Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

Sài Gòn đàn bà trong mắt đàn bà Sài Gòn

Sài Gòn đàn bà trong mắt đàn bà Sài Gòn
Đối với người yêu Sài Gòn, dù đàn ông hay đàn bà, thì Sài Gòn không chỉ là một cuộc đời, một con người có dung mạo hình hài, cốt cách tư phong và số phận, mà Sài Gòn còn có giới tính hẳn hòi.
Dù phong trần hải hồ quảng giao và hào sảng tới đâu, Sài Gòn, với bản chất phù phiếm nhẹ dạ cả lòng ấy, với lòng phù thịnh nhưng đãi suy hồn hậu đó, khi như nhân tình, như hồng nhan tri kỷ, có khi lại như những bà thím bà má Nam bộ xởi lởi nơi những nếp gia liếp thưa mà lu nước mưa luôn đầy mát lòng người lỡ bộ, hẳn nhiên phải là đàn bà. 
Bướm ong từ những nẻo đường tỉnh lộ

Trong đời gã trai lập nghiệp nào không có cuộc tương tư một bóng vía đàn bà dạn dày từng trải nào đó. Nàng quanh năm ong bướm vào ra tỏ lối, ngược xuôi những nẻo quốc lộ mù khói trực chỉ Sài Gòn hàng chuyến xe đò hấp tấp chông chênh, xả ra hàng chục, hàng trăm, hàng vạn gã trai quê cũng ôm lòng khấp khởi trước viễn tưởng hào hoa của giấc mơ phố lớn.

Nàng lôi kéo họ bằng viễn tưởng hoàng hoa của những trục lộ trung tâm diêm dúa. Nàng rù quến họ khỏi những nếp gia đâu đó miền lục tỉnh hay tuốt luốt tận đàng ngoài xa xôi, với giấc mộng vàng son trọn đời cắm cố phần thân lưu lạc bên mình giai nhân sang cả. Nàng kích thích những tham vọng điên khùng nhất mớ lòng non miệt vườn bằng cái ồn ào bồng bột của thói nếp xa hoa, của những tòa building vong bản tân kỳ, như cô ả thượng lưu đã lắm truân chuyên lại còn treo cao giá ngọc chiêu dụ cái máu anh hùng thời thượng và bản năng khuất phục trong tận tâm can những gã trai quê.

Nàng đầy đủ thói phù hoa của những trò hư hỏng hay ho bên ngoài gian bếp của mẹ hay khoanh vườn của cha. Nàng hau háu nhai nuốt người ta tới tận dép. Nàng sân si phò thịnh, ưu ái đặt những tay chơi ngoại hạng lên tầm thượng lưu, chiều chuộng mọi thú vui nhất dạ phong lưu, rồi có thể chỉ sau một biến cố ngoài sàn giao dịch, bằng cái thói đồng bóng khó lường của đàn bà muôn thuở, lại tỉnh bơ tuốt sạch và hất cẳng tay thiếu gia yếu vía về đúng cái vỉa hè mà từ đó gã thất thểu lập mộng đại gia.

Mỗi sáng tinh mơ, trên vỉa hè Sài Gòn lại có thêm bao nhiêu gã còn chưa tỉnh mộng đã loạng choạng xây mộng lập thành xưng đế. Những tay tài phiệt mới nhập môn đã phá sản, lại thả cái thứ hy vọng hồn nhiên theo từng vụ áp-phe vỉa hè, từng lá vé số mông lung. Vậy mà trúng, vậy mà phất, vậy mà chiều hôm lại thấy dập dìu cơm tiệm, vũ trường.

Sài Gòn vẫn xoay vòng đảo điên mê mải trong bản luân vũ thất thường đoạn voi đoạn chó. Để sáng ra chiều về, gã thanh niên trúng độc đắc hưởng lộc mỹ nhân lại thất thểu nghêu ngao bản nhạc chế trứ danh “Nhớ ngày nào trúng mánh ngày đó huy hoàng, ngày nào bể mánh ngày đó điêu tàn…”.

Dễ bỏ khó quên

Thói phù phiếm trắc nết của Sài Gòn nhắc nhớ hiển vinh một đời hồng nhan chọc trời khuấy nước vô thường mà vô hậu của cô Ba Yvette – giai nhân một thời khét tiếng chốn phong lưu, nàng thơ trong mộng của nhà “Sài Gòn học” Vương Hồng Sển. Cả cuộc hồng nhan bỏ ra để cuốn sạch, tuốt sạch tới giạ lúa cuối cùng của các công tử miệt vườn, cho tới đồng bạc đáy hòm lận lưng của cùng khắp giang hồ Chà-Chệt. Nàng còn tuốt vắt tới lòng từ tâm hảo hán cuối cùng của những tay giàu máu “quân tử Tàu” và cuối đời lưu vong lây lất giữa những bữa cơm trắng cơm đen vật vờ trong buổi vãn tuồng, vĩnh viễn mang theo bi kịch hồng nhan cái tên kỷ niệm của tình quân trượng nghĩa duy nhất trong đời, bởi một lần cao hứng ví nhan sắc của nàng với cô đào cine Yvette.

Cái nhan sắc lẫy lừng thời xuân sắc đỉnh cao chỉ còn được nhắc nhớ qua những tấm ảnh đen trắng cũ kỹ chuyền tay, như thứ kỷ vật hãnh diện còn lại của người đàn bà nhếch nhác, cuộc đại trùng tu không lấp liếm nổi những phai tàn.

Mà thôi, bỏ qua chuyện cô Ba Trà (người vẫn thường bị nhầm lẫn với Cô Ba in trên bánh xà bông hãng ông Bền). Đó chỉ là chuyện ví von cái thói đam mê kim tiền phù phiếm của đàn bà Sài Gòn nói chung. Nhưng cái lòng trọng nghĩa phù suy cũng đủ cho nàng hồn hậu đón những gã trai nhập xứ vào lòng, không ngại ngần phô bày trước gã những hẻm nghèo thuần phác trang điểm bằng bông điệp vàng bông giấy đỏ, hay len lỏi vào tận những xóm lao động tứ chiếng, phơi đủ cái lôi thôi luộm thuộm ba đời dân trôi dạt. Nàng cũng nương tay cái hầu bao khiêm tốn của trai tứ chiếng mới ra ràng bằng dĩa cơm sườn bình dân vài ngàn đồng bạc, ca nước mát miễn phí sạch lành ven đường, không chút dè xẻn tính toan như khuôn ngực cứ phơi ngời ngời mát con mắt kẻ lạ qua đường, chút hương dư nàng ban phát tứ tán bởi những cú xức hương quá tay hào phóng. Nàng chào đón nuông chiều không thiếu ai, nhưng cũng rạch ròi sòng phẳng đến cay nghiệt, đủ khiến chạnh lòng kẻ thiệt thòi trong ván cờ mưu sinh.

Nhưng đó cũng là khi Sài Gòn thử lòng nhân ngãi, đó là khi nàng buông tuồng suồng sã cái bộn bề của chốn trọ chỉ quen đón kẻ lại qua, dăm ba bữa những nếp gia dựng tạm, những mối duyên nhân ngãi qua mùa. Đã bao nhiêu lứa thị dân trú mình vào phần thân tồi tàn của Sài Gòn mà thương tưởng khói rạ đồng quê hay sương phủ Tây Hồ?

Cũng không ít kẻ tấp vô Sài Gòn dăm ba mùa, thảng thốt nỗi ngặt nghèo của đồng bạc khó kiếm lại thối chí hồi hương, kẻ may mắn được hậu đãi phủ phê lại nhấp nhổm coi đây như chiếu nghỉ, xấp dãy lũ lượt trước những tòa sứ quán tìm thêm bước tha hương cắm gửi phận da vàng vào một vùng đất hứa nào đó.

Sài Gòn là đất chẳng níu chân người, như người đàn bà kiêu hãnh cự tuyệt việc bám víu tình hờ. Người ta ở chưa ấm chỗ lại dọn đi, hàng xóm cũng toàn người tứ xứ. Ngay cả bạn bè, chỗ làm hay quán cà phê ruột cũng có thể thay đổi xoành xoạch. Đa phần “dân Sài Gòn” chẳng có gia đình họ mạc tại đây. Nên chuyện người đến kẻ đi đã ra cơm bữa. Sài Gòn không có cái thói quyến luyến là vậy. Nhưng một khi đã sống ở đây, dù vắn dài bất kể, phải xa rồi mới biết cái mối tương tư luyến nhớ nó kỳ lạ dằng dai đến độ nào.

Cũng một phần bởi cái thành phố tạp chủng ấy chẳng bao giờ gặp lại lần thứ hai ở bất kỳ đâu, đúng như cái nồi lẩu thập cẩm nhưng mà gây ghiền ở chính những vụn vặt bất ngờ nhất trong tổng thể cái nỗi tương tư mang tên Sài Gòn. Người ta khi ở gần thì hoảng sợ cái bạo liệt phù phiếm của nàng, oán trách cái hời hợt vô tình chẳng có chi để níu chân người. Nhưng xa rồi mới biết đàn bà như nàng đâu dễ gặp lại lần thứ hai, để rồi nhớ thương quằn quại từng cơn mưa đồng bóng.

Bởi đàn bà như Sài Gòn, người ta không chọn đất đó làm quê, mà cũng không chọn nàng làm vợ.

Bởi với nhiều người, Sài Gòn là nơi đất đến, chứ không phải chốn quay về.

Nàng có thể là cơn rù quến liêu trai đầu đời, chứ không giống ả đàn bà sau cuối.

Nàng là loại đàn bà dễ tán tỉnh nhưng khó bề sở hữu.

Và nàng cũng chính là loại đàn bà dễ bỏ mà quá trời khó quên.

Ôm mộng hồi xuân

Người ta nói Sài Gòn bây giờ không đãi ngộ lưu dân như ngày xưa. Có thể cũng bởi những nhân ngãi ba thời vẫn vật vờ ôm mộng héo hon nơi những lề hè luộm thuộm không người tu bổ, hay cũng bởi những ngược đãi vô tình đã biến người đàn bà đài các ngày nào thành ra phế tích của chính mình đằng sau những building lạnh tanh mùi kim khí.

Một trong những tín hiệu chua chát nhất của thời gian, đối với một người đàn bà, đó là khi những chàng trai trẻ, vẫn trẻ như hàng chục năm xưa, đã không còn tìm đến nàng bởi hào quang nhan sắc. Tất cả chỉ còn cằn cỗi những nước cờ sự nghiệp và một cuộc bòn rút những gì còn lại nàng có thể cho đi.

Cái nhan sắc lẫy lừng thời xuân sắc đỉnh cao chỉ còn được nhắc nhớ qua những tấm ảnh đen trắng cũ kỹ chuyền tay, như thứ kỷ vật hãnh diện còn lại của người đàn bà nhếch nhác, cuộc đại trùng tu không lấp liếm nổi những phai tàn. Người đàn bà mang tên thị tứ như cũng đã tới hồi chểnh mảng điểm trang, người ta đến với nàng bây giờ bởi cuộc mưu sinh nhiều hơn là vì lòng ái mộ nhan sắc đã qua thời vinh hiển.

Chỉ non vài thập niên mà Sài Gòn trải qua vô số kể những cuộc đại phẫu, tiểu phẫu dọc ngang thời cuộc. Người Sài Gòn sống giữa đất Sài Gòn dăm ba năm nhìn lại đã kịp thấy lạ lẫm, may chăng còn vài nóc nhà thờ hay vài công trình lớn nhỏ để làm mốc định hướng cho khỏi lạc đường, như kẻ chung tình chỉ còn biết nhắm mắt nương theo mùi thân thể mà nhận mặt người thương.

Người yêu nàng thẫn thờ tìm quanh phố lớn đâu nét người hoa đỏng đảnh đôi giày gót cao, những tà áo hoa vấn vít, những mái tóc bới cao, những điểm trang phấn sáp cầu kỳ. Nàng như người đàn bà muộn mùa làm vợ, tất bật nhàu nhĩ nơi xóm nghèo, hay bệ vệ trịch thượng khí khái lệnh bà dân phố lớn.

Chỉ đôi khi, chỉ là đôi khi thôi, khi đã thật về khuya, người ta lại được ngắm nàng, ủ dột một nỗi sầu sang cả vẫn mùi mẫn dẫu đã muộn màng.

Cũng chính trong những thoảng hoặc đôi khi ấy, một cậu trai tha phương trên căn lầu ký túc, hay rong ruổi cuốc xe cuối ngày sau ca làm khuya chợt phải lòng cái nét sầu muộn mặn mòi một thời vang bóng mà đem dạ phải lòng, mà lại ôm mộng cắm cố tấm đời lưu vong bên mình giai nhân vĩnh viễn, để thả neo lại cuộc đời, ôm mộng hồi xuân một hình vóc giai nhân.

Trác Thuý Miêu
http://nguoidothi.vn/vn/news/van-hoa-giai-tri/xe-do-ra-pho/4457/sai-gon-dan-ba-trong-mat-dan-ba-sai-gon.ndt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét