Thế là năm 2015 đã trôi qua; năm mới 2016 đã bắt đầu. Nhớ lại hồi đầu
năm 2015, cả nước bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
với nhiều tâm trạng lo lắng. Khi đó nền kinh tế đã đi vào thế tăng trưởng ổn
định nhưng ở mức thấp so với tiềm năng; chất lượng tăng trưởng trì trệ; thị trường trong nước và thế giới đầy bất ổn và khó lường; giá dầu
giảm mạnh gây áp lực nặng nề tới cân đối ngân sách nhà nước. Đặc biệt trong năm
2015 nhiều đồng tiền của các nước đối tác kinh tế chính, nhất là đồng nhân dân
tệ của Trung Quốc, bị phá mạnh và lãi suất ở Mỹ liên tục được dự báo sẽ tăng
lên đã gây tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu của nước ta.
Tuy nhiên đáng mừng là nền kinh tế đã có bước chuyển biến rất ngoạn mục. Không
những duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô, chúng ta còn nâng được tốc độ tăng
trưởng kinh tế lên khá cao trong khi tỷ lệ lạm phát được đưa về mức lý tưởng.
Rõ ràng với bối cảnh hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối
tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tương lai sáng sủa đang mở ra cho đất nước
trong năm 2016.
Tăng trưởng kinh tế bất ngờ
khởi sắc ngoạn mục
Có thể nói tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2015 đạt xấp xỉ 6,7% là một thành
tích khá bất ngờ và đầy ngoạn mục. Tốc độ này không chỉ tăng khá mạnh so với
các năm 2012-2014 và vượt khá xa kế hoạch đề ra (6,2%) mà còn là mức cao nhất
trong 8 năm qua (kể từ năm 2008). Cần nói thêm là tốc độ tăng trưởng ngoạn mục
này đã đạt được trong điều kiện giá tiêu dùng vẫn ổn định (CPI chỉ tăng 0,6%,
thấp nhất trong 15 năm 2001-2015). Kết quả này khẳng định không những nền kinh
tế đã phục hồi vững chắc sau nhiều năm trì trệ mà đã bắt đầu tiếp cận với tốc
độ tăng trưởng tiềm năng, tức là đã đi vào thế phát triển bền vững và hiệu quả.
Điểm sáng thứ hai gắn liền với tăng trưởng là quá trình tái cơ cấu kinh tế
dù còn chậm nhưng đã đi đúng hướng và bước đầu phát huy hiệu quả tích cực. Năng
suất và chất lượng được cải thiện. Môi trường đầu tư kinh doanh đã có bước tiến
đột phá, trong năm đã tăng được 3 bậc về cải thiện môi trường kinh doanh theo
xếp hạng của Ngân hàng Thế giới và tăng 12 bậc về năng lực cạnh tranh theo xếp
hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới; đặc biệt, chỉ số sáng tạo của nền kinh tế
tăng 19 bậc. Nhiều chỉ số khác về vĩ mô cũng đang tiến tới những con số tốt hơn
rất nhiều so với những năm trước. Hầu hết các ngành công nghiệp chế biến đều có
tốc độ tăng trưởng khá cao, nhất là, sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang
học; xe có động cơ; thiết bị điện; sản phẩm da, dệt, giấy và các sản
phẩm từ giấy, sản phẩm từ cao su và chất dẻo, sản xuất và phân phối điện;
giường, tủ, bàn, ghế và đồ dùng gia đình... Thị trường bất động sản đã bước đầu
phục hồi khá vững chắc; ngành xây dựng tăng trưởng 10,8% so với năm 2014, cao
nhất kể từ năm 2010. Tính chung, tốc độ tăng trưởng toàn khu vực công nghiệp và
xây dựng đạt 9,6%, tăng mạnh so với năm 2014 (6,4%) và năm 2013 (5,1%). Khu vực
nông nghiệp mặc dù gặp những khó khăn rất lớn về thời tiết và giảm giá trên thị
trường nông sản thế giới nhưng vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng 2,4%, trong khi
khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng 6,3%, tăng nhẹ so với năm 2014 (6,2%). Cơ
cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Điểm sáng thứ ba là hoạt động của khu vực doanh nghiệp đã chuyển biến rất tích
cực; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn tăng cao. Năm 2015, số
doanh nghiệp thành lập mới tăng 26,6% và số vốn tăng tới trên 39% (năm 2014, số
doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 2,7% trong khi số vốn chỉ tăng 8,4% so
với năm 2013). Đặc biệt, trong năm 2015 có 21506 doanh nghiệp quay trở lại hoạt
động, tăng 39,5% so với năm trước. Điều này cho thấy hiệu quả của các giải pháp
chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Bộ, ngành, địa phương trong việc cải thiện
môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phát triển và cũng
là hệ quả của việc đưa vào áp dụng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư
(sửa đổi) từ tháng 7/2015.
Thu hút đầu tư nước ngoài và
xuất khẩu: Động lực chính của tăng trưởng
Đáng chú ý là trong khi Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế rất
ngoạn mục thì đa số các nước Đông Nam Á và châu Á đều gặp nhiều khó khăn và trì
trệ. Do tác động của suy thoái thương mại toàn cầu và tốc độ tăng trưởng chậm
lại của nền kinh tế Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng của các nước Đông Nam Á
trung bình chỉ đạt 4,4%. Điểm khác biệt khá rõ giữa Việt Nam và các nước trong
khu vực là Việt Nam liên tiếp thu hút được khối lượng vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài (FDI) cao kỷ lục và duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ nhờ
vị trị địa lý thuận lợi, chi phí hoạt động và nhân công rẻ, môi trường đầu tư,
kinh doanh liên tục được cải thiện cũng như việc Việt Nam đã và đang tham gia
nhiều hiệp định thương mại khu vực và quốc tế.
Trong năm 2015, Việt Nam đã đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu đầu tư đi đôi với
việc tiếp tục giảm dần đầu tư công và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước,
hoàn thiện thể chế về đầu tư nhằm huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội cho đầu
tư phát triển. Việc triển khai, thực hiện có hiệu quả các văn bản pháp quy quan
trọng trong hoạt động đầu tư như Luật đầu tư công, Luật đầu tư (sửa đổi), Luật
doanh nghiệp (sửa đổi), Luật đấu thầu, Nghị định về đầu tư theo hình thức đối
tác công tư (PPP)... đã góp phần tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả đầu
tư. Bên cạnh đó, đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải
ngân các chương trình dự án sử dụng nguồn vốn ODA và FDI; đã chú trọng thu hút
FDI theo hướng nâng cao chất lượng nguồn vốn, ưu tiên các dự án sử dụng công
nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản xuất các sản phẩm có khả năng cạnh
tranh và tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, các dự án phát triển công nghệ phụ
trợ. Do đó trong khi vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện năm 2015 tăng
12% so với năm 2014 (bằng 32,6% GDP) thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng
tới 19,9%.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời
điểm 15/12/2015 đã có 2013 dự án được cấp phép mới với số vốn
đăng ký đạt 15,6 tỷ USD; đồng thời có 814 lượt dự án đã cấp
phép từ các năm trước được cấp vốn bổ sung với 7,18 tỷ USD. Như
vậy tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 22,8 tỷ USD, tăng 12,5%
so với năm 2014. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2015 ước
đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,4%. Kết quả thu hút vốn FDI năm 2015
cho thấy Việt Nam đang là một điểm đầu tư rất hấp dẫn so với các nước ASEAN
khác.
Xuất khẩu cũng là một lĩnh vực quan trọng được Việt Nam phát triển tốt hơn so
với các nước khác trong khu vực. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt
162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014; nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch
xuất khẩu tăng 12,4%, xấp xỉ bằng năm 2014. Đặc biệt, nếu không kể dầu thô, khu
vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu đạt 111,3 tỷ USD, tăng tới 18,5%.
Năm 2015 cũng đánh dấu sự thành công của Việt Nam trong nỗ lực cơ cấu lại
nền kinh tế theo hướng ưu tiên cho xuất khẩu, đa dạng hóa các mặt hàng xuất
khẩu đi đôi với đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu. Mặc dù giá nhiều mặt hàng
xuất khẩu giảm mạnh nhưng kim ngạch xuất khẩu một số nhóm hàng chủ lực vẫn tăng
khá, nhất là nhóm hàng hóa gia công lắp ráp, may mặc và điện tử (điện thoại các
loại và linh kiện tăng 29,9%, điện tử máy tính và linh kiện tăng 38,2%, hàng dệt
may tăng 8,2%, giày dép tăng 16,2%...). Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu
lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 33,5 tỷ USD, tăng 17% so với
năm 2014 và chiếm tỷ trọng 20,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp theo là thị
trường EU với 30,9 tỷ USD, tăng 10,7% và chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thị trường Trung Quốc ước tính đạt 17 tỷ USD, tăng 13,7%...
Như vậy, trong khi tiêu dùng cuối cùng năm 2015 chỉ tăng 9,1% so với năm
2014, tức là gấp rưỡi tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) thì vốn đầu tư trực tiếp
nước ngoài tăng trưởng gấp 3 lần và khối lượng xuất khẩu tăng trưởng gấp 2 lần
tốc độ tăng trưởng kinh tế. Điều này chứng tỏ đầu tư nước ngoài và xuất khẩu
đang là động lực chính của quá trình tăng trưởng kinh tế.
Khái quát chung, năm 2015 có
thể được xem là một năm thành công vượt dự kiến. Bên
cạnh những thành tựu ngoạn mục về tăng trưởng, đầu tư và xuất khẩu nêu trên, trong
năm 2015 kinh tế tiếp tục có nhiều điểm sáng nổi bật khác như chính sách tiền
tệ, tài khóa được điều hành linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với diễn biến của
thị trường; do đó mặt bằng giá ổn định trong khi tín dụng vẫn tăng trưởng tới
18% và lãi suất đã giảm xuống mức phù hợp với tình hình phát triển kinh tế; nợ
xấu từng bước được kiểm soát chặt chẽ; dự trữ ngoại tệ đạt mức cao; môi trường
thể chế được cải thiện; niềm tin của các nhà đầu tư được củng cố và tăng lên; công
tác an sinh xã hội được tăng cường; tỷ lệ thất nghiệp thành thị và hiện tượng
thiếu đói ở nông dân đều giảm đáng kể... Việt Nam tiếp tục được quốc tế vinh
danh là một trong những quốc gia thực hiện tốt các Mục tiêu Thiên niên kỷ, đặc
biệt trong lĩnh vực giảm nghèo.
Triển vọng năm 2016 và một số
nhiệm vụ trọng tâm
Bước sang năm mới 2016, kinh tế nước ta sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều khó
khăn, thách thức. Trong khi hội nhập đang ngày càng sâu rộng và khẩn trương thì
môi trường thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát
triển kinh tế, nhất là vì nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn
vốn FDI và thị trường xuất khẩu.
Theo dự báo tháng 12/2015 của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và nhiều tổ
chức tài chính, chuyên gia quốc tế, nhìn chung trong năm 2016 nền kinh tế thế
giới vẫn trong bối cảnh phát triển ảm đạm. Do ảnh hưởng của tăng trưởng yếu tại
các nước công nghiệp phát triển, sự hồi phục chậm hơn dự kiến của Mỹ và nguy
cơ suy thoái kinh tế ở Nhật Bản, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á năm
2016 sẽ chỉ tăng trưởng trung bình 6% (năm 2015 là 5,8%). Kinh tế Trung Quốc tăng
trưởng 6,9% năm 2015 nhưng dự báo sẽ chỉ tăng 6,7% năm 2016. Riêng khu vực Đông
Nam Á sẽ nâng mức tăng 4,4% năm 2015 lên 4,9% năm 2016 nhờ sự phát triển khá
cao của nhóm các nước kém phát triển nhất gồm Việt Nam, Myanmar, Lào và
Campuchia. Giá dầu thế giới đang có xu hướng giảm và dự báo sẽ ổn định ở mức
thấp.
Trong nước, nền kinh tế vẫn đang tồn tại nhiều yếu kém chậm được khắc phục
trong khi tăng trưởng phụ thuộc ngày càng lớn vào khu vực kinh tế đối ngoại (đầu
tư nước ngoài và xuất khẩu) nên vừa kém hiệu quả, vừa có nguy cơ bất ổn cao. Tình
trạng lãng phí, tham nhũng, cửa quyền vẫn phổ biến; vai trò của khu vực tư nhân
còn rất yếu, chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân mạnh đủ sức làm trụ cột lôi kéo
toàn khu vực kinh tế này phát triển. Công tác xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc.
Tiến trình tái cơ cấu chậm làm cho chất lượng tăng trưởng thấp. Do phụ thuộc
vào vốn nước ngoài nên nhập khẩu cao; nhập siêu đã trở lại sau 3 năm liên tục
xuất siêu. Chất lượng nguồn nhân lực vẫn là điểm yếu làm cho năng suất lao động
thấp, hiệu quả và sức cạnh tranh của toàn nền kinh tế bị hạn chế.
Tuy nhiên có thể nói bối cảnh phát triển năm 2016 sẽ có nhiều mặt rất thuận
lợi so với các năm trước. Đại hội Đảng lần thứ XII thành công là nhân tố nền
tảng để Việt Nam ổn định và quyết liệt thực hiện các mục tiêu đã đề ra như giữ
vững những cân đối vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu nền sản xuất, nâng cao chất lượng
tăng trưởng, xây dựng thể chế kinh tế thị trường phù hợp, đấu tranh chống tham
nhũng, cải cách bộ máy nhà nước và công tác cán bộ theo hướng tận tâm phục vụ đất
nước, phục vụ nhân dân...
Đặc biệt, tham gia AEC, TPP và các
hiệp định thương mại tự do khác sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho nền kinh tế đang
thành công trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài và tăng trưởng xuất khẩu
như Việt Nam. Theo trang BBC ngày 31/12/2015, Tổ chức Lao động Thế giới (ILO)
trên trang web tiếng Việt của mình đã dự báo: "Sự ra đời của Cộng
đồng kinh tế ASEAN năm 2015 sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng GPD của Việt Nam
thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5% nếu như Việt Nam có sự quản lý
hợp lý và thực thi một cách hiệu quả", trong khi đã có nhiều chuyên gia dự
báo Việt Nam sẽ là người thắng cuộc lớn nhất sau khi thành hình cộng
đồng AEC và khi TPP đi vào hiện thực. Do vậy có thể tin tưởng tốc độ tăng
trưởng của Việt Nam trong năm 2016 sẽ cao hơn so với năm 2015, ít nhất cũng đạt
khoảng 6,8-7%.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng nêu trên, các ngành, các địa phương và
doanh nghiệp phải nhận thức đúng đắn và đầy đủ những khó khăn, thách thức đang
và sẽ đặt ra để vừa có giải pháp khắc phục vừa chủ động khai thác thật tốt
nhiều cơ hội chắc chắn sẽ tới, đặc biệt cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng
tâm sau đây:
Một là tiếp tục duy trì vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô đi đôi với đổi
mới mô hình tăng trưởng, nhấn mạnh sử dụng nguồn vốn con người, phát huy sức
mạnh của trí tuệ con người thay cho nguồn vốn đầu tư cũng như các nhân tố phát triển
theo chiều rộng khác. Tập trung tâm trí và sức lực xây dựng một hệ thống
pháp luật đầy đủ, khoa học và thực hiện triệt để nguyên tắc thượng tôn pháp
luật, xây dựng một thể chế kinh tế thị trường thực sự lành mạnh, theo đúng
chuẩn mực quốc tế để động viên được sức mạnh của toàn dân, toàn thể cộng đồng
doanh nghiệp vào sự nghiệp phát triển đất nước. Đây cũng chính là những vấn đề
then chốt phải xử lý để đất nước tăng trưởng nhanh, bền vững
và thoát được ra khỏi cái bẫy thu nhập trung bình.
Hai là khẩn trương rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách để chủ động hội
nhập và hội nhập có hiệu quả với nền kinh tế thế giới. Tuyên truyền, hướng
dẫn doanh nghiệp tiếp cận thông tin đầy đủ về AEC, TPP và các hiệp định thương
mại tự do đã ký kết. Để phát huy được lợi ích của hội nhập quốc tế, các doanh
nghiệp trong nước phải chủ động và tích cực khai thác thông tin, tìm kiếm đối
tác để có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất, kinh doanh toàn cầu;
đồng thời mỗi doanh nghiệp, mỗi người lao động phải tự trang bị kiến thức cần
thiết trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và gay gắt hiện nay. Cộng đồng
doanh nghiệp tự đổi mới cơ cấu tổ chức và hình thức sinh hoạt của các hội, hiệp
hội nghề nghiệp, xây dựng và phát triển liên kết giữa các doanh nghiệp để nâng
cao trình độ chuyên môn hóa trong quy trình sản xuất sản phẩm cùng ngành nhằm
tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ba là tăng cường vai trò của khu vực kinh tế trong nước, nhất là khu vực
kinh tế tư nhân trong nước; tập trung tháo gỡ các khó
khăn cho doanh nghiệp và thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất,
kinh doanh. Phát triển mạnh thị trường nội địa với nhiều loại
sản phẩm được sản xuất trong nước đi đôi với đa dạng hóa thị trường xuất khẩu;
phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để giảm áp lực nhập khẩu yếu tố đầu
vào, góp phần kiểm soát tình trạng nhập siêu, tiến tới giữ và ổn định cán cân
thương mại ở mức hợp lý. Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp giảm nhập siêu với
Trung Quốc.
Bốn là nâng cao hiệu quả, hiệu lực nền hành chính
công và cải cách hành chính. Tổ chức giám sát việc triển khai thực thi pháp
luật, đánh giá thực chất đội ngũ cán bộ, công chức, cương quyết loại bỏ những
người gây cản trở, trục lợi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Kiên
quyết phòng chống tham nhũng và giải quyết có hiệu quả nhiều vấn đề đang gây bức
xúc trong xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét