Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

Nhọc nhằn nghề đêm thức... ngày không nghỉ

Nhọc nhằn nghề đêm thức... ngày không nghỉ
Người giúp việc ở bệnh viện nếu thạo nghề cũng không khác gì điều dưỡng vì quanh năm suốt tháng chăm người bệnh, học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Chị Hương cho biết: làm nghề này vất vả, nhưng cái vất vả thì chị chịu được còn cái sự nhục nhã, khổ tâm thì sẽ có thể bỏ ngay. Có nhiều người nghĩ rằng mình bỏ đồng tiền ra thuê thì có quyền mắng nhiếc, xúc phạm người khác.

Chị Hương đang chuẩn bj cho bệnh nhân ăn trưa
Khổ nhất là gặp phải bệnh nhân "quậy"
Chị Nguyễn Thị Hương, 31 tuổi quê ở xã Lưu Lương- Cẩm Khê – Phú Thọ đã làm công việc giúp việc ở bệnh viện 6 năm nay. Địa chỉ mà chị thường nhận chăm sóc bệnh nhân là Bệnh viện Hữu Nghị Việt – Xô. Công việc chăm người bệnh thuê khá vất vả, mỗi đêm chị Hương chỉ chợp mắt được khoảng vài ba tiếng là cùng, còn ban ngày gần như không ngủ. Tiền công cho một ngày từ 300-500 nghìn đồng tùy từng ca khó hay dễ.

Bệnh nhân mà chị Hương đang chăm là một cụ già 80 tuổi bị tai biến. Nhận thức lơ mơ, quên quên, nhớ nhớ nên chị phải để ý rất cẩn thận. Đêm ngủ bệnh nhân hay cậy chân trèo qua thành giường để xuống đất trong khi bệnh nhân phải nằm một chỗ và người dính đầy các thiết bị y tế.

Chị Hương cho biết, cụ ông bị bệnh này hò hét suốt đêm, ăn nhiều, gần như không nhận thức được no, đói, ăn hay chưa. Bệnh nhân lại khá cao to nên chị Hương phải trông rất mệt. Riêng cho ông ăn phải 2 tiếng đồng hồ mới xong. Chị chia sẻ: “May mắn thì gặp bệnh nhân ngoan, còn bệnh nhân “quậy” thì tốn sức lắm".

Có bệnh nhân còn cấu cho người chăm tím cả tay. Lúc tỉnh tỉnh cụ bảo “đấy là ông cấu yêu đấy.” Nhiều bệnh nhân đã 80 tuổi nhưng cứ nói mình mới 15 tuổi và chưa có vợ, dù vợ con ông đang ngồi cạnh ông cũng không nhận ra.

Có cụ bảo: “Ông mà khỏe, ông mà đi được thì ông sẽ đánh mày đầu tiên vì ông không muốn ăn mà mày vẫn bắt ông ăn”. Nhưng khi họ tỉnh táo thì lại nói: “Mày đừng giận ông chứ ông thương mày nhất đấy”.


Lời tòa soạn:
Nghề chăm sóc người bệnh hay còn gọi là osin bệnh viện từ lâu đã trở thành một nghề tự phát được nhiều phụ nữ nông thôn ra thành phố lựa chọn. Có những làng, phụ nữ rủ nhau đi làm nghề osin bệnh viện gần hết. Nghề tuy vất vả nhưng có thể đưa lại cho họ thu nhập hơn việc trồng lúa hay đi làm osin đơn thuần.
Infonet sẽ khởi đăng loạt bài về "Nghề osin bệnh viện", một nhu cầu không thể thiếu trong xã hội hiện đại...
 6 năm đi chăm người bệnh, có người nặng, người nhẹ nhưng chị Hương vẫn ấn tượng nhất với một bệnh nhân nặng nhất mà chị chăm hồi trước Tết 2015. Bệnh nhân này bị tai biến, nằm liệt giường đã lâu nên da thịt bị hoại tử hết. Người thân, vợ con sợ quá phải thuê chị Hương chăm sóc.
Chị nhớ lại: “Chân tay bệnh nhân òng ọc ước, thương lắm. Chỉ thay băng gạc một lúc đã ướt đẫm nên phải thay lại cho người ta. Tết chị có việc phải về nhà nên không chăm ông ấy được, người nhà phải thuê người khác chăm. Ra Tết, người nhà gọi báo ông mất rồi chị cũng thấy thương ông ấy quá. Người nhà của ông ấy đối xử với chị rất tử tế, dù họ không cho mình tiền nhưng được lời ăn tiếng nói nên vẫn hài lòng.”
Không giận bệnh nhân, chỉ giận người nhà
Mỗi một bệnh nhân chị Hương phải chăm vài tuần, vài tháng, có khi vài năm tùy tình trạng của người bệnh. Cứ người này giới thiệu với người kia nên chẳng bao giờ chị Hương hết việc. Có những năm Tết cũng không về nhà mà ở viện chăm bệnh nhân, kể cả bệnh nhân về nhà thì lại về nhà họ để chăm tiếp.
Mặc dù bệnh nhân có quậy đến đâu, khó tính đến đâu nhưng người chăm sóc phục vụ người bệnh như chị Hương không giận. Vì chị nghĩ rằng, họ bệnh tật, cần phải thông cảm. Nhưng với những người nhà, chỉ cần nặng lời, coi việc bỏ ra đồng tiền thuê người là có quyền hạch sách thì dù phải bỏ dở công việc chị cũng bỏ do động đến lòng tự trọng.
31 tuổi nhưng đã có thâm niên 6 năm đi chăm sóc người bệnh. Chồng ở nhà đi xây, làm ruộng, trông đứa con 6 tuổi, 1 tháng chị Hương mới về thăm chồng con 1 lần. Công việc của chị Hương ngày không được ngủ, đêm chập chờn lo cho bệnh nhân nên mắt lúc nào cũng thâm quầng.
Do ở quê làm nông vất vả nên chị phải đi làm công việc chăm người bệnh để kiếm thêm. Mỗi tháng cả tiền công tiền thưởng cũng được gần 10 triệu nhưng chị vẫn ăn uống kham khổ để còn tiết kiệm đưa tiền về nhà. Chị Hương cho biết: “ăn uống thất thường lắm, cho bệnh nhân ăn xong mình mới ăn, mỗi bữa chỉ ăn 3 nghìn đồng, 5 nghìn đồng, nhiều thì cũng chỉ ăn 15 nghìn. Có khi chỉ gói xôi, cái bánh mì là qua bữa.
Lúc mới vào nghề chị Hương đi theo giới thiệu của người làng. Ban đầu chưa có kinh nghiệm nên chỉ chăm người bình thường. Nhiều người dọa vào phòng hồi sức tích cực thế nào cũng “bật bãi” vì ở đây toàn bệnh nhân nặng.
Nhưng muốn được người ta thuê mình phải học hỏi, từ việc hút đờm, thay ga trải giường. Công việc này đòi hỏi phải có sức khỏe, nhanh tay, nhanh mắt và khéo léo. Phải quen với việc thức đêm nhưng ngày không được nghỉ bù. Người giúp việc ở bệnh viện nếu thạo nghề cũng không khác gì điều dưỡng vì quanh năm suốt tháng chăm người bệnh, học hỏi được nhiều kinh nghiệm.  
Chị Hương cho biết: làm nghề này vất vả, nhưng cái vất vả thì chị chịu được còn cái sự nhục nhã, khổ tâm thì sẽ có thể bỏ ngay. Có nhiều người nghĩ rằng mình bỏ đồng tiền ra thuê thì có quyền mắng nhiếc, xúc phạm người khác.
“Với bác sĩ thì người làm việc như chúng tôi luôn tuân thủ theo chỉ dẫn của họ, nhưng đôi khi người nhà họ lại muốn mình làm khác đi. Ví dụ như bệnh nhân được bác sĩ chỉ định ăn xông thì người nhà lại muốn mình cho bệnh nhân ăn cơm. Nên những việc như thế là rất khó xử. Hoặc có những bệnh nhân phải đóng túi tiểu nhưng họ không hợp tác nên cứ thế tiểu luôn ra giường, mùa này còn đỡ, mùa đông khổ lắm” - Chị Hương chia sẻ.
Hiểu Khuê
http://infonet.vn/nhoc-nhan-nghe-dem-thuc-ngay-khong-nghi-post177227.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét