Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Thụy Sĩ và quan hệ đối tác với Việt Nam

LIÊN BANG THỤY SỸ

I. KHÁI QUÁT CHUNG:
1. Tên nước: Liên bang Thụy Sỹ (The Confederation of Switzerland);
2. Thủ đô: Bern (Bơn);
3. Ngày Quốc khánh: Ngày 01 tháng 8;

4. Vị trí địa lý: Nằm ở Trung Âu (Phía Bắc giáp Đức, Nam giáp Ý, Tây giáp Pháp, Đông giáp Áo và Lích-ten-xờ-ten);
5. Diện tích: 41.290 km2;
6. Khí hậu: Ôn đới, nhiệt độ trung bình 12oC;
7. Dân số: 7,9 triệu người;
8. Dân tộc: Do hoàn cảnh lịch sử, Thụy Sĩ có 4 cộng đồng dân tộc chính: Cộng đồng nói tiếng Đức chiếm 2/3 dân số, sống ở miền Đông (vùng Luzern, Zurich, Basel …), giáp Đức và Áo. Cộng đồng nói tiếng Pháp chiếm 1/3 dân số, sống chủ yếu ở phía Tây Thụy Sĩ (vùng Lausanne và Genève), giáp biên giới Pháp. Khoảng 10% dân số nói tiếng Ý và số còn lại khoảng 7% dân số nói tiếng Roman, sống tại miền Nam giáp Ý.
9. Ngôn ngữ: Tiếng Đức (63,7 %); tiếng Pháp (20,4 %); tiếng Ý (6,5 %); các ngôn ngữ khác (9,4 %).
10. Tôn giáo: Thiên chúa giáo La mã (42 %); Tin lành (35 %); Đạo Hồi (4%);
11. Đơn vị tiền tệ: Francs; (tỷ giá ngày 05/04/2012 so với USD: 1 Frans ≈ 1,09158 USD)
12. GDP: 330 tỷ USD (2011)
13. Thể chế: Thụy Sĩ theo chế độ cộng hòa với mô hình nhà nước liên bang.
- Cơ quan lập pháp: Quốc hội Thụy Sĩ theo chế độ lưỡng viện, gồm Hội đồng Nhà nước (council of states) tương đương Thượng viện và Hội đồng quốc gia (national council) tương đương Hạ viện.
Cơ quan hành pháp: Cơ quan hành pháp của Thụy Sĩ là Hội đồng Liên bang (federal council) với chức năng như Chính phủ, có nhiệm kỳ 4 năm.
II. QUAN HỆ  VỚI VIỆT NAM:
1. QUAN HỆ CHÍNH TRỊ:
Ngày 11/10/1971, Việt Nam Dân chủ cộng hoà và Liên bang Thụy Sĩ thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ. Tháng 2/1973, Thụy Sĩ mở Đại sứ quán tại Hà Nội và tháng 3/1994 mở Lãnh sự quán tại TP. Hồ Chí Minh.
Ngày 3/7/1984, Việt Nam mở Lãnh sự quán tại Giơ-ne-vơ và nâng cấp lên Tổng lãnh sự quán vào ngày 15/12/1994. Ngày 28/1/2000, Việt Nam chính thức khai trương Đại sứ quán tại thủ đô Bern.
Trao đổi đoàn cấp cao:
Các đoàn cấp cao Thụy Sĩ thăm Việt Nam: Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Flavio Cotti (tháng 11/1997); Tổng thống Arnold Koller dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 tại Hà Nội (tháng 11/1997); Chủ tịch Thượng viện René Rhinow (tháng 3/1999); Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Pascal Couchepin (tháng 10/2002); Tổng thống Thụy Sĩ Pascal Couchepin thăm chính thức Việt Nam (tháng 8/2008).
Các đoàn cấp cao Việt Nam thăm Thụy Sĩ: Phó Thủ t­ướng Vũ Khoan dự Hội nghị hợp tác phát triển với chủ đề "Việt Nam - một con rồng mới ở Châu Á” (tháng 8/2003); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (tháng 3/2005); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự WEF tại Davos (tháng 1/2007); Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được (tháng 5/2007); Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (tháng 6/2007); Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (tháng 9/2008); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân (tháng 2/2009); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự WEF tại Davos (tháng 1/2009); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (tháng 5/2010); Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự WEF tại Davos (tháng 1/2011); Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm Thụy Sĩ (tháng 9/2011).
2. QUAN HỆ HỢP TÁC KINH TẾ:
a. Về thương mại:
Việt Nam tiếp tục được hưởng các quy chế ưu đãi về thương mại của Thụy Sĩ, như Quy chế tối huệ quốc (MFN) theo Hiệp định thương mại song phương (1994) và Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) theo quyết định đơn phương của Thụy Sĩ từ năm 1972 dành cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Các mặt hàng Việt Nam thường xuất sang Thụy Sĩ là giày dép (chiếm khoảng 25%), hải sản (24,25 %), cà phê, dệt may, sản phẩm túi xách, ô dù và đồ dùng nội thất. Trong số các sản phẩm xuất khẩu có kim ngạch lớn, chỉ có giày dép, cà phê, hải sản có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm trước, các mặt hàng còn lại giảm đáng kể. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Sĩ tuy đã bắt đầu trải rộng (trên 300 mặt hàng), nhưng kim ngạch vẫn tập trung chủ yếu vào những mặt hàng quen thuộc kể trên.
Việt Nam nhập khẩu từ Thụy Sĩ các mặt hàng như kim loại quý, máy móc thiết bị, phụ tùng, hóa chất, tân dược, sản phẩm và nguyên liệu chất dẻo phục vụ cho sản xuất và gia công hàng hóa trong nước.
Thụy Sĩ là thị trường cao cấp “khó tính” nên đòi hỏi chất lượng sản phẩm nhập khẩu rất cao. Ngoài ra, xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông sản, vào Thụy Sĩ còn phải chịu chế độ cấp phép rất chặt chẽ nhằm đảm bảo yêu cầu về sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là một rào cản thương mại lớn đối với hàng hóa chất lượng vừa và thấp của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Thụy Sĩ những năm gần đây đã có những bước phát triển vượt bậc, nhất là kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo số liệu báo cáo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Thụy Sĩ năm 2011 đạt 2,959 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt giá trị 1,188 tỷ USD.
Năm
2007
2008
2009
2010
2011
VN xuất
236.885
516.877
2.486.493
2.651.988
1.188.502
VN nhập
1.016.168
1.890.031
406.582
1.006.631
1.771.010
Kim ngạch XNK
1.253.053
2.406.908
2.893.075
3.658.619
2.959.512
(Đơn vị 1.000 USD – nguồn Tổng Cục Hải quan)
b. Về đầu tư:
Năm 2011, với 86 dự án đang hoạt động có số vốn đăng ký là 1,993 tỷ USD, Thụy Sĩ đứng thứ 19 trong tổng số 93 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Đầu tư của Thụy Sĩ chủ yếu tập trung vào các ngành xây dựng, văn hóa, y tế, giáo dục, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ du lịch. Hiện có khoảng 90 doanh nghiệp Thụy Sĩ đang hoạt động ở Việt Nam, đầu tư của Thụy Sĩ có mặt tại 12 địa phương. Đa số các nhà đầu tư Thụy Sĩ lựa chọn hình thức công ty 100% vốn nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam. Trong số các tập đoàn lớn của Thụy Sĩ đầu tư tại Việt Nam, có thể kể đến Nestlé (thực phẩm, đồ uống), Novatis/Ciba - Sandoz (hóa dược), Roche (dược phẩm), Holcim (xi măng), ABB (thiết bị điện, xây dựng trạm biến thế), Sulzer (cơ khí, thiết bị điện), SGS (giám định), Escatec (thiết bị điện tử), Ringier (in ấn), André/ CIE (thương mại) v.v..
3. HỢP TÁC PHÁT TRIỂN:
Việt Nam là một trong 8 nước tiếp tục được Thụy Sĩ ưu tiên dành viện trợ phát triển. Viện trợ phát triển của Thụy Sĩ dành cho Việt Nam được cung cấp từ hai nguồn chính:
Cơ quan Hợp tác Phát triển (SDC), thuộc Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, phụ trách và cấp vốn cho các dự án sử dụng viện trợ không hoàn lại thuộc các lĩnh vực bảo vệ môi trường, cải cách hành chính, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, giáo dục... Các dự án tiêu biểu gồm: Dự án Quản lý chất thải nguy hại tại Nam Định giai đoạn 2 từ 2007 – 2009 (1,25 triệu USD); Chương trình không khí sạch Việt Nam - Thụy Sĩ từ 2005 – 2008 (3,5 triệu CHF); Dự án sản xuất gạch bền vững từ 2005 – 2008 (1,6 triệu CHF); Dự án cải cách hành chính tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2 từ 2007 – 2010 (3,2 triệu CHF); Dự án quản lý chất thải PCB từ 2007 – 2008 (0,6 triệu USD); Dự án thiết lập hệ thống đánh giá và giám sát phục vụ công tác quản lý ngành nông nghiệp – giai đoạn I từ 2006 – 2008 (1 triệu USD); Dự án hỗ trợ kinh doanh nông sản vùng cao từ 2008 – 2009 (0,5 triệu USD); Chương trình cải thiện cung cấp dịch vụ công trong nông nghiệp và phát triển nông thôn từ 2008 – 2010 (6,56 triệu USD) v.v..
Các dự án song phương hiện đang thực hiện gồm: 1) Giảm nghèo thông qua phát triển chăn nuôi-giai đoạn 3. Thời gian thực hiện 2011-2013. Tổng giá trị viện trợ 1,2 triệu EURO. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là chủ dự án; 2) Chương trình cải thiện cung cấp dịch vụ công trong nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình. Thời gian thực hiện 2011 – 2015. Tổng giá trị viện trợ là 5,47 triệu USD; 3) Chương trình cải thiện cung cấp dịch vụ công trong nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng. Thời gian thực hiện 2011 – 2015. Tổng giá trị viện trợ là 4,2 triệu USD.
Cục Hợp tác kinh tế (SECO) thuộc Bộ Kinh tế Liên bang chủ yếu quản lý các dự án cho lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng sử dụng nguồn vốn hỗn hợp (một nửa là vốn vay của các ngân hàng Thụy Sĩ và một nửa là viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Thụy Sĩ) và một số dự án kỹ thuật song phương và đa phương (thông qua các tổ chức Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc... ). Các dự án sử dụng vốn hỗn hợp do SECO quản lý với tổng vốn 32 triệu CHF, gồm: Nâng cấp hệ thống thông tin tín hiệu một số ga đường sắt Vinh – Sài Gòn (16 triệu CHF); Nâng cấp hệ thống nước thải và xử lý nước thải cho thị xã Bà Rịa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (10 triệu CHF); Nâng cấp bệnh viện huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá và Bệnh viện huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Cạn (6 triệu CHF). Các dự án sử dụng vốn không hoàn lại do SECO quản lý gồm: Xây dựng năng lực thể chế và hỗ trợ kỹ thuật cho ngành ngân hàng từ 2007 – 2009 (4,86 triệu CHF); Dự án về sở hữu trí tuệ từ 2007 – 2009 (1,3 triệu CHF); Dự án tăng cường năng lực cho cơ quan cạnh tranh của Việt Nam thuộc Bộ Thương mại từ 2007 – 2009 (0,9 triệu CHF) v.v..
Cho đến nay tổng giá trị viện trợ phát triển Thụy Sĩ dành cho Việt Nam vào khoảng 360 triệu USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực môi trường, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát triển đô thị, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn. Năm 2011, Thụy Sĩ cam kết viện trợ cho Việt Nam 28,9 triệu USD, tăng 34,86 % so với năm 2010. Hiện nay, Cơ quan Hợp tác Phát triển của Thụy Sĩ đang xây dựng chiến lược viện trợ giai đoạn 2013 – 2016. Theo đó, Thụy Sĩ dự kiến sẽ tiếp tục viện trợ cho Việt Nam với mức độ như hiện nay đến năm 2016.
Năm 2012, Thụy Sĩ cam kết viện trợ cho Việt Nam 21,84 triệu USD, bằng 76% so với năm 2011.
(Cam kết ODA tại Hội nghị CG năm 2011)
Nhà tài trợ
2009
2010
2011
2012
So sánh 2012/2011 (%)

Thụy Sĩ
21,5
21,43
28,9
21,84
-24,43%
Đơn vị: triệu USD
Nhìn chung, các dự án ODA của Thụy Sĩ dành cho Việt Nam được đánh giá hiệu quả, thiết thực, đóng góp tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, cải thiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
4. GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO, VĂN HÓA – DU LỊCH, KHOA HỌC – KỸ THUẬT:
Về giáo dục - đào tạo: Thụy Sĩ nổi tiếng là trung tâm đào tạo có uy tín trong lĩnh vực ngân hàng, du lịch, bảo hiểm và công nghệ cao. Hiện nay có khoảng 150 thực tập sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại các trường đại học Thụy Sĩ. Thụy Sĩ tích cực giúp đỡ Việt Nam thông qua các dự án hỗ trợ giáo dục về môi trường, quản lý và các dự án đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ các chuyên ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh. Chương trình hợp tác liên kết đào tạo thạc sỹ tài chính ngân hàng đầu tiên giữa Trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh và Đại học Khoa học ứng dụng Tây Bắc Thụy Sĩ (bắt đầu từ 2007) đã gặt hái những thành công bước đầu. Các thỏa thuận đào tạo tiến sỹ Việt Nam đạt được giữa Trường Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh và Viện công nghệ Liên bang Thụy Sĩ Lausanne, giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Geneva trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pascal Couchepin vào tháng 8/2008 và chuyến thăm Thụy Sĩ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân vào tháng 2/2009 đã tạo đà quan trọng cho sự phát triển quan hệ hợp tác giáo dục đào tạo giữa hai nước trong thời gian qua. Hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục đào tạo trong chuyến thăm Thụy Sĩ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2010.
Về văn hóa - du lịch: Hai nước đã có nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa tại mỗi nước, như tổ chức hoà nhạc hữu nghị Việt Nam - Thụy Sĩ vào tháng 3/2007, mời nghệ sỹ cello của Thụy Sĩ sang giảng dạy và biểu diễn tại Việt Nam, phối hợp với nước sở tại tổ chức một số hoạt động giao lưu, giới thiệu văn hóa và biểu diễn văn nghệ truyền thống Việt Nam tại Thụy Sĩ. Số lượng khách du lịch Thụy Sĩ vào Việt Nam tương đối ổn định (2009: 19.000khách; 2010: 25.266 khách; 2011: khoảng 20.000 khách).
Về khoa học - kỹ thuật: Hai nước đã ký Hiệp định về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, triển khai Chương trình hợp tác đặc biệt Việt Nam - Thụy Sĩ về sở hữu trí tuệ (SPC) và Dự án hợp tác về sở hữu trí tuệ (SVIP).
5. CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM TẠI THỤY SĨ:
Theo số liệu của Cơ quan Di trú Liên bang Thụy Sĩ, số lượng Việt kiều hiện sinh sống tại Thụy Sĩ khoảng 8.000 người, có mặt ở hầu hết các bang, nhưng tập trung đông ở các thành phố lớn như Geneva, Zurich, Bern, Basel, Lausanne, Luzren và Fribourg. Nhìn chung, cộng đồng người Việt hoà nhập tốt với xã hội Thụy Sĩ, chăm chỉ và chấp hành tốt luật pháp, được chính quyền sở tại đánh giá cao.
6. CÁC HIỆP ĐỊNH ĐÃ KÝ GIỮA HAI NƯỚC:
- Hiệp định hợp tác bưu điện (1975)
- Hiệp định hợp tác vận tải hàng không (1979)
- Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (1992)
- Hiệp định hợp tác kinh tế - thương mại (1993)
- Hiệp định viện trợ tài chính hỗn hợp thứ I (1993)
- Hiệp định tránh đánh thuế song trùng và ngăn ngừa trốn lậu thuế (1996)
- Hiệp định bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (1999)
- Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi (2000);
- Hiệp định khung về hợp tác phát triển (2002)
- Hiệp định viện trợ tài chính hỗn hợp thứ II (2002)
- Hiệp định nhận trở lại người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp (2006)
- Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao (2009)
- Hiệp định về việc cho phép thân nhân cán bộ cơ quan đại diện được phép lao động có thu nhập tại nước sở tại (2010).
- Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (2011)
- Bản ghi nhớ hợp tác tăng cường năng lực phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô (2011)
- Bản ghi nhớ hợp tác về lao động và việc làm (2011)
(Nguồn: Bộ Ngoại giao cập nhật tháng 6/2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét