Muốn thúc đẩy du lịch, làm ăn, muốn phục hồi kinh tế thì tất cả các địa phương phải mở cùng mở. Không thể địa phương này mở, địa phương khác vẫn cứ đóng, dù dịch và hiểu biết về dịch, phương thức chống dịch đã không còn như trước... Muốn làm được điều trên, việc quan trọng nhất là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phải chủ động đi đầu, dám thực sự sống chung với virus (không sợ F0), chứ không phải chỉ sống chung bằng mồm chứ không dám sống chung thật sự như hiện nay; từ đó ra lệnh các địa phương phải đồng loạt thực hiện các chính sách chung, thống nhất, công khai... trên cả nước. Tiếc rằng chưa chắc ông Thủ tướng Chính phủ hiện nay dám và có đủ trình độ để làm tốt việc này. Tôi rất mê du lịch, tuổi cũng đã cao nên càng muốn đi nhiều, nhưng cách quản lý xã hội quá lộn xộn hiện nay không cho phép tôi thực hiện mong ước này.
Muốn thúc đẩy du lịch, làm ăn: phải mở cùng mở
Đoàn Khắc Xuyên 14/11/2021 Kinh tế Sài Gòn Online (KTSG) – Du lịch là đi lại, dịch chuyển từ nơi này đến nơi khác để khám phá cái mới, những điều chưa biết, hoặc để tìm lại, sống lại những trải nghiệm đã qua ở một nơi chốn nào đó. Không có dịch chuyển thì không có du lịch (trừ du lịch ảo trên mạng). Khách muốn đi du lịch không thể đi, thiệt thòi đã đành; người cung cấp dịch vụ, bán sản phẩm du lịch ở nơi đến cũng thiệt thòi, thậm chí còn nhiều hơn.Sau nhiều tháng bị cách ly, phong tỏa vì dịch, cả khách muốn đi du lịch lẫn chủ cơ sở du lịch nơi đến và các nhà tổ chức tour đều muốn khởi động lại, thúc đẩy nhanh sự phục hồi du lịch để có nguồn thu và để cuộc sống trở lại bình thường, dù là “bình thường mới”.
Làm ăn cũng vậy. Hàng hóa phải lưu thông, phải đi từ nơi sản xuất đến thị trường, đến tay người tiêu dùng thì thị trường mới tồn tại, phát triển và quay trở lại thúc đẩy sản xuất. Làm ăn mà người không đi lại được, hàng hóa không lưu thông được, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, logistics không thông suốt thì làm sao làm ăn, làm sao phục hồi sản xuất?
Vậy nhưng có tình trạng trớ trêu là người đi thì gặp vô số trở ngại trên đường, đến điểm du lịch thì không thể ngủ lại qua đêm vì không khách sạn, nhà nghỉ nào dám tiếp do những quy định chống dịch ngặt nghèo của địa phương; nơi dám tiếp thì khách phải cách ly tại nơi lưu trú hoặc nơi cách ly tập trung cả tuần hoặc nửa tháng. Thế thì còn thời gian, còn hào hứng nào để đi du lịch? Trong khi đó thì doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh ở điểm đến qua mấy tháng ngắc ngoải nay có cơ hội cũng không thể nắm lấy.
“Khách hỏi đã đi du lịch được chưa, chúng tôi không biết trả lời ra sao”. Đây là một trong những vấn đề mà công ty du lịch nêu lên tại hội nghị “Liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và tỉnh Bến Tre trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19”, tổ chức tại tỉnh Bến Tre ngày 30-10. “Do mỗi địa phương có một kế hoạch phòng chống dịch khác nhau và kiểm soát người ra vào tỉnh cũng khác nên chúng tôi rất khó nắm bắt. Chúng tôi cũng không có thông tin về việc đi lại giữa các tỉnh, khi khách gọi điện tới công ty để hỏi về tour đi các tỉnh miền Tây thì chúng tôi không biết phải trả lời họ như thế nào”, giám đốc một công ty du lịch tại TPHCM than.
“Chúng tôi đang mong chờ từng ngày các địa phương mở cửa để đón du khách. Tuy nhiên, hiện nay có một số tỉnh khi chúng tôi đến công tác vẫn bắt phải lưu trú trong khách sạn bảy ngày rồi mới tiếp tục cho đi. Như vậy rất khó để tổ chức cho khách tham quan du lịch”, tổng giám đốc một công ty du lịch khác nói.
Và, liệu có ai còn hứng thú đi du lịch, đem tiền đến tiêu ở địa phương khác, giúp người dân ở đó có thêm thu nhập khi đọc được ngôn ngữ, giọng điệu đầy đe dọa thế này trong bản tin của ban chỉ đạo phòng chống dịch ở một địa phương: “Tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân phát hiện, tố giác với chính quyền, các cơ quan chức năng những người từ vùng dịch về địa phương không khai báo y tế và cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định…”. Mà đó là những chỉ đạo sau khi Chính phủ đã ban hành từ ba tuần trước đó Nghị quyết 128 về sống chung an toàn, linh hoạt với Covid-19 và Bộ Y tế đã có hướng dẫn 4800 nhằm thi hành nghị quyết trên.
Những biện pháp đó không chỉ bóp nghẹt, gây khó khăn cho cuộc sống vật chất và cả đời sống tinh thần của người dân mà còn cản trở sự phục hồi của toàn bộ nền kinh tế.
Dịch vẫn phải phòng chống, không thể lơ là, nhưng cần phòng chống dịch bằng tư duy mới, bằng chiến lược mới về Covid-19 và công thức mới mà bộ Y tế đã đúc kết. Nói như Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang: “Nếu sợ F0 thì công tác phòng chống dịch là con số 0”, hoặc như Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: “Không sợ Covid là cách sống mới, chúng ta cần thay đổi”.
Muốn thúc đẩy du lịch, làm ăn, muốn phục hồi kinh tế thì phải mở cùng mở. Không thể địa phương này mở, địa phương khác vẫn cứ đóng, dù dịch và hiểu biết về dịch, phương thức chống dịch đã không còn như trước.
https://thesaigontimes.vn/muon-thuc-day-du-lich-lam-an-phai-mo-cung-mo/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét