Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

Xin bộ trưởng chỉ đích danh người “đáng trách”

Xin bộ trưởng chỉ đích danh người “đáng trách” 
Người đứng đầu Bộ công thương nói ế nông sản trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý. Nhưng cụ thể là ai thì không chỉ. Với kiểu trách chung chung này xem ra con đường tiêu thụ nông sản Việt còn khá mờ mịt.
“Chết” vì chưa có người chịu trách nhiệm
Tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân đã nóng ngay tại phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII ( ngày 20.5). Khi báo chí đưa tin dưa hấu vẫn đang khắc khoải nằm chờ các nhóm tình nguyện giải cứu, bà con vẫn tiếp tục xuống giống cho vụ tới, có không ít lời trách, rằng bà con nông dân đã không tự cứu mình, rằng chẳng khác nào cố đẻ thêm con trai, dù nhà nghèo, con cái nheo nhóc…

Chúng tôi chuyển những thắc mắc của cộng đồng với bà con nông dân ở xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), ông Bùi Tuấn buồn rầu: “Đất bạc thế này, không trồng dưa thì trồng cây gì”. Nghe mà xót, mà rơi nước mắt khi người nông dân vẫn cứ loanh quanh với việc trồng cây gì, nuôi con gì?

Vì sao các nhóm tình nguyện lại tháo giỡ được điểm nghẽn trong khâu phân phối lưu thông? Các cơ quan hữu quan lại bó tay?

Trả lời báo giới bên hành lang kỳ họp Quốc hội ngày 20/5, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã xin đừng trách người nông dân. Ông nói, nếu có trách là trách các cơ quản lý nhà nước, trong đó ngành công thương cũng có trách nhiệm.

Vâng. Thưa bộ trưởng, người dân rất cần biết đích danh các cơ quan quản lý nhà nước cụ thể là cơ quan nào? Nhận trách nhiệm cứ chung chung theo kiểu ai cũng có phần xem chừng biết đến ngày nào mới tìm ra đường tiêu thụ cho nông sản Việt?

Trong khi cả xã hội đang chung tay chia sẻ với người nông dân Quảng Nam, Quảng Ngãi từng quả dưa hấu thì cuộc họp ngày 14/5, bàn về các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ rau quả, trái cây theo hướng bền vững do Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đồng tổ chức vẫn còn loay hoay với các giải pháp để nông sản Việt tiêu thụ chính trên thị trưởng nội địa.

Hội nghị chỉ rõ: Tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ngành rau quả chủ yếu là qua thương lái, công ty tư nhân thu gom trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ tăng trưởng thương mại rau quả ngày càng cao.

Ai cứu nông dân?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, năm 2014 cả nước có khoảng 1 triệu tấn dưa hấu thì tiêu thụ trong nước khoảng 700.000 tấn, còn lại xuất khẩu sang Trung Quốc. Tiêu thụ trong nước thì phó mặccho thương lái, vì thế mới tái diễn chiêu trò ép giá người nông dân xuống mức mà người nông dân rơi vào tình cảnh bỏ thì thương, vương thì tội.

Tuy nhiên, khi các nhóm tình nguyện đột phá cứu nông dân vụ dưa hấu, vừa đẩy thương lái vào tình thế không thể một mình một chợ, phải nâng giá thu mua cao cho bà con, vừa góp sức làm bình ổn thị trường tiêu thụ dưa hấu ở các đô thị lớn.

Bài toán tiêu thụ nông sản cho người nông dân đã được Chính phủ đặt ra từ năm 2002, bằng quyết định số 80, về việc liên kết giữa bốn nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước và nhà khoa học). Vì sao suốt 13 năm qua mà bốn nhà vẫn chưa liên kết được với nhau? Tắc ở khâu nào?

Người nông dân thì cứ thấy lợi là trồng, quy hoạch thì vẫn nằm trên giấy, chính quyền thì “nói dân không nghe”, các nhà khoa học thì vẫn xa vời vợi.

Vì sao các nhóm tình nguyện lại tháo gỡ được điểm nghẽn trong khâu phân phối lưu thông? Các cơ quan hữu quan lại bó tay?

Chuyện 13 năm trước, ông Đặng Văn Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà (Lào Cai) đích thân đánh mấy xe tải chở mận Tam hoa - đặc sản của đất Lào Cai đi chào hàng dọc từ miền Trung đến miền Nam. Ông chủ tịch lo mận không ai mua người dân sẽ chặt bỏ, ông tiếc cho giống cây đặc sản ở xứ mình bị triệt tiêu. Mận ở Lào Cai bán giá 200 đồng/kg vẫn vắng bóng người mua, nhưng lại có giá cao gấp 70 lần khi có mặt ở TPHCM.

Cứu mùa vải chuẩn bị vào vụ thu hoạch, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã vào làm việc với lãnh đạo các sở ngành, đầu mối tiêu thụ ở TPHCM để tìm thị trường cho vải quê nhà. Theo các hiệp sĩ giải cứu dưa hấu thì chỉ cần đầu mối để trao đổi hoa quả của các vùng miền là đã dư sức để tiêu thụ. Mấu chốt là cắt giảm khâu trung gian, giảm giá thành tiêu thụ. Người nông dân và người tiêu dùng được kéo lại gần nhau hơn.

Trong lần vào giải cứu dưa hấu ở vũng lũ Đại Lộc (Quảng Nam), hiệp sĩ Ngô Anh Tuấn đã đưa Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải – “ông già ozon” vào tư vấn và hướng dẫn bà con nông dân cách trồng, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch.

Ông Trịnh Mười là người nông dân đầu tiên làm theo “ông già ozon”. Hiệp sĩ Trần Hữu Như Anh thì lặn lội hơn tháng trời ăn với dưa, ngủ với dưa ở đầu cầu miền đất Quảng để đưa đi tiêu thụ ở các địa phương, vui mừng thông báo: “Trong lúc chờ xe vào chất dưa, chúng tôi tranh thủ tham quan và khảo sát 1ha dưa của ông Trịnh Mười. Ông Mưởi cho hay, canh tác theo phương pháp mới, giúp dưa phát triển tốt hơn, ít sâu bệnh hơn, hoa to hơn, tỷ lệ đậu trái cao và hy vọng năng xuất cao hơn kiểu canh tác thông thường”. Như thế đã rõ câu trả lời vì sao nông sản Việt lại chết trên chính thị trường nội địa.

Bao giờ 4 nhà cùng “chung một ngôi nhà” như quyết định của Chính phủ đặt ra từ 13 năm trước? Bao giờ người nông dân không còn khóc vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được?

Xã hội chờ đợi câu trả lời từ Bộ trưởng các bộ: Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học- Công nghệ và chủ tịch UBND các địa phương.
Lê Nguyễn
http://khampha.vn/toi/xin-bo-truong-chi-dich-danh-nguoi-dang-trach-c8a332372.html

1 nhận xét:

  1. "Vì sao suốt 13 năm qua mà bốn nhà vẫn chưa liên kết được với nhau? Tắc ở khâu nào?

    Người nông dân thì cứ thấy lợi là trồng, quy hoạch thì vẫn nằm trên giấy, chính quyền thì “nói dân không nghe”, các nhà khoa học thì vẫn xa vời vợi".

    Xin thưa: suốt 13 năm qua, câu trả lời vẫn sờ sờ trước mắt. Đó là TRONG MỌI LĨNH VỰC SẢN XUẤT-KINH DOANH-LƯU THÔNG PHÂN PHỐI Ở NƯỚC TA... TẤT TẬT VẪN ĐANG NẰM TRONG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA.

    Trả lờiXóa