Một vòng Hồ Tây
Khi trong lòng không yên hay đầu óc căng thẳng, những người hiểu biết ở Hà Nội thường ra Hồ Tây. Nước, gió, mây trời, hương thơm, tiếng cá quẫy, tiếng mõ, tiếng tụng kinh đâu đó vọng ra, lan tỏa trong không gian, làm dịu êm lòng người. Nếu không vội, “làm” một vòng Hồ Tây, sẽ thấy nhiều điều hay và bao điều còn trăn trở… Đại đa số du khách chỉ ngắm nhìn Hồ Tây từ đường Thanh Niên, hoặc từ phía khách sạn Thắng Lợi, ít người đi hết 18 km vòng quanh hồ. Ấy vậy mà có một thanh niên mang hai dòng máu Nga – Việt đã nhiều lần đi bộ quanh hồ. Hỏi: “Cậu tìm thấy cái gì hấp dẫn ở đó?”. Chàng trai cười bí ẩn rồi nói: “Không diễn tả bằng lời được, phải tự đi mà cảm nhận thôi!”. Vậy thì đi…
Hồ Tây – Báu vật từ ngàn xưa truyền lại
Ngày bé, bao nhiêu người đã được bà, được mẹ ru:
“Gió đưa cành trúc là đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”.
Những hình ảnh ấy in sâu trong tâm trí chúng ta, dù chúng ta sinh ra ở bất cứ nơi nào trên đất Việt. Ngày nay, người Hà Nội cũng như du khách của Thủ đô xem Hồ Tây là báu vật của mình. Người ta đến Hồ Tây để nghỉ ngơi, để nhìn ngắm, để suy tưởng…Hồ Tây là hồ lớn nhất ở Hà Nội, có nhiều tên gọi khác nhau: bến Lâm Ấp, bến Nước, đầm Xác Cáo, hồ Lãng Bạc, hồ Kim Ngưu, hồ Dâm Đàm, Đoài Hồ. Mỗi một tên gọi đều liên quan đến những truyền thuyết, những huyền thoại. Ví dụ, “đầm Xác Cáo” liên quan đến lai lịch Hồ Tây là hang con cáo chín đuôi phá hại dân lành, bị Long Quân dâng nước lên công phá. Còn tên “Kim Ngưu” xuất phát từ truyền thuyết về thiền sư Khổng Minh Không sang Tàu chữa bệnh cho vua Tàu. Khi công việc hoàn thành, vua muốn trả ơn. Nhà sư chỉ xin một ít đồng đen cho vào tay nải.
Vua Tàu đồng ý cho thiền sư tự ý vào kho lấy đồng. Thiền sư đã lấy tất cả đồng đen trong kho bỏ vào tay nải và thả nón tu lờ làm thuyền, bơi về nước Nam. Về đến Thăng Long, ông dùng số đồng đó đúc thành một quả chuông. "Đồng đen là mẹ của vàng". Chuông hoàn thành, khi đánh chuông thì Trâu Vàng bên Tàu nghe tiếng mẹ, chạy vùng sang. Đến chỗ Hồ Tây thì tiếng chuông tắt. Trâu không biết đi đâu bèn dẫm đất sụt thành hồ và ẩn luôn dưới đó. Do vậy hồ có tên là hồ Kim Ngưu.
Còn về thực chất, Hồ Tây đầu tiên chỉ là tên chung chỉ hồ ở phía Tây Bắc kinh thành Thăng Long. Gọi mãi trở thành tên riêng là hồ Tây. Ngoài ra, còn có tên khác là hồ Dâm Đàm (đầm mù sương) vì nơi đây thường có sương mù giăng kín.
Sách “Tây Hồ chí” còn ghi, Hồ Tây có từ thời vua Hùng. Lúc ấy, nơi đây là một bến ở cạnh sông Hồng, thuộc động Lâm Ấp, nên gọi là bến Lâm Ấp của thôn Long Đỗ. Tới thời Hai Bà Trưng, bến này thông với sông Hồng. Về khoa học địa lý, Hồ Tây là hồ ngoại sinh, có dạng lòng chảo. Hồ tạo thành chủ yếu là do tác dụng xâm thực của sông Hồng.
Được bao “phủ bằng” các huyền thoại và truyền thuyết, Hồ Tây nay lấp lánh giữa hiện thực Thủ đô Hà Nội, “giang tay” mời gọi những người ở gần, “găm” vào trí nhớ những người đi xa.
Hồ Tây thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội; rộng 550ha, đường vòng quanh bờ hồ dài 18km. Hồ là một trong những thắng cảnh có từ lâu đời của Hà Nội. Các vua chúa lập quanh hồ nhiều cung điện, đền chùa làm nơi thờ cúng, tĩnh dưỡng, học hành, nghỉ ngơi… Nay, Hồ Tây vẫn là nơi hấp dẫn và linh thiêng với 22 di tích được Nhà nước xếp hạng.
Nào, cùng đi vòng quanh…
Đại đa số du khách chỉ ngắm nhìn Hồ Tây từ đường Thanh Niên, hoặc từ phía khách sạn Thắng Lợi, ít người đi hết 18 km vòng quanh hồ. Ấy vậy mà có một thanh niên mang hai dòng máu Nga – Việt đã nhiều lần đi bộ quanh hồ. Hỏi: “Cậu tìm thấy cái gì hấp dẫn ở đó?”. Chàng trai cười bí ẩn rồi nói: “Không diễn tả bằng lời được, phải tự đi mà cảm nhận thôi!”. Vậy thì đi…
Chung quanh hồ còn nhiều làng cổ truyền thống, mang đậm sắc thái văn hóa dân gian. Làng Nghi Tàm, quê hương Bà Huyện Thanh Quan, có chùa Kim Liên với kiến trúc độc đáo. Làng Nhật Tân vẫn gồng mình lên giữ đất – giữ nghề trồng hoa đào nổi tiếng. Làng Xuân Tảo với đền Sóc thờ Thánh Gióng oai hùng. Làng Trích Sài có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh. Làng Kẻ Bưởi có nghề làm giấy cổ truyền, có đền Đồng Cổ là nơi bá quan văn võ hội thề từ thời Lý. Làng Thụy Khuê có chùa Bà Đanh nổi tiếng mà ai nghe đến cũng tủm tỉm cười... Và đặc biệt là đền Quán Thánh ở góc đường Thanh Niên nổi tiếng trong và ngoài nước.
Thật là không thể nào kể hết những địa danh nổi tiếng quanh Hồ Tây. Chỉ biết ở đây vẫn ươm đầy những chứng tích lịch sử và phong tục văn hóa. Mỗi địa danh đều mang trong mình những huyền tích cổ xưa nhưng vẫn hiển hiện qua tên làng, tên đất. Đến đây, đi chậm rãi trong hương cây, hương gió, ta thấy lòng thư thái giữa cái ồn ào của phố xá thời mở cửa.
Kiếm sống bên Hồ Tây
Dẫu Hồ Tây có linh thiêng đến đâu thì vẫn là nơi sinh sống của hàng vạn con người. Người xưa vừa mưu sinh, vừa tôn tạo nên Hồ Tây còn giữ được vẻ đẹp trong dáng vẻ và phong cách. Những nghề kiếm sống của người dân xung quanh Hồ Tây cũng gợi nên bao vẻ đẹp: trồng hoa, làm chè sen, mứt sen, làm giấy dó, dệt vải, nuôi chim cảnh, cá cảnh…
Tuy nhiên, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản trên hồ và chế biến các món ăn có nguồn gốc từ Hồ Tây mới là nghề đặc trưng. Tôm, cá, ốc… Hồ Tây ngon nổi tiếng. Vào những năm tám mươi của thể kỷ trước, mỗi năm Hồ Tây cung cấp từ 1000 – 1500 tấn cá, trong đó có loài cá trắm đen nổi tiếng to, ngon.
Nay nguồn tôm cá hầu như đã cạn kiệt. Những người đi câu cá chủ yếu để giải trí là chính. Tuy nhiên, với một số người, số cá ít ỏi hàng ngày kiếm được lại vẫn là nguồn sống chính. Buông câu bên hồ những ngày này, gió mát, trời trong, thật không gì bằng.
Không ai ngăn cấm những người buông câu bên hồ tìm một chút thư thái giữa cuộc sống bụi bặm. Nhưng mưu sinh thì buộc phải lặn lội, phải chịu cực. Dân câu thường đóng cọc, làm cầu gỗ để đứng cho khỏi ướt. Hoặc vần bê tông xuống hồ, đứng lên trên cho khỏi bị lún bùn. Tuy thế, nhìn họ đứng giữa nắng, với nón lá, với bộ đồ công nhân, quần xắn cao, nước da rám nắng, là đủ thấy cái cực nhọc của người cả ngày phải mưu sinh nhờ sợi dây câu.
Chồng lội ngang người dưới nước, hoặc đứng giữa nắng cả buổi quăng dây, vợ chờ trên bờ để bán cá, đó là cảnh tượng của nhiều cặp vợ chồng sống bên hồ.
Câu quăng thường chỉ được cá mè, cá trôi là chính, bán rẻ, nhưng đó là loại cá dễ câu mà lại rất sẵn ở Hồ Tây. Tuy nhiên, mặt nước Hồ Tây thuộc diện quản lý và khai thác của Công ty nuôi trồng và khai thác thủy sản Tây hồ, nên thủy sản trên hồ được quản lý và việc câu cá hồ bị kiểm soát nghiêm ngặt. Người câu cá thường phải lánh đi mỗi khi có ca nô kiểm soát chạy rẹt qua. Mặc dù vậy, vì cuộc sống khó khăn nên họ vẫn phải lao mình xuống nước, không những để câu cá, mà còn thả lưới để mong kiếm được những mẻ cá lớn bán được giá hơn.
Người ta còn mưu sinh trên Hồ Tây bằng cách trồng sen. Đến mùa sen nở, từng đoàn du khách vẫn lũ lượt về đây “sống” với sen. Họ chụp ảnh, mua hoa, hoặc đơn giản chỉ được chèo xuồng nắm cận cảnh những đóa sen Tây Hồ làm say mê lòng người.
Phải gìn giữ sự trong trẻo của Hồ Tây!
Nhiều người biết tới câu: “Mỹ tục thuần phong, vĩnh chiếu Tây hồ minh kính / Thiện ngôn hảo sự, trường lưu mạt lị danh hương” (Tạm dịch là: “Mỹ tục thuần phong mãi mãi chiếu trên gương nước Hồ Tây/ Lời hay việc tốt lưu truyền dài lâu như hương thơm của hoa nhài”). Người xưa trân trọng sự trong trẻo và ý nghĩa của Hồ Tây, bởi Hồ Tây đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng nên Thăng Long ngàn năm văn hiếm.
Nay Hồ Tây vẫn còn không khí trong lành, thoáng đãng của mây nước, gió cây… Dẫu vậy, nhiều người đến đây, nhìn ngắm xung quanh và tỏ ra lo lắng. Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, cảnh quan Hồ Tây sẽ bị biến dạng. Nên hạn chế xây nhà cao tầng xung quanh Hồ Tây.
Với diện tích mặt nước trên 500 ha, nếu không có sự can thiệp thô bạo của con người, Hồ Tây tự làm sạch nước của mình, bảo đảm không bị ô nhiễm. Nhưng nay đã có quá nhiều nhà hàng, quán xá mọc lên ven hồ nên việc nước hồ bị ô nhiễm là điều rất đáng quan tâm. Trong cuộc sống hiện đại, nhà hàng, khách sạn mọc lên là điều không thể tránh khỏi, nhưng xây như thế nào xung quanh Hồ Tây là điều cần phải suy nghĩ kỹ càng.
Hồ Tây với Thủ đô Hà Nội không chỉ là một cái hồ lớn mà còn là một “bảo tàng văn hóa” ngoài trời. Hơn nữa, nó còn là “lá phổi” của thành phố. Nếu Hồ Tây bị ô nhiễm, Hà Nội sẽ bụi bặm và ngột ngạt hơn rất nhiều.
Thủng thẳng đi hết một vòng Hồ Tây dài gần 18 km, càng khẳng định đây là báu vật của Thủ đô. Vui mừng là quanh hồ đã có đường to, đường đẹp, nhưng vẫn lo là người ta không bảo vệ hồ ở mức cần thiết. Nhưng khi đã hiểu được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Hồ Tây, chẳng nhẽ chúng ta lại không làm được điều này?...
Nguyễn Thu Thủy
http://m.giadinhvatreem.vn/xem-tin_mot-vong-ho-tay_580_1436.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét