Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

Sự tha hóa của người có quyền lực

Sự tha hóa của người có quyền lực
Trịnh Minh Giang, 22/10/2017, (TBKTSG) - Tha hóa quyền lực diễn ra muôn hình vạn trạng và rất nhiều người có quyền lực rất khó tránh khỏi sự tha hóa nếu không có bản lĩnh vững vàng và những điều kiện khách quan khác.
Ở mức độ đơn giản, người có quyền lực thích được ca ngợi, được tung hê, được tôn trọng (dân gian thường gọi là “nịnh”). Cũng có khi người đó đáng được ca ngợi, đáng được tôn trọng thực sự nhưng dù vậy, sự say sưa với những “lời có cánh” đó có thể bắt đầu một nấc thang của sự tha hóa. Một người không thích bị phê phán dễ dẫn đến trả đũa người đã phê phán, dần dần không còn ai muốn góp ý, phê bình để mặc mọi việc muốn ra sao thì ra.

Ở mức độ cao hơn, người có quyền lực được nhiều người vây quanh, săn đón... khi đó quyền lực bắt đầu gắn với những lợi ích cụ thể. Đi xe có người chở hoặc đưa đón, trời mưa có người cầm dù, ăn uống có người thanh toán, lúc nào cũng có quà cáp, mỗi biểu thị thái độ nào đó đều được “đoán” để làm vừa lòng một cách tốt nhất. Ở nấc thang thứ hai của sự tha hóa này, người ta càng khó vùng vẫy, khó tự rứt ra được, bởi từ lợi ích tinh thần đã chuyển sang lợi ích vật chất mà vật chất vốn dễ cám dỗ hơn tinh thần rất nhiều.

Cao hơn nữa, khi quyền lực càng lớn và có khả năng “sinh sát”, lợi ích tự động “chạy đến” để được ban phát chút lợi ích khác theo cách “bỏ con săn sắt để bắt con cá rô”. Nắm trong tay quyền bố trí các vị trí béo bở, ai muốn vị trí nào thì sẽ “quy đổi” bằng các lợi ích để được vị trí đó, thậm chí có một sự “đấu giá ngầm” nếu có nhiều người cùng muốn ngồi ở cái ghế đó. Hay nắm trong tay quyền quyết định phân bổ các dự án “hốt bạc”, ai muốn có dự án nào phải “lại quả”, phải “biết điều”..., dĩ nhiên bằng các cửa sau. Quyền lực lúc này là thứ sinh ra lợi chứ không phải chỉ để được tung hê một cách “có tiếng” hay chỉ “được miếng” nhỏ nhặt. Ở nấc thang này, mấy ai dám từ bỏ, trừ khi họ bị buộc phải từ bỏ.

Không dừng lại ở đó, khi quyền lực đủ mạnh khiến người ta chỉ làm theo ý mình, không muốn lắng nghe ai, không chấp nhận lời can gián, thậm chí tìm cách triệt hạ người không “thuận” với mình. Họ muốn duy trì quyền lực càng lâu càng tốt, bởi quyền lực không chỉ là lợi ích, là vị trí mà còn để bảo vệ cho họ khỏi các sự công kích, trả thù của các đối thủ, sự trừng phạt của công lý. Sự vùng vẫy trong quyền lực lúc này càng mạnh mẽ, kẻ vây quanh điếu đóm không ít thì người bị trả đũa càng nhiều. Lúc này, muốn kẻ tha hóa “xuống nước” với quyền lực của mình chỉ có thể qua con đường thỏa hiệp, trao đổi hoặc chờ khi mắc sai sót lớn mới có thể hạ bệ. Dĩ nhiên, không ai mãi mãi sáng suốt, không ai bị quyền lực sai khiến, bị lợi ích chi phối mà không mắc sai lầm. Khi đó, các đối thủ sẽ tìm cách triệt hạ hoặc công lý sẽ được thực thi.

Sự tha hóa quyền lực có thể diễn ra ở bất kỳ ai, không nhất thiết phải có chức vụ cao. Một nhân viên vệ sinh đường phố vẫn có thể có quyền, bởi nhát chổi của mình có thể làm cho những quán xá không có khách và buộc các người chủ phải “biết điều”. Một giảng viên ở lớp tại chức, được đưa đón, mời mọc ăn uống, hát xướng, đi đâu cũng nghe “kính thầy”, “thưa thầy”... tưởng mình có quyền sinh sát, lâu lâu lại gợi ý quà cáp, nghỉ dưỡng. Một cảnh sát giao thông khi đã chặn người lái xe có dấu hiệu vi phạm thì có thể truy ra nhiều lỗi hoặc áp dụng mức phạt cao nhất, từ đó thúc đẩy sự “thỏa hiệp” của “đương sự” để đôi bên cảm thấy có lợi (thực ra đôi bên đều mất!)... Người có chức vụ, quyền hạn càng cao, nắm trong tay nhiều lợi ích hoặc quyền lực có thể phân phối lại thì càng dễ bị tha hóa, do bị cám dỗ, bị tác động, bị lôi kéo, bị giăng bẫy...

Nói như vậy tức là sự tha hóa không chỉ ở bản thân người có quyền lực. Sự tha hóa luôn có sự tác động từ nhiều phía. Tự tha hóa là điều dễ thấy dù khi bắt đầu có quyền lực không ai nghĩ mình sẽ tha hóa nhưng sự thực thì rất khó tránh. Lòng tham chính là mồi lửa cho sự cám dỗ bùng cháy thành tha hóa. Hay khi ngồi vào một vị trí nào đó có thể lọt vào một “liên minh ma quỷ”, một “guồng tha hóa” mà nếu không đủ tỉnh táo hoặc không đủ khôn ngoan sẽ bị sa vào đó, không gỡ ra được. Ngoài ra, khi những kẻ cơ hội không dụ dỗ hay lôi kéo được thì họ có thể dùng các thủ đoạn hèn hạ, cài bẫy, để làm người có quyền sập bẫy, sau đó khống chế, dần đưa người ta tha hóa... Tức là, khi chưa hết quyền lực thì đừng vội cho rằng mình thực sự trong sạch!

Cưỡng lại sự tha hóa dĩ nhiên không dễ. Ngoài cái tâm trong sáng, sự kiên định, bản lĩnh thì cần phải có sự khôn khéo. Các cảnh báo của người đời “mật ngọt chết ruồi” không bao giờ thừa. Không ai cho không ai cái gì, đừng quên “miếng pho mát miễn phí bao giờ cũng nằm trong cái bẫy chuột”.

Người có quyền phải luôn biết cái quyền ấy thực ra ở đâu mà có và điểm dừng của nó nằm ở đâu. Nếu tự biết rằng quyền lực thực ra chẳng phải là của mình và không bao giờ là vô hạn thì hẳn nhiều người sẽ tự cảnh tỉnh, tự cảnh giác mình hơn. Dĩ nhiên, trường hợp “hy sinh đời bố củng cố đời con” chỉ là ngoại lệ, vì hầu hết đều sợ bị trả giá do sự tha hóa. Cho nên, khi mà các sự trả giá thực sự nghiêm minh thì sự tha hóa cũng sẽ giảm đi nhiều!

http://www.thesaigontimes.vn/165696/Su-tha-hoa-cua-nguoi-co-quyen-luc.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét