Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Vốn FDI giúp hồi phục kinh tế Việt Nam

Thanh Ngân chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Sophie Song, IBT
Đến năm 2008, Việt Nam đạt được tăng trưởng kinh tế lên đến 8% mỗi năm và được ca ngợi là một trong những “con hổ” kinh tế của Đông Nam Á. Nhưng theo dữ liệu từ Phòng Kinh tế Thương mại, chỉ số tăng trưởng đã bắt đầu suy yếu từ năm 2009.
Kể từ năm 2012 trở đi thì tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã liên tục giảm xuống dưới 6%. Nhưng có thể thấy rằng thời gian tồi tệ nhất đã qua đi và GDP trong chín tháng đầu năm 2013 đã tăng 5,14%. Nghiên cứu mới nhất hồi đầu tuần này của Standard Charter cho thấy chỉ số tăng trưởng này khá hơn so với đầu năm nay với 4,9%. Bản báo cáo mới dự đoán tăng trưởng sẽ ở khoảng 5,4% trong quý ba 2013.

Hầu hết sự phục hồi trong nền kinh tế được thúc đẩy bởi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bất chấp tăng trưởng vẫn còn trì trệ. Trong 10 tháng đầu năm nay, vốn đăng ký FDI tăng 95,8%, lên đến 13.1 tỷ USD trong khi vốn giải ngân FDI tăng 6,4% lên 9.6 tỷ USD, và Việt Nam đang trong vị trí tốt để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài trong những năm tới đây.

Standard Chartered đã thực hiện các cuộc khảo sát với số doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất ở Trung Quốc và họ đang tính toán di dời vốn đầu tư vào khu vực sông Mekong. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cho rằng chi phí lao động và vận hành ở Trung Quốc bắt đầu tăng cao cũng như việc thiếu hụt lực lượng lao động. Trong khi đó, Việt Nam đáp ứng được những nhu cầu này và thu hút các doanh nghiệp nước ngovìài với lực lượng lao động tại đây hiện lên đến khoảng 52 triệu người.

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cũng có các cơ sở hạ tầng tương đối hiện đại và hiệu quả. Chỉ số Chất lượng Hậu cần (Logistics Performance Index) của Việt Nam hiện xếp hạng thứ 53 trong tổng số 155 quốc gia.

Việt Nam có nguồn cung cấp điện tương đối ổn định với mạng lưới điện bao gồm hơn 90 phần trăm diện tích đất đai, một lợi thế đáng kể so với các nước kém phát triển hơn ở Đông Nam Á như Miến Điện, nơi chỉ có 30 phần trăm dân số có thể tiếp cận và sử dụng được nguồn điện.

Bản báo cáo của Standard Chartered cho biết xuất khẩu của Việt Nam đã tăng khoảng 17% trong 10 tháng đầu năm 2013 mặc dù nhu cầu bên ngoài vẫn còn kém. Điều đáng lưu ý hơn là Việt Nam đang bắt đầu di chuyển từ truyền thống sản phẩm cấp thấp sang thiết bị điện tử cao cấp hơn, trong đó hàng dệt may đã vượt lên để trở thành hàng xuất khẩu đứng đầu. Điều này không gây nhiều ngạc nhiên khi trong 10 tháng đầu tiên trong năm 2013 có đến 70% vốn FDI đăng ký dành riêng cho lĩnh vực sản xuất.

Vấn đề cơ cấu trong lĩnh vực ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và bất động sản có thể cản trở tăng trưởng trong thời gian ngắn hạn, và tăng trưởng gần mức 8% như hồi năm 2008 tất nhiên không thể sớm xảy ra.

© 2013 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info

http://phiatruoc.info/von-dau-tu-nuoc-ngoai-giup-hoi-phuc-kinh-te-viet-nam/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét