Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

Trương Minh Tuấn đã… một chân vào vòng lao lý?

Có thật là Trương Minh Tuấn chỉ đạo “Google gỡ bỏ 6.700 video clip phản động, chống phá Việt Nam”?
Hôm 12-7, Bộ Chính trị đã quyết định kỷ luật cảnh cáo về Đảng, cho thôi chức bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn. Xem ra sự nghiệp chính trị của ông Tuấn bắt đầu khép lại, bất chấp việc dường như ông đã cúc cung tận tụy hết lòng vì sự nghiệp tuyên giáo Đảng. Liệu ông Trương Minh Tuấn có là bộ trưởng đầu tiên xộ khám sau hơn 43 năm thống nhất hai miền Bắc – Nam? Ông Trương Minh Tuấn từng được công luận đồn đoán là cánh tay mặt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ảnh chụp màn hình.
“Tính đến hết tháng 6/2018, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 6.700/7.800 video clip khỏi YouTube, trong đó có gần 300 video clip liên quan đến Forrmosa và các tỉnh miền Trung với nội dung phản động, kích động nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay như vậy tại buổi trực tuyến “Hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và triển khai Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2018” diễn ra sáng ngày 9-7-2018 tại Hà Nội.

Thông tin với đoạn trích như trên được đăng trên báo điện tử Infonet, một cơ quan báo chí trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông [http://bit.ly/2L1dHy5]

Ông Trương Minh Tuấn đã… một chân vào vòng lao lý?

Tuy nhiên trên cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông, thì đưa tin vô cùng dè dặt: “Bộ đã tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, làm việc với Google, Facebook, yêu cầu giải quyết các đề nghị của Bộ TT&TT trong việc ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng xã hội Việt Nam một cách hiệu quả hơn” [http://bit.ly/2m8A3ji].

Nghĩa là không hề có những con số cụ thể với quy kết “Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 6.700/7.800 video clip khỏi YouTube, trong đó có gần 300 video clip liên quan đến Forrmosa và các tỉnh miền Trung với nội dung phản động, kích động nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước”.

Một bất ngờ khác, là trong tất cả các bản tin truyền hình thời sự phát trong ngày 9-7-2018 trên sóng truyền hình Quốc gia VTV còn lưu giữ trên web của VTV, hoàn toàn không có bản tin về “Hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và triển khai Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2018”. 

Trong lúc đó, cũng ngày 9-7, Bộ Công thương cũng có một hội nghị sơ kết tương tự lại được phát, và phát lại trong các bản tin thời sự từ trưa 9-7 đến bản tin cuối cùng trong ngày hôm đó.

Tương tự, bản tin nói trên cũng không có ở báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Pháp Luật TP.

Hậu trường bếp núc làng báo ở Sài Gòn cho biết thật ra bản tin về hội nghị trực tuyến này dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn được các báo thực hiện ngay trưa hôm 9-7, tuy nhiên tất cả đều được tháo xuống khi vào hôm sau đó, Văn phòng Trung ương Đảng phát đi bản tin ngày 10-7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, rằng “Với cương vị bí thư Ban cán sự đảng, bộ trưởng từ tháng 4-2016 đến nay, ông Trương Minh Tuấn chịu trách nhiệm chính về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng nhiệm kỳ 2016-2021”.

Cũng trong ngày 10-7, hai cộng sự của ông Trương Minh Tuấn là ông Lê Nam Trà (theo quyết định khởi tố bị can số 98/C46-P13; lệnh bắt bị can để tạm giam số 34/C46-P13) và ông Phạm Đình Trọng (Quyết định khởi tố bị can số 99/C46-P13; lệnh bắt bị can để tạm giam số 35/C46-P13) đã bị bắt giam.

Không cần đến hai tuần lễ đợi chờ?


Cánh phóng viên theo dõi mảng nội chính dự báo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhiều khả năng sẽ được xướng tên sớm hơn, chứ không phải đợi kỳ họp thứ 28 của Ủy ban kiểm tra Trung ương diễn ra vào cuối tháng 7 này. Liệu ông Trương Minh Tuấn có là bộ trưởng đầu tiên xộ khám sau hơn 43 năm thống nhất hai miền Bắc – Nam?

Trước đó, tại kỳ họp thứ 26 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương diễn ra từ 28 đến 30-5-2018, cơ quan này đã xem xét, kết luận một số nội dung liên quan dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG. Theo đánh giá của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng, ông Trương Minh Tuấn cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng nhiệm kỳ 2011-2016.

Ông Tuấn đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo trong quá trình được phân công chỉ đạo thực hiện Dự án; ký Quyết định số 236/QĐ-BTTTT, ngày 21-12-2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Dự án và một số văn bản có liên quan trái quy định, có văn bản không thuộc nhiệm vụ được phân công. Với cương vị Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng từ tháng 4-2016 đến nay, ông Tuấn chịu trách nhiệm chính về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng nhiệm kỳ 2016-2021.

Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn sinh ngày 23-9-1960 tại Đồng Hới, Quảng Bình. Sự nghiệp chính trị của ông Trương Minh Tuấn bắt đầu từ vị trí Ủy viên BCH Đảng bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, chuyên viên Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, sau đó làm Trưởng phòng Tuyên truyền, báo chí, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình từ tháng 7-1987 đến 9-1998.

Trước khi làm Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, ông Tuấn đã kinh qua các vị trí: Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại thành phố Đà Nẵng; Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Trương Minh Tuấn từng được công luận đồn đoán là cánh tay mặt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trúc Giang
(VNTB)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét