Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

CHIẾC VÍ CỦA ÔNG CHỦ TỊCH TỈNH


CHIẾC VÍ CỦA ÔNG CHỦ TỊCH TỈNH

                                                                                    Phạm Xuân Cần
Tại Hội nghị triển khai công tác vận động ủng hộ người nghèo xã nghèo ở vùng miền tây, do ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức ngày 26/4/2012 vừa qua, đại biểu Hội Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh đã kể một câu chuyện cảm động. Ông nói rằng thường tháp tùng Chủ tịch UBND tỉnh đi tặng quà, hoặc cứu trợ cho người nghèo, ông chứng kiến rất nhiều lần ông Hồ Đức Phớc đã không kìm nổi xúc động và đã rút ví của mình ra lấy tiền cho thêm người nghèo. Thậm chí có lần vì cho nhiều người nên ví hết tiền, ông Chủ tịch phải vay cả tiền lái xe để cho. 



Có người nói thực chất Nghệ An là một tỉnh miền núi có đồng bằng. Điều này là có lý, khi mười một huyện thị miền núi ở miền tây Nghệ An chiếm tới 83,36% diện tích và 38,4% dân số toàn tỉnh. Người ta cũng nói rằng Nghệ An chỉ có thể thoát nghèo, vươn lên giàu có chừng nào khai thác và phát huy được nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú của miền tây. Điều đó càng đúng. Thế nhưng, trong khi đang loay hoay tìm kế sách để biến miền tây thành đầu tàu cho sự phát triển, thì hiện nay miền tây vẫn đang chính là toa tàu rất nặng nề mà con tàu yếu Nghệ An phải nai lưng, ì ạch kéo. Mặc dù có giảm, nhưng đến năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo của miền tây vẫn đang là 31,35%. Riêng những huyện vùng núi cao tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao ngất ngưởng: Kỳ Sơn 72,5%; Tương Dương 65,21%; Quế Phong 50,53%.
Có hàng chục xã tỷ lệ nghèo gần như tuyệt đối trên 80% trỏ lên. Không thể phủ nhận sự lao tâm khổ tứ của lãnh đạo tỉnh và các cấp các ngành dành cho miền tây. Những chủ trương chính sách đầu tư cho miền tây đã và đang phát huy tác dụng. Những tuyến đường mới, những công trình thủy điện, thủy lợi, điện lưới, hay những vùng nguyên liệu bạt ngàn, những dự án bò sữa, mía đường, khai khoáng, xi măng… đang làm cho bộ mặt miền tây khởi sắc. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, tỉnh cũng đã hết lòng hết sức tổ chức các hoạt động, huy động các nguồn lực để giúp đỡ người nghèo ở miền tây. Không chỉ vận động, tổ chức cho các đơn vị, cơ quan trực tiếp hỗ trợ 86 xã nghèo ở miền tây, tỉnh còn vận động được các tập đoàn, doanh nghiệp và những tấm lòng hảo tâm trong và ngoài tỉnh chung tay trợ giúp dân nghèo. Theo đó đời sống người dân cũng đỡ tăm tối hơn. Nghèo vẫn còn nhiều, nhưng đói chắc là không còn mấy. Hình ảnh những túp lều rách nát cũng dần trở nên hiếm hoi hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ có thể thấy và đo đếm được rất rõ đó, có một thứ hình như đang diễn biến theo chiều ngược lại. Ấy là sự ỷ lại của không ít người dân. Tại hội nghị nói trên bà Cụt Thị Nguyệt, phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn nói một điều không mới: bà con đang phấn đấu để trở thành hộ nghèo! Ông giám đốc Sở Xây dựng đề nghị nói lại cho chính xác hơn: bà con muốn được công nhận hộ nghèo để được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước, chứ không phải muốn nghèo. Cách nói nào đúng hơn thiết tưởng cũng không quan trọng, khi có một sự thật là người dân hầu như ngày càng lười lao động hơn. Ai đã đi miền núi dù chỉ một lần cũng sẽ thấy những hình ảnh quen thuộc: quanh chân cầu thang nhà sàn là tụm năm tụm ba những người đàn ông, đàn bà và trẻ con ngồi ngóng ra, trễ nải và vô vọng. Bữa ăn đãi khách có thể có thịt, nhưng rau thì tuyệt nhiên không, trong lúc đất quanh nhà thì hầu hết là bỏ hoang. Nhiều lãnh đạo huyện cho biết ngay cả gạo cứu trợ, nếu huyện không đưa vào xã thì xã cũng không lên nhận. Biết bao nhiêu dự án hỗ trợ sản xuất, nhưng kết thúc dự án, hết tiền nhà nước hỗ trợ là thôi, dân không trồng thêm, không nuôi thêm gì nữa. Mấy năm trước cứ tưởng trồng pic niệng, đậu thiều làm cây chủ để thả cánh kiến sẽ là con đường thoát nghèo cho nhiều người dân ở Kỳ Sơn, Quế Phong. Thậm chí tỉnh đã đặt mục tiêu trồng đến bảy ngàn héc ta cây chủ thả cánh kiến. Nhiều dự án khoa học, khuyến nông, xóa đói giảm nghèo… đã đầu tư cho chương trình này. Bây giờ xem lại còn bao nhiêu héc ta cây chủ nuôi thả cánh kiến? Có lẽ cũng chỉ còn khoảng một vài phần nghìn cái chỉ tiêu đầy tham vọng đó.
Không ai phủ nhận sản xuất, kinh doanh ở miền núi là rất khó khăn. Nhưng cũng không ai phủ nhận một thực tế khác: người lười lao động ở miền núi chiếm tỷ lệ cao hơn ở miền xuôi. Mà, hình như thực tế này mới xuất hiện và định hình trong khoảng vài chục năm trở lại đây thôi. Căn bệnh lười nhác và ỷ lại này hầu như tăng tỷ lệ thuận với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước.
Có ai đó đã nói rằng: người ta chỉ có thể làm được cái gì đã có trong đầu thôi. Trong đầu người dân miền tây liệu có bao nhiêu phần trăm có chữ “giàu”? Hay đại đa số vẫn là chữ “phấn đấu trở thành hộ nghèo”, như bà Cụt Thị Nguyệt nói?
Vậy nên, chừng nào người dân chưa có tâm thế và ý chí thoát nghèo, chừng nào chính sách vẫn dung dưỡng sự lười biếng và ỷ lại, thì cái nghèo của miền tây Nghệ An vẫn có nguy cơ là cái nghèo…bền vững!
Và, khi đó sẽ lại có nhiều ông chủ tịch phải tiếp tục rút ví!

8 nhận xét:

  1. Tôi có nghe chuyện chủ tịch tỉnh hay cho người nghèo tiền cá nhân của ông, điều đó tốt, nhưng chưa hẳn đã hay! Gía như lãnh đạo tỉnh có tầm chiến lược trang bị kiến thức câu cá, và sắm cho mỗi người nghèo một chiếc cần câu thì vẫn hay hơn việc cho một con cá, ăn hết là thôi...
    Không phải mỗi Kỳ Sơn phấn đấu trở thành huyện nghèo đâu, mà đa số trong toàn tỉnh đều có tư tưởng "phấn đấu" như bà Cù Thị Nguyệt vốn là người dân tộc Khơ Mú.
    Trả lời
  2. Theo tôi, dân miền núi bản chất sống nhờ trời nhiều hơn là dựa vào sự cải tiến, xuất phát là hái lượm. Chính vì vậy nói như bác Cần dân miền núi lười lao động quả không sai, viết như vậy là không sai, nhưng nếu tôi là lãnh đạo tỉnh đọc phải bài này chắc là phải mếu thôi?
    Trả lời
  3. Thực trạng dân miền núi ỷ lại chính sách hỗ trợ không riêng gì ở Nghệ An. Đây là hậu quả của chính sách: không giải quyết phần gốc mà chỉ lo phần ngọn, không lo chính sách giảm nghèo mà chỉ tập tring cứu đói!
    Trả lời
  4. Hỗ trợ theo kiểu cấp tiên á ? Hỏng nặng...
    Cho cần câu, đừng cho con cá.
    Trả lời
  5. Một kiểu PR cá nhân. Không cần phải làm như vậy, chỉ cần đưa ra những chỉ đạo đi theo nguyện vọng của nhân dân là đủ.
    Trả lời

    Trả lời

    1. Tôi nghĩ ông CT không cố tình PR đâu. Đó là những giây phút sống thật. Tuy nhiên tôi đồng tình với bạn, cái quan trong hơn là chính sách và giải pháp.
  6. Thực ra, lãnh đạo tỉnh cho tiền cá nhân là theo tư tưởng trách nhiệm "nhiệm kỳ", còn cho "cần câu", kiến thức "câu cá" phải có tầm nhìn hàng chục năm sau mới may ra...dại chi đi lo cho "nhiệm kỳ" sau ko phải là mình nữa? Hi hi...
    Trả lời
  7. Ông Cần nói đúng thực trạng lối sống, tính cách người miền núi. Chẳng riêng xứ Nghệ quê ông đâu, tôi sang tận Lào dạy ở một trường đại học, sinh viên ở tập trung, cách TP 30 km, 500 SV mà trường rộng 60 ha, cỏ mọc ngập đầu mà rau ăn vẫn về cho Viêng Chăn để mua. Cái chính là ông cán bộ đừng rút tiền cho mà phát động dân bản mỗi nhà làm một vườn rau xanh.
    Trả lời

1 nhận xét:

  1. Không riêng gì người dân tộc thiểu số, dân tộc đa số(dân tộc Kinh)ở miền Tây Nghệ An rất thích của cho không và họ đợi để được cho không. Họ mong nhất là cái đang cần và đúng lúc - Không phải cần câu, chẳng phải cá mà chính là cách câu cá.
    gt135

    Trả lờiXóa