Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

(75) Sai lầm của ông Chung: Hancorp lươn lẹo

Mật độ xây dựng Khu Ngoại Giao đoàn tăng gấp đôi ?
Động thổ Bệnh viện Ung bướu Việt - Nhật 1.500 tỷ đồng tại Hà Nội
10/10/2017 – Liên quan đến vụ việc hàng trăm cư dân đang sinh sống tại Khu Ngoại giao đoàn, phường Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm - Hà Nội) xuống đường biểu tình phản đối việc điều chỉnh quy hoạch, đại diện phía Tổng Cty xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp) khẳng định: Không có việc mật độ xây dựng Khu Ngoại giao đoàn tăng gấp đôi, nguyên nhân tăng mật độ xây dựng chủ yếu là do phải bổ sung cụm công trình sân tennis.

Ông Lê Quang Huy - Giám đốc Ban quản lý dự án Phát triển nhà và Đô thị, Tổng Cty xây dựng Hà Nội-CTCP. Chiều 9/10, Ông Lê Quang Huy - Giám đốc Ban quản lý dự án Phát triển nhà và Đô thị, Tổng Cty xây dựng Hà Nội-CTCP đã có cuộc trả lời báo chí xung quanh vấn đề khiến cư dân bức xúc trong thời gian qua.

Mật độ xây dựng tăng do bổ sung cụm công trình sân tenis.
PV: Theo quy hoạch cũ, Khu đô thị Ngoại giao đoàn có mật độ xây dựng 20,5%; nay được điều chỉnh tăng lên 40%. Căn cứ vào đâu Hà Nội lại ra quyết định tăng gấp đôi mật độ xây dựng tại khu vực này?
Ông Lê Quang Huy: Rõ ràng, đây không phải là tăng diện tích chiếm đất của các công trình từ 20,5% lên 40% của toàn bộ dự án, mà cụ thể: Công trình CC2 có diện tích đất 9.550m2 được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2010 có các chỉ tiêu tầng cao trung bình 5 tầng và mật độ xây dựng là 20,5%. Trong lô đất CC2 gồm có công trình dịch vụ công cộng CC2 và các sân tenis, tuy nhiên tại thời điểm phê duyệt năm 2010 phần diện tích chiếm đất của sân tenis không tính vào phần mật độ xây dựng. Đến nay, theo quy định mới, việc tính mật độ xây dựng buộc phải tính gộp cả sân tennis vào nên dẫn đến tăng mật độ từ 20,5% lên 40%. Mặt khác các chỉ tiêu này đảm bảo không vượt các chỉ tiêu quy hoạch phân khu chức năng H2-1 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2015.

Dự án Khu Ngoại giao đoàn nổi tiếng với mật độ xây dựng thấp (30- 33%)
Như vậy thứ nhất, chúng tôi khẳng định, nguyên nhân tăng mật độ xây dựng do chủ yếu là phải bổ sung cụm công trình sân tenis vào. Thứ hai, việc điều chỉnh này tuân thủ mọi quy trình, quy định pháp luật và đã được các Sở, Ban, ngành, địa phương và UBND TP thẩm tra, thẩm định và phê duyệt. Mật độ xây dựng sau khi đã điều chỉnh vẫn hoàn toàn đảm bảo các chỉ số về quy hoạch theo quy định, không làm vượt hay phá vỡ quy hoạch như vẫn thường thấy ở một số dự án.
PV: Việc điều chỉnh quy hoạch được UBND TP phê duyệt ngày 22/5 tuy nhiên đến tháng 8/2017, qua một số nguồn tin không chính thức người dân mới được biết về quyết định điều chỉnh quy hoạch. Tại sao chủ đầu tư Hancorp và Hà Nội không công khai cho người dân được biết mà đặt người dân vào sự đã rồi?
Ông Lê Quang Huy: Theo quy định của Luật Đất đai, việc công bố công khai quy hoạch thuộc thẩm quyền của UBND cấp quận (huyện) và việc công khai này được thực hiện tại trụ sở UBND phường (xã). Bản thân tôi rất lấy làm ngạc nhiên trước thông tin người dân không nắm được thông tin về điều chỉnh quy hoạch. Bởi vì ngay sau khi có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch của thành phố đối với dự án, chủ đầu tư đã phối hợp với chính quyền địa phương có các thông báo niêm yết công khai theo quy định tại trụ sở UBND phường Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
PV: Hướng giải quyết của chủ đầu tư và cư dân để tìm được tiếng nói chung trong thời gian tới?
Ông Lê Quang Huy: Trước hết tôi xin khẳng định, chủ đầu tư đã tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng dự án. Tuy nhiên nhận thức sâu sắc trách nhiệm của doanh nghiệp đối với khách hàng của mình, khi nhận được các thông tin phản ánh qua báo chí về việc người dân có các kiến nghị, đề xuất liên quan tới dự án. Chúng tôi dự kiến vài ngày tới đây sẽ có buổi đối thoại, trao đổi, làm rõ thông tin liên quan tới dự án. Buổi đối thoại sẽ có sự tham gia của chủ đầu tư, các đơn vị đầu tư thứ cấp và đặc biệt là đại diện chính quyền địa phương. Theo đó, các bên liên quan sẽ giải quyết và tiếp nhận các kiến nghị của cư dân theo hướng đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật.
PV: Trong khi TP có chủ trương di dời các bệnh viện, trường học ra khỏi khu vực nội thành thì chủ đầu tư lại đưa bệnh viện vào trong khuôn viên dự án. Vì sao lại có chuyện này? Đây là bệnh viện tư hay công? Tháng 5/2017 mới có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án nhưng có thông tin cho rằng, từ tháng 3/2017 chủ đầu tư đã khởi công dự án xây dựng bệnh viện?
Ông Lê Quang Huy: Trước hết tôi khẳng định rằng có một sự nhầm lẫn ở đây. Bệnh viện nói trên thực chất công năng không phải là một bệnh viện mà là một trung tâm nghiên cứu chẩn đoán phát hiện ung thư sớm. Trung tâm này ứng dụng công nghệ khoa học hiện đại của Nhật Bản và chủ yếu thiên về nghiên cứu y học chứ không phải là điều trị.
Việc đầu tư bệnh viện là do một đơn vị thứ cấp thực hiện đó là Trung tâm nghiên cứu Việt - Nhật. Việc chấp thuận dự án này của chủ đầu tư là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo bổ sung dịch vụ về y tế cho cư dân trong dự án. Còn chủ đầu tư không hề thu được lợi nhuận từ việc đầu tư bệnh viện này.
Việc xây dựng một cơ sở nghiên cứu y học theo quy định của pháp luật phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai. Sau khi vận hành cũng phải tuân thủ các quy định về môi trường. Nên đối với công trình này tôi cho rằng người dân phải thấy đó là niềm vui chứ không phải là sự băn khoăn, lo lắng nào.
Về việc khởi công tôi xin khẳng định là không có chuyện khởi công công trình trước khi được phê duyệt. Thời điểm đó theo tôi được biết đó chỉ là thao tác về mặt tâm linh theo phong tục tập quán của người Việt. Còn công trình chỉ thực sự được triển khai xây dựng sau thời điểm đã được các cấp có thẩm quyền cho phép. Tôi cũng nói thêm rằng, chủ trương xây dựng trung tâm nghiên cứu y khoa nói trên nhận được sự ủng hộ rất lớn từ ngành y tế và TP Hà Nội.
Việc điều chỉnh quy hoạch được thực hiện đúng quy định
PV: Việc thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch là trên cở sở đề xuất của chủ đầu tư. Chủ đầu tư căn cứ vào những lý do nào mà đưa ra đề xuất này?
Ông Lê Quang Huy: Tại thời điểm năm 2015, UBND TP Hà Nội phê duyệt phân khu chức năng H2-1. Trên cở sở phân khu này thì chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh một số chỉ tiêu về quy hoạch của dự án để phù hợp với phân khu chức năng H2-1 cũng như tăng thêm tính hiệu quả của dự án. Tôi xin nhấn mạnh lại, là việc điều chỉnh này tuân thủ mọi quy trình, quy định pháp luật và đã được các sở, ban ngành, địa phương và UBND thành phố thẩm tra, thẩm định và phê duyệt.
PV: Hướng giải quyết tới đây về hạ tầng của dự án như thế nào vì cư dân phản ánh dự án chỉ có một lối thoát duy nhất ra đường Phạm Văn Đồng?
Ông Lê Quang Huy: Trước hết hiện nay từ khu dự án có 3 hướng kết nối giao thông. Thứ nhất là tuyến đường hiện hữu nối từ cổng chính của dự án ra đường Phạm Văn Đồng mà toàn bộ cư dân dự án đang sử dụng.
Thứ hai là tuyến đường 60m hiện trong phạm vi dự án chủ đầu tư đã đầu tư xây dựng xong. Tuy nhiên việc thông tuyến này ra hướng đường Võ Chí Công hiện nay phải phụ thuộc vào sự kết nối hạ tầng giữa dự án Ngoại giao đoàn và dự án Tây Hồ Tây. Việc này theo tôi được biết, chính quyền địa phương cũng đang tích cực thúc đẩy các giải pháp, thủ tục để sớm thông tuyến này.
Thứ ba là tuyến đường 30m (đường Đỗ Nhuận) kết nối dự án với đường Xuân La. Tuy nhiên hiện tuyến đường này còn khoảng 170m chưa giải phóng mặt bằng và đoạn này không nằm trong phạm vi dự án. Hiện tại vì lợi ích của cư dân, chủ đầu tư sẵn sàng chi ra hàng chục tỷ đồng để đầu tư xây dựng tuyến đường này. Hiện nay chủ đầu tư đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương hoàn thiện các thủ tục để sớm khởi công tuyến đường này.
Năm 2012, Tổng Cty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp) được TP Hà Nội giao làm chủ đầu tư Dự án khu Ngoại giao đoàn với số tổng vốn khoảng 1.300 tỷ đồng. Ngày 22/5/2017, Hà Nội quyết định tiếp tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Khu Ngoại giao đoàn, trong đó có ô đất được điều chỉnh mật độ xây dựng từ 20,5% lên 40%. Bức xúc trước thực tế này, ngày 8/9, hàng chục hộ dân đã xuống đường căng băng rôn, biểu tình phản đối chủ đầu tư.
Đại diện phía chủ đầu tư cho biết, để tìm được tiếng nói chung, trong tuần này, chủ đầu tư, UBND TP Hà Nội và cư dân sẽ có buổi đối thoại trực tiếp.
Nam Hạ

http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/hancorp-khong-co-viec-mat-do-xay-dung-khu-ngoai-giao-tang-gap-doi.html
Bệnh viện Ung bướu Việt - Nhật 1.500 tỷ đồng tại Hà Nội
2/3/2017 | 20:31 GMT+7 Dự án Bệnh viện Ung bướu Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản động thổ ngày 2/3, quy mô 100 giường nội trú và 250 giường ngoại trú chất lượng cao. Bệnh viện tọa lạc tại phường Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm, Hà Nội trên diện tích 4.800m2, mặt sàn xây dựng 28.000m2. Ủy ban nhân dân TP Hà Nội cho phép Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Y học Việt Nam - Nhật Bản (Vija Metech JSC) khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Lễ động thổ diễn ra vào ngày 2/3.

Lễ động thổ diễn ra vào ngày 2/3.

Bệnh viện gồm các khoa khám bệnh, cận lâm sàng, điều trị, ngoại tổng hợp, chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng theo công nghệ Nhật Bản và Mỹ. Tất cả đều đạt chuẩn JCI - chứng nhận quốc tế về chất lượng dịch vụ y tế trên toàn cầu, giúp sàng lọc, phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân ung thư.

Quản lý và vận hành mô hình bệnh viện công nghệ cao là các y bác sĩ giỏi Bệnh viện K, Nhật Bản và Mỹ. Việc điều hành dựa trên nền tảng công nghệ thông minh và tương đồng với các bệnh viện đối tác, trung tâm điều trị ung thư hàng đầu thế giới tại Nhật Bản và Mỹ.

Bệnh viện được đầu tư hệ thống trang thiết bị xét nghiệm hiện đại. Trung tâm phân tích và chẩn đoán bệnh lý có kết nối mạng với các bệnh viện đối tác tại Nhật Bản, Mỹ để tư vấn và hội chẩn chính xác nhất. Tại đây còn có trung tâm nội soi phát hiện ung thư sớm, trung tâm chẩn đoán hình ảnh được đầu tư đồng bộ với trang thiết bị tân tiến.

Trung tâm xạ trị đạt tiêu chuẩn quốc tế JCI gồm 2 máy xạ trị gia tốc thế hệ mới nhất hiện nay, do các chuyên gia Trung tâm y tế Đại học Pittsburgh (UPMC) của Mỹ thiết kế và vận hành. Trung tâm điều trị hóa trị ngoại trú cũng đưa vào các phương pháp hiện đại và ứng dụng thành công tại Nhật Bản và Mỹ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu khai mạc lễ động thổ bệnh viện.

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có 200.000 trường hợp mắc và 100.000 ca tử vong vì ung thư. Nếu phát hiện sớm, điều trị đúng phương pháp, nhiều người bệnh có thể được chữa khỏi hoặc kéo dài tuổi thọ.

Các chuyên gia đánh giá, với vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, bệnh viện sẽ đáp ứng yêu cầu cao trong tầm soát, phát triển sớm, điều trị bệnh ung thư... Đây là sự bổ sung kịp thời cho mạng lưới y tế toàn quốc, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc bệnh nhân, giảm áp lực cho tuyến trung ương, giảm chi phí ra nước ngoài chữa bệnh của nhiều người.

Ông Vũ Xuân Hợp - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Vija Metech JSC cho biết: “Bệnh viện Ung bướu Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản sẽ mang đến cho cộng đồng nhiều cơ hội tiếp cận với các phương pháp tầm soát ung thư sớm, kỹ thuật chữa trị tiên tiến nhất thế giới ngay tại Việt Nam mà không cần ra nước ngoài”. Dự kiến, bệnh viện sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2018.

An San
https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/benh-vien-ung-buou-viet-nhat-1-500-ty-dong-tai-ha-noi-3549428.html




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét