nhất là đầu tư nước ngoài đổ vào đây ra sao.
Một nhà quan sát nhắc lại là Tổ chức Thương mại Thế giới đã buộc chính phủ các nước xem xét lại khung pháp lý cũ kỹ, khó hiểu, và phải đưa ra nhiều bảo đảm hơn nữa cho các nhà đầu tư. Đối với Lào, từ khi bắt đầu các cuộc thương lượng vào năm 2004, nước này đã thông qua hàng chục bộ luật và các quy định về đầu tư, xuất nhập khẩu, quyền sở hữu trí tuệ. Đây là điều rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên vấn đề thực hiện các quy định đã được thông qua còn rất yếu. Trong một bản báo cáo gần đây Ngân hàng Thế giới đánh giá : “Vẫn còn nhiều khoảng cách giữa văn bản và hành động”.
Hạ tầng cơ sở, công nghiệp Lào còn rất yếu. Và nếu như theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, đầu tư nước ngoài đã tăng gắp 5 trong mấy năm qua - từ 300 triệu năm 2005, lên 1,5 tỷ năm 2011 - số tiền này lại tập trung vào thủy điện và ngành quặng mỏ.
Giới chuyên gia hy vọng là sau khi Lào vào được WTO, nguồn đầu tư có thể được đa dạng hóa, tập trung vào các ngành mới như công nghiệp chế biến, dịch vụ…
Theo giới quan sát, sự đa dạng hoá này có thể giúp Lào trên mặt điạ lý chính trị, bớt lệ thuộc và có thể chống chỏi với các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Lào có thể dựa vào WTO để bảo vệ quyền lợi của mình.
Theo một chuyên gia được AFP trích dẫn, sự hiện diện của Trung Quốc khắp nước Lào đang gây lo ngại là Lào bị mất cả chủ quyền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét