Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

(3) Mường Lát - Quan Sơn: Chuyện từ Pù Nhi

Mường Lát - Quan Sơn
Chuyện từ Pù Nhi

“Bạn chơi ngày trước nào đâu tá?
Trăng nước như xưa chín với mười!”
Rời bản Đoàn Kết, rời cái đập thủy điện con con tít dưới thung sâu tôi về lại Mường Lát. Khi ấy sương mờ đã giăng trên những ngọn luồng. Trời đông u tịch hiu hắt! Tối về sương đêm ướt mèm vai áo, ngó lên trăng biên tái bạc phếch!
Mấy người bạn mới quen rủ tôi làm cuộc nhậu, đồ nhắm có thịt lợn rừng, rượu cất từ bản lại thêm một đĩa rau xanh.
Gạt mối tương tư cùng nâng ly rượu đầy tràn.
Đó là tình biên tái vậy!
Nhà trong bản Pù Nhi
Nhân cuộc rượu có hỏi anh Lầu A Pó (người H’mông nhà ở Pù Nhi được bà con kính trọng gọi bằng già làng) về những khúc ca, truyền kỳ của người H’mông. Rượu khật khưỡng, mở laptop ra tốc ký.
Vốn dĩ Hán Sử chép rằng: Cách đây lối tám ngàn năm, trên vùng trung lưu sông Hoàng Hà có mấy bộ tộc sinh sống là người Hoa, người Hạ (là 2 bộ tộc tiền thân của Hán tộc) và người Cửu Lê (tiền thân của Miêu tộc).
Thủ lĩnh của người Cửu Lê là Suy Vưu, tính tình hung tợn, thích gây chiến tranh, thường cướp bóc tộc người Hoa của Viêm Đế. Viêm Đế đánh không lại liên minh với người Hoàng Đế (thủ lĩnh tộc người Hạ) đả bại người H’mông ở trận chiến Trác Lộc.
Suy Vưu tử trận 9 người con tứ tán và đó cũng bắt đầu cho bước đường phiêu bạt của người H’mông.
Nhưng chuyện từ người Pù Nhi lại khác:
Tổ tiên người H’mông ở tận miền trắng như muối, quanh năm giá lạnh. Một hôm có con chó đi lạc rất lâu mới về, trên lưng nó có quả dính quả kẹ, tổ tông người H’mông mới theo dấu chân của nó mà xuống miền trung lưu Hoàng Hà trồng ngô sinh sống.
Khi đó người H’mông có ba ngàn người, thủ lãnh là Mùa Suy Vưu. Họ cùng người Hán vỡ đất, hai tộc ở gần nhau, người Hán thấy người Mông chọc lỗ lấp hạt ngô vào mới gọi bằng Miêu (Chữ Miêu phát âm gần như tiếng mèo kêu, chủ ý chỉ người H’mông gieo ngô như con mèo dấu phẩm của mình vậy)
Cái mốc phân đất giới giữa hai tộc chỉ là những cột nhỏ, người H’mông đánh dấu bằng ngô khô.
Không ngờ người Hán đốt bỏ, lấn đất, thế là chiến tranh nổ ra. Người Mông thua chạy lên núi cao. Nhưng họa vẫn đến, một chiếc dày rớt xuống, người Hán biết được, đến đốt núi.
Người H’mông lại chạy, vấp phải sông sâu. Người Hán mật phục giết bỏ đi những đàn ông tuấn tú, từ đó người H’mông không còn cái chữ, nó bị nuốt vào bụng mất rồi!
Những người con trai còn lại hóa trang làm phụ nữ để trốn đi.
Đến giờ tục lệ người H’mông vẫn còn khắc ghi: Khi chết để hồn về nơi đất tổ, người đàn ông H’mông vẫn phải mặc váy phụ nữ, phàm là hành trang mang theo đều phải làm cho nó hư hỏng phòng khi qua lại bến nước Trường Giang, Hoàng Hà người Hán cướp mất.
Họ kinh sợ người Hán, vẫn đe con trẻ rằng: Người Hán đến rồi chạy đi.
Lưu lạc tám ngàn năm, sống trên chòi vọi mù sương! Hỏi có dân tộc nào tha phương hơn người H’mông?
Trăm năm trước họ đến với đất Pù Nhi. Đến giờ có cụ già của bản còn kể lại khi vào rừng sâu đã thấy mộ đá của người đi trước rồi (người H’mông lấy đá xếp lại làm mộ).
Quá khứ phủ mờ lên lịch sử, những câu chuyện trở nên huyền hồ hư ảo.
Than ôi chân lý thuộc về kẻ mạnh, lẽ đúng sai ngàn năm chưa dứt hồ nghi!
Giờ yên bình, tôi rời Pù Nhi mà câu hát: “Cho gầu ứ ư pa, ư tro mua tro, súa nọ, súa chứ tê tế dzon rúa, trù mù, trù ctre chúa nê ư cho mù trò súa nọ, súa chứ. Tề tế dzâu kỳ, trù mù, trù ky gzi!”1
Còn ám ảnh!!
Tôi yêu những cung đường xuyên núi
Và những sáng lấm lem tới trường
Người lớn cất nhà cho câu hát bay xa
hãnh diện khoe tấm thổ cẩm vừa dệt
Pù Nhi tên một bản Mông gộc tại Mường Lát, cách thị trấn hềnh như 20 ky lô mếch! 
Câu hát đó nghĩa là: Đưa cái ô này để che chở cho đôi vợ chồng càng đi càng hạnh phúc, trăm năm hạnh phúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét