Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Điên rồ: "cần tăng dư nợ tín dụng và hỗ trợ từ ngân sách"

Mình chán không đọc các tin về kinh tế vĩ mô của Việt Nam vì toàn những phát biểu lung tung. Điển hình là ngài TS Trần Hoàng Ngân này. Trong khi ước tính lạm phát cả năm 2014 là 4% và khẳng định " lạm phát chưa ổn định, tính chắc chắn chưa có" nhưng ông đã vội vàng hô hoán, đe dọa "tổng cầu đang tăng rất yếu" và "chỉ số giá tiêu dùng có dấu hiệu âm". Thật không thể tưởng tượng nổi trình độ của ông TS đương kim cố vấn Thủ tướng này. Nguy hiểm hơn, từ đây ông kêu gào "cần phải làm tăng dư nợ tín dụng", "phải có chính sách hỗ trợ từ phía ngân sách" rồi bịp bợm "hỗ trợ từ phía ngân sách là dạng đầu tư nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai”. Tôi khẳng định tăng dư nợ tín dụng từ thời điểm này sẽ đẩy nền kinh tế vào vòng "lạm phát cao - tăng trưởng thấp" mới như đã diễn ra hai lần (2008 và 2011-2012) gần đây, làm cho đất nước rơi vào giai đoạn phát triển tồi tệ nhất kể từ khi đổi mới. Còn số tiền "hỗ trợ từ phía ngân sách" chắc chắn sẽ tan thành mây khói vì đám doanh nghiệp nhà nước được hỗ trợ ngân sách để "đầu tư máy móc thiết bị" sẽ không ngại ngần quyết liệt xẻ thịt chúng. Đất nước và nền kinh tế khó khăn lắm mới ổn định được như hôm nay, cần duy trì cho vững chắc, từng bước xiết chặt kỷ cương, nâng cao hiệu quả, năng suất để phát triển dựa trên nền tảng chất lượng chứ không phải vốn đầu tư, tín dụng rẻ tiền như mấy chục năm qua. Tiêu đề bài này rất phản cảm, dễ gây hiểu lầm: Cái gì là câu hỏi "Nền kinh tế đang có dấu hiệu giảm phát?". Chỉ số giá tiêu dùng liên tục dương, mới chỉ âm 0,27% trong tháng 11 (quá nhỏ, có thể do sai số điều tra, tính toán) mà đã vội vàng hô hoán ầm lên. Lưu ý lạm phát năm nay thấp có nguyên nhân cơ bản là giá dầu thế giới và trong nước giảm mạnh; nếu loại trừ nhân tố này thì chắc chắn lạm phát vẫn khá cao. Tuy nhiên lạm phát cả năm 4% cũng đã là khá cao rồi, đừng để cao hơn nữa. Nói thật, mình không thể đọc kỹ bài này vì toàn những phát biểu loạn ngôn, chẳng hiểu biết gì về kinh tế vĩ mô cả.
Nền kinh tế đang có dấu hiệu giảm phát?
TRẦN GIANG BizLIVE - Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng trường Đại học kinh tế TP.HCM khuyến cáo chỉ số giá tiêu dùng đang có dấu hiệu giảm phát và có dấu hiệu âm. Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 của cả nước đã bất ngờ giảm 0,27%. Tuy nhiên vẫn tăng 2,6% so với cùng kỳ tháng 11/2013 nhưng rất thấp so với con số dự kiến của Chính phủ: đến hết năm CPI tăng 7%.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân
Bình luận về hiện tượng này, ông Ngân cho rằng hiện tổng cầu đang tăng rất yếu, chỉ số giá tiêu dùng đang có dấu hiệu giảm phát và có dấu hiệu âm. Vì vậy cần phải làm tăng dư nợ tín dụng.


“Một trong những đòn bẩy để tăng dư nợ tín dụng nhằm kích tổng cầu đó là nhu cầu vay vốn trung và dài hạn để đầu tư máy móc thiết bị. Tuy nhiên, lãi suất cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng đang cao trong khi doanh nghiệp cần nguồn vốn giá rẻ, ổn định. Việc này nếu để các ngân hàng tự làm thì không nỗi, phải có chính sách hỗ trợ từ phía ngân sách. Đây là dạng đầu tư nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai”, ông Ngân bình luận.


Ông bình luận gì về chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng chỉ ở mức 2,6%? Liệu nền kinh tế có nguy cơ bị giảm phát không?
Đây là mức thấp nhưng chưa bị rơi vào thiểu phát do lạm phát vẫn ở 2,6%. Nền kinh tế chỉ rơi vào thiểu phát khi lạm phát âm cả năm. Nếu không có sự điều chỉnh ở chỗ về chỉ số ở lĩnh vực y tế và giáo dục thì còn thấp nữa. Mức thấp này có hai nguyên nhân.
Nguyên nhân khách quan, là do giá lương thực, thực phẩm và dầu thô thế giới giảm. Cả thế giới hiện nay đang lo lắng về giá dầu hỏa đang đi xuống. thông thường giá dầu đi xuống thể hiện 2 yếu tố: 
Thứ nhất, nền kinh tế thế giới đang tiếp tục khó khăn, tổng cầu của nền kinh tế yếu đi;
Thứ hai, khai thác về dầu hỏa nhiều, cho nên hiệp hội dầu hỏa các nước đang ngồi lại với nhau để cân nhắc là có thể tiếp tục tăng nguồn cung sản phẩm nữa hay không hay giảm nguồn cung sản phẩm đó.
Nguyên nhân chủ quan là do trong nước thời gian qua đã ưu tiên cho giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cho nên chính sách rất thận trọng. Chính sách này đã cộng hưởng với những yếu tố từ bên ngoài cho nên chỉ số giá tiêu dùng đi xuống.
Vấn đề của chúng ta hiện nay là làm sao tận dụng cơ hội này, cơ hội chỉ số giá đang thấp để nới lỏng chính sách tài khóa cũng như tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng phải kiểm soát. Bởi thông thường lạm phát mà thấp quá thường hàm chứa yếu tố sẽ tăng trong tương lai. Cho nên chính sách tiền tệ cần nới lỏng trong thời gian tới nhưng có kiểm soát.
Tôi nghĩ chính sách lãi suất cần phải tiếp tục được điều chỉnh trong thời gian tới để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Hoặc chúng ta nên có gói hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp mua máy móc thiết bị để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Có gói hỗ trợ như vậy thì sẽ tăng nguồn cung tiền trên thị trường và tạo lập mặt bằng giá mới ở mức chúng ta có thể kiểm soát được. như vậy sẽ thúc đẩy được tăng trưởng trong thời gian tới.
Vì sao lại cần có một gói hỗ trợ như vậy cho doanh nghiệp? Và đối tượng nào sẽ được chọn để đầu tư?
Doanh nghiệp không liều vay vốn trung và dài hạn với lãi suất thả nổi trên thị trường. Do vậy chúng ta phải tạo lập niềm tin cho doanh nghiệp, ổn định thị trường. Niềm tin đó phải được ổn định, lâu dài và Chính phủ phải tăng niềm tin cho doanh nghiệp bằng cách hỗ trợ lãi suất nếu lãi suất vượt quá một mức nào đó.
Bởi vậy, Chính phủ nên có một gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vay lãi suất thấp để đầu tư may móc thiết bị, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tất nhiên, với gói lãi suất ưu đãi này, chúng ta sẽ chọn những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có nhu cầu đổi mới máy móc thiết bị. Tuy nhiên, cần phải có đội ngũ tư vấn để tránh doanh nghiệp mua máy móc thiết bị giá rẻ của Trung Quốc và phải phụ thuộc vào đội ngũ chuyên gia và nguyên liệu của họ.
Ông có thể nói rõ hơn giải pháp về hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn cho doanh nghiệp để họ tin tưởng đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh?
Hiện nay doanh nghiệp rất mong muốn có một nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất ổn định ở mức thấp. Ví dụ khoảng 5% và xoay trong vòng 5 năm để đầu tư may móc thiết bị nhưng phải giữ ổn định mức lãi suất đó trong khoảng thời gian vay.
Nhưng lãi suất 5% thì ngân hàng thương mại không thể đáp ứng được, bởi họ có yếu tố kinh doanh nên lãi suất phải thả nổi theo thị trường. Nếu thả nổi theo tín hiệu thị trường thì doanh nghiệp rất lo ngại, sợ 1 – 2 năm nữa lạm phát quay trở lại, lãi suất lại tăng lên như năm 2008 – 2009. Như vậy, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn và sợ sẽ bị phá sản nữa.
Do vậy, chúng ta phải có nguồn vốn để hỗ trợ cho doanh nghiệp đảm bảo sự ổn định của lãi suất. Về mặt chênh lệch lãi suất thì sẽ dùng bằng ngân sách nhà nước. còn nguồn gốc thì từ ngân hàng Nhà nước bơm cho ngân hàng thương mại.
Nhưng ngân sách lấy đâu ra tiền để hỗ trợ khoản chênh lệch lãi suất này?
Đây là khoản đầu tư chứ không phải khoản hỗ trợ đơn giản. Bởi đầu tư cho doanh nghiệp để họ hoạt động trở lại, mở rộng sản xuất kinh doanh thì Chính phủ sẽ thu về ngân sách trong tương lai. Đây là khoản đầu tư cho phát triển rất hiệu quả.
Ngoài giải pháp kích thích nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp, Chính phủ còn giải pháp nào để kích thích tăng trưởng của nền kinh tế?
Còn có giải pháp tăng lương. Vừa rồi Quốc hội biểu quyết tăng lương 8%, điều đó cũng hỗ trợ cho việc tăng tổng cầu.
Hiện nay Chính phủ vẫn còn một khoản nợ công của đầu tư công trong những năm qua. Nếu Chính phủ thanh toán cho doanh nghiệp thì cũng có thể kích thích được tổng cầu của kinh tế?
Làm gì có nguồn để trả. Vấn đề nợ công đó do ai gây ra còn chưa minh bạch. Bây giờ những khoản chi nào nằm trong khoản chi ngân sách nhà nước cũng đã có danh mục hết rồi, Chính phủ đâu còn nguồn tiền?
Trong ngân sách nhà nước còn có nguồn tiền từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, nguồn tiền thu được từ phát hành trái phiếu Chính phủ cũng đã có danh mục. Ngân sách nhà nước thì đã thông qua dự toán. Còn những khoản nằm ngoài danh mục đó thì tôi không biết.
Theo ông, mức lạm phát năm này ở mức thấp nhưng khoảng bao nhiêu và liệu còn dư địa để giảm tiếp lãi suất hay không?
Tôi nghĩ lạm phát năm nay khoảng 4%. Với mức này, thì lãi suất sẽ khó giảm sâu. Thực tế, lãi suất đã giảm hết cỡ rồi. Mức lãi suất của các ngân hàng đã ở mức thấp rồi.
Dĩ nhiên lãi suất huy động và cho vay sẽ giảm nữa nhưng khả năng giảm sâu thì khó. Hơn nữa, Chính phủ còn phải theo dõi vấn đề lạm phát. Năm nay 4%, nhưng năm sau là bao nhiêu? Nếu lạm phát giữ ở mức ổn định là 4 – 5% hoặc ở mức bình quân của các nước phát triển khoảng 2% thì ta có thể mạnh dạn điều chỉnh giảm lãi suất cho vay thêm nữa.
Còn hiện nay lạm phát của chúng ta chưa ổn định, tính chắc chắn chưa có nên chưa ai đưa được con số chắc chắn cho năm sau.
TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, cho rằng Ngân hàng Nhà nước đang có tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc tăng hạn mức cho vay trung và dài hạn bằng nguồn vốn ngắn hạn lên từ 30% lên 60%. Như vậy, lãi suất cho vay trung và dài hạn sẽ giảm xuống trong một vài tháng tới. Trong thời điểm hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn. 
TRẦN GIANG
http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/nen-kinh-te-dang-co-dau-hieu-giam-phat-603365.html
Giá xăng dầu hạ đẩy CPI của cả nước tháng 11 giảm mạnh
Giá xăng dầu hạ đẩy CPI của cả nước tháng 11 giảm mạnh
Chỉ số giá tiêu dùng các tháng.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 năm 2014 đã giảm 0,27% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 2,6% so với cùng tháng năm trước và tăng 2,08% so với tháng 12 năm trước.

Năm nay, kinh tế thế giới đã có những dấu hiệu tích cực nhưng những ảnh hưởng của giá lương thực, dầu mỏ thế giới vẫn ảnh hưởng rõ nét đến giá cả trong nước.

Giá dầu thế giới liên tục giảm mạnh đã tác động mạnh mẽ đến CPI trong nước thông qua các mặt hàng trực tiếp là xăng, dầu các loại và gas dùng trong sinh hoạt.

Do ảnh hưởng của giá xăng dầu nhập khẩu, giá xăng dầu các loại bán lẻ trong nước đã giảm lần thứ 9 liên tiếp đã đẩy chỉ số giá nhóm giao thông giảm 2,75% so với tháng trước. Trong khi đó, giá cước vận chuyển hành khách bằng xe khách và taxi vẫn không thay đổi so với tháng trước.

Ảnh hưởng của thị trường thế giới cũng phần nào phản ánh qua diễn biến của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống khi đã giảm 0,03% trong đó lương thực tăng 0,12%, thực phẩm giảm 0,1% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,03%.

Tương tự diễn biến dao động trong phạm vi hẹp của các tháng gần đây, giá lương thực tiếp tục tăng nhẹ nhờ vào các tín hiệu từ thị trường thế giới trong khi nguồn cung và nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn ổn định.

Đối với các mặt hàng thực phẩm, với xu hướng giảm từ các tháng trước, tháng này, việc giá xăng dầu tiếp tục giảm khiến hạ chi phí vận chuyển nên giá các mặt hàng thực phẩm tiếp tục giảm giá đặc biệt là các mặt hàng thịt lợn, thịt bò, thịt bò các loại...

Chỉ số giá nhóm hàng nhà ở, vật liệu xây dựng, điện, nước và chất đốt tiếp tục giảm tháng thứ 4 liên tiếp ở mức giảm 0,74% so với tháng trước với cùng một nguyên nhân đến từ là giá gas bán lẻ. Giá gas nhập khẩu đang giảm theo đà của giá dầu thô khoảng 145 USD/ tấn so với tháng 10 là điều kiện thuận lợi để giá gas bán lẻ trong nước giảm theo.

Ở phía còn lại, nhóm các mặt hàng tăng giá, đáng chú ý là nhóm may mặc, giầy dép tăng 0,34% do giá các mặt hàng mùa đông có tăng nhẹ. Các nhóm hàng khác dao động nhẹ.

Hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào chỉ số giá là vàng và đô la Mỹ tiếp tục diễn biến trái chiều khi lần lượt đạt các mức giảm 1,49% và tăng 0,23% so với tháng trước.

http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/gia-xang-dau-ha-day-cpi-cua-ca-nuoc-thang-11-giam-manh-598441.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét