Kinh tế Trung Quốc không bi quan như nhiều người nghĩ
Một số chuyên gia cho rằng phép màu nền kinh tế Trung Quốc – điều đã đưa 300 triệu người thoát khỏi đói nghèo và thay đổi trọng tâm địa chính trị thế giới – đang đi đến hồi kết đầy bất ổn. Theo quan điểm này, thị trường chứng khoán biến động và sự phá giá “bất ngờ” của đồng nhân dân tệ là những dấu hiệu của sự sụp đổ kinh tế đang đến gần, bởi các khoản đầu tư mạo hiểm và mức nợ công cao đã bắt đầu kìm hãm sự tăng trưởng sản lượng nhanh chóng như trong những thập niên qua.Thực tế, GDP Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong những năm 2010-2013 nhưng giá cổ phiếu đã giảm. Gần đây hơn, khi giá cổ phiếu bắt đầu tăng nhanh trong nửa đầu năm 2015, nền kinh tế đã bắt đầu chững lại. Nhà kinh tế học người Mỹ Paul Samuelson từng có câu nói châm biếm nổi tiếng rằng “Thị trường chứng khoán là nguyên nhân gây ra 9 trong số 5 cuộc suy thoái gần đây nhất”.
Tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể do những thay đổi trong các yếu tố cơ bản: cơ cấu dân số bất lợi hơn, việc chuyển trọng tâm từ xuất khẩu và đầu tư công sang khu vực dịch vụ và tiêu dùng trong nước, và sự tụt giảm nhu cầu từ các nền kinh tế phát triển. Dù vậy, thành công trong quá khứ của Trung Quốc cũng góp phần vào sự suy thoái này, do việc gia tăng tiền lương đã hạn chế sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế dựa vào lao động giá rẻ và việc đuổi kịp (các nước phát triển) về mặt công nghệ.
Những dấu hiệu khác của sự suy thoái đã xuất hiện trong nửa đầu năm 2015, bao gồm xuất khẩu và đầu tư suy giảm. Nhưng những chỉ số quan trọng khác, như thị trường bán lẻ và nhà đất, đều tăng trưởng. Và có lẽ quan trọng nhất là thị trường lao động của đất nước này vẫn ổn định, tạo khoảng 7,2 triệu công việc mới ở khu vực thành thị trong nửa đầu năm 2015, trong đó một bộ phận lớn thuộc các ngành dịch vụ. Trong khi đó, tiền lương vẫn tăng ở mức cao và liên tục. Năm nay tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc có thể dưới 7%, nhưng tôi tin rằng nó sẽ không tụt xuống quá xa dưới mức mục tiêu của chính phủ là “khoảng 7%”.
Sự biến động của giá cổ phiếu những tháng gần đây liên quan tới đặc trưng của thị trường chứng khoán Trung Quốc nhiều hơn là tới các yếu tố cơ bản của nền kinh tế đất nước này. Ở những nền kinh tế phát triển hơn, như Mỹ và châu Âu, nhiều tổ chức đầu tư – những người thường chú trọng đến các yếu tố cơ bản trong dài hạn – sẽ giúp ổn định thị trường chứng khoán. Ngược lại, thị trường Trung Quốc được thống trị bởi các nhà đầu tư cá nhân, những người dường như theo đuổi những lợi nhuận ngắn hạn và đầu tư lướt sóng, do đó làm trầm trọng hóa những biến động và tạo ra khoảng cách lớn hơn giữa giá chứng khoán và tăng trưởng của nền kinh tế thực.
Hơn nữa, các doanh nghiệp được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc không đại diện cho các công ty của đất nước này. Chẳng hạn, các doanh nghiệp do nhà nước nắm cổ phần chi phối chiếm 2/3 giá trị vốn hóa của các sàn giao dịch, nhưng họ chỉ chiếm không quá 1/3 GDP Trung Quốc và thậm chí một tỷ lệ thấp hơn trong việc sử dụng lao động.
Sự tăng giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc cần phải được phân tích trong bối cảnh những hạn chế của hộ gia đình trong việc lựa chọn phương án tiết kiệm. Sự gia tăng giá cổ phiếu xảy ra khi lãi suất tiền gửi được chính thức áp đặt mức trần. Khi chỉ có ít phương án thay thế với lợi nhuận thấp, thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn, đặc biệt là khi những tờ báo lớn của đất nước này lại đưa ra hàng loạt bài báo lạc quan về giá chứng khoán như những gì đã xảy ra.
Những diễn biến gần đây có thể đã góp phần vào áp lực giảm giá, bao gồm những bàn bạc về việc dỡ bỏ trần lãi suất tiền gửi (trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm hoặc hơn đã được dỡ bỏ vào ngày 25/08). Sự nới lỏng hơn việc cho phép các hộ gia đình giàu có chuyển các khoản tiết kiệm ra nước ngoài, cùng với lãi suất được dự báo là sẽ tăng ở Mỹ, cũng là một nhân tố tác động khác.
Hơn nữa, như giáo sư Jeffrey Frankel của Harvard đã chỉ ra, các nhà lập pháp đã nâng các yêu cầu ký quỹ lên nhiều lần trong năm nay, khiến cho việc mua cổ phiếu bằng tiền vay trở nên khó khăn hơn. Và, cũng như các thị trường chứng khoán khác, thay đổi tâm lý không liên quan tới các chỉ số cơ bản (của nền kinh tế) cũng có thể dẫn đến biến động thị trường.
Việc nền kinh tế Trung Quốc liệu có tiếp tục tăng trưởng nhanh hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng cải cách hơn là vào tình trạng của thị trường chứng khoán. Nếu Trung Quốc muốn phát triển trong dài hạn thì việc nâng cao tổng năng suất là điều chủ chốt. Điều đó có nghĩa là cần đại tu các doanh nghiệp quốc doanh và ngành tài chính để các nguồn lực có thể tập trung vào các dự án đầu tư hiệu quả. Cắt giảm gánh nặng thuế đối với các doanh nghiệp – bao gồm cả thuế thu nhập – cũng có thể có ích.
Những cải cách nhằm nâng cao tính linh hoạt của thị trường lao động cũng cần được xem xét. Mặc dù Trung Quốc có thị trường lao động tương đối linh hoạt trong ngành chế tạo, nhưng việc tái phân bổ lao động của các doanh nghiệp dựa trên cơ sở nhu cầu thị trường đã trở nên khó khăn hơn trong những năm gần đây. Nâng cao tính linh hoạt có thể không thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn, nhưng nó sẽ tăng cường khả năng phục hồi sau những cú sốc tiêu cực trong tương lai, dù là cú sốc có nguồn gốc trong hay ngoài nước.
Chừng nào Trung Quốc còn tiếp tục theo đuổi các chính sách theo hướng thị trường thì nó vẫn sẽ là quốc gia đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP toàn cầu trong trung hạn, bất chấp những biến động trên thị trường chứng khoán. Nếu những cải cách này dừng lại thì tụt giá chứng khoán cũng chỉ mới là nỗi lo nhỏ nhất của Trung Quốc mà thôi (bên cạnh các mối lo lớn hơn khác do ngừng cải cách gây ra).
Shang-jin Wei là Kinh tế trưởng và là Vụ trưởng Vụ Hợp tác Khu vực và Nghiên cứu Kinh tế tại Ngân hàng Phát triển châu Á.
Copyright: Project Syndicate 2015 – A False Alarm about ChinaNguồn: Shang-jin Wei, “A False Alarm about China”, Project Syndicate, 04/09/2015.
Biên dịch: Lê Thái Hưng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
http://nghiencuuquocte.net/2015/10/07/kinh-te-trung-quoc-khong-bi-quan/#sthash.PAhlolDM.dpuf
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét