APEC 2017: Mỹ – Nga – Trung và quân bài Việt Nam
Ba nước lớn chơi trò địa chính trị.
Hiệu Minh - Trump, Putin và Tập Cận Bình sẽ đến dự APEC không phải vì phát biểu hay chụp ảnh khoác tay selfie. Thương mại toàn cầu hay an ninh khu vực chỉ là chuyện nhỏ. Cái họ cần là có dấu chân tại Việt Nam.Con đường đi tới quyền lực của họ khác nhau nhưng đều có một mục đích là phân chia thế giới.
Từ hội nghị Geneve 1954 về Việt Nam và sau này với những cuộc thương thảo sau lưng Việt Nam, quốc gia nhỏ bé này ở xứ Đông Dương luôn nằm trên bàn cờ của các nước lớn.
Lúc thì thân ái, môi hở răng lạnh như với Trung Quốc, khi thì hiệp ước an ninh Việt Nam – Liên Xô, lúc làm người bạn của Mỹ như VNCH và sau này là đối tác chiến lược, nhưng có lúc choảng nhau với cả hai nước Trung – Mỹ, ở xa quá nên chưa đánh nhau với Nga, Việt Nam vẫn là một quốc gia đáng nể.
Được tổ chức tại Đà Nẵng, nơi vừa phế truất bí thư Xuân Anh và đang tìm Vũ Nhôm là ai, APEC 2017 là sự kiện quan trọng trong vài tuần tới đối với Việt Nam và khu vực.
Tuy nhiên, báo chí Việt Nam và khu vực Đông Á chỉ tập trung vào tin Trump dự APEC như là một sự kiện quan trọng, sau đó câu views bằng tin Putin sẽ đến.
Tin VCCI cho hay, Tập Cận Bình cũng dự và phát biểu, nhưng tại sao báo chí nước nhà không đưa tin rầm rộ.
Châu Á phát triển không thể thiếu Trung Quốc, thế giới cũng vậy, và cả hai nước Mỹ – Nga không thể thiếu Trung Hoa, còn Việt Nam thì đương nhiên cần hàng xóm khổng lồ.
Nhậm chức vài tháng, Trump đã mời TT Phúc tới Nhà Trắng vào tháng 5, và 6 tháng sau ông tới APEC, sau đó thăm Hà Nội, dù trước APEC ông có kế hoạch thăm Hàn Quốc, Nhật Bản và Bắc Kinh, thì mối quan hệ Việt-Mỹ thời Trump được coi là nồng ấm, không đến nỗi tệ hại như Trump ném TPP của Obama vào sọt rác.
Lưỡi bò ở biển Đông, một vành đai một con đường, gần như làm chủ Campuchia và hiện đang lấy nốt Lào, Trung Quốc đang bao vây chiến lược đối với Việt Nam.
Putin của nước Nga lại quá xa và ông ta bán vũ khí cho cả hai nước, không thể coi là đối tác đáng tin cậy, dù lãnh đạo hai nước vẫn thăm viếng nhau.
Còn lại mỗi Hoa Kỳ trông có vẻ được nhất trong thời điểm hiện tại. Nhưng lịch sử trong quá khứ, Nixon và Kissinger từng đi đêm với Mao và Chu Ân Lai nhằm bỏ rơi Việt Nam, rồi tín hiệu cho Trung Quốc tự xử hàng xóm thân thiết, hạm đội 7 ở ngay cạnh mà không làm gì để cứu Hoàng Sa bị chiếm, thì đối tác Hoa Kỳ cũng không hơn gì.
Trong ba nguyên thủ quan trọng tới dự APEC, chỉ có mỗi Trump đến Hà Nội. Tháng 5 ông Phúc tới Washington với thông điệp “Chúng tôi đã ở đây” và nay Trump đến Hà Nội được hiểu rằng “Mỹ cũng như thế nhé” kiểu xếp gạch xí chỗ thời mậu dịch.
Putin không ra thủ đô dù từ Đà Nẵng chỉ có một giờ bay. Tập thì dường như không có ý nghĩ trong đầu phải ra chào ông Trọng.
Báo Sputnik trích lời giáo sư Dmitry Mosyakov “Tôi cũng nghĩ rằng ông Putin không đến Hà Nội, bởi vì ông Trump sẽ đến đó. Một phần quan trọng trong giới tinh hoa Việt Nam đặt hy vọng vào Hoa Kỳ, mô hình phát triển của Hoa Kỳ, cách sống Mỹ đang ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam. Hoa Kỳ cũng chú trọng đến Việt Nam, gọi Việt Nam là đối tác của họ, sẵn sàng biến cựu thù thành bạn thân tốt nhất.”
Sau khi than phiền về vụ nhà máy điện hạt nhân của Nga bị hoãn vô thời thạn, giáo sư “đá đểu” thêm “Nhưng tôi tin rằng người Việt Nam thực tế và nhạy bén cuối cùng sẽ hiểu rằng tin vào Hoa Kỳ là nguy hiểm. Một ví dụ điển hình là các sự kiện của năm 1974, kết quả của việc sau khi thỏa thuận với Trung Quốc, người Mỹ đã không đến trợ giúp đồng minh thân cận nhất của họ là chính quyền Nam Việt Nam mà để cho Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa. Và khi người Mỹ hết lời ca ngợi thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam và đầu tư tiền vào đó, thì phải hiểu rằng mục đích thực sự của Washington là dùng Việt Nam làm con bài trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, và trong lĩnh vực này, chính quyền Hoa Kỳ không mảy may quan tâm đến lợi ích của Việt Nam”.
Giáo sư Mosyakov nói đúng, đúng cho cả quan hệ Nga – Việt và Trung – Việt. Quá khứ đã chỉ ra, có bao giờ ba siêu cường quan tâm đến lợi ích của Việt Nam.
Có người chế giễu chiến lược “đa phương hóa, đa diện hóa, làm bạn với tất cả” của Việt Nam không đi tới đâu, nhưng trong bối cảnh ba ông lớn không đáng tin, thì mình phải làm gì khi nội lực yếu, tham nhũng tràn lan, thể chế có nhiều vấn đề.
Cụ TBT Trọng đưa ra vấn đề “nhất thể hóa” là muốn trảm bớt những kẻ ăn không từ một thứ gì và phá phách khủng khiếp.
Quốc gia có nội lực mạnh thì siêu cường bớt chơi trò đâm dao sau lưng.
Hiệu Minh
Đúng là " kỳ thủ " !
Trả lờiXóa