Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

Phạt 5 triệu vì ‘nói xấu’ BT Y tế sai về pháp lý?

Phạt 5 triệu vì ‘nói xấu’ Bộ trưởng Y tế sai về pháp lý?
Một luật sư ở Hà Nội cho rằng việc một bác sĩ ở Thừa Thiên-Huế bị phạt 5 triệu đồng vì “nói xấu” Bộ trưởng Y tế là “không đúng” và “không thỏa đáng” về mặt pháp lý vì mọi công dân có quyền hiến định về việc đóng góp ý kiến cho cán bộ nhà nước. Ngoài ra, “người bị hại” cũng chưa hề có văn bản khiếu nại gửi lên cơ quan chức năng.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Ngày 20/10, dư luận Việt Nam xôn xao về việc Bác sĩ Hoàng Công Truyện, Phó trưởng Khoa Hồi sức Cấp cứu thuộc Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, bị xử phạt 5 triệu đồng vì “Bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người đứng đầu ngành Y tế” là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.

Trước đó vào ngày 14/7, bác sĩ Hoàng Công Truyện có bài viết đăng trên trang Facebook cá nhân “khuyên” Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nên nghỉ. Ông Truyện còn chê bà Bộ trưởng đã không về cơ sở, không hiểu được nỗi khổ của bác sĩ tuyến cơ sở, và yếu kém trong công tác tham mưu vấn đề an ninh ở bệnh viện…

Theo công văn do Chánh văn phòng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Trường gửi Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày 19/7, ngay sau khi nhận thông tin nhanh từ Văn phòng Bộ, Sở này đã “lập đoàn kiểm tra, xác minh tài khoản Facebook ‘hoang cong truyen’ theo yêu cầu và đã “làm việc” với bác sĩ Truyện.

Công văn nói ông Truyện đã “thành khẩn khai báo và thừa nhận tài khoản là của mình” và “rất ăn năn, hối hận về hành vi thiếu ý thức” trên nên đã gỡ bỏ nội dung đã đăng.

Theo đó, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Phong Điền phải “thành lập Hội đồng kỷ luật, tổ chức họp kiểm điểm, xử lý” bác sĩ Hoàng Công Truyện.

Ngoài quyết định kỷ luật trên, Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng ra quyết định xử phạt hành chính 5 triệu đồng đối với ông Truyện, theo Nghị định 174/2013 của Chính phủ nghiêm cấm “đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”.

Tuy nhiên, Luật sư Trần Thu Nam từ Hà Nội nói với VOA rằng việc áp dụng Nghị định trên để xử phạt là “không đúng” và “không thỏa đáng” vì hai lý do.

Thứ nhất, “người bị hại” chưa hề có văn bản nào gửi lên cơ quan chức năng khiếu nại về việc bị facebook hoang cong truyen “bôi nhọ” hay “xúc phạm danh dự”.

LS. Nam nói: “Nó chưa đúng bởi vì người cho rằng bị xâm hại là bà Bộ trưởng Y tế không có văn bản cụ thể mà chính bản thân bà yêu cầu như là một người bị hại trong vụ xử”.

Thứ hai, theo LS. Nam, mọi công dân đều có quyền hiến định trong việc có ý kiến, góp ý về tất cả các vấn đề của đất nước. Ông khẳng định: “Người dân có quyền nói chứ. Ví dụ, người ta thấy không hài lòng về một vị bộ trưởng nào đó và kêu gọi hãy từ chức thì đó là quyền của họ, chứ làm sao mà nói là ‘xúc phạm danh dự, nhân phẩm’ được. Theo Hiến pháp, người dân có quyền có ý kiến đối với tất cả các vấn đề trên cả nước và ở địa phương”.

Một đại diện của Bộ Y tế ngày 20/10 nói với báo Người Lao Động rằng Bộ này chỉ gửi công văn yêu cầu Sở Y tế Thừa Thiên-Huế “đề nghị làm công tác giáo dục, đạo đức tư tưởng cán bộ y tế trong ngành” nhưng không đề nghị địa phương xử phạt bác sĩ Truyện.

Vị đại diện này nói thêm rằng Bộ Y tế thường xuyên tiếp nhận các thư, ý kiến góp ý với Bộ trưởng Y tế về chế độ chính sách, trong đó có cả thư khen và chê. Nhưng theo LS. Trần Thu Nam, ranh giới giữa việc “đóng góp ý kiến” và “xúc phạm” không được quy định rõ ràng trong luật pháp Việt Nam.

Ông phân tích: “Có rất nhiều người đã bị xử lý hình sự về tội gọi là ‘Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân của Nhà nước’, theo Điều 258. Đã có rất nhiều người bị như thế. Lằn ranh giữa tự do ngôn luận và vi phạm pháp luật rất mong manh và khó phân biệt. Nhiều khi định lượng của sự xúc phạm đó là bao nhiêu người ta cũng không tính toán được, nhưng người ta vẫn xử lý bình thường. Chưa thỏa đáng nằm ở chỗ đó”.

Trả lời báo Tiền Phong về vụ xử phạt, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng cho rằng việc người dân đóng góp ý kiến cho Bộ trưởng là "hết sức bình thường" và việc dùng chế tài để kỷ luật bác sĩ Truyện chẳng khác nào "chặn họng" người dân.

Thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thường xuyên bị dư luận chỉ trích liên quan đến nhiều vụ bê bối trong ngành Y tế, trong đó nổi bật là vụ thuốc chữa ung thư bị cho là giả do công ty VN Pharma nhập về. Trong khi vụ án này đang được xét xử tại tòa, nhiều người dân, bao gồm cả các trí thức trong ngành, đã sử dụng mạng xã hội để bày tỏ ý kiến và sự phẫn nộ của họ, đồng thời kêu gọi người đứng đầu ngành Y tế hãy từ chức.

Khánh An
(VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét