Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Kinh tế Nga "bay cao" nhờ... trừng phạt của phương Tây

Kinh tế Nga "bay cao" nhờ... trừng phạt của phương Tây
Theo tạp chí Forbes, phương Tây áp đặt liên tiếp lệnh trừng phạt nhằm "hủy diệt" nền kinh tế Nga sau cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine song thực tế, kết quả lại không như vậy.
Tổng thống Putin khẳng định nền kinh tế Nga có thể vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt. Nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng nặng nề khi mà chỉ trong vòng 12 tháng, giá dầu trên thế giới đã giảm từ mức gần 100 USD/thùng xuống còn 45 USD/thùng.

Sau cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine và phản đối việc Moscow quyết định sáp nhập bán đảo Crimea, phương Tây đã liên tiếp đưa ra lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng và tài chính của Nga. Đáp trả, Nga cũng đã áp đặt lệnh cấm vận với hoạt động nhập khẩu một số mặt hàng thực phẩm từ phương Tây.

Theo nhà báo Kenneth Raposa tại tạp chí Forbes, các biện pháp trừng phạt của phương Tây là một đòn giáng mạnh với Moscow. Tuy nhiên nền kinh tế Nga hiện ở trong tình trạng tốt hơn nhiều so với các dự đoán trước đây.

Xem thêm: Báo Mỹ: Obama đã "bốc phét" về hiệu quả trừng phạt Nga
Lệnh trừng phạt của phương Tây đã giúp nước Nga trở thành thị trường mới nổi tốt nhất trong năm nay. Theo quỹ chứng khoán Market Vectors Russia (RSX), đồng rúp đã tăng trị giá 17% kể từ đầu năm nay. Theo đó, đồng đôla Mỹ so với đồng rúp đã giảm xuống dưới 50 rúp/USD. trong khi hồi tháng Một, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự đoán tỷ lệ trao đổi sẽ tăng lên mức 70 rúp/USD trong vòng ba tháng.

Hồi tuần trước, nhà bán lẻ thực phẩm lớn nhất ở Nga Magnit cho hay doanh số bán lẻ của tập đoàn đã tăng 28,73% trong tháng Tư và tập đoàn cũng đã mở thêm 163 cửa hàng mới. Theo Magnit, các nhà đầu tư đang có xu hướng quay trở lại đầu tư vào Nga.

Còn theo đánh giá của hãng dịch vụ tài chính JPMorgan (Mỹ), tình hình tài chính của chính phủ Nga đang "khá ổn" do khoản nợ chính phủ hiện ở mức thấp. Bà Elvira Nabiullina, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga cho hay Nga hiện có khả năng tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và tới cuối năm nay, mức lãi suất ở các ngân hàng Nga có thể dưới 9,5%. Trong khi đó, thặng dư ngân sách của Nga hiện đang được kỳ vọng tăng lên mức 70 tỷ USD (chiếm 5,5% GDP) vào cuối năm nay. Hồi năm ngoái, con số này là 59 tỷ USD (chiếm 3,2% GDP).

Việc đồng rúp rớt giá, lãi suất tăng và kinh tế suy thoái chính là 3 yếu tố gây áp lực lớn với các ngân hàng của Nga. Tuy nhiên, các tập đoàn phi tài chính như Magnit đã chọn lối đi cho riêng mình để đối phó với tình trạng kinh tế sụt giảm như sử dụng các nguồn vốn nội bộ để trả nợ do khó khăn trong tiếp cận các thị trường quốc tế. 

Hôm 15/5, Cơ quan thống kê Liên bang Nga cho biết GDP quý I của nước này giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi tăng 0,4% trong 3 tháng trước đó. Song, nhà báo Raposa khẳng định nền kinh tế Nga hiện đang trong tình trạng tốt hơn nhiều so với các dự đoán. Báo cáo của Cơ quan thống kê Liên bang Nga cho thấy nền công nghiệp và mức độ tiêu dùng không hề sụt giảm. Dù rằng sản lượng công nghiệp có giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn so với kỳ vọng là nhờ đồng rúp rớt giá.

Trong bảng xếp hạng vốn con người trên thế giới năm 2015 (2015 The Human Capital Report) của Diễn đàn Kinh tế toàn cầu, Nga cũng đã thăng hạng vượt bậc từ vị trí thứ 55 lên hàng thứ 26.
Vào cuối tháng tới, Ủy ban châu Âu sẽ có buổi họp thảo luận về các biện pháp trừng phạt Nga. Theo ông Raposa, dù các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga chưa thể được gỡ bỏ trong tháng Bảy tới nhưng khả năng sẽ xảy ra vào cuối năm nay. Ngoài ra, việc giá dầu tăng lên mức trên 60 USD/thùng từ khoảng 40 USD/thùng cũng đang giúp cải thiện nền kinh tế Nga. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang đẩy mạnh mua cổ phiếu và trái phiếu của Nga vì giá rẻ. Còn các công ty thực phẩm lớn ở châu Âu như Danone lại không muốn mất đi thị phần ở thị trường Nga.

Ông Craig Botham, chuyên viên kinh tế về thị trường mới nổi thuộc Tập đoàn Schroders ở London nhận định những rủi ro chính trị và giá dầu bất thường vẫn đang là mối quan ngại với nền kinh tế Nga. Nếu như lệnh trừng phạt nhằm vào Nga được mở rộng và cuộc khủng hoảng ở Ukraine ngày càng tồi tệ, nền kinh tế Nga sẽ bị tác động.

"Bước chuyển dịch của nền kinh tế Nga mới chỉ chuyển sang các trạng thái màu đỏ khác nhau chứ chưa chuyển từ màu đỏ sang màu xanh", ông Botham nhận định.

* Chuyên gia Nga: "Người em út" Việt Nam đã trở thành "người bạn lớn"

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ trang Forbes.com thuộc Tập đoàn truyền thông Forbes của Mỹ, cùng chủ sở hữu của Tạp chí Forbes. Forbes.com đề cập sâu đến nhiều lĩnh vực từ sự kiện kinh doanh đến tài chính hiện nay và phong cách sống cao cấp.

MINH THU (lược dịch)
http://infonet.vn/kinh-te-nga-bay-cao-nho-trung-phat-cua-phuong-tay-post164720.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét